Dự báo thời điểm giá vàng xô đổ mọi kỷ lục từng thiết lập

Chuyên gia chỉ ra thời điểm và lý do khiến giá vàng có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Báo Lao Động ngày 15/10 đưa thông tin với tiêu đề: Dự báo thời điểm giá vàng xô đổ mọi kỷ lục từng thiết lập. Với nội dung như sau: 

Giá vàng được dự báo lên mức cao kỷ lục vào đầu năm 2025. Ảnh: TTXVN

Giá vàng thế giới có khả năng sẽ đạt mức cao chưa từng có vào đầu năm 2025, theo CEO của deVere Group, một trong những công ty tư vấn tài chính và quản lý tài sản độc lập hàng đầu thế giới.

Nigel Green của deVere Group cho biết, kim loại quý này đang chuẩn bị cho một đợt tăng giá có thể phá vỡ các kỷ lục trước đó.

Theo tờ The Indian Express, triển vọng lạc quan này của Nigel Green được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.

Sự gia tăng mua vào của các ngân hàng trung ương

Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang tăng cường mua vàng với tốc độ chưa từng có, một xu hướng bắt đầu sau cuộc xung đột Nga - Ukraina và đã mở rộng khi các quốc gia chuyển hướng khỏi các tài sản được định giá bằng USD.

Green cho biết: “Việc mua vàng hiện đã tăng vọt lên gần gấp ba lần so với mức trước năm 2022 và triển vọng cho thấy nhu cầu tiếp tục mạnh mẽ vào năm 2025”.

Theo Green, làn sóng mua này không chỉ là về đa dạng hóa danh mục đầu tư mà còn là động thái chiến lược để giảm thiểu rủi ro. Các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia cảnh giác với lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ, đang ngày càng chuyển sang vàng để bảo vệ dự trữ của họ khỏi áp lực chính trị và kinh tế.

Lấy ví dụ về Trung Quốc, Green cho biết: “Vào năm 2023, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tăng lượng vàng nắm giữ trong 10 tháng liên tiếp. Cường độ mua này tiếp tục kéo dài đến tận năm 2024, với lượng mua ròng là 290 tấn được ghi nhận trong quý I năm 2024 - quý mua mạnh thứ tư kể từ khi chuỗi mua bắt đầu vào năm 2022”.

Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Brazil và Ấn Độ cũng đang tăng dự trữ vàng để bảo vệ trước những biến động tiền tệ và các lệnh trừng phạt tiềm tàng.

Kho dự trữ vàng của Nga. Ảnh: Russia Beyond

Fed cắt giảm lãi suất Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed chuyển từ tăng lãi suất mạnh sang khả năng cắt giảm là một yếu tố quan trọng khác có khả năng đẩy giá vàng lên cao.

Green cho biết: "Lãi suất cao hơn khiến vàng kém hấp dẫn hơn vì vàng không tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, khi lãi suất chuẩn bị giảm, tình thế đang thay đổi. Lãi suất thấp hơn thường có thể làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản sinh lời, thu hút một số nhà đầu tư - cả bán lẻ và tổ chức - quay trở lại thị trường vàng".

Căng thẳng địa chính trị

Trong bối cảnh toàn cầu mong manh hiện nay, vai trò của vàng như một công cụ phòng ngừa rủi ro vẫn rất quan trọng vì rủi ro về các cú sốc địa chính trị - bao gồm chiến tranh thương mại, lệnh trừng phạt và căng thẳng toàn cầu gia tăng - vẫn còn đáng kể, Green cho biết.

Theo ông Green, một kịch bản có thể khiến giá vàng tăng vọt là sự leo thang của các lệnh trừng phạt tài chính tương đương với mức tăng đã thấy kể từ năm 2021. Một tác nhân tiềm ẩn khác có thể là nỗi lo về nợ ngày càng trầm trọng hơn ở Mỹ.

“Trong bối cảnh này, và nếu đà tăng hiện tại được duy trì, chúng ta có thể chứng kiến ​​mức giá vàng cao kỷ lục mới trong quý I năm 2025”, ông nói.

Một số chuyên gia trong ngành cũng cho biết giá vàng năm 2024 có thể đạt 3.000 USD/ounce, nhưng khả năng xảy ra cao hơn vào đầu năm 2025.

Steven Kibbel, một nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận và là biên tập viên cao cấp tại InternationalMoneyTransfer.com, dự báo giá vàng có thể đạt tới 3.000 USD/ounce vào đầu năm 2025 và 2.800 USD vào năm 2024.

Tiếp đến, báo VTV cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Vàng nhẫn đắt nhất từ trước đến nay

Nội dung được báo đưa như sau:    

Đầu giờ chiều nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá vàng nhẫn loại 1 - 5 chỉ lên mức 81,8 - 83,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200 nghìn đồng mỗi lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với buổi sáng.

Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cũng kéo giá mua - bán vàng nhẫn loại 1 - 5 chỉ lên mức 82,9 - 83,8 triệu đồng/lượng, tăng 350 nghìn đồng mỗi lượng ở cả 2 chiều so với đầu giờ sáng.

Đây là mức giá cao chưa từng có của vàng nhẫn, vượt cả đỉnh 83,6 triệu đồng/lượng (bán ra) thiết lập trước đó.

Giá vàng miếng SJC hôm nay cũng vọt lên 85 triệu đồng/lượng (bán ra), đắt thêm 500.000 đồng mỗi lượng. Tại thời điểm 9h00 ngày 14/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 83 - 85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua. Tương tự, mức giá bán ra của vàng miếng SJC tại các ngân hàng sáng nay cũng ở mức 85 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn đắt nhất từ trước đến nay - Ảnh 1.
Vàng nhẫn bất ngờ tăng vọt, lập kỷ lục mới.

Trong nửa đầu năm 2024, giá vàng trong nước đã liên tiếp lập đỉnh và xô đổ các kỷ lục từng ghi nhận. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới có thời điểm lên tới 18 triệu đồng/lượng. Đứng trước những biến động mạnh và chứa đựng nhiều rủi ro này, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải can thiệp, phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.

Trong đó, tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra đối với 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch. Kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý và đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự nếu có.

Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tổng kết, đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng.

Dự báo về diễn biến giá vàng trong tuần này, chuyên gia Vy Tuấn cho rằng, trong ngắn hạn, giá vàng miếng có thể vẫn duy trì các bước tăng giảm trong biên độ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lượng nếu giá vàng quốc tế vẫn giao dịch trong phạm vi 2.600 - 2.680 USD/ounce và vàng miếng khó có cơ hội phá đỉnh giá mới nên sẽ không có sóng lớn.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục bám sát với xu hướng của thị trường vàng thế giới. Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng lên 2.650 USD/ounce vào cuối tuần và tỷ giá USD/VND trở lại xu hướng tăng thì giá vàng nhẫn sẽ khó giảm sâu trong ngắn hạn và sẽ sớm trở lại xu hướng tăng với mức dự kiến là 84 triệu đồng/lượng.