Kỷ luật cô giáo lớp 1 tổ chức dạy thêm tại nhà

Tổ chức dạy thêm tại nhà cho học sinh lớp 1, nữ giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú ở thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh vừa bị kỷ luật khiển trách.

Theo báo Vietnamnet đưa tin, hành vi của nữ giáo viên này đã vi phạm quy định các trường hợp không được dạy thêm theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Chiều 3/1, trao đổi với PV VietNamNet, bà Nguyễn Thị Nữ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP Hà Tĩnh) cho biết, vừa có quyết định kỷ luật khiển trách về mặt đảng và viên chức đối với cô giáo Nguyễn Thị Th. (chủ nhiệm lớp 1B) do tổ chức dạy thêm ở nhà cho học sinh lớp 1.

"Do vi phạm dạy thêm tại nhà trái quy định nên nhà trường đã họp hội đồng và ra quyết định kỷ luật khiển trách về mặt đảng và viên chức đối với cô giáo Nguyễn Thị Th.", bà Nữ nói.

Trước đó, khoảng 19h ngày 4/12, người dân phản ánh về việc cô Nguyễn Thị Th. tổ chức dạy thêm trái quy định cho học sinh lớp 1 tại nhà riêng ở phường Trần Phú.

Trường tiểu học Trần Phú nơi cô Th. công tác. Ảnh: T.L

Sau khi tiếp nhận phản ánh, đoàn kiểm tra của Phòng GD-ĐT TP Hà Tĩnh đã đến nhà của cô Nguyễn Thị Th. để nắm bắt thông tin. 

Đến sáng 5/12, Phòng GD-ĐT TP Hà Tĩnh đã mời nữ giáo viên Nguyễn Thị Th. và hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú lên làm việc. Qua trao đổi, cô Nguyễn Thị Th. đã thừa nhận việc dạy thêm trái quy định tại nhà và đã làm bản tường trình gửi về Phòng GD-ĐT TP Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT TP Hà Tĩnh, hành vi của cô Nguyễn Thị Th. đã vi phạm quy định các trường hợp không được dạy thêm theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Trong ngày 3/1, báo Lao Động có đăng bài: "Bộ Giáo dục công bố quy định mới về dạy thêm, học thêm", thông tin về các quy định mà các giáo viên cần tuân thủ.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư số 29/2024/TT- BGDĐT ngày 30.12.2024 quy định về dạy thêm, học thêm.

Nhiều quy định mới về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Ảnh: Minh Hà

Theo Thông tư mới ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Về vấn đề giám sát việc dạy thêm, học thêm, Thông tư quy định:

Việc giám sát không chỉ có ngành Giáo dục hay chính quyền địa phương. Hiện nay, trên thế giới, có một số quốc gia, vùng lãnh thổ cho phép dạy thêm, học thêm.

Ví dụ: Trung Quốc cho phép dạy thêm, học thêm trong nhà trường nhưng cấm ngoài nhà trường. Trung Quốc đang dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Thái Lan vẫn có trường công tổ chức dạy thêm, học thêm. Hàn Quốc, Nhật Bản cho phép dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Đài Loan (Trung Quốc) được tổ chức dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường. Singapore tổ chức dạy thêm trong trường công miễn phí... mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.

Quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường

Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Thông tư mới hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền của học sinh: (i) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt;

(ii) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

(iii) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Về đối tượng người dạy: Với những đối tượng học sinh học thêm như trên, Thông tư mới chỉ quy định giáo viên thuộc các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để hạn chế việc giáo viên đưa học sinh của mình ra ngoài dạy thêm.

Về kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm: 3 đối tượng này thuộc trách nhiệm của nhà trường phải bồi dưỡng, được đưa vào nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, bảo đảm quyền lợi của tất cả các học sinh phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình và không thu tiền học của học sinh.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định về việc xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau: Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh theo quy định của Điều lệ trường phổ thông; trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết (để bảo đảm không vượt quá số tiết trung bình của các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông); không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa (để hạn chế tiêu cực bắt ép học sinh học thêm); không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Theo Bộ GDĐT, các quy định như trên nhằm đảm bảo tăng cường trách nhiệm của các nhà trường trong việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Các nhà trường có cơ hội dành quỹ thời gian và không gian của nhà trường chưa được khai thác hết để tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao… nhằm phát triển toàn diện học sinh; đồng thời, hạn chế được hành vi “ép buộc học sinh học thêm” gây bức xúc trong dư luận.