Công an tìm người mua thuốc hỗ trợ sinh lý giả Kháu Vài Lèng

Các nạn nhân mua phải thuốc giả Kháu Vài Lèng, thuốc Đại Tràng HG do "ông trùm" Chu Văn Diễn cầm đầu, liên hệ với cơ quan công an để cung cấp thông tin.

Báo VTC News ngày 29/04/2025 đưa thông tin với tiêu đề: "Công an tìm người mua thuốc hỗ trợ sinh lý giả Kháu Vài Lèng" cùng nội dung như sau:

Mở rộng điều tra đường dây sản xuất, buôn bán thuốc hỗ trợ sinh lý giả "Kháu Vài Lèng" và "Đại Tràng HG", Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố 9 bị can, đồng thời kêu gọi các nạn nhân mua phải thuốc giả nhanh chóng liên hệ với cơ quan công an.

Cụ thể, Chu Văn Diễn (SN 1996, trú tại chung cư Stellar Garden, Thanh Xuân, Hà Nội), Trần Thị Phương Thảo, Nguyễn Đắc Dũng (SN 1981, trú tại Lương Sơn, Hòa Bình) bị khởi tố về hành vi Sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả.

"Ông trùm" đường dây thuốc hỗ trị sinh lý giả Chu Văn Diễn.

6 bị can còn lại gồm Trần Ích Nam, Hà Quang Đạt (SN 1977, trú quận Cầu Giấy), Nguyễn Mạnh Dũng (SN 1999, trú tỉnh Phú Thọ), Nguyễn Kim Chung (SN 1996, trú huyện Ba Vì), Vũ Đức Yên (SN 2000, trú tỉnh Nam Định) , Lò Ngọc Minh Quang (SN 1998, trú tỉnh Lai Châu) bị khởi tố về hành vi giúp sức cho Chu Văn Diễn buôn bán thuốc chữa bệnh giả.

Theo cơ quan điều tra, "ông trùm" đường dây là Chu Văn Diễn. Diễn nhận thấy nhu cầu lớn của thị trường đối với hai loại thuốc "Kháu Vài Lèng" và "Đại Tràng HG" (do Hợp tác xã Mạc Minh sản xuất và phân phối) trên mạng xã hội nên nảy sinh ý định làm thuốc giả bán kiếm lời.

Một trong các sản phẩm giả được thu giữ.

Diễn chỉ đạo vợ là Trần Thị Phương Thảo liên hệ với Nguyễn Đắc Dũng để đặt sản xuất thuốc giả mạo hai nhãn hiệu trên. Diễn còn cấu kết với Trần Ích Nam để tải các video quảng cáo thuốc thật trên Facebook.

Sau đó, Diễn chỉ đạo một loạt nhân viên "chân rết" gồm: Hà Quang Đạt, Nguyễn Kim Chung, Nguyễn Mạnh Dũng, Lò Ngọc Minh Quang và Vũ Đức Yên cắt ghép, chỉnh sửa video, thay đổi số điện thoại liên hệ của sản phẩm thật bằng số điện thoại do Diễn cung cấp.

Trong 6 tháng, đường dây thu lợi bất chính 20 tỷ đồng từ thuốc giả.

Các đối tượng sử dụng hàng loạt trang Facebook giả mạo như: “Kháu Vài Lèng”; “Kháu Vài Lèng - Bài thuốc người ngủ củ thức”; “Kháu Vài Lèng - Đặc trị sinh lý nam giới”, “Điều trị sinh lý - Kháu Vài Lèng”, “Kháu Vài Lèng chính hãng”, “Kháu Vài Lèng - Chính hãng”, “Hợp tác xã nam dược Mạc Minh” để quảng cáo và bán thuốc giả.

Theo điều tra, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 1/2024 đến khi bị bắt giữ vào ngày 4/7/2024, đường dây này tiêu thụ trót lọt một lượng lớn thuốc giả đến tay người tiêu dùng tại 58 tỉnh, thành phố, tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng.

Khối lượng lớn sản phẩm giả bị thu giữ.

Để phục vụ công tác điều tra và đảm bảo quyền lợi cho người bị hại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đề nghị những công dân đã mua thuốc "Kháu Vài Lèng", "Đại Tràng HG" của Chu Văn Diễn và đồng phạm, liên hệ điều tra viên Tạ Biên Cương (SĐT 0986603818) hoặc Cấn Xuân Dũng (SĐT 0975483999) để cung cấp thông tin.

Trước đó, báo Dân trí ngày 23/04/2025 cũng có bài đăng với thông tin: "Manh mối hé lộ đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn". Nội dung được báo đưa như sau:

Sở Y tế Thanh Hóa đã có báo cáo liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả do Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá thời gian qua.

Theo Sở Y tế Thanh Hóa, trước khi Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với quy mô lớn tại một số tỉnh, thành trên cả nước, đơn vị này đã cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng phục vụ quá trình điều tra.

Những mẫu thuốc được các đối tượng trong vụ án làm giả (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Cụ thể, từ đầu năm nay, trong quá trình phối hợp cung cấp thông tin, Sở Y tế Thanh Hóa đã nhiều lần chia sẻ dữ liệu về các sản phẩm nghi ngờ là giả, không đảm bảo chỉ tiêu chất lượng và nguồn gốc xuất xứ đến Công an tỉnh và Cục Quản lý thị trường, nhằm phối hợp truy tìm nguồn gốc và xử lý tận gốc các hành vi vi phạm.

Điển hình, ngày 6/1, Sở Y tế đã ban hành công văn về việc kiểm tra, xử lý tình trạng kinh doanh thuốc giả và thuốc không rõ nguồn gốc. Trong đó có các sản phẩm thuốc giả như: Tetracyclin TW3, Clorocid TW3, Cefixim 200, Fugacar và các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ như: Sabumol, Rodogyl, Zepam, Augmentin.

Tiếp đó, ngày 23/1, Sở Y tế Thanh Hóa ban hành công văn cung cấp cho cơ quan công an kết quả kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh thuốc giả như: Pharcoter, Clorocid TW3, Tetracyclin TW3.

Nội dung các công văn đều đề xuất tiếp tục phối hợp tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc các loại thuốc giả nêu trên.

Từ những thông tin do Sở Y tế cung cấp, các trinh sát của Công an tỉnh Thanh Hóa đã nắm bắt tình hình hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm.

Lực lượng công an kiểm tra số thuốc giả (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Trong quá trình lập chuyên án, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh phát hiện một số đối tượng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có dấu hiệu mua bán các loại thuốc giả như Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, NeoCodio từ các địa phương khác để kinh doanh qua mạng.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng đã thu thập tài liệu, chứng cứ làm cơ sở khám xét khẩn cấp tại 6 địa điểm sản xuất, làm việc và cất giấu hàng hóa của các đối tượng tại thành phố Hà Nội, TPHCM và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp.

Theo kết quả điều tra ban đầu của công an, nhận thấy thói quen của người dân thường mua theo thuốc tự kê đơn, nhóm đối tượng do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu đã câu kết với nhóm của Trịnh Doãn Giáo (SN 1985, trú tại TPHCM) sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, đặc biệt là thuốc trị xương khớp.

Qua khám xét, công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa bệnh xương khớp giả cùng các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả, với tổng khối lượng gần 10 tấn.

Ngày 16/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Bên trong xưởng sản xuất thuốc giả (Ảnh: Cắt từ clip Công an Thanh Hóa).

Kết quả phân tích, xét nghiệm cho thấy nhóm thuốc đông y giả (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, không được phép sản xuất trong đông y.

Nhóm thuốc tây y giả chưa phát hiện dược tính độc hại nhưng không có dược tính kháng sinh để chữa bệnh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.

Từ năm 2021 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã đưa ra thị trường một lượng lớn thuốc giả, thu lợi bất chính gần 200 tỷ đồng.

Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, các sản phẩm thuốc giả này không có đầy đủ các giấy tờ pháp lý như hồ sơ sản phẩm, giấy đăng ký lưu hành, thông tin kê khai giá... nên không thể tham gia đấu thầu cung ứng tại các cơ sở khám chữa bệnh và vì vậy không xâm nhập được vào hệ thống y tế chính quy.

Thông qua quá trình rà soát, hiện chưa phát hiện các sản phẩm thuốc giả nêu trên xuất hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.