Ông nội đặt cho 5 người cháu tên gọi “tuy quốc tế nhưng rất Việt Nam”
Vì mê xem thời sự, ông nội đặt cho 5 người cháu 5 cái tên không giống ai.
Theo báo Nông thôn Việt ngày 11/04/2024 đưa thông tin với tiêu đề: "Ông nội đặt cho 5 người cháu tên gọi “tuy quốc tế nhưng rất Việt Nam”. Với nội dung như sau:
“Ông mình đặt tên cho cháu nội theo cách rất “quốc tế”. Hà Đại Bắc (tên gần giống với tên thành phố Đài Loan – Đài Bắc), Hà Quân Sư (quân sư là người đưa kế sách, mưu lược cho vua), Hà Nêu Giót (phát âm gần giống với New York – Mỹ), Hà Luân Đôn (London – thủ đô nước Anh), Hà Anh Văn (lãnh đạo Đài Loan – Thái Anh Văn). Tuy quốc tế nhưng cũng rất Việt Nam”, bình luận của Phương Linh trong một bài viết chủ đề tên lạ nhận được hàng nghìn lượt “thả tim” của dân mạng. Phía dưới, rất nhiều người để lại bình luận tò mò về lý do ra đời của những cái tên lạ này.
Ông ngoại của Phương Linh là người đặt tên cho các cháu
Phương Linh (sinh năm 2002, quê Đồng Tháp) kể, những cái tên “có một không hai” kia do ông ngoại của cô đặt cho các cháu nội của mình. Hà Đại Bắc (sinh năm 2001) là cháu trưởng. Hà Nêu Giót (sinh năm 2009) là cháu thứ hai. Hà Quân Sư, Hà Luân Đôn (sinh năm 2015) là cháu thứ ba, thứ tư và Hà Anh Văn (sinh năm 2021) là cháu gái út.
Linh kể: “Ông ngoại mình mê xem thời sự, cả tin tức trong nước và ngoài nước. Khi các cháu nội chào đời, ông lần lượt đặt tên cho cháu giống với tên của thủ đô các nước lớn hay các nhân vật nổi tiếng. Vừa muốn có yếu tố quốc tế lại vừa muốn giữ lại tinh thần người Việt, ông đặt tên theo kiểu “phát âm thế nào, viết ra thế đó”. Cuối cùng, các anh chị em của mình đều mang những cái tên lạ như vậy”.
Cậu bé 9 tuổi có cái tên đặc biệt - Hà Luân Đôn
Phương Linh nhiều lần nghe các em kể chuyện bị bạn bè trêu chọc hoặc thắc mắc về tên gọi của mình. Thầy cô cũng thường xuyên “nhắm trúng” những cái tên lạ này để gọi lên trả bài. Các em của Linh dù nhỏ hay lớn đều nhận thấy tên mình đặc biệt hơn mọi người. Tuy nhiên, không một ai phàn nàn hay tỏ ra không thích tên gọi của mình.
“Ông là người được con cháu thương yêu, kính trọng nên ai cũng quý tên ông đặt. Các cậu mợ của mình thoải mái, thậm chí còn thấy những cái tên ông đặt cho con mình rất hay”, Linh chia sẻ.
Hà Nêu Giót (áo xanh), Luân Đôn (áo trắng) và Quân Sư áo xám (ảnh chụp từ năm 2019)
Phương Linh tự hào khi các em của mình không chỉ gây ấn tượng bởi cái tên mà còn bởi thành tích học tập nổi bật. Cô gái Đồng Tháp mong rằng, các em sẽ không phụ sự kỳ vọng của ông ngoại, học hành thành tài, trở thành người có ích cho xã hội.
Trước đó, báo Nông thôn Việt ngày 7/11/2024 có bài viết "Chàng trai Phú Yên thường xuyên bị người khác vay tiền vì cái tên đặc biệt", với nội dung như sau:
Chàng trai Phú Yên có cuộc sống thú vị nhờ cái tên "Bank"
Nhiều người quan niệm, đặt cho con một cái tên phù hợp sẽ giúp cuộc đời con suôn sẻ, hạnh phúc. Bởi vậy, các bậc phụ huynh thường tỉ mỉ, kỹ lưỡng khi đặt tên cho con.
Chàng trai Phú Yên – Nguyễn Hoàng Lê Bank (sinh năm 1997) được bố đặt cho cái tên khác biệt với mong muốn con trai có cuộc sống giàu sang, sung túc.
Lê Bank kể, bố và ông nội anh biết tiếng Pháp lại mê đọc sách nên luôn ấp ủ đặt cho con cháu một cái tên liên quan đến ngôn ngữ ngày. “Le bank” là tên tiếng Pháp của từ “ngân hàng” và từ này trong tiếng Anh cũng là “bank”. Bởi vậy, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, chàng trai Phú Yên đã được định sẵn sẽ mang cái tên này.
“Chị gái mình tên Kim, nghĩa là vàng, còn mình tên Bank, cũng liên quan đến tiền. Bố mẹ mê tiền vàng thì con sẽ có tên gọi đặc biệt như vậy đấy”, Lê Bank hài hước kể.
Lê Bank nói, 27 năm cuộc đời, anh chưa thấy ai trùng tên với mình. Từ hồi đi học cho đến khi đi làm, anh đếm không xuể số lần mọi người đọc nhầm cái tên “Lê Bank”.
“Mọi người thường đọc tên mình là “Banh”, “Băng”, “Ben”… Phiên âm đúng phải là /bangk/ theo tiếng Anh và /bân/ theo tiếng Pháp. Chuyện mọi người đọc sai tên mình cũng dễ hiểu thôi nên mình không thấy phiền lắm”, anh chàng chia sẻ.
Thẻ hành nghề của Lê Bank
Thuở còn đi học, Lê Bank thường xuyên bị thầy cô gọi lên trả bài vì cái tên đặc biệt. Bạn bè thì thắc mắc: “Cậu là người dân tộc nào? Người Kinh sao lại có tên ấy”, “Chắc sính ngoại nên cố tình đổi tên Tây”… Anh chàng chỉ còn cách giải thích nguồn gốc cái tên để mọi người hiểu.
“Rồi bây giờ mình sống ở Ý thì nhiều bạn nghĩ mình là người Thái chứ không phải người Việt”, Lê Bank kể.
Lê Bank từng học Y dược tại trường Đại học Roma Tor Vergata (Ý) và hiện làm bác sĩ gia đình tại Ý. Anh chàng tự cảm thấy cái tên đã vận vào người mình khi hiện tại có mức thu nhập ổn, có thể gửi tiền về báo hiếu bố mẹ.
“Mình thấy bản thân khá giống cái máy rút tiền (ATM) của mẹ”, Lê Bank cười. “Nhiều người cứ nghĩ mình tên Bank thì giàu có nên hỏi mượn. Một vài bạn thì hay nói đùa “hễ ra đường là thấy Bank”. Thuở nhỏ mình thấy cái tên lạ gây ra rắc rối nhưng giờ đây lại thấy, đó là may mắn của bản thân. Tên lạ giúp mình dễ gây ấn tượng với mọi người”, Lê Bank chia sẻ.