Kết thúc buồn của "chàng 80 tuổi, nàng 72 tuổi" quen qua mạng, từng gây sốt

Hơn hai tuần trôi qua kể từ khi ông Phùng Nghinh qua đời, bà Ái Yến vẫn sống trong nỗi nhớ khôn nguôi bởi mỗi góc nhà, mỗi món đồ trong căn nhà tại quận 5 (TPHCM) đều mang dấu ấn của người bạn đời.

Báo Dân trí ngày 22/11 đưa thông tin với tiêu đề: "Kết thúc buồn của "chàng 80 tuổi, nàng 72 tuổi" quen qua mạng, từng gây sốt" cùng nội dung như sau: 

Ông Vũ Phùng Nghinh (80 tuổi) và bà Lê Thị Ái Yến (72 tuổi) ở quận 5, TPHCM, là nhân vật trong câu chuyện "Chuyện tình chàng 80 - nàng 72: Làm quen qua mạng ngỡ tưởng một cú lừa hóa ra lại là chân ái" từng xuất hiện trên VTV, nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, sau khi phóng sự này được đăng tải không lâu, cụ ông trong câu chuyện qua đời trên giường bệnh, để lại câu chuyện tình đẹp dang dở ở tuổi xế chiều.

Gặp vợ ở tuổi xế chiều như "trúng độc đắc"

Trước khi gặp bà Yến, ông Nghinh đã góa vợ 10 năm, còn bà lại từng trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ. Cuộc đời đưa đẩy, hai con người từng chịu nhiều tổn thương lại tìm thấy nhau ở tuổi xế chiều, nhờ tìm kiếm niềm vui qua... mạng xã hội.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên để lại chút thất vọng khi bà Yến thấy ông Nghinh không giống trên ảnh nhưng cái bắt tay chân thành của ông đã khiến suy nghĩ của bà thay đổi.

"Trời hôm ấy mưa lớn, tôi không nỡ để anh đội mưa đưa về, nên quyết định ở lại nhà ông. Cả đêm hai chúng tôi trò chuyện và nhận ra hai người còn là đồng nghiệp cũ, cùng dạy môn Toán. Tôi nghĩ, đây là duyên trời định", bà kể lại.

Bà Yến cho biết khi nhìn thấy hình ảnh ông Nghinh cầm micro hát, bà bị thu hút. Còn với ông Nghinh, ông cảm mến người bạn đời khi thấy bà cầm vợt bóng bàn. Sự đồng điệu trong đam mê ca hát và thể thao đã nối hai trái tim lại gần nhau.

Chỉ sau vài lần gặp gỡ, bà thẳng thắn đề nghị kết hôn, ông Nghinh đồng ý ngay. Hai tuần sau, họ chính thức trở thành vợ chồng.

Suốt gần 4 năm bên nhau, ông bà như đôi chim non không rời, khiến nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Họ cùng chơi bóng bàn, tập hát, tham gia nhiều hoạt động văn nghệ tại các câu lạc bộ người cao tuổi ở địa phương. Ông Nghinh tự hào gọi vợ là "giải độc đắc" của đời mình.

Thế nhưng, niềm vui ấy không kéo dài mãi. Căn bệnh tuổi già đã đưa ông Nghinh đi xa, còn bà Yến vẫn chưa quen những tháng ngày đơn độc.

Nỗi ám ảnh còn lại

"Ám ảnh lắm. Thật sự ám ảnh", bà Yến lặp lại câu nói ấy nhiều lần trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, như thể đó là cách duy nhất để bà diễn tả cảm xúc của mình.

40 ngày ông Nghinh nằm viện, bà Yến vẫn luôn cận kề chăm sóc cho ông cho đến lúc ông qua đời.

"May mắn là giây phút cuối cùng, tôi vẫn ở bên anh ấy. Chỉ còn 3 phút nữa là hết giờ thăm bệnh thì anh ra đi lúc 15h57. Anh ấy ra đi nhẹ nhàng và thanh thản lắm. Anh vẫn nói sống được tới chừng này là đã toại nguyện lắm rồi", bà nghẹn ngào kể.

Khi ông Nghinh về với đất, ngôi nhà từng đầy ắp tiếng cười của hai người bỗng trở nên lạnh lẽo hơn với bà Yến. Bà kể: "Ở nhà tôi vẫn treo hình chụp cùng anh. Nhìn ảnh thì không sao, nhưng cứ nhìn đến những đồ vật anh ấy từng làm là tôi không chịu nổi.

Cái giường anh tự đóng, tôi bảo mua cái mới, anh cũng không cho, bảo làm vậy cho đặc biệt. Mười mấy năm tôi ở đây có sơn sửa gì đâu, nhưng anh về thì lại bảo: "Để anh sơn lại cái nhà cho sáng sủa đi em". Nhìn những bức tường, tôi lại cảm giác như anh vẫn đang đứng đấy, trèo thang, tỉ mẩn sơn từng chút cho tổ ấm của chúng tôi. Anh ấy chịu khó lắm".

Nhắc đến những ngày tháng bên nhau, bà Yến không giấu được niềm hạnh phúc khi nhớ về cách ông Nghinh chăm sóc bà. "Chúng tôi sống hạnh phúc lắm, lúc nào cũng có nhau. Mỗi tối hai vợ chồng hay nằm bên nhau tập hát, sợ quên lời. Tôi quen được chồng chiều chuộng, nên giờ khi ông không còn, tôi thấy hụt hẫng vô cùng", bà bộc bạch.

Những ngày đầu sau tang lễ, bà Yến cho biết không dám ở nhà một mình, phải có con cháu sang ở cùng. Bà nói: "Tuổi già, tôi và anh ấy chỉ cần ghé lưng vào nhau đã thấy ấm áp. Bây giờ, nằm một mình, cảm giác trống trải không chịu nổi".

Hơn hai tuần trôi qua, nỗi đau vẫn còn đọng lại, như chính những kỷ niệm đẹp suốt hơn 4 năm chung sống đang quấn lấy trái tim bà. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ vắng bóng người bạn đời, bà Yến chọn cách mạnh mẽ đối diện với cuộc sống mới khi không còn "một nửa" bên cạnh.

Trước đó, báo Đời sống Pháp luật ngày 11/07 cũng có bài đăng với thông tin: "Cụ ông 80 tuổi ở TP.HCM tán đổ cụ bà qua mạng, hẹn hò được 2 tuần đã dẫn nhau "lên phường"". Nội dung được báo đưa như sau:

Tái hôn ở tuổi U80, gặp bà đời như "trúng số"

Ông Vũ Phùng Nghinh (80 tuổi, ở quận 12, TP.HCM) và bà Lê Thị Ái Yến (70 tuổi, ở quận 5, TP.HCM) quen nhau qua mạng xã hội. Vợ của ông Nghinh mất từ năm 2014, còn bà Yến đã trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Cách đây 4 năm, trong một lần lướt qua mục ghép đôi trên mạng, bà Yến vô tình nhìn thấy tài khoản của ông Nghinh. Bà rất ấn tượng với tấm ảnh đại diện chụp ông đang cầm mic hát.

Thế nhưng khi nhìn thấy phần tiểu sử ghi năm sinh, bà chột dạ: "Người ta đã 76 tuổi, già quá, không quan tâm".

Nhưng tìm mãi không thấy ai cùng niềm đam mê hát với mình, bà lại thay đổi suy nghĩ: "Thôi cứ kết bạn xem sao". Vậy là bà chủ động nhắn tin bắt chuyện với ông: "Em cũng yêu văn nghệ như anh".

Một ngày sau, ông Nghinh mới trả lời. Thấy ảnh đại diện bà Yến để hình đang chơi bóng bàn, ông thấy hứng thú, lập tức nhắn tin hỏi nhà bà ở đâu, hay đánh bóng bàn ở khu vực nào, số điện thoại ra sao.

Biết tìm được người chung cả đam mê ca hát lẫn thể thao, bà Yến hào hứng rủ: "Ngày 10,11/9 này em thi đấu bóng bàn, anh đến động viên em được không?". Nhưng khi đó, ông Nghinh đang bận tập chương trình khác cho quận 12 nên không thể tham dự. Ông hẹn bà ngày 12/9, khi thi đấu xong sẽ gặp nhau.

Bà Yến nghĩ trong bụng: "Mình là phụ nữ, sao mình lại đến chỗ người ta trước? Đáng lẽ họ phải lên đây. Nhưng thôi, dẫu gì anh ấy cũng đã 76 tuổi, coi như người anh của mình. Nếu không thành đôi, thì thành anh em cũng quý, vì đều có chung đam mê hát và bóng bàn. Đàn em phải đến thăm đàn anh".

Giữ đúng lời giao hẹn, sáng 12/9, bà Yến bắt xe ôm lên thăm nhà ông Nghinh. Ông vui mừng, đứng sẵn ngoài cửa từ rất lâu để đợi bà.

Lần đầu gặp, bà thấy ông "già, xấu hơn trên ảnh". Vợ mất đã lâu, ông Nghinh ăn uống thất thường, đi nắng mưa nhiều nên bị cháy da. Nhưng bù lại ông rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Khi tiếp xúc, bà lại càng thấy ông tình cảm, ấm áp. Trong buổi hẹn hôm đó, hai ông bà đưa nhau đi đánh bóng bàn. Chơi được nửa tiếng, ông Nghinh tuyên bố với cả câu lạc bộ: "Tôi trúng Vietlot rồi" khiến bà Yến bất ngờ.

Ông giải thích, việc gặp được bà giống như trúng số là bởi tìm được người bạn đời có chung 2 niềm đam mê cực kỳ khó.

Hơn nữa ông sống một mình cô quạnh đã lâu, chịu cảnh uống thất thường, ngủ không giờ giấc, nay có bà đến bên cạnh, quả thực là may mắn.

Hẹn hò 2 tuần đã dẫn nhau "lên phường"

Ngày đầu tiên hẹn hò của ông bà diễn ra lãng mạn, suôn sẻ. Nhưng đến buổi tối trời bất ngờ đổ mưa to, bà Yến đành ở lại nhà ông. Lúc bấy giờ, hai ông bà mới có thời gian hàn huyên, tâm sự nhiều hơn về hoàn cảnh. Hỏi ra mới biết, ông và bà đều từng làm nhà giáo, cả 2 càng có nhiều điểm chung để nói chuyện với nhau hơn.

"Tôi ấn tượng khi xem Facebook ông, thấy ông hát bài "Ru mãi ngàn năm", ở dưới ông còn đăng cả tấm hình vợ. Tôi thấy ông là người tình cảm, rất thật. Hơn nữa lại không rượu chè, cờ bạc. Bản thân mình cũng đang cần người như vậy sưởi ấm nỗi cô đơn bao năm nay", bà Yến nói.

Xác định mối quan hệ nghiêm túc, bà Yến bày tỏ thẳng thắn: "Nếu anh đồng ý kết hôn, em sẽ ở lại với anh và làm vợ anh".

Thấy ông thắc mắc về chuyện có nhất thiết phải đi đăng ký, bà Yến gật đầu rồi tiếp lời: "Em không chỉ làm vợ anh mà còn làm dâu cả dòng họ. Vậy em phải có tiếng nói, có vị trí đứng trong dòng họ nhà anh. Ví dụ sắp tới giỗ chị cả, em lấy tư cách gì để làm giỗ cho chị?".

Sự chu đáo, hết lòng của bà khiến ông càng thêm cảm động. Tuy nhiên tình yêu của ông bà lại vấp phải rào cản đầu tiên. Ông Nghinh có 4 đứa con, cả 4 người con đều hoan nghênh ông có thêm người bạn vì thấy bố vất vả, cô quạnh tuổi già. Trái ngược, 2 con gái của bà Yến lại phản ứng dữ dội khi biết mẹ đi bước nữa.

"Các con tôi chưa bao giờ nghe thấy tên ông. Chúng nói ông tuổi đã cao, sợ mẹ vất vả, phải làm dâu. Hơn nữa liệu các con ông có chấp nhận thêm người mẹ nữa không?

Nhưng tôi bảo, có một điều các con không hiểu, đó là nỗi cô đơn của mẹ suốt bao năm qua. Ban ngày có thể đi văn nghệ, đi hát đi chơi nhưng đến chiều tối về lại lủi thủi một mình... Nhìn cảnh vợ chồng người ta con cái ấm cúng, lòng mình lạnh tanh...", bà Yến trải lòng.

Trước những tâm tư của mẹ, các con bà Yến dần dần thấu hiểu và ủng hộ. Khoảng 2 tuần sau ngày gặp mặt, ông Nghinh và bà Yến lên phường xin giấy xác nhận độc thân, sau đó đăng ký kết hôn.

"Những nơi hai vợ chồng đến xin giấy xác nhận, ai cũng đều rất ngạc nhiên. Làm xong thủ tục, mọi người đều chúc chúng tôi hạnh phúc", bà Yến cười.

Ông Nghinh sau đó cũng dọn về ở chung với bà. Do vừa đăng ký xong thì dịch Covid-19 bùng phát, hai vợ chồng bà không thể tổ chức đám cưới.

Suốt 4 năm qua, hai ông bà quấn quýt, thủ thỉ như cặp vợ chồng son. Bà nấu ăn, ông rửa bát, người này quét nhà, người kia lau nhà, tự giác phân chia công việc.

"Ông ít nói nhưng luôn quan tâm thầm lặng. Khi tôi đau, mệt là ông đều biết. Dịp Tết vừa qua, chân tôi bị vấp vào cửa, không may bị gãy gót. Ông đã hủy luôn vé đi Hà Nội, tham dự buổi họp mặt chúc thọ của các học sinh. Ông bảo không muốn đi, chỉ muốn ở nhà với tôi", bà Yến nói.

Hạnh phúc nở hoa ở tuổi 70 khiến bà ngày càng thêm thăng hoa, yêu đời, tin mình đã chọn đúng người bạn đời.