5 trường hợp được rẽ phải khi đèn đỏ mà không bị phạt
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, hành vi vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt 18-20 triệu đồng với ô tô và mức phạt 4-6 triệu đồng với xe máy.
Báo Dân trí ngày 08/01 đưa thông tin với tiêu đề: "5 trường hợp được rẽ phải khi đèn đỏ mà không bị phạt" cùng nội dung như sau:
Theo luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định về Chấp hành báo hiệu đường bộ.
Cụ thể, Điều 11 quy định người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên như sau: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; Tín hiệu đèn giao thông; Biển báo hiệu đường bộ; Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H; Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
Cũng theo luật sư Linh, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tín hiệu đèn giao thông màu đỏ là cấm đi. Do đó, người tham gia giao thông không được đi bất cứ hướng nào khi gặp đèn đỏ, trừ một số trường hợp sau:
Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông về việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ; Có đèn tín hiệu hình mũi tên/hình xe mô tô cho phép rẽ phải và đang chuyển màu xanh; Có biển báo phụ cho phép rẽ phải khi đèn đỏ; Có vạch mắt võng trên mặt đường; Có tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn giao thông.
Nếu người tham gia giao thông rẽ phải khi đèn đỏ nhưng không thuộc 5 trường hợp trên, tài xế sẽ bị xử phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ).
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, hành vi trên sẽ bị xử phạt 18-20 triệu đồng với ô tô và 4-6 triệu đồng với xe máy.
Trước đó, báo VnExpress ngày 31/12 cũng có bài đăng với thông tin: "Xe máy rẽ phải khi đèn đỏ sẽ bị phạt thế nào từ hôm nay?". Nội dung được báo đưa như sau:
Luật sư tư vấn:
Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), tín hiệu đèn giao thông màu đỏ là cấm đi. Như vậy, người tham gia giao thông khi gặp đèn đỏ không được rẽ phải; trừ trường hợp những nơi có biển báo phụ cho phép được rẽ phải.
Đối với trường hợp người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu gặp tín hiệu đèn giao thông là đỏ mà rẽ phải trái phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 7 và điểm b khoản 13 Nghị định 168/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/1/2025).
Cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), lỗi này bị phạt tiền từ 800.000 đến một triệu đồng.
Căn cứ khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), mức tiền phạt cụ thể đối với lỗi này là mức trung bình của khung tiền phạt (tức 5 triệu đồng); nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt (tức là không được thấp hơn 4 triệu đồng).
Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt (tức là không được vượt quá 6 triệu đồng).
Giấy phép lái xe sẽ bị trừ 4 điểm
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lỗi này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Căn cứ Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, về điểm của giấy phép lái xe có những nội dung cần lưu ý sau:
- Điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.
- Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.
- Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó. Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.