Thông tin mới về đường dây mua bán thận cực lớn tại Hà Nội

Công an Hà Nội cùng với Cục Cảnh sát hình sự vừa triệt phá đường dây mua bán bộ phận cơ thể người hoạt động vô cùng tinh vi.

Ngày 28/01/2025 Sức khỏe đời sống đưa tin "Thông tin mới về đường dây mua bán thận cực lớn tại Hà Nội". Nội dung chính như sau:

Chiều 28/1, Công an Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, tạm giam các bị can Nguyễn Văn Tân (SN 1984, trú tại huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Thị Dung (SN 1985, trú tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Riêng bị can Võ Thị Cưng (SN 1992) cũng đã bị khởi tố, bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Những người này bị khởi tố do liên quan đến vụ án mua bán bộ phận cơ thể người.

Trước đó Cục Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án triệt phá đường dây mua bán bộ phận cơ thể người (thận) xảy ra tại Hà Nội và các địa phương, đồng thời giao Phòng Phòng ngừa, điều tra tội phạm mua bán người (Phòng 5) phối hợp với Công an Hà Nội và các đơn vị, địa phương đấu tranh chuyên án.

Căn cứ tài liệu thu thập, Phòng 5 chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội và các đơn vị, địa phương tiến hành phá án. 

Các tổ công tác đồng loạt triệu tập, áp giải 3 đối tượng về trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, gồm: Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Thị Dung và Võ Thị Cưng.

Tài liệu đấu tranh chuyên án và lời khai của các đối tượng thể hiện, Tân sử dụng hoặc trực tiếp chỉ đạo Dung và Cưng dùng tài khoản Facebook đăng bài có nội dung cần người hiến thận gấp, hậu tạ cao, kèm theo số điện thoại cần liên hệ và qua một số "chân rết" tại địa phương (thường là những cá nhân đã từng bán bộ phận cơ thể người) tìm kiếm những người có nhu cầu bán thận và thỏa thuận giá cả, cách thức ghép.

Thông tin mới về đường dây mua bán thận cực lớn tại Hà Nội- Ảnh 1.
Nhóm đối tượng bị khởi tố (ảnh tư liệu)

Thông qua các mối quan hệ quen biết, Tân đã tìm kiếm, trao đổi với những người có nhu cầu ghép thận nhằm lấy thông tin bệnh án, thống nhất giá cả, đặt cọc tiền, trao đổi phương thức thanh toán.

Sau khi người bán đồng ý, Tân trực tiếp hoặc chỉ đạo Dung hướng dẫn người bán thực hiện các thủ tục pháp lý tại địa phương, dưới hình thức hiến tặng bộ phận cơ thể người nhằm đảm bảo thủ tục nhân đạo và yêu cầu người bán có mặt tại Hà Nội để các đối tượng dẫn đi kiểm tra, đánh giá sức khỏe, xét nghiệm các chỉ số đặc thù (chỉ số tương thích HLA) phục vụ việc cấy ghép.

Quá trình đi lại, ăn ở, chi phí xét nghiệm của người bán đều được các đối tượng chi trả. Sau khi chọn được các cặp ghép mua, bán thận có chỉ số tương thích LHA đảm bảo điều kiện tiến hành cấy ghép, các đối tượng thống nhất làm thủ tục y tế để bệnh viện tiến hành cấy ghép tạng giữa người mua và người bán.

Để nhóm đối tượng đồng ý tìm kiếm người bán thận đảm bảo điều kiện ghép tạng, người mua phải đặt cọc một khoản tiền. Sau khi tìm được người bán có chỉ số phù hợp, Tân đứng ra thỏa thuận giá cả, cách thức thanh toán với người mua, người bán; giá 1 quả thận khoảng 800-950 triệu đồng, chưa bao gồm chi phí phẫu thuật cho người bán và người mua (khoảng 300 triệu đồng), chi phí phát sinh khác (xét nghiệm, ăn ở, đi lại...) do người mua chịu trách nhiệm. 

Các đối tượng trả cho người bán khoảng 300-450 triệu đồng đối với một quả thận, không bao gồm chi phí ăn ở, đi lại, xét nghiệm trước khi cấy ghép.

Ngay trước khi tiến hành cấy ghép, người mua hoặc thân nhân người mua phải chuyển số tiền như thỏa thuận cho Tân thông qua tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định để Tân chuyển cho người bán hoặc thân nhân người bán (hoặc người nhà người mua chuyển thẳng cho người bán hoặc người nhà người bán), hưởng lợi khoảng 160-400 triệu đồng đối với một ca ghép thành công. Ngoài ra, Tân chia phần hưởng lợi cho các thành viên trong nhóm, tùy thuộc vào vai trò, vị trí của từng đối tượng.

Đối tượng Tân và đồng bọn đã tổ chức môi giới thành công cho nhiều cặp ghép thận, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Cục Cảnh sát hình sự đang tiếp tục phối hợp với Công an Hà Nội và các đơn vị, địa phương đấu tranh, điều tra mở rộng chuyên án để xử lý triệt để các hành vi phạm tội của các đối tượng bị bắt giữ và làm rõ hành vi phạm tội các đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngày 28/1/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Đối tượng trong đường dây lừa đảo 1.000 tỷ tiết lộ có người được thưởng Tết gần 900 triệu đồng?". Nội dung như sau:

Liên quan đến đường dây lừa đảo xuyên biên giới sử dụng công nghệ cao mà Công an tỉnh Bắc Ninh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phá thành công, ônh Bùi Chiến Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng ban chuyên án cho biết, đây là chuyên án rất lớn và đặc biệt của Công an tỉnh Bắc Ninh vào những ngày đầu năm.

Đại úy Nguyễn Duy Hòa, Phó Đội trưởng, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ những ngày đầu tham gia vào tổ chức lừa đảo, các đối tượng được tập huấn kỹ càng, chuyên sâu về pháp luật để sẵn sàng đối phó khi bị cơ quan điều tra triệu tập làm việc.

"Khi bị triệu tập, bắt giữ và đưa về cơ quan điều tra, các đối tượng luôn tỏ ra bình tĩnh, lỳ lợm, ngoan cố, cương quyết không khai nhận hành vi phạm tội ", VTC News dẫn lời Đại úy Nguyễn Duy Hòa nói.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình phá án, Đại tá Bùi Chiến Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, cho biết, các đối tượng phạm tội hoạt động ngoài phạm vi biên giới nước ta, trong một nhóm kín với tổ chức rất chặt chẽ, phân công rất cụ thể với từng thành viên.

Đối tượng cầm đầu là người nước ngoài, nhưng bằng nhiều thủ đoạn, lại liên tiếp tuyển dụng người Việt để thực hiện kịch bản lừa đảo đã dựng sẵn để lừa người Việt.

Những đối tượng được xác định có vai trò chính gồm: Nguyễn Văn Mạnh (SN 1989, ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh); Đỗ Văn Nghĩa (SN 2000, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang); Đinh Như Quỳnh (SN 2002, ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ); Nguyễn Đức Toàn (SN 1993 ở quận An Dương, TP Hải Phòng) và Phạm Thị Huyền Trang (SN 1999, ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng).

Từ trái qua 3 đối tượng Huyền Trang, Đỗ Văn Nghĩa và Nguyễn văn Mạnh - Ảnh: Công an Bắc Ninh

Trong đó, Phạm Thị Huyền Trang là quản lý cấp cao, phụ trách lên hàng loạt các kịch bản lừa đảo nhận mức lương đến 200 triệu đồng/ tháng. Còn đối tượng Đỗ Văn Nghĩa là trợ thủ đắc lực của “ông chủ” người nước ngoài.

Đặc biệt, công ty cũng sẵn sàng thưởng lớn cho những đối tượng là nhân sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm. Có đối tượng, sau khi trừ chi phí thì số tiền thưởng lên đến 35.000 USD (gần 900 triệu đồng). Đây là mức lương, thưởng Tết, theo tiết lộ của một nhân viên vừa bị bắt.

"Em lương quản lý là 1.300 USD. Chia thưởng Tết, chị Dung được 12.000 USD. Nghĩa trừ hết chi phí thì được phát lương 35.000 USD", một đối tượng làm việc tại công ty lừa đảo ở Campuchia trả lời trên phóng sự của VTV.

Một trong những nguyên nhân khiến người dân sập bẫy chính là những kịch bản lừa đảo hoàn hảo, bài bản được các đối tượng xây dựng rất chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của nhóm người nước ngoài từ Campuchia.

Đối tượng "có thâm niên" nói thấy xấu hổ nhưng "nhà nợ nhiều quá"

Sau một năm tích cực lừa đảo, các đối tượng đã về quê ăn Tết với số tiền thưởng được lấy từ chính những đồng tiền lừa đảo người Việt.

Nguyễn Thị Phương là một trong số những đối tượng bị bắt giữ trong lần trở về Việt Nam này. Nữ quái cho biết đã có thâm niên gần 1 năm làm việc tại công ty lừa đảo ở Campuchia nên thuộc lòng bài học lừa đảo mà công ty có trụ sở ở khu Tam Thái Tử, Campuchia chỉ dạy.

Nhiệm vụ hàng ngày của Phương được giao là giả danh cán bộ công an ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước để lừa phụ huynh làm thẻ căn cước công dân gắn chip cho trẻ em.

Theo thông tin trên VTV, Phương vốn không công ăn việc làm, nhưng kể từ khi vào công ty bỗng dưng lại lột xác. Chuyến bay vừa hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, cũng là lúc nữ quái này bị bắt giữ, vì toàn bộ lịch trình về quê ăn Tết đã nằm trong hồ sơ theo dõi của cơ quan công an.

Công an đấu tranh với các đối tượng lừa đảo - Ảnh: Công an tỉnh Bắc Ninh

"Em cảm thấy xấu hổ và hối hận vì chính mình lừa người của mình, nhưng do ở nhà nợ nhiều quá, sang bên đó vay tiền rồi không làm họ bán đi hoặc họ đánh nên bắt buộc phải làm", đối tượng Nguyễn Thị Phương nói.

Trước đó, ngày 22/1, Công an tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ Công an; Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cảng vụ hàng không miền Nam, các hệ thống ngân hàng, nhà mạng, cửa khẩu và công an nhiều tỉnh, thành phố triệt xoá đường dây lừa đảo xuyên biên giới sử dụng công nghệ cao, với thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Bước đầu cơ quan công an đã bắt giữ gần 60 đối tượng và làm rõ từ tháng 5/2024 đến nay, nhóm này đã chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13.000 bị hại trên cả nước. Trong đó người bị chiếm đoạt nhiều nhất lên tới gần 12 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tạm giữ hình sự 38 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án về các hành vi có dấu hiệu của tội: Rửa tiền và Tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép và truy bắt các đối tượng liên quan.

Sáng 27/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đến thăm, động viên lực lượng Công an tỉnh Bắc Ninh trực Tết Nguyên đán và khen thưởng các tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh, phòng chống tội phạm.