Công an Hà Nội phạt 2,7 tỷ đồng vi phạm giao thông từ tin báo
Năm 2024, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội xử lý 2.609 trường hợp vi phạm, phạt 2,7 tỷ đồng thông qua tin báo.
Theo báo VTC News đưa tin, Phòng Cảnh sát giao thông duy trì thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Thông tin trên được Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội nêu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 chiều nay (3/1).
Theo báo cáo, năm vừa qua, Phòng Cảnh sát giao thông duy trì thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông”; qua đó xử lý 2.609 trường hợp vi phạm, phạt 2,7 tỷ đồng.
Lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố xử lý 359.988 trường hợp vi phạm, phạt tiền 672,3 tỷ đồng. Trong đó vi phạm nồng độ cồn 74.054 trường hợp, quá khổ, quá tải, nơi nới thành thùng 11.175 trường hợp, vượt đèn đỏ: 8.795 trường hợp.
Lực lượng Cảnh sát đường thủy trực tiếp và phối hợp bắt giữ 31 vụ việc, 51 phương tiện thuỷ, 126 đối tượng liên quan về hành vi khai thác cát trái phép.
Thông qua kiểm tra, kiểm soát, các đơn vị CSGT phát hiện 295 vụ, bắt giữ 331 đối tượng. Các tổ công tác 141 phát hiện 896 vụ, 1.025 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự. Tham mưu triển khai các tổ 141 hóa trang tuần tra, bắt giữ 3.344 phương tiện, 3.476 đối tượng có hành vi lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga, gây mất trật tự công cộng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Năm 2025, Phòng Cảnh sát giao thông đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó thực hiện hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Trọng tâm là vi phạm nồng độ cồn, quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, tốc độ, các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông; không để hình thành các điểm nóng về trật tự an toàn giao thông.
Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Sáng ngày 4/1, báo Lao Động có đăng tải bài viết: "Thưởng người tố giác vi phạm giao thông để ngăn ngừa tai nạn", nêu cao ý nghĩa của hoạt động trình báo vi phạm từ phía người dân.
Theo đó từ 01.01.2025, người báo tin vi phạm giao thông sẽ được thưởng theo quy định của Nghị định 176/2024/NĐ-CP.
Khoản 3, Điều 7 Nghị định 176 quy định: "Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 01 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc".
Người có hành vi vi phạm giao thông còn nhiều, lực lượng cảnh sát giao thông không thể tuần tra, phát hiện và xử lý hết. Có không ít lái xe chỉ chấp hành quy định khi thấy có cảnh sát giao thông tuần tra, hoặc khi lưu thông trên các tuyến đường có camera phạt nguội.
Đối phó với cảnh sát giao thông, không tự giác chấp hành quy định khi đi đường, đó là do thói quen chạy ẩu. Có nhiều người, chưa tự giác thực hiện văn minh giao thông, văn minh pháp luật.
Vậy thì, cùng với sự tuần tra, xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông, cùng với hệ thống camera, còn có thêm "con mắt" của người dân. Ai cũng có thể quan sát, phát hiện, gửi thông tin, chứng cứ về người có hành vi vi phạm giao thông để cơ quan chức năng xử lý.
Trên thực tế, có rất nhiều vụ vi phạm giao thông được các bác tài quay phim, ghi hình cung cấp cho cảnh sát giao thông. Đó cũng là cách để hỗ trợ cho các lực lượng, chính quyền các địa phương lập lại trật tự an toàn giao thông.
Thưởng tiền cho cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông sẽ có tác động tích cực, đó là lái xe luôn chú ý chấp hành quy định, vì có thể bị tố giác nếu vi phạm.
Khi có những trường hợp vi phạm giao thông bị người dân phản ánh và cơ quan chức năng xử phạt, đó cũng là sự cảnh báo cần thiết cho cả cộng đồng.
Mỗi người cùng đóng góp một cách có trách nhiệm trong công tác phòng chống tai nạn giao thông, chắc chắn sẽ có sự thay đổi tích cực.
Đóng góp bằng cách chấp hành quy định khi lái xe, xây dựng thói quen tham gia giao thông văn minh.
Đóng góp bằng giáo dục con cái, nhắc nhở các thành viên trong gia đình, người thân về ý thức chấp hành pháp luật giao thông.
Đóng góp bằng cách sẵn sàng cung cấp thông tin, hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm.
Các Nghị định liên quan đến giao thông được ban hành, từ tăng mức xử phạt đến thưởng tiền cho người phản ánh trường hợp vi phạm. Các quy định của pháp luật đi vào đời sống, nếu được cơ quan chức năng áp dụng triệt để, người dân đồng lòng hưởng ứng, thì sẽ không còn nhiều người chết và thương tật vì tai nạn giao thông.