Mẹ Thái Bình lỡ cho con dùng sữa giả, tiết lộ sự bất thường ngay lúc pha, nhưng nghĩ "sữa xịn phải khác"
Chị C. đang cho con trai dùng sữa của một thương hiệu lớn, nhưng nghe lời quảng cáo "bùi tai", chị đã quyết định đổi sữa cho con, không ngờ trúng vào một loại sữa giả.
Báo Đời sống Pháp luật ngày 17/04 đưa thông tin với tiêu đề: "Mẹ Thái Bình lỡ cho con dùng sữa giả, tiết lộ sự bất thường ngay lúc pha, nhưng nghĩ "sữa xịn phải khác"" cùng nội dung như sau:
Thời gian qua, khi đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả bị phanh phui cũng là lúc, nhiều mẹ bỉm sữa tá hỏa phát hiện lon sữa mà mình tin tưởng mua cho con với hy vọng bé cao lớn, khỏe mạnh, tăng sức đề kháng,... lại là sữa giả.
Chị L.C. (ở Thái Bình) cảm thấy áy náy với con, tự trách bản thân rất nhiều khi biết đã không may cho con uống sữa giả. Theo nguồn tin trên báo Dân Trí, chị C. chia sẻ mua sữa cho con tại một cửa hàng tạp hóa với mức giá không hề rẻ. Trước những lời tư vấn “bùi tai” của người bán, chị C. mua cho con loại sữa M79 Gold Kid Baby, loại sữa nằm trong danh sách sữa giả vừa bị phanh phui.
Bản thân chị C. vốn là người có kinh nghiệm nuôi con bằng sữa ngoại. Con gái lớn của chị dùng một hãng sữa nổi tiếng của Đức đến năm 3 tuổi. Đến con trai thứ 2, chị C. cho con dùng một loại sữa khác đến từ thương hiệu lớn.
Nhưng trong lần mua sữa gần đây, người bán nói rằng loại sữa mà con trai chị đang dùng “không có canxi, trẻ không hấp thụ được” và tư vấn sang loại M79 Gold Kid Baby, kèm lời quảng cáo: Dùng cho trẻ suy nhược cơ thể, biếng ăn, mới ốm dậy,...
Khi pha loại sữa này cho con uống, chị C. đã hơi nghi ngờ vì thấy nổi váng, song lại nghĩ sữa xịn phải khác nên vẫn cho con uống. Chị C. hiện rất lo lắng khi con mới chỉ vài tháng tuổi, hệ tiêu hóa còn non nớt, lỡ không may trong sữa có chất độc hại thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, sự phát triển của bé sau này?
Mất tiền triệu mỗi tháng mua phải sữa giả
Chung cảnh ngộ với chị C. là chị H.T.T. (43 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội). Kể với Chuyên trang Gia đình & Xã hội, chị T. cho biết có một bé trai 3 tuổi và rất chú trọng dinh dưỡng cho con, nhất là trong giai đoạn bé biếng ăn, chậm tăng cân.
Vì tin tưởng vào các thương hiệu lớn và tiện lợi khi mua hàng online, chị T. đã chi hàng triệu đồng mỗi tháng để mua sữa Cilonmum cho con.
Khi biết Cilonmum nằm trong danh sách sữa giả, người mẹ choáng váng. Bởi sản phẩm có bao bì đẹp, có mã vạch, tem chống giả, nắp lon giống các sản phẩm hàng thật nên chị chưa bao giờ nghĩ lon sữa mình mua là sữa giả.
"Tôi từng nghĩ nếu có sữa giả thì chắc chỉ lừa ở vỉa hè, chợ đen nhưng giờ thì tôi hiểu, sữa giả không chỉ tinh vi, mà còn đánh vào lòng tin của người tiêu dùng. Chúng tôi không thể phân biệt được đâu là thật - đâu là giả bằng mắt thường", người phụ nữ nói.
Hiện tại, người mẹ này đang rất hoang mang, không biết con đã hấp thụ thứ gì trong suốt thời gian qua và có ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bé hay không?
Hậu quả của việc dùng sữa giả
Trao đổi trên Vnexpress, PGS.TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, sữa là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng phổ biến, đặc biệt với trẻ nhỏ. Việc sử dụng sữa giả không bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất gây nguy cơ cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển đối với trẻ.
Đặc biệt hậu quả sẽ còn nghiệm trọng hơn với trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu hoặc sống phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ sữa.
Nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chất phụ gia không được kiểm soát trong sữa giả gây nhiều rủi ro cho người dùng như: Dị ứng, ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa. Về lâu dài, cơ thể tích lũy kim loại nặng, chất độc, ảnh hưởng nội tiết và phát triển thần kinh, nhất là ở trẻ em.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam thông tin thêm, hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì sữa giả khiến nhiều người lầm tưởng nên không bổ sung từ các nguồn thực phẩm khác.
Cùng ngày, báo Tuổi trẻ cũng có bài đăng với thông tin: "Từ vụ gần 600 loại sữa giả, nguyên phó chủ tịch nước: Trách nhiệm thuộc về ai?". Nội dung được báo đưa như sau:
Sáng 17-4, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Sữa giả quảng cáo rất rầm rộ, lừa dân đến 4 năm liền
Một nội dung được nhiều thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu ra là việc người dân rất bức xúc về vấn đề sữa giả từ vụ phá đường dây gần 600 loại sữa giả vừa qua và sản xuất thuốc chữa bệnh giả.
Nêu ý kiến tại đây, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho hay qua vụ phá đường dây gần 600 loại sữa giả vẫn nổi lên vấn đề "trách nhiệm thuộc về ai?".
Bà nói, Quốc hội từ 5 khóa nay đều bàn vấn đề "một mâm cơm 5 người quản lý". Đến vấn đề sữa giả này, ai chịu trách nhiệm?
"Bộ Công Thương hôm qua nói không thuộc đối tượng quản lý. Thế trách nhiệm của ai? Ai quản lý sữa này? Ai quản lý thực phẩm này?", bà Doan đặt câu hỏi.
Bà cũng đề nghị làm rõ vấn đề quản lý thức ăn đường phố khi có "5.000 - 10.000 đồng/que thịt, thịt bẩn hay thịt sạch, ai quản lý?".
"Đây là vấn đề nổi lên hiện nay cần phải làm rõ ra", nguyên Phó chủ tịch nước nói.
GS Trần Ngọc Đường, chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng kiến nghị cần mạnh mẽ lên án, tìm giải pháp quyết liệt, có hiệu quả để giải quyết "nạn" liên quan vụ gần 600 loại sữa giả.
Ông dẫn lại việc hai doanh nghiệp Rance Pharma và Hacofood Group đã lừa dân trong 4 năm, sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỉ đồng.
Họ quảng cáo các thành phần chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... nhưng thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này.
"Tiếp tay lại là những nhân vật có tiếng trong showbiz, quảng cáo rất rầm rộ, lừa dân đến 4 năm liền. Phải lên án, phải chấm dứt vấn đề này. Đề nghị các cơ quan chức năng phải phát hiện sớm và xử lý", GS Đường nêu thêm.
Bà Bùi Thị Thanh, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Việt Nam, nêu thực tế hiện nay người dân rất băn khoăn, lo lắng, bất an về nhiều vấn đề, nhất là giá vàng tăng đột biến, tình trạng sữa giả, thuốc giả rất nhức nhối gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Từ thực trạng trên, bà Thanh đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần kiến nghị với Đảng, Chính phủ xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, tội phạm sản xuất buôn bán hàng giả, hành kém chất lượng.
“Sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và sắp xếp tổ chức bộ máy, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe ý kiến để phát hiện những vấn đề bất cập để điều chỉnh hợp lý giúp đảm bảo quyền lợi người dân”, bà Bùi Thị Thanh kiến nghị.
Bán ra thị trường gần 600 loại sữa bột giả
Trước đó, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh.
Theo đó, từ hơn 4 năm qua đường dây này ngang nhiên hoạt động, bán ra thị trường gần 600 loại sữa bột giả, với doanh thu gần 500 tỉ đồng. Nguy hiểm và rất nguy hiểm khi họ sản xuất cả các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Bước đầu cơ quan công an xác định từ tháng 8-2021 đến nay, Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại.
Chưa có đánh giá chính xác về tác hại của những loại sữa giả này, nhưng chắc chắn gây tổn hại sức khỏe về lâu dài với người tiêu dùng khi các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó..., thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này.
Họ đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung một số chất phụ gia.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, Bộ Công Thương khẳng định các nhóm danh mục sữa bột giả là sản phẩm thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group sản xuất không thuộc đối tượng quản lý của bộ này.
Trong khi đó, chia sẻ về chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Y tế cho biết hiện nay đa phần việc quản lý đã phân cấp về địa phương và giao địa phương quản lý. Bộ cũng đã "ban hành các kế hoạch thanh tra, kiểm tra".