Cả ngành học chỉ có 1 sinh viên, nữ sinh cô đơn suốt 4 năm, lẻ loi trong lễ tốt nghiệp: Việc làm sau khi ra trường gây bất ngờ
Nữ sinh này lựa chọn ngành học hiếm vì đam mê với thơ văn, chấp nhận việc học một mình mà không có bạn cùng lớp.
Ngày 15/10/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Cả ngành học chỉ có 1 sinh viên, nữ sinh cô đơn suốt 4 năm, lẻ loi trong lễ tốt nghiệp: Việc làm sau khi ra trường gây bất ngờ". Nội dung cụ thể như sau:
Tháng 6/2019, thông tin chỉ có 1 sinh viên duy nhất tốt nghiệp ngành Viết sáng tạo tại ĐH Chiết Giang (Trung Quốc) gây xôn xao mạng xã hội đất nước tỷ dân. Sinh viên này tên Hậu Khiêm, được gọi là “người cô đơn nhất ĐH Chiết Giang” khi những năm qua cô chỉ đi học một mình.
Nhiều người thậm chí chưa từng nghe đến ngành Viết sáng tạo, không biết sinh viên ngành này học gì và sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. Ngành Viết sáng tạo được đào tạo ở Trung Quốc từ năm 2009, đến năm 2015 ĐH Chiết Giang mới mở ngành này thuộc khoa Nghệ thuật. ĐH Chiết Giang là ngôi trường trọng điểm nằm trong Dự án 211 và Dự án 985 của Chính phủ Trung Quốc, luôn nằm trong top đầu các BXH trường ĐH tốt nhất quốc gia này.
Sinh viên được đào tạo kiến thức, kỹ năng liên quan đến nghệ thuật, bao gồm sáng tác thơ, tiểu thuyết, văn xuôi, kịch bản… Bên cạnh đó, chương trình đào tạo định hướng sinh viên trau dồi tư duy sáng tạo trong sáng tác, giúp người học có thể sáng tác tác phẩm văn học của riêng mình.
Nữ sinh Hậu Khiêm là một trong số ít những người đăng ký học ngành Viết sáng tạo ngay trong năm đầu tiên ĐH Chiết Giang mở ngành. Năm đầu tiên là khoảng thời gian thí điểm nên ngôi trường này chỉ tuyển một sinh viên duy nhất với nhiều tiêu chí nghiêm ngặt, phải vượt qua vòng phỏng vấn của ban tuyển sinh.
Hậu Khiêm yêu thích thơ hiện đại từ khi còn học trung học, coi việc đọc và làm thơ là cách giải tỏa căng thẳng. Đến thời điểm tốt nghiệp, nữ sinh này đã viết được hơn 100 bài thơ.
Hậu Khiêm phải trải qua nhiều rắc rối khi là sinh viên duy nhất theo học ngành Viết sáng tạo. Cô có những môn học 1 mình và khó đăng ký đủ môn do nhiều môn phải học ghép với ngành khác, đồng thời phải tự sắp xếp lịch học của bản thân và liên hệ với giảng viên.
Dù vậy, nữ sinh này vẫn đánh giá cao chương trình học ngành Viết sáng tạo khi được các giảng viên đặc biệt quan tâm. Để phục vụ cho việc tốt nghiệp, Hậu Khiêm tự tổ chức một triển lãm độc đáo kết hợp giữa điêu khắc với thơ thu hút nhiều sinh viên, nhà thơ đến trải nghiệm, nhận được nhiều lời khen ngợi.
Trong lễ tốt nghiệp, Hậu Khiêm chỉ chụp ảnh một mình, không có bạn cùng lớp như sinh viên các ngành khác. Dù vậy, với tấm bằng tốt nghiệp ĐH danh giá trong tay, Hậu Khiêm dễ dàng có cơ hội sang Pháp để nghiên cứu về di sản văn hóa tại một viện nghiên cứu.
Tại Trung Quốc, nhiều trường ĐH đào tạo các ngành học với số lượng sinh viên cực ít. Ví dụ như ngành Thụy Điển tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải 4 năm chỉ tuyển sinh viên một lần, ngành Cổ sinh vật học tại ĐH Bắc Kinh 9 năm chỉ tuyển được 6 sinh viên, tương đương với việc mỗi năm chỉ có nhiều nhất 1 sinh viên, có năm còn không có sinh viên nào nhập học.
Bức ảnh tốt nghiệp của ngành Cổ sinh vật học tại ĐH Bắc Kinh từng gây sốt khi chỉ có một mình nữ sinh Tiết Dật Phàm mà không có bất kỳ bạn học nào khác. Đây là ngành chuyên nghiên cứu lịch sử phát triển của sự sống trên Trái Đất, về các loài động vật và thực vật cổ xưa, dựa vào các hóa thạch tìm được. Hiện ở Trung Quốc chỉ có ĐH Sư phạm Thẩm Dương, ĐH Nam Kinh và ĐH Bắc Kinh tuyển sinh chuyên ngành này, trong đó Đại học Nam Kinh chỉ 2 năm mới tuyển sinh một lần.
Những ngành học ít sinh viên do “kén” người học, không nhiều người đăng ký và yêu cầu từ phía Nhà trường cũng khá khắt khe. Đó cũng là lợi thế khi sinh viên ra trường ít phải cạnh tranh, có nhiều cơ hội việc làm tốt hoặc học lên các bậc học cao hơn. Nữ sinh Tiết Dật Phàm cũng là người nhận được học bổng và đi du học sau khi tốt nghiệp tại ĐH Bắc Kinh.
Trước đó, Thời báo Văn học Nghệ thuật đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Ngành học ‘độc lạ’ ở Trung Quốc: Thu nhập khủng, tỷ lệ việc làm gần như 100%, nhưng ít ai dám chọn". Nội dung cụ thể như sau:
Vào tháng 7 năm 2024, trang tin cpnews của Trung Quốc đã đưa tin về việc Bộ Giáo Dục nước này công bố quyết định thành lập "Đại học nghề dân chính". Khóa học đầu tiên sẽ bao gồm 5 chuyên ngành, trong đó có ngành "quản lý tang lễ hiện đại".
Theo thông tin từ kế hoạch, chuyên ngành này dự kiến sẽ tuyển sinh 120 sinh viên đến từ 16 tỉnh thành trên toàn quốc trong năm nay. Đây đánh dấu sự ra đời của chuyên ngành đại học đầu tiên tại Trung Quốc về giáo dục nghề nghiệp liên quan đến tang lễ.
Mặc dù lĩnh vực tang lễ và an táng đã được hình thành tại quốc gia đông dân này hơn 20 năm trước, nhưng trước đó chỉ có hơn 10 trường cao đẳng dạy nghề chuyên biệt. Đây là lần đầu tiên một trường đại học chính thức mở ra chuyên ngành giảng dạy, cho phép sinh viên nhận bằng Cử nhân thay vì chỉ là bằng Cao đẳng nghề. Điều này thể hiện nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích thanh niên tham gia và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này.
Nội dung chuyên ngành "Quản lý tang lễ"
Ngành đào tạo "quản lý tang lễ" mang một ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh văn hóa của phương Đông, đặc biệt là tại Trung Quốc, nơi cái chết thường bị xem xét với sự kiêng kỵ và e ngại. Theo truyền thống, tang lễ thường là một chủ đề nhạy cảm, nhiều người cảm thấy khó tiếp cận và thậm chí cố gắng tránh xa.
Dù vậy, tang lễ vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay, không chỉ là một nghi thức, mà còn là cách để những người còn sống thể hiện lòng tri ân và tưởng nhớ đến người đã khuất. Đứng trước nhu cầu ngày càng tăng về việc tổ chức những buổi tang lễ trang trọng và chu đáo, ngành "quản lý tang lễ" ra đời nhằm đào tạo những chuyên gia có khả năng thực hiện nhiệm vụ này một cách chuyên nghiệp.
Chuyên ngành này sẽ cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện các nghi thức tang lễ, đảm bảo mọi khía cạnh từ tổ chức, quản lý đến chăm sóc tâm lý cho gia đình người mất được thực hiện một cách tôn trọng và chu đáo. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, "quản lý tang lễ" không chỉ đơn thuần là nghề nghiệp mà còn là một sứ mệnh cao cả giúp kết nối quá khứ và hiện tại.
Nghề "quản lý tang lễ" không chỉ dừng lại ở những hoạt động đơn giản như túc trực bên linh cữu hay hỗ trợ gia đình trong các nghi thức tang lễ. Trên thực tế, lĩnh vực này bao hàm nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên sâu hơn, như được chỉ ra bởi các chuyên gia trong ngành, thảo luận với chuyên mục tài chính Finance Sina. Các sinh viên theo học chuyên ngành này sẽ được trang bị kiến thức đa dạng từ kỹ thuật ướp xác, bảo quản thi thể, đến các quy trình hỏa táng và tạo hình khuôn mặt cho người đã khuất.
Chương trình học còn bao gồm nhiều môn học bất ngờ hơn so với những gì mọi người thường hình dung. Học viên sẽ tiếp xúc với những môn học phức tạp như toán học nâng cao, văn hóa tang lễ, thư pháp, thiết kế đồ họa với Photoshop, nghệ thuật cắm hoa và viết câu đối bi thương. Tất cả những kiến thức này đều có vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên chuẩn bị cho thực tế của nghề nghiệp sau này.
Trong các buổi thực hành, sinh viên sẽ tham gia tổ chức lễ tưởng niệm hoặc mô phỏng các buổi tang lễ thực sự. Mỗi sinh viên đều có một vai trò nhất định, từ người thân của người đã khuất đến chủ lễ, hay phụ trách đăng ký và viết câu đối. Điều này không chỉ giúp họ rèn luyện kỹ năng mà còn thấu hiểu giá trị của sự tôn trọng trong các nghi thức.
Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng sau khi mất đi, người quá cố sẽ ngay lập tức được đưa vào lò hỏa táng, thực tế yêu cầu quá trình này phải được thực hiện với sự chuẩn bị và kỹ thuật chặt chẽ. Các quy trình vận hành lò hỏa táng cần được kiểm soát cẩn thận, từ lượng không khí đến các giai đoạn khác nhau của hỏa táng.
Ngành đào tạo "quản lý tang lễ" không chỉ trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng vững chắc trong một lĩnh vực vẫn còn nhiều điều e ngại mà còn giúp họ phát triển khả năng giải quyết vấn đề, kỹ thuật ứng phó trong những tình huống trang trọng và nhạy cảm. Qua đó tạo ra những nghi lễ đáng nhớ cho người đã qua đời và gia đình họ.
Ngành Tang lễ: Cơ hội nghề nghiệp mở rộng giữa thị trường lao động đầy cạnh tranh
Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 16 trường cao đẳng nghề chuyên đào tạo lĩnh vực tang lễ. Kể từ khi chuyên ngành tang lễ và an táng được thiết lập cách đây 20 năm, hàng năm, ngành này đã cung cấp khoảng 1.200 học viên tốt nghiệp. Sự phát triển này đã phần nào giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật và tay nghề trong lĩnh vực tang lễ. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và sự phát triển nhanh chóng của ngành nghề này.
Trong bối cảnh nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khác đang phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm, ngành tang lễ lại đang rơi vào tình trạng khan hiếm nhân sự. Điều này cho thấy tiềm năng nghề nghiệp trong lĩnh vực này đang rất lớn.
Có nhiều thông tin trên mạng về việc học ngành tang lễ mang lại mức lương hấp dẫn và cơ hội việc làm gần như 100%. Ông Hà Chấn Phong, Trưởng khoa Đời sống và Văn hóa của Đại học nghề dân chính, đã nhấn mạnh rằng tỷ lệ việc làm thực tế trong ngành này đạt khoảng 95%. Ông khẳng định: "Nếu bạn thực sự muốn làm việc trong lĩnh vực này, sẽ không có nhiều áp lực với việc tìm kiếm việc làm." Đây chính là tín hiệu tích cực cho những ai đang xem xét chọn ngành tang lễ làm sự nghiệp trong tương lai.
Ngành dịch vụ tang lễ đang chứng kiến sự phân hoá thu nhập đáng kể tùy thuộc vào vị trí địa lý. Theo một nghiên cứu của Bộ Danh chính, mức lương của nhân viên tang lễ tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Chiết Giang và Bắc Kinh thường cao hơn đáng kể so với các tỉnh như Hà Nam, An Huy và Hà Bắc, nơi mà thu nhập lại ở mức thấp hơn.
Cụ thể, nhân viên tại các nhà tang lễ ở các đô thị lớn có thể nhận mức lương hàng tháng dao động từ 4.000 đến 6.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 14 triệu đến hơn 20 triệu đồng). Công việc chủ yếu bao gồm việc tiếp đón khách hàng, làm thủ tục đăng ký và hỗ trợ tinh thần cho người thân của người quá cố. Tuy nhiên, đối với những vị trí có yêu cầu kỹ năng chuyên môn cao hơn, mức thu nhập có thể tăng vọt, thậm chí vượt quá cả trăm triệu đồng. Cụ thể, những chuyên viên làm nhiệm vụ ướp xác hoặc trang điểm cho thi thể có thể kiếm được từ 10.000 đến 30.000 nhân dân tệ mỗi tháng (tương đương hơn 30 triệu đến 100 triệu đồng).
Sự chênh lệch này không chỉ phản ánh nhu cầu về chuyên môn mà còn cho thấy tiềm năng tài chính mà ngành dịch vụ tang lễ có thể mang lại.
Mặc dù ngành dịch vụ tang lễ mang lại mức thu nhập hấp dẫn cùng với nhiều cơ hội việc làm, nhưng ngành này vẫn phải đối mặt với nhiều định kiến xã hội. Nhiều nhân viên trong lĩnh vực này chia sẻ rằng họ thường không nhận được sự ủng hộ từ gia đình và thậm chí gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mối quan hệ tình cảm. Bên cạnh đó, công việc này cũng gây ra những áp lực tâm lý không ít cho họ.
Trương Thần Thần, một nhân viên tang lễ, chia sẻ: "Khi tôi mới bắt đầu thực tập, đã có người nhà đến xin tro cốt và họ khóc lóc, gọi điện cho mẹ mình khi chứng kiến cảnh tượng đầy đau thương trước mắt. Nhìn họ như vậy, tôi cũng không thể kiềm chế cảm xúc và đã bật khóc." Theo thời gian, với việc tiếp xúc thường xuyên với mất mát và đau thương, Trương Thần Thần cảm thấy mình đã dần "tê liệt" cảm xúc, không còn có thể biểu đạt ra ngoài nữa.
Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội và những hỗ trợ từ chính phủ, ông Hà Chấn Phong tin rằng ngành dịch vụ tang lễ sẽ ngày càng trở thành một lựa chọn nghề nghiệp phổ biến hơn trong tương lai, thu hút ngày càng nhiều sinh viên theo đuổi.