Dự báo giá xăng ngày mai về dưới 20.000 đồng/lít?

Giá xăng trong nước ngày mai (21/11) được dự báo giảm lần thứ hai liên tiếp, với mức giảm từ 200-250 đồng/lít; giá dầu diesel có thể giảm nhiều hơn nếu không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ngày 20/11/2024, báo Vietnamnet đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Dự báo giá xăng ngày mai về dưới 20.000 đồng/lít?". Nội dung cụ thể như sau:

Giá dầu thế giới tuần qua lao dốc, với dầu Brent giảm khoảng 4%, dầu WTI giảm 5%.

Sang tuần này, vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần (ngày 18/11), giá dầu thế giới quay đầu tăng hơn 3%, do lo ngại xung đột Nga - Ukraine leo thang và thiếu hụt nguồn cung.

Ở phiên giao dịch ngày 19/11, giá dầu tăng nhẹ khi các nhà đầu tư thận trọng trước dấu hiệu leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Đầu phiên giao dịch hôm nay, giá dầu thế giới nhích nhẹ. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 8h15' ngày 20/11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mức 73,37 USD/thùng, tăng 0,08%; giá dầu WTI ở mức 69,53 USD/thùng, tăng 0,2% so với phiên liền trước.

Tại thị trường trong nước, ngày mai (21/11) là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 80/2023.

xang dau 2 888 3457 17375.jpg
Giá xăng ngày mai có thể được điều chỉnh giảm. Ảnh: Minh Hiền

Dựa vào diễn biến của giá xăng dầu thế giới, một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày 21/11 có thể được điều chỉnh giảm.

Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng trong nước có thể giảm từ 200-250 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel có khả năng giảm khoảng 290 đồng/lít.

Trường hợp cơ quan điều hành trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể giảm ít hơn hoặc giữ nguyên.

Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng trong nước sẽ có phiên được điều chỉnh giảm thứ hai liên tiếp.

Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 14/11), giá các loại xăng dầu đều được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm.

Cụ thể, giá xăng E5 được điều chỉnh giảm 290 đồng/lít, giá bán là 19.450 đồng/lít. Giá xăng RON 95 cũng giảm 250 đồng/lít, giá bán về mức 20.600 đồng/lít. 

Tương tự, giá dầu diesel được điều chỉnh giảm 340 đồng/lít, giá bán còn 18.570 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 310 đồng/lít, giá là 18.980 đồng/lít. 

Tiếp đó, báo VTC News đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Ngày mai, giá xăng dầu trong nước tiếp tục giảm?". Nội dung cụ thể như sau:

Theo đó nhiều ý kiến dự báo giá xăng có thể giảm nhiều nhất là 400 đồng/lít, còn giá dầu có thể giảm đến 250 đồng/lít,kg. Tại kỳ điều hành này, cơ quan liên Bộ Tài chính - Công Thương nhiều khả năng tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn.

Giá xăng dầu ngày mai 21/11 dự báo được điều chỉnh giảm. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Giá xăng dầu ngày mai 21/11 dự báo được điều chỉnh giảm. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Trong khi đó, theo mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), tại kỳ điều hành ngày 21/11, giá xăng dầu tiếp tục xu hướng giảm từ 0,3 - 1,6% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Cụ thể, VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON92 có thể giảm 255 đồng (1,3%) về mức 19.195 đồng/lít, còn giá xăng RON95 có thể giảm 201 đồng (1%) về mức 20.399 đồng/lít. Giá dầu diesel có thể giảm đến 1,6% về mức 18.277 đồng/lít, giá dầu hỏa dự báo giảm 0,9% về mức 18.804 đồng/lít, còn dầu mazut có thể giảm nhẹ 0,3% về mức 15.948 đồng/kg.

Ở kỳ điều hành ngày 14/11, giá xăng E5 RON92 đã giảm 292 đồng/lít, không cao hơn 19.452 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 247 đồng/lít, không cao hơn 20.607 đồng/lít.

Các loại dầu cũng đồng loạt giảm giá. Trong đó, giá dầu diesel giảm 344 đồng/lít, không cao hơn 18.573 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 306 đồng/lít, không cao hơn 18.988 đồng/lít và giá dầu mazut giảm 385 đồng/kg, không cao hơn 16.009 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng.

Lúc 6h ngày 20/11, giá dầu Brent tăng không đáng kể 0,01 USD, tương đương 0,01%, lên mức 73,31 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,23 USD, tương đương 0,33%, lên mức 69,39 USD/thùng.

Giá dầu tăng khi căng thẳng của cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang từ cuối tuần trước. Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng tại MST Marquee, cho biết cho đến nay, xuất khẩu dầu của Nga chịu ít tác động, tuy nhiên giá dầu có thể tăng cao hơn nữa nếu Ukraine nhắm tới nhiều cơ sở hạ tầng dầu mỏ hơn.

Cũng hỗ trợ giá dầu là các vấn đề về nguồn cung tại mỏ dầu lớn nhất Kazakhstan - Tengiz. Sản lượng của Tengiz đã giảm 28% đến 30% do sửa chữa.