Hành trình mua 4 ngôi nhà Hà Nội của anh kỹ sư IT
Thu nhập mỗi tháng hơn 150 triệu đồng nhưng vợ chồng anh Hiếu và hai con vẫn chấp nhận sống trong phòng trọ 1,6 triệu đồng suốt bốn năm vì mục tiêu mua được nhà ở phố.
Báo VnExpress ngày 19/11 đưa thông tin với tiêu đề: "Hành trình mua 4 ngôi nhà Hà Nội của anh kỹ sư IT" cùng nội dung như sau:
Đầu tháng 11, tình cờ mở lại album cũ, nhìn những bức ảnh thời còn cởi trần làm việc bằng chiếc bàn gấp ở nhà trọ không điều hòa giữa mùa hè, anh Bùi Quang Hiếu, 36 tuổi, nhớ lại hành trình đã trải qua trước khi trở thành ông chủ của bốn ngôi nhà giữa thủ đô như hiện tại.
Anh Hiếu là con trai duy nhất trong gia đình nghèo khó ở huyện ngoại thành Phú Xuyên, Hà Nội. Bố mẹ làm đủ mọi việc từ lao động chân tay, công nhân đến xe ôm, bán bún để có tiền nuôi con ăn học. Tài sản quý giá nhất của gia đình là chiếc xe máy cà tàng của bố.
Ngày bé, Hiếu thường dùng lại sách giáo khoa cũ của anh họ, quần áo vài năm mới được mua một lần. Cả tuổi thơ, món thèm nhất của anh là mỳ tôm. "Cái nghèo rèn cho tôi khả năng tiết kiệm và động lực để kiếm tiền", chàng trai tốt nghiệp đại học ngành IT, nói.
Năm 2010, khi bắt đầu đi làm, anh lao vào cuộc đua tăng thu nhập. Hiếu thử sức ở các công ty công nghệ của Australia, Mỹ, Thụy Điển và FPT. Thu nhập lúc đó của chàng kỹ sư IT trẻ khoảng 12 triệu đồng mỗi tháng. Anh giữ lại 3 triệu cho mọi chi phí cá nhân, còn lại gửi về quê nhờ bố mẹ mua vàng, giữ giúp.
"Mục tiêu của tôi là mua được nhà, thứ đắt đỏ khủng khiếp ở Hà Nội", anh nói.
Một lần nói chuyện với bạn, Hiếu thắc mắc "sao anh hơn em bốn tuổi mà đã mua được nhà", người đồng nghiệp tiết lộ công việc viết app (ứng dụng di động) bán nên có thu nhập tốt.
Hiếu không biết gì về app nhưng tiếc tiền đi học nên mua sách về tự mày mò học. Sau ba tháng, anh bắt đầu kiếm được tiền từ công việc này và đưa thu nhập lên 40-70 triệu đồng mỗi tháng. Cộng với lương, anh có gần 100 triệu đồng.
Hiếu giữ lại 10 triệu đồng chi tiêu, còn lại tiếp tục gửi bố mẹ.
Thu nhập "khủng" nhưng chàng kỹ sư IT vẫn hài lòng với phòng trọ không điều hòa, chỉ có chiếc bàn gấp để lập trình hàng đêm. Anh ăn cơm nguội, bánh mỳ, mỳ tôm mỗi bữa sáng, dùng điện thoại 5 triệu đồng.
Năm 2015, Hiếu kết hôn với chị Trang, một công chức ở Hà Nội. Họ muốn dành tiền để mua nhà đất, tin đây là tài sản bền vững, sau này có thể dành cho con nên không chọn chung cư. "Chúng tôi đồng lòng chi tiêu tiết kiệm để mua nhà, không sợ khó, sợ khổ", chị Trang nói.
Sau đám cưới, cặp vợ chồng trẻ dọn về nhà trọ cũ. Đêm tân hôn, họ ngủ trên chiếc giường ghép bằng những thanh gỗ. Nhìn cảnh sống kham khổ của vợ chồng anh Hiếu, hàng xóm dị nghị, mỉa mai. Chị Trang không quan tâm, nhưng anh thì "mãi không quên sự khinh thường đó''.
Hàng ngày, anh Hiếu bắt đầu công việc lúc 6h đến 1h sáng hôm sau, gần như không có cuối tuần, lễ Tết. Thu nhập của anh ít tháng nào dưới 150 triệu đồng.
Khi có con, họ dọn về nhà trọ hai tầng, rộng 16 m2 giá 1,6 triệu đồng, ở quận Hoàng Mai. Tầng một anh trang bị đủ tiện nghi cho vợ con. Tầng hai nhỏ hơn là nơi anh làm việc.
Những ngày nắng 40 độ, nhiệt độ trong phòng cao hơn ngoài trời. Mùa đông, gió rít qua khe cửa buốt ngón chân. Anh quấn hai chăn, co ro ngồi làm việc.
Vợ chồng Hiếu cắt hết những khoản chi tiêu không cần thiết, không mua sắm online, không mua nhiều đồ đạc khi ở trọ, không ăn ngoài. Chi phí sinh hoạt cố định hàng tháng xoay quanh tiền thuê nhà, điện, nước, ăn uống, Internet. Hai vợ chồng chỉ chú trọng ăn uống đủ chất và ăn hoa quả hàng ngày để bảo đảm sức khỏe.
''Dù kiếm được nhiều hơn, tôi vẫn giữ mức chi tiêu của cả gia đình chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, nếu có việc đột xuất phải chi thêm cũng không quá 30%", anh nói.
Từ chuyên môn IT, kỹ năng sư phạm và mạng lưới mối quan hệ, anh lần lượt thành lập ba công ty về phần mềm và giáo dục. Không nghĩ đến văn phòng đẹp hay mua ôtô để xây dựng hình ảnh, anh tận dụng tối đa nguồn lực đang có. Vượt bão Covid-19, đến nay, các công ty của anh đều đang phát triển. "Dù chưa giàu, nhưng tôi hoàn toàn tự do tài chính", anh nói.
Năm 2019, công ty về phần mềm của anh cho lợi nhuận khoảng 4 tỷ đồng. Vợ chồng Hiếu và hai con tăng mức chi lên 20 triệu đồng mỗi tháng.
Cũng năm đó, anh bán vàng mua căn nhà đầu tiên. Ngôi nhà có gara ôtô và xây hiện đại, giá 6 tỷ đồng, không phải vay nợ. Lợi nhuận từ các công ty cũng giúp vợ chồng anh Hiếu mua thêm ba ngôi nhà nữa. Trong đó có hai ngôi nhà mặt đường, ngôi nhà lớn nhất 6 tầng, có 10 phòng, diện tích 60 m2.
Không còn áp lực tài chính, anh Hiếu dần thả lỏng, đầu tư hơn vào tận hưởng cuộc sống. Vợ chồng anh dành những ngày cuối tuần đi du lịch quanh Hà Nội, ăn tối trong nhà hàng. Hiếu chi hàng trăm triệu mua vàng để mẹ đeo, đưa bố mẹ đi khám ở bệnh viện tốt nhất. Anh mua điện thoại đời mới nhất cho vợ và laptop tốt nhất cho mình.
Anh Hiếu không còn đặt những chuyến bay vào sớm và đêm muộn, nhưng vẫn làm việc không ngừng nghỉ, giữ thói quen tiết kiệm và cân nhắc từng khoản chi tiêu. Đến giờ, anh vẫn đi chiếc xe máy mua từ năm 2009.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, 36 tuổi, một người bạn cho rằng thói quen tiết kiệm của bạn mình do xuất phát điểm và hoàn cảnh sống. Lần nào đi chơi anh Hiếu cũng luôn kiểm tra rất kỹ các điểm, quán ăn và so sánh để chọn nơi ngon, bổ, rẻ.
"Nhờ tài tính toán của anh Hiếu mà hội chúng tôi có lần gần 20 người, đi chơi hai ngày, một đêm ở villa trên Sóc Sơn, lúc về chia nhau mất chưa đến 200 nghìn đồng mỗi người'', anh Sơn kể.
Khi anh Hiếu chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm và tích lũy mua nhà lên mạng xã hội, nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng thu nhập cao mà sống khổ "như thời tiền sử" giống như anh từng trải qua là việc "điên rồ".
Anh Hiếu cho rằng mỗi người có một lựa chọn sống phù hợp. "Tôi nghĩ sống khổ hay không là theo góc nhìn mỗi người. Riêng gia đình tôi thấy thoải mái với cuộc sống như vậy", anh nói.
Chuyên gia tài chính Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ quản lý tài sản và tư vấn đầu tư FIDT cho rằng nếu gia tăng thu nhập là nguồn nguyên liệu cho sự phát triển tài sản thì tiết kiệm chính là ngòi nổ để kích hoạt. Từ cơ chế tiết kiệm hợp lý, thu nhập được dẫn động vào các kênh đầu tư khác nhau theo từng thời điểm để tối ưu việc gia tăng tài sản.
Anh Hiếu quan niệm con người chỉ khỏe trong khoảng 15-20 năm, sau 40 tuổi, sức khỏe không thể như trước nên cần tranh thủ đầu tư cho sự nghiệp, tăng thu nhập đồng thời sống tiết kiệm.
''Từ xưa các cụ đã nói 'buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện'. Với nhiều người, chỉ cần bớt lướt mạng, mua đồ online không cần thiết, hạn chế ăn ngoài hay mua sắm đã có thể để ra đáng kể'', anh nói.
Trước đó, báo Lao Động ngày 18/11 cũng có bài đăng với thông tin: "Nghiên cứu phụ cấp cho nhân lực IT khi cải cách tiền lương". Nội dung được báo đưa như sau:
"IT như chân sai vặt"
Sau gần 5 năm làm việc với vị trí cán bộ công nghệ thông tin của một đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP Hà Nội, anh Bùi Việt Huy (Thanh Xuân, Hà Nội) đã chính thức xin nghỉ việc.
Chuyển sang làm việc tại một công ty của Pháp với mức lương khoảng 40 triệu đồng/tháng giúp anh Huy chi tiêu thoải mái hơn so với khi làm việc tại đơn vị cũ. Đây cũng là lý do chính khiến anh Huy quyết định từ bỏ công việc trong môi trường Nhà nước.
"Khi còn làm trong đơn vị cũ, tôi phải kiêm nhiệm rất nhiều việc. Ngoài công việc chuyên môn chính, mỗi khi đồng nghiệp có vướng mắc về máy móc, thiết bị hay thậm chí lãnh đạo cần photo, in thông báo, thiết kết banner, slogan... đều gọi IT làm. Nhiều khi tôi thấy mình như chân sai vặt" - anh Huy kể lại.
Dù kiêm nhiệm nhiều công việc một lúc nhưng anh Huy chỉ nhận mức lương chưa đến 12 triệu đồng/tháng đã tính các khoản phụ cấp.
Còn theo anh Nguyễn Ngọc Khang, nhân lực ngành IT có tuổi nghề ngắn, chỉ đến 30-35 tuổi sẽ bị đào thải. Ở độ tuổi càng cao, việc tư duy, học tập càng kém.
“Hàng ngày đi làm, tôi chỉ cắm mặt vào chiếc máy tính. Với mức lương hiện tại thì tổng thu nhập của tôi khoảng 180 triệu đồng/năm. Trong khi nếu muốn mua một căn chung cư tại Hà Nội cũng cần khoảng 3 tỉ đồng. 180 triệu đồng tiền lương 1 năm chưa tính chi tiêu, lạm phát, khấu hao thì không biết bao giờ mua được nhà” - nam IT này bày tỏ.
Anh Khang bật mí, anh cũng dự định sẽ chuyển sang làm việc tại một công ty ngoài nước có trụ sở tại Việt Nam để nâng cao thu nhập, sớm mua được nhà tại Thủ đô.
Thiếu hụt nhân lực IT trầm trọng
Tại báo cáo đánh giá thực trạng chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, Bộ Nội vụ nhận định - nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số của nước ta vẫn đang thiếu hụt trầm trọng.
Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, việc tuyển dụng người có trình độ CNTT vào làm việc tại các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn do:
Lương và các chế độ chính sách còn thấp; khả năng thăng tiến và phát triển thấp; môi trường làm việc chưa đáp ứng (thiết bị, cơ sở vật chất) chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút đội ngũ làm CNTT có chất lượng cao; có tình trạng công chức, viên chức sau khi được tuyển dụng xin thôi việc để chuyển ra ngoài khu vực tư nhân.
Bộ Nội vụ đánh giá, do hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người đang công tác trong lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ quản trị hệ thống dữ liệu chuyển đổi số đều bố trí kiêm nhiệm (chưa có mã số và chức danh riêng) nên việc quy định chế độ phụ cấp (gắn với tiền lương hiện hưởng) cho các đối tượng này là rất phức tạp.
Vấn đề này sẽ được nghiên cứu xem xét khi cải cách chính sách tiền lương (theo hướng có quy định chức danh và mã số riêng cho các đối tượng này).
Trong thời gian chưa thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 thì việc quy định chế độ hỗ trợ đối với các đối tượng này là khả thi và phù hợp.