Sự thật gây vỡ mộng về những chiếc kiềng vàng cô dâu đeo ngày cưới
Đoạn clip hiện tại đang thu hút gần 5 triệu lượt xem bởi ai cũng ngỡ ngàng khi biết sự thật.
Báo Thanh Niên Việt ngày 21/11 đưa thông tin với tiêu đề: "Sự thật gây vỡ mộng về những chiếc kiềng vàng cô dâu đeo ngày cưới" cùng nội dung như sau:
Mỗi khi mùa cưới đến, điều được dân tình quan tâm và bàn luận nhiều vẫn luôn là của hồi môn mà gia đình trao cho cô dâu, chú rể. Choáng váng nhất là hình ảnh những cô dâu đeo vô vàn kiềng vàng trên cổ khiến ai nấy cũng đều bày tỏ: “Gánh nặng duy nhất đi lấy chồng mà ai cũng muốn gánh”.
Theo quan niệm, kiềng vàng được xem như một lời chúc, đại diện cho mong muốn bền chặt, hạnh phúc, viên mãn. Do đó, món quà cưới ý nghĩa này thường được gia đình chuẩn bị để dành tặng cho con gái khi đi lấy chồng. Ngoài ra, hình dáng tròn đầy, không có khuyết điểm của kiềng vàng cũng được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ.
Hơn nữa theo thông tục tặng quà hồi môn ở nhiều nơi, vô hình chung tạo ra một sự “so kè”, ai được nhận nhiều quà hơn, ai đeo nhiều kiềng hơn. Bởi nhìn vào loạt kiềng vàng đeo trĩu cổ, không ít người thầm ngưỡng mộ vì nghĩ rằng với kích thước lớn như vậy hẳn giá trị của nó rất cao.
Tuy nhiên mới đây, một tiệm kim hoàn đã đăng tải video “bóc trần” sự thật bên trong chiếc kiềng vàng cô dâu đeo ngày cưới khiến nhiều người ngỡ ngàng, “bật ngửa”. Theo đó, chiếc kiềng vàng lấp lánh thực chất bên trong làm bằng khảm, chỉ có lá vàng được làm rất mỏng bọc bên ngoài.
“Hồi xưa mình chưa bán vàng, thấy các cô dâu đeo mình cứ nghĩ chắc phải mấy cây vàng. Nhưng thực tế bây giờ chỉ cần 1 chỉ cũng đã làm được kiềng vàng rồi. Các thợ vàng sẽ cán, ép mỏng từng lá vàng rồi quấn lên, bên trong là một cái khảm. Chúng ta thấy cô dâu đeo rất to nhưng chỉ nhẹ vàng thôi, 2 chỉ, 3 chỉ, 5 chỉ hay 1 lượng thôi”, chủ tiệm vàng chia sẻ trong đoạn clip.
Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip đã thu hút gần 5 triệu lượt người xem. Bởi hầu hết, phản ứng chung của mọi người đều tỏ ra bất ngờ với sự thật bên trong chiếc kiềng vàng. Dân mạng cũng cho rằng đoạn clip đã “khai sáng” được thắc mắc bấy lâu nay. Hoá ra, chiếc kiềng không phải đặc vàng như nhiều người vẫn nghĩ. Hơn nữa, nếu “rỗng ruột” như vậy thì nếu khi bán đi, cũng sẽ hao khá nhiều so với lúc mua.
Một số bình luận của cộng đồng mạng:
- “Bình thường cứ thấy cô dâu đeo mấy chục cái kiềng, mình cũng tưởng đâu là mấy chục cây vàng luôn đó. Giờ mới biết sự thật”.
- “Hoá ra nó chỉ mảnh một lớp bao bên ngoài vậy thôi sao? Trời ơi chưa cưới nên cứ nghĩ nguyên cái kiềng đó là vàng không chứ”.
- “Bất ngờ nha, lần đầu biết đến. Nhưng mình vốn lại không thích đeo kiềng, cơ mà phải nói nếu cô dâu được đeo tặng nhiều trông cũng sang thật”.
- “Ngỡ ngàng, ngơ ngác, bật ngửa luôn. 1 chỉ cũng có được 1 chiếc kiềng vàng rồi. Mà không ngờ mỏng vậy luôn”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng thực chất, kiềng cũng chỉ là một dạng trang sức nên cũng không thể nhận xét việc đeo nhiều, đeo ít là “phông bạt”. Song, dân tình bày tỏ nếu gia đình có điều kiện, nên tặng tiền mặt hoặc dây chuyền, lắc,... cho các con. Bởi những món đồ này khi cần thiết, đem ra tiệm bán vẫn giữ được giá trị, không bị hao hụt nhiều.
Tiếp đến, báo Dân trí ngày 29/10 cũng có bài đăng với thông tin: "Bỏ gần 3 triệu đồng thuê 5 cây vàng để con trai đỡ tủi thân trong ngày cưới". Nội dung được báo đưa như sau:
"Thuê vàng cưới cũng chỉ đơn giản như thuê váy cưới"
"Vàng thật và vàng mỹ ký đều có giá thuê 400.000 đồng/sản phẩm/ngày. Song tiền đặt cọc sẽ khác nhau, vàng thật sẽ đắt hơn. Tiền đặt cọc sẽ được trao lại khi khách đem trả vàng sau ngày cưới", đó là những thông tin mà Vũ Minh Hương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được tư vấn sau khi gọi điện đến một cửa hàng cho thuê trang sức cưới ở quận Hoàng Mai.
Giá vàng liên tục tăng cao kể từ đầu tháng 10, xô đổ mọi kỷ lục khiến những người trẻ sắp cưới như Hương không khỏi lo lắng.
Sau khi bàn bạc cùng bạn trai, cả hai quyết định chỉ mua một cặp nhẫn cưới vàng 14K chưa đến 10 triệu đồng. Số vàng đeo và trao trong ngày cưới sẽ đi thuê. Hương không khó để tìm được các cửa hàng cho thuê vàng cưới ở Hà Nội.
Kết thúc phiên giao dịch tuần qua, vàng nhẫn trơn được niêm yết ở mức 87-88,5 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tại nhiều doanh nghiệp, giá vàng nhẫn được niêm yết sát 89 triệu đồng/lượng.
Trước đó, vàng nhẫn trơn giữ nhịp tăng liên tục trong 10 ngày. So với đầu năm, vàng nhẫn tăng 25 triệu đồng/lượng.
Dịp cuối năm lại là mùa cưới nên nhiều gia đình quyết định sẽ thuê vàng để đeo và tặng trong đám cưới.
Bà Nguyễn Thị Tâm (tên đã thay đổi, ở quận Cầu Giấy) cho biết, trong đám cưới con trai diễn ra vào đầu tháng 10, bà đã bỏ ra số tiền gần 3 triệu đồng thuê 1 bộ trang sức vàng để đeo và thực hiện nghi lễ trao vàng cho các con.
Bà Tâm kể, từ đầu năm, đã chuẩn bị một khoản tiền với dự định sẽ mua vàng cho đám cưới của con trai.
Tuy nhiên, giá vàng không hạ mà liên tục tăng khiến bà lo lắng. "Nếu đem mua vàng thì không mua được 2 cây. Nếu vừa để đeo, vừa muốn trao thì thực sự không bõ bèn", bà Tâm nói.
Một người bạn gợi ý bà nên dành tiền lo việc cưới xin, còn dư thì sau này cho con tiền mặt. Vàng chỉ nên thuê 4-5 cây vừa để đeo trang sức, vừa nhìn "có tấm có món" khi trao tặng.
Bà Tâm ban đầu ngần ngại nhưng rồi cũng đồng ý bởi suy nghĩ: "Thuê bộ trang sức cưới giống như thuê váy cưới. Ngày cưới, bản thân cũng cần diện, con dâu cũng phải được nhận vàng trước mặt quan khách".
Cuối cùng bà bỏ ra số tiền gần 3 triệu đồng thuê 2 chiếc kiềng vàng, 1 đôi hoa tai, 2 đôi nhẫn, 2 vòng tay...
Bà vừa không phải đau đầu suy nghĩ khi giá vàng "phát sốt" mà con trai cũng không bị tủi thân khi cưới vợ.
"Tất nhiên, tôi đã nói rõ về chuyện thuê vàng với các con trước ngày cưới", bà Tâm nói.
Tại TPHCM, dịch vụ cho thuê vàng cưới cũng diễn ra sôi động. Ông Phạm Duy Hiếu (Công ty TNHH thương mại vàng bạc đá quý Anh Phương) cho biết, lượng khách thuê vàng cưới tăng cao, bình quân khoảng 60 lượt khách/tháng.
Cửa hàng ông chuẩn bị khoảng 40 bộ vàng cưới và dành khu vực riêng để khách lựa chọn. Những khách mua nhẫn cưới sẽ được thuê trang sức cưới với giá ưu đãi.
Giá cho thuê được tính từ 900 nghìn đồng đến 2 triệu đồng một ngày (trả trước 12h ngày hôm sau).
Ông Hiếu cho biết mở dịch vụ cho thuê vàng cưới cách đây ít lâu. Khi thấy giá vàng tăng cao, nhiều khách đến cửa hàng chia sẻ không muốn mua vàng mà chỉ có nhu cầu thuê để sử dụng trong đám cưới. Từ đó, ông Hiếu mở dịch vụ này và được nhiều khách hàng ủng hộ.
Theo ông Hiếu, khách thuê chủ yếu là những người có điều kiện kinh tế bình thường, công nhân, nhân viên văn phòng... Mục đích thuê ngoài để đeo trong ngày cưới còn để trao cho cô dâu, chú rể nhằm mục đích "làm đẹp" trước quan khách và quay phim, chụp ảnh.
Vàng cưới là mặt hàng giá trị cao. Vì vậy, các cửa hàng cho thuê vàng cưới đều yêu cầu khách đặt cọc và làm hợp đồng chặt chẽ.
Để thuê được các bộ trang sức vàng cưới, khách thuê cần giao căn cước công dân, làm hợp đồng cho thuê và đặt cọc tiền mặt hoặc chuyển khoản tùy theo giá trị từng bộ trang sức.
Lựa chọn hợp lý khi giá vàng phát sốt hay cách sống "phông bạt"?
Trong nhiều đám cưới, vàng được xem là của hồi môn cha mẹ, anh chị, họ hàng hoặc bạn bè thân thiết sử dụng làm quà tặng để thể hiện tình cảm, thay lời chúc phúc cho các cặp đôi. Khi giá vàng tăng, nhiều gia đình vì thế cảm thấy áp lực, đi thuê vàng.
Có ý kiến cho rằng, khi cưới hỏi, tình cảm mới là quan trọng, không nên đi thuê vàng chỉ để khoe mẽ, điều này thể hiện lối sống "phông bạt", ưa hình thức. Tuy nhiên, cũng có người lại tỏ ra thông cảm, đồng tình bởi trong cuộc sống còn nhiều người khó khăn nhưng muốn có một đám cưới chỉn chu, trọn vẹn.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, Nhà nghiên cứu văn hóa - Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cho hay, ngày cưới là sự kiện trọng đại đánh dấu sự trưởng thành về mặt nhận thức, khát vọng, nhu cầu của từng cá nhân. Đây đồng thời là dịp để gia đình, cộng đồng thể hiện trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng hạnh phúc cho đôi trẻ.
Việc cha mẹ, anh chị… tặng vàng, tặng quà cho con em mình là một việc làm đáng trân trọng. Hành động này nhằm chia sẻ niềm vui, thể hiện sự đồng thuận chúc phúc, hỗ trợ về mặt tài chính để các con có khởi đầu thuận lợi, phát triển xây dựng cuộc sống no đủ, ấm áp và hạnh phúc.
"Tuy nhiên, hành động này sẽ mất đi ý nghĩa tốt đẹp khi có người vì áp lực quá nặng nề mà buộc phải chạy theo dư luận xã hội, theo trào lưu, xoay xở vàng bằng mọi cách để đem trao tặng.
Thấy nhà người khác tặng con 5-10 cây vàng mình cũng cố tặng 5-7 cây. Đó là sự ganh đua, phù phiếm. Có những gia đình vay mượn tiền để mua đủ số vàng cho con trong ngày cưới. Có người thậm chí thuê vàng thật hoặc vàng mỹ ký để trang điểm hoặc trao tặng", Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng nói.
Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", mọi điều phải bắt đầu từ thực tế thay vì vẻ bề ngoài.
Việc thuê vàng trao tặng sẽ khiến các con có cảm giác phải bỏ tiền mua sự hạnh phúc. Cha mẹ không nên tạo ra ảo giác cho các con của mình. Con cái bước vào một đám cưới xa hoa lộng lẫy nhưng sau đó lại phải đối mặt với những suy tư về tài chính.
"Các gia đình không nên chạy đua theo xã hội, không nhất thiết phải thuê vàng, mua vàng bằng mọi cách. Cha mẹ cho các con tình cảm, sự chăm sóc thực sự, cho các con điểm tựa về mặt tinh thần là đáng quý và giá trị hơn bất cứ vật chất nào", bà nhấn mạnh.