Bị soi xét từng lời ăn tiếng nói, con dâu 30 tuổi rơi vào rối loạn lo âu

Thường xuyên bị mẹ chồng mắng nhiếc, đay nghiến, chị N.T.T. (30 tuổi, quê Thanh Hoá) sợ sệt, chán nản, lâu dần rơi vào rối loạn lo âu.

Báo VOV ngày 02/04 đưa thông tin với tiêu đề: "Bị soi xét từng lời ăn tiếng nói, con dâu 30 tuổi rơi vào rối loạn lo âu" cùng nội dung như sau: 

Mắc chứng rối loạn lo âu do bị mẹ chồng soi xét

Chị N.T.T. (30 tuổi, quê Thanh Hoá) sống cùng mẹ chồng trong căn nhà ba gian đơn sơ, còn chồng đi xuất khẩu lao động. Chị luôn cố gắng làm tròn bổn phận, chăm sóc mẹ chồng như mẹ ruột, chu toàn việc nhà, đối nội đối ngoại, nhưng càng ngày, những mâu thuẫn nhỏ nhặt dần chồng chất, biến cuộc sống của chị thành chuỗi ngày ngột ngạt.

Khi con trai đi làm xa, bà trút hết những kỳ vọng và yêu cầu khắt khe lên người con dâu. Bà để ý từng hành động của chị, từ cách nấu ăn, giặt giũ đến việc cô đi đâu, làm gì. Chỉ cần thấy không vừa mắt, bà sẽ không ngần ngại góp ý, thậm chí trách móc.

Ban đầu, chị cố nhẫn nhịn nhưng càng ngày, sự căng thẳng càng lớn. Bà luôn miệng nhắc đến chuyện tiền bạc, trách con trai gửi tiền ít, ngầm ám chỉ con dâu không biết vun vén. Mỗi lần như vậy, chị cảm thấy tủi thân vô cùng. Chị cũng đi làm, cố gắng kiếm tiền, nhưng trong mắt mẹ chồng, mọi thứ chị làm không có chút giá trị.

Từ khi chồng đi làm xa nhà, chị T. mất dần những giấc ngủ ngon. Ban đầu, chị chỉ trằn trọc đôi ba đêm, nhưng lâu dần, tình trạng mất ngủ trở nên thường xuyên. Chị giật mình thức giấc lúc nửa đêm, tim đập nhanh, người vã mồ hôi, cảm giác như có thứ gì đó đè nặng lên ngực khiến bản thân nghẹt thở. Chị hoảng sợ, nghĩ rằng mình bị bệnh tim hoặc một chứng bệnh nào đó nghiêm trọng.

Nhiều lần, người nhà phải đưa chị đi cấp cứu trong đêm. Bác sĩ kiểm tra nhưng không tìm ra nguyên nhân rõ ràng. Họ bảo có thể do căng thẳng, khuyên chị nghỉ ngơi, ăn uống điều độ.

Những ngày sau, chị trở nên nhạy cảm hơn, hay cáu gắt, dễ xúc động. Chỉ cần mẹ chồng nói một câu nặng lời, chị cũng có thể rơi nước mắt. Từ đó, bản thân chị xuất hiện cảm giác sợ sệt. Sợ về nhà, sợ những bữa cơm gia đình nặng nề, sợ cả những ánh nhìn dò xét của mẹ chồng. Chị thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà mình.

Đầu năm 2025, khi tình trạng mất ngủ kéo dài khiến công việc và cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chị quyết định đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh. Kết quả chẩn đoán, chị bị rối loạn thần kinh thực vật. Sau 15 ngày điều trị, sức khỏe của chị T. được cải thiện, nhưng chỉ vài tháng sau, tình trạng mất ngủ lại tái diễn, lần này còn nghiêm trọng hơn.

Sau đó, chị T. đã tìm đến Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Sau hàng loạt kiểm tra lâm sàng và chuyên sâu, bác sĩ kết luận chị mắc rối loạn lo âu – một chứng bệnh tâm lý chị chưa từng nghĩ đến.

Chị phải nhập viện điều trị, sử dụng thuốc kết hợp với trị liệu tâm lý. Bác sĩ giúp chị nhận ra, những tổn thương tinh thần do mâu thuẫn gia đình, sự cô đơn khi chồng xa nhà, và áp lực phải làm tròn bổn phận là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng của chị. Người phụ nữ học cách chấp nhận không thể làm hài lòng tất cả, học cách buông bỏ những áp lực không đáng có.

Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe của chị dần ổn định. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, chị có thể ngủ một giấc sâu mà không giật mình tỉnh dậy trong lo lắng.

Theo bác sĩ Trần Thị Thu Hà, Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Thảo đến viện trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, khó ngủ, hồi hộp, tim đập nhanh, lo lắng nhiều về tình trạng sức khoẻ của bản thân. Tình trạng sức khoẻ bất ổn kéo dài suốt nhiều năm, người phụ nữ rơi vào trạng thái hoang mang.

Sau khi tiếp nhận, bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân Thảo gặp phải là rối loạn lo âu – một rối loạn sức khoẻ tâm thần rất điển hình. Người bệnh được can thiệp trị liệu tâm lý kết hợp với sử dụng thuốc. Sau thời gian điều trị nội trú, hiện chị Thảo hoàn toàn có thể quay trở lại với công việc bình thường, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Để theo dõi tiến triển của bệnh và dự phòng yếu tố nguy cơ, bác sĩ khuyên người bệnh tái khám định kỳ.

Nhận diện rối loạn lo âu

Theo bác sĩ Hà, lo âu là cảm giác bất an và lo lắng quá mức, không kiểm soát được. Đi kèm với cảm xúc đó là sự căng cơ, bồn chồn, mệt mỏi, khó tập trung. Lo âu cũng là trạng thái cảm xúc lo lắng kéo dài, hoặc các mối đe dọa không xác định. Điều đó khiến người mắc rối loạn lo âu thận trọng quá mức khi tiếp cận mối đe dọa tiềm ẩn và cản trở việc đối phó mang tính phù hợp.

Rối loạn lo âu thuộc các rối loạn liên quan đến stress và dạng cơ thể. Rối loạn lo âu khá thường gặp trong quần thể dân số chung. Tỷ lệ mắc bệnh ước tính từ 2-8% dân số, trong đó phụ nữ mắc rối loạn này gấp đôi nam giới.

Theo chuyên gia, nguyên nhân sinh bệnh, có sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, các yếu tố môi trường như các trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu, các bệnh lý cơ thể kết hợp với việc sử dụng rượu và chất gây nghiện khác. Các tác động của sang chấn tâm lý, stress trong cuộc sống cũng là yếu tố góp phần vào việc khởi phát, tăng nặng và kéo dài dai dẳng rối loạn lo âu trầm cảm trong suốt cuộc đời người bệnh.

Triệu chứng cơ thể của lo âu rất phong phú như: Khó thở, khó chịu ở ngực hoặc bụng, cảm giác nghẹn có cảm giác có khối trong họng hoặc khó nuốt; hồi hộp, tim đập mạnh, nhịp tim nhanh; vã mồ hôi; buồn nôn, đi ngoài, đi tiểu nhiều lần, các cơn đỏ mặt, ớn lạnh, tê bì, tê cóng hoặc cảm giác kim châm, yếu, căng cơ hoặc đau đớn, không đứng vững và cảm giác sắp ngất.

Về mặt hành vi người mắc lo âu thường biểu cảm trạng thái sợ hãi, thu mình, né tránh, dễ cáu bẳn, thở nhanh, khó nói; tăng nhạy cảm, giảm tập trung chú ý, sợ mất kiểm soát. Người bệnh thường suy nghĩ mọi việc theo hướng trầm trọng hóa, thảm họa hóa vấn đề… Trạng thái lo âu khiến người bệnh luôn căng thẳng, cáu kỉnh, cảm giác tù túng, đang bên bờ vực và không thể thư giãn. Trạng thái này có hoặc không liên quan rõ rệt với sang chấn tâm lý và điều đáng chú ý là các rối loạn này không dần mất đi khi sang chấn tâm lý không còn.

Các triệu chứng của rối loạn lo âu rất đa dạng trong đó có nhiều triệu chứng dễ nhầm với triệu chứng các bệnh lý cơ thể khiến người bệnh thường chậm chễ tiếp cận đúng chuyên khoa.

Bác sĩ khuyến cáo khi gặp biến cố hoặc cảm thấy stress kéo dài, người bệnh nên tìm đến sự hỗ trợ từ các cơ sở y tế hoặc chuyên gia tâm lý để tránh hậu quả nghiêm trọng về lâu dài.

Do áp lực của đời sống hiện đại, các vấn đề rối loạn lo âu có xu hướng gia tăng. Theo một thông khảo sát công bố năm 2021, khoảng 4% dân số mắc phải chứng rối loạn lo âu, tương đương với 301 triệu người.

Theo thống kê của Bộ Y tế công bố tháng 8/2023, mỗi năm gần 15 triệu người Việt Nam mắc các chứng rối loạn tâm thần, đứng đầu là trầm cảm, rối loạn lo âu - chiếm 5,4% dân số.

Trước đó, báo VnExpress ngày 17/09 cũng có bài đăng với thông tin: "Trầm cảm, rối loạn lo âu do mâu thuẫn với mẹ chồng". Nội dung được báo đưa như sau:

Thủy kết hôn được hai năm, có một bé gái 6 tháng tuổi, hiện không đi làm nên không có thu nhập. Mâu thuẫn với mẹ chồng bắt đầu xảy ra khi Thủy mang bầu, bố mẹ đẻ góp ý về chuyện xây nhà ở riêng, chồng cô liền gạt ra và bày tỏ thái độ: "Ông bà ngoại không có quyền can thiệp", sau đó kể lại với mẹ chồng.

Từ đó, mẹ chồng bắt đầu ghét cô và thông gia, thậm chí cấm cản về ngoại. Người phụ nữ uất ức, nhắn tin và gọi điện cho mẹ đẻ tâm sự. Mẹ chồng cô đọc và nghe trộm, sau đó buông lời miệt thị nặng nề. "Có lần tôi ốm, sốt, bà vẫn xúc phạm, mỉa mai", cô kể. Thủy từng nghĩ đến việc ly hôn nhưng bị mẹ chồng đe dọa "sẽ dùng mọi cách để nuôi cháu" khiến cô lo sợ.

Người phụ nữ trở nên lầm lì, sống thu mình, mất ngủ, căng thẳng triền miên, chỉ nghĩ đến mẹ chồng là bốc hỏa, vã mồ hôi, tim đập nhanh. Khi vào Bệnh viện Tâm thần Mai Hương khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm kèm rối loạn lo âu.

Thu Hà, 32 tuổi, ở Hà Nội, cũng bị stress vì mẹ chồng tìm mọi cách quản lý cuộc sống của con dâu. "Đi cafe, mua sắm, chợ búa cũng phải đưa bà cùng đi. Khi bầu tháng thứ 2, bà bắt tôi sang ngủ chung, không cho ngủ cùng chồng vì sợ không tốt", cô bộc bạch. "Mỗi khi nghe tiếng khóc của cháu hay tiếng động trong phòng, bà gõ cửa bằng được để hỏi lý do".

Người phụ nữ mệt mỏi, căng thẳng, mong muốn được về nhà ngoại một thời gian thì bị mẹ chồng mắng, buông lời xúc phạm. Cô từ chối giao tiếp nhiều nhất có thể khiến bà tức giận, tiếp tục thể hiện thái độ và lời nói ghét bỏ. Lâu dần, Hà khó ngủ, tim đập nhanh, sợ hãi, cáu giận vô cớ. Khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ rối loạn lo âu.

Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cho biết chứng sợ mẹ chồng nằm tổng thể trong hội chứng ám ảnh sợ hãi (phobia) - cảm giác sợ quá mức ngay cả với những việc không có tính nguy hiểm. Điều này có thể cản trở các hoạt động sinh hoạt bình thường và đôi khi khiến người mắc hoảng loạn.

Một số dấu hiệu gồm cảm giác lo lắng không thể kiểm soát khi tiếp xúc với nguồn gốc gây ra nỗi sợ hãi; muốn phải tránh xa bằng mọi cách; không thể hoạt động bình thường; không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân.

Một số nỗi sợ hãi phổ biến bao gồm: Sợ không gian hẹp, sợ độ cao, sợ mẹ chồng, sợ khoảng trống... Nguyên nhân thường gặp như yếu tố di truyền và môi trường sống, sức khỏe kém hay mắc các bệnh tâm thần khác. Nỗi ám ảnh cũng có thể là hậu quả sau khi trải qua sang chấn như suýt chết đuối, tai nạn giao thông hoặc những xung đột trong quá khứ. Người mắc chứng này cần điều trị bằng liệu pháp tâm lý.

Thực tế, nhiều người có trải nghiệm tiêu cực với các thành viên trong gia đình, như con dâu không hài lòng về mẹ chồng hoặc những người khác trong gia đình chồng, tái diễn thường xuyên gây tổn thương tâm lý, chứng sợ hãi có thể phát triển, theo bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương. Bên cạnh đó, yếu tố môi trường, giáo dục hành vi cũng tác động không nhỏ.

Đơn cử, một đứa trẻ học được từ cha mẹ mình cách cảnh giác với người lạ, chúng có thể học cách cảnh giác với bất kỳ thứ gì khác, khi trưởng thành có tâm lý e dè với chính mẹ chồng - người không cùng dòng máu. Hóa chất não của một người mất cân bằng có thể gây ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ chồng - vốn đã nhạy cảm.

Nỗi sợ mẹ chồng nói riêng và chứng ám ảnh sợ hãi nói chung nếu kéo dài có thể gây ra các phản ứng thể chất và tâm lý dữ dội, đặc biệt, khi bạn kìm nén, chịu đựng cảm xúc mà không có sự thấu hiểu, đồng cảm từ bạn đời, lâu dài rất dễ gây trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc các sang chấn tâm lý khác.

Để tránh xung đột, các chuyên gia khuyên hai vợ chồng cần thảo luận, tìm ra giải pháp tốt nhất, cố gắng bày tỏ cảm xúc của mình một cách khéo léo, đừng nên một mình chịu đựng. "Việc từ chối thẳng thừng lời đề nghị của mẹ chồng là cách làm thiếu khôn ngoan, đặc biệt đối với những bà mẹ chồng khó tính sẽ khiến mối quan hệ căng thẳng. Hãy học cách từ chối khéo léo, hoặc để người chồng nói chuyện với mẹ mình", bà Thu khuyên.

Một nghiên cứu 2012 của hãng tư vấn và khảo sát xã hội Fingerman và cộng sự (ở Mỹ) cho thấy mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thế nào có thể phụ thuộc vào mong muốn của bạn. Nếu mong gần gũi mẹ chồng, bạn sẽ hành động để đạt được điều đó, duy trì mối quan hệ tích cực. Ngược lại, nếu bạn không muốn, bạn sẽ giữ khoảng cách, hai người khó thể thân thiết. Điều bạn cần làm là thoải mái, suy nghĩ tích cực và có thành ý phát triển gắn kết mối quan hệ, như việc hỏi ý kiến mẹ chồng có thể vun đắp mối quan hệ mẹ con, chứng tỏ bản thân tin tưởng và tôn trọng bà.

"Bạn không thể gạt mẹ chồng ra khỏi cuộc đời mình, nhưng lại khó lay chuyển được tính cách của bà. Vì vậy, cần cố gắng điều chỉnh, dung hòa và thích nghi", bác sĩ Thu cho hay.