Vấn nạn thuốc giả: Hướng dẫn người dân tra cứu thuốc được cấp phép, tránh mua phải thuốc giả
Thông tin công an triệt phá đường dây mua bán thuốc giả gần đây dấy lên nghi ngại của người dân. Bộ Y tế khuyến cáo người dân hãy cẩn thận tra cứu và áp dụng những lưu ý sau để tránh mua phải thuốc giả.
Ngày 19/4/2025, Thời báo VHNT đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Vấn nạn thuốc giả: Hướng dẫn người dân tra cứu thuốc được cấp phép, tránh mua phải thuốc giả". Nội dung như sau:
Gần đây vụ án mua bán thuốc giả khiến dư luận xôn xao. Người dân hoài nghi thắc mắc làm cách nào phân biệt thuốc giả để tránh tiền mất tật mang. Trước tình hình này người dân nên lưu ý tra cứu thông tin các loại thuốc được cấp phép lưu hành.
1. Lưu ý tra cứu trực tuyến dễ dàng
Trên trang quản lý của Cục quản lý Dược có thông tin về các loại thuốc đã được cấp phép.
Bước 1: Đầu tiên để tra cứu, người dân truy cập vào trang https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index
Bước 2: Vào mục tra cứu giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu hành tại Việt Nam, nhập thông tin thuốc cần tìm (có thể tra cứu theo tên thuốc, cơ sở sản xuất, cơ sở đăng ký, số đăng ký lưu hành thuốc, …) và nhấn "Tìm kiếm" để hiển thị kết quả.
Bước 3: Đối chiếu kết quả hiện ra và kiểm tra. Hệ thống sẽ cung cấp thông tin đầy đủ về thuốc tại các cột tên thuốc, số đăng ký, dạng bào chế, hoạt chất, hàm lượng, cơ sở đăng ký, sản xuất.
Sau đó người dân có thể tra cứu phần hình ảnh mẫu nhãn và hướng dẫn sử dụng đã dược cơ quan quản lý phê duyệt ở cột HDSD/Mẫu nhãn.

2. Lưu ý khi mua thuốc để tránh thuốc giả
Để tránh nguy cơ mua phải thuốc giả, người dân nên lưu ý các điều sau:
Mua thuốc ở nơi uy tín, quầy thuốc lớn, nhà thuốc có cấp phép, có địa chỉ rõ ràng.
Tuyệt đối không mua thuốc ở các nơi không rõ ràng như chự, hàng rong, không mua thuốc trên mạng xã hội, không nên mua qua livestream...
Mua thuốc nhớ kiểm tra bao bì và thông tin trên vỏ thuốc. Quan sát bao bì thấy nguyên vẹn không rách nát, mốc móp. Quan sát chữ và các logo rõ ràng không bị mờ bị chỉnh sửa.
Kiểm tra thông tin cần thiết trên vỏ thuốc: tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên nhà sản xuất. Các thông tin quan trọng này phải được in rõ ràng, không tẩy xóa.
Nếu đã có sản phẩm từng mua, hãy so sánh với nhau để phát hiện xem có sự khác biệt để đề phòng hàng giả. Nếu có sự khác biệt so với lần trước thì có thể đó là hàng giả.
Sử dụng ứng dụng quét mã vạch/mã QR để kiểm tra thông tin sản phẩm (trường hợp có in mã vạch/mã QR trên vỏ hộp, mã không quét được hoặc thông tin không khớp, hãy nghi ngờ).
Mua thuốc tại nhà thuốc hãy yêu cầu nhân viên xuất hóa đơn mua hàng để đảm bảo có nguồn gốc, trách nhiệm và để bảo vệ quyền lợi cho bản thân khi gặp phải thuốc giả thuốc kém chất lượng.
Cẩn trọng khi mua thấy thuốc rẻ hơn bất thường.
Khi thấy nghi ngờ cần báo ngay cho cơ quan chức năng như sở y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương để xử lý. Nếu đã mua phải thuốc giả, ngừng sử dụng ngay và liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn.

3. Từ 1/7/2025 xiết chặt việc bán thuốc qua mạng
Từ ngày 1/7/2025 Luật sử đổi bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ có hiệu lực. Theo đó một số thuốc không kê đơn mới được bán lẻ thương mại điện tử trên sàn giao dịch điện tử, ứng dụng bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Người dân chú ý chỉ mua thuốc trên các trang web được cấp phép bán thuốc trực tuyến được phép; không mua qua các nền tảng mạng xã hội hoặc người bán cá nhân không rõ danh tính.
Báo Tiền Phong ngày 18/4 cũng đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Bộ Y tế chỉ cách phân biệt thuốc giả, cảnh báo không mua thuốc qua mạng". Cụ thể như sau:
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, đường dây thuốc giả bị phát hiện mới đây hoạt động bài bản với thủ đoạn tinh vi: thuê kho xưởng ở vùng hẻo lánh, thuê người quen, người thân làm công nhân, hoạt động khép kín để tránh bị phát hiện. Sau khi sản xuất, thuốc giả được đóng gói như thật, trộn lẫn với thuốc thật và phân phối nhỏ lẻ ra thị trường.
Vài ngày sau khi cơ quan công an phá án, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phát đi khuyến cáo khẩn, cảnh báo người dân cảnh giác cao độ với thuốc giả, đặc biệt khi mua thuốc trên mạng. TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, nhấn mạnh: “Tuyệt đối không mua thuốc qua mạng xã hội, các trang cá nhân không rõ danh tính hoặc qua hình thức livestream – đây là những kênh có nguy cơ rất cao phát tán thuốc giả”.

Từ 1/7: Chỉ thuốc không kê đơn mới được bán online
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Luật số 44/2024) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Theo đó, chỉ các loại thuốc không kê đơn mới được phép kinh doanh (bán lẻ) qua thương mại điện tử.
Người dân chỉ nên đặt mua thuốc qua các sàn thương mại điện tử, website, ứng dụng đã được Bộ Y tế cấp phép, có chức năng đặt hàng trực tuyến và chịu sự quản lý chặt chẽ.
Khi mua thuốc trực tiếp tại các nhà thuốc, ông Hùng khuyến cáo người dân cần chọn cơ sở có giấy phép kinh doanh, địa chỉ rõ ràng, uy tín. Tuyệt đối tránh mua thuốc tại chợ, từ người bán dạo hoặc các kênh không chính thống.
Làm sao để phân biệt thuốc thật – giả?
Theo hướng dẫn từ Bộ Y tế, bao bì thuốc cần nguyên vẹn, không rách, không mờ, và không có dấu hiệu sửa đổi. Người tiêu dùng nên kiểm tra các thông tin quan trọng như:
Tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn dùng
Số đăng ký lưu hành, tên nhà sản xuất
So sánh bao bì với hình ảnh mẫu chính hãng (nếu có)
Ngoài ra, quét mã vạch hoặc mã QR là một bước quan trọng. Nếu mã không quét được, hoặc thông tin không trùng khớp với nhãn, cần nghi ngờ ngay về độ xác thực.
Lưu ý: Thuốc giả thường đi kèm giá "mềm" bất thường, chênh lệch lớn so với thị trường. Các chiêu quảng cáo như "thần dược", "chữa bách bệnh", "thuốc xách tay giá rẻ"... đều tiềm ẩn rủi ro rất cao.
Thuốc giả núp bóng “hàng thầu” và “hàng ngoại nhập”
Ghi nhận từ Cục Quản lý Dược cho thấy, tỉ lệ thuốc giả vẫn được kiểm soát ở mức dưới 0,1% những năm gần đây. Tuy nhiên, các chiêu trò ngày càng tinh vi.
Trong năm 2023–2024, một số lô thuốc giả bị phát hiện tại Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội như: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion. Những sản phẩm này thường được giới thiệu là hàng "dư thầu bệnh viện", không có hóa đơn để “giá mềm”, hoặc mạo danh thuốc nhập khẩu nhằm đánh vào lòng tin người tiêu dùng.
Các đối tượng thường bán thuốc thật thời gian đầu để tạo uy tín, sau đó dần thay thế bằng thuốc giả tự sản xuất để kiếm lời.

Người dân cần làm gì?
TS Hùng khuyến cáo người dân khi mua thuốc cần: yêu cầu hóa đơn, giữ lại để truy xuất nguồn gốc nếu có vấn đề. Nếu nghi ngờ thuốc giả hoặc phát hiện hành vi buôn bán thuốc giả: báo ngay cho cơ quan chức năng (Sở Y tế, Cục Quản lý Dược, công an địa phương).
Nếu đã sử dụng thuốc nghi ngờ giả: ngưng dùng ngay, đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, theo dõi sức khỏe.
Ngoài ra người dân có thể tra cứu thông tin giấy đăng kí lưu hành thuốc trên hệ thống của Cục Quản lý Dược:
Bước 1: Truy cập: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index
Bước 2: Nhập tên thuốc hoặc số đăng ký (VD-…, VN-…).
Bước 3: Đối chiếu thông tin với bao bì, mẫu nhãn được phê duyệt.