Lạnh người lời kể của nhân chứng phát hiện nhiều hộp sọ, xương người trong hang đá ở Nghệ An

Men theo lối mòn vào hang đá Lèn Chùa, ánh sáng nhập nhoạng phản chiếu lên một vật lạ ở bên trái vách đá là một hộp sọ người.

Báo Tiền Phong ngày 25/04 đưa thông tin với tiêu đề: "Lạnh người lời kể của nhân chứng phát hiện nhiều hộp sọ, xương người trong hang đá ở Nghệ An" cùng nội dung như sau: 

Ngày 25/4, cơ quan chức năng vẫn đang phong tỏa hiện trường, mở rộng phạm vi tìm kiếm khu vực xung quanh và bên trong hang đá Lèn Chùa ở xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Bước đầu ghi nhận có 18 bộ xương, hộp sọ nằm rải rác dưới nền đất, trên vách đá. Bên cạnh có nhiều vỏ ốc, sò, mảnh gốm vỡ.

Là nhân chứng đầu tiên phát hiện nhiều hộp sọ, xương người ở hang đá Lèn Chùa, anh P.T (SN 1980, trú xóm Tân Thành, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn) cho biết, sáng 23/4, khi đi qua khu vực gần hang Lèn Chùa, thấy chiếc máy gạt đất đang san lấp một số đoạn khó đi nên anh tiến lại gần xem.

Đứng bên đường, anh đưa mắt nhìn về nơi miệng hang Lèn Chùa, một khoảng tối bị cỏ dại phủ kín, có điều gì đó thôi thúc anh bước vào trong. “Không hiểu sao hôm đó, tôi cứ có cảm giác lạ, như có gì thôi thúc mình phải bước vào trong”, anh T. nhớ lại.

Anh T. đi men theo lối mòn vào hang. Bên trong, ánh sáng nhập nhoạng phản chiếu lên một vật lạ ở bên trái vách đá là một hộp sọ người - theo nhận định sau này. Lúc đầu, anh T. chỉ nghĩ là xương động vật, nhưng linh tính vẫn thôi thúc anh đi gọi thêm người kiểm chứng.

“Tôi gặp hai người đi đường, rủ họ vào xem nhưng bị từ chối. Tôi về nhà, năn nỉ em gái cùng lên lại hang. Lúc quay lại, hai anh em phát hiện thêm một hộp sọ nữa bên phải hang. Lúc này, chúng tôi mới tin chắc đó là đầu người thật nên báo công an và chính quyền xã”, anh T. kể.

Theo lãnh đạo UBND xã Nghĩa Thành, từ năm 2019, tại hang Lèn Chùa từng xảy ra vụ việc một người nghiện ma túy tử vong bên trong hang. Từ đó đến nay, người dân địa phương không còn lui tới khu vực này.

Lèn Chùa là hang đá nằm giữa cánh đồng mía giáp ranh xã Nghĩa Thành và Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, cách khu dân cư khoảng 200 m, ít người qua lại. Cửa hang rộng 5 m, cách tuyến đường phụ người dân đi làm đồng khoảng 10 m, bên trong có ngách sâu 7 m, lối vào đầy cỏ dại và cây cối bao phủ.

Hang Lèn Chùa chưa từng được khai quật. Trước đây hang nằm gần kho quân khí, từng được sử dụng để hủy đạn. Hiện lối vào hang đã bị chặn lại bằng đá, song con người vẫn có thể ra vào. Bước đầu cơ quan chức năng nhận định những bộ xương, hộp sọ trên không liên quan đến quân sự.

Như đã đưa tin, chiều 23/4, người dân phát hiện 2 bộ xương tại cửa hang đá thuộc địa phận Lèn Chùa nên đã báo chính quyền địa phương. Ngay sau đó, Công an xã Nghĩa Thành cùng các lực lượng đã có mặt để xác minh.

Tại đây, ghi nhận có 2 hộp sọ và một số khúc xương (nghi là xương người). Khi tiến sâu vào hang, lực lượng chức năng phát hiện thêm nhiều xương và hộp sọ khác.

Cùng ngày, báo VnExpress cũng có bài đăng với thông tin: "18 bộ xương trong hang đá ở Nghệ An nghi là di cốt người xưa". Nội dung được báo đưa như sau:

Hai hôm nay, cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm khu vực xung quanh và bên trong hang đá Lèn Chùa, ghi nhận có 18 bộ xương, hộp sọ nằm rải rác dưới nền đất, trên vách đá. Bên cạnh có nhiều vỏ ốc, sò, mảnh gốm vỡ. Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra sự việc.

Lãnh đạo Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, cho biết căn cứ vào một số khai quật trước đây ở các hang động có đặc điểm tương tự trên địa bàn, bước đầu nhận định những bộ di cốt trên là của người xưa, thuộc nền văn hóa Hòa bình cách đây khoảng 10.000-3.000 năm trước công nguyên, thuộc hậu kỳ đồ đá cũ, sơ kỳ đồ đá mới.

Theo vị này, cư dân nền văn hóa Hòa Bình thường chọn hang động mái đá ven núi, gần sông suối, đồng ruộng để thuận tiện lấy nước và săn bắt hái lượm. Họ sống theo từng nhóm nhỏ, cùng huyết thống, sử dụng công cụ thô sơ như đá, vỏ ốc, sò. Khi có ai qua đời, họ luôn an táng ngay tại hang cùng một số vật dụng thân thuộc, dưới các lớp vỏ sò, nhuyễn thể.

"Trong hang môi trường bóng tối và yếm khí, vì thế xương cốt qua hàng nghìn năm vẫn có thể tồn tại đến này nay mà chưa mục hết", lãnh đạo Phòng Quản lý di sản lý giải. Việc những hiện vật đến nay mới phát hiện được nhận định "có thể một số người nghĩ trong hang có cổ vật nên đào xới lên".

Để xác định chính xác đặc điểm nhân chủng học và niên đại các bộ di cốt, sắp tới Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An sẽ tham vấn ý kiến ngành chuyên môn và chuyên gia khảo cổ giám định bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Carbon-14. Nếu đúng là di cốt của người xưa thì sẽ đưa vào danh mục để làm hồ sơ khai quật khẩn cấp trong thời gian tới, các đợt nghiên cứu kéo dài hàng tháng.

"Nếu đào xuống ở độ sâu 3-4 m, chắc chắn phát hiện thêm nhiều di cốt cùng hiện vật đồ gốm, rìu, vỏ sò, thậm chí cả đồ thời văn hóa Đông Sơn", lãnh đạo Phòng Quản lý di sản nhận định. Vị này cho hay đây là phát hiện mang yếu tố khảo cổ, vì thế người dân không nên lo lắng, thêu dệt những câu chuyện gây hoang mang.

Văn hóa Hòa Bình được công nhận năm 1932 do bà M.Colani đề xuất sau khi được Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông thông qua. Văn hóa Hòa Bình là khởi nguồn cho văn minh người Việt. Các di vật chính của nền văn hóa này được tìm thấy gồm dụng cụ bằng đá cuội ghè đẽo một mặt, hoặc chỉ phần lưỡi; mảnh gốm không có hình thù do kỹ thuật nung chưa đạt nhiệt độ cao...

Chiều 23/4, một số người dân đi làm đồng, vào hang Lèn Chùa ngồi tránh nắng thì phát hiện hai bộ xương tại cửa hang nên trình báo chính quyền.

Lèn Chùa là hang đá nằm giữa cánh đồng mía giáp ranh xã Nghĩa Thành và Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, cách khu dân cư khoảng 200 m, ít người qua lại. Cửa hang rộng 5 m, cách tuyến đường phụ người dân đi làm đồng khoảng 10 m, bên trong có ngách sâu 7 m, lối vào đầy cỏ dại và cây cối bao phủ.

Hang Lèn Chùa chưa từng được khai quật. Trước đây hang nằm gần kho quân khí, từng được sử dụng để hủy đạn. Hiện lối vào hang đã bị chặn lại bằng đá, song con người vẫn có thể ra vào. Bước đầu cơ quan chức năng nhận định những bộ xương, hộp sọ trên không liên quan đến quân sự.

Nghệ An có hàng trăm hang đá, tập trung tại các huyện miền Tây như Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong... Đến nay cơ quan chức năng ghi nhận có 27 di tích khảo cổ học lưu dấu ấn của người Việt cổ thuộc các giai đoạn của thời đại đá mới. Nhiều địa điểm thời điểm này đang xuống cấp, chưa tu bổ.