9 người một nhà tử nạn ở thảm kịch Jeju Air, chú chó vẫn đợi chủ về

Gia đình 9 người của ông Bae thiệt mạng sau thảm họa máy bay ngày 29/12 ở sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc). Chú chó Pudding của gia đình đứng trước cổng cả ngày để đợi chủ về.

Theo Zing News đưa tin ngày 31/12/2024 có bài viết: "9 người một nhà tử nạn ở thảm kịch Jeju Air, chú chó vẫn đợi chủ về". Nội dung cụ thể:

Pudding là chú chó được gia đình ông Bae, 80 tuổi và là nạn nhân trong thảm kịch 179 người chết ở sân bay quốc tế Muan. Ảnh: KBS.

Ông Bae, 80 tuổi, là hành khách lớn tuổi nhất trên chuyến bay. Ông cùng gia đình đi máy bay để du lịch, thành viên nhỏ nhất trong gia đình vừa tròn 5 tuổi. Đây là chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên trong đời ông, nhân dịp sinh nhật 80 tuổi.

Ngày 29/12, chính quyền địa phương ở các khu vực Yeonggwang, Nam Jeolla và Osan, Gyeonggi xác nhận 9 thành viên của gia đình Bae có mặt trên chuyến bay 7C 2216 vừa phát nổ của Jeju Air tại sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc).

Ông Bae đang trở về sau chuyến du lịch Bangkok (Thái Lan) cùng người vợ 68 tuổi, cô con gái 46 tuổi, các cháu và thành viên khác trong gia đình.

Hiện, nhà của ông Bae trống rỗng, không có người lui tới. Chỉ có chú chó Pudding đứng trước cửa nhà đợi người chủ trở không bao giờ quay về. Hình ảnh chú chó tội nghiệp gây xót xa trên mạng xã hội.

tai nan may bay anh 1

Chú chó Pudding đứng trước cửa cả ngày để chờ gia đình chủ trở về từ chuyến du lịch. Ảnh: KBS.

“Hy vọng không có thảm họa nào xảy ra để những hình ảnh đau lòng này không lặp lại”, người dùng mạng xã hội bình luận. “Em ấy như thể đứa trẻ đứng đợi mẹ đi chợ về”, người khác nhận xét. “Tôi rơi nước mắt khi nhìn thấy chú chó đứng đợi chủ nhân không bao giờ trở về, như thể chó Hachiko vậy”, người thứ ba viết.

Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, tính đến ngày 30/12, 141 trong số 179 thi thể đã được nhận dạng. 4 trong số đó là con gái 42 tuổi và ba người cháu ngoại của ông Bae, sống ở thành phố Osan (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc).

“Chúng tôi xác nhận bốn cư dân Gyeonggi trên máy bay là cư dân ở Osan”, thị trưởng Lee Kwon-jae của thành phố cho biết. “Chính quyền sẽ chỉ định viên chức hỗ trợ tại hiện trường để giải quyết các vấn đề cũng như cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết”.

tai nan may bay anh 2

Ngoài 2 tiếp viên ngồi ở cuối máy bay, toàn bộ 179 người còn lại đã thiệt mạng sau tai nạn hàng không tại Hàn Quốc hôm 29/12. Ảnh: Reuters.

Một số gia đình ban đầu biết người thân của họ đang đi du lịch nước ngoài nhưng sau đó nhận được tin tất cả đã qua đời trong chuyến bay định mệnh.

Ông Son, sống ở Gwangju, cho biết anh rể đang đi du lịch mừng sinh nhật thứ 60 cùng 8 người bạn. Ở tin nhắn cuối cùng, anh rể của ông gửi ảnh chụp bình minh nhìn từ cửa sổ máy bay cho em vợ.

“Lúc đầu tôi nghĩ họ du lịch Việt Nam và thấy nhẹ nhõm. Nhưng khi vợ rồi nhắc đến Bangkok, tôi cảm thấy bầu trời như sụp đổ”, ông kể. “Chúng tôi như anh em ruột, trái tim tôi đau nhói”.

Hầu hết hành khách trên chuyến bay xấu số được cho là thành viên của tour du lịch năm ngày ba đêm từ Muan đến Bangkok. Chính quyền địa phương đang xem xét các biện pháp hỗ trợ nạn nhân và đảm bảo sân bay quốc tế Muan hoạt động an toàn.

Bên cạnh đó, theo báo Vietnamnet cùng ngày có bài viết: "Lý do hai tiếp viên may mắn sống sót trong tai nạn máy bay Hàn Quốc". Nội dung như sau:

Hai tiếp viên sống sót trong tai nạn máy bay thảm khốc ở Hàn Quốc đã hồi phục tại các bệnh viện riêng biệt tại Seoul trong khi các nhà điều tra bắt đầu điều tra sâu hơn về vụ việc và toàn bộ hoạt động hàng không của đất nước.

tai nạn máy bay - Yonhap
Ảnh: Yonhap

Theo ABC News và NDTV, hai người sống sót, gồm một nam và một nữ, thuộc phi hành đoàn gồm 6 thành viên trên chiếc máy bay Boeing 737-800 chở 180 người của Jeju Air. 

Ngày 29/12, trong lúc hạ cánh, máy bay trượt khỏi đường băng, đâm vào tường và bốc cháy, khiến 179 người thiệt mạng. Trong các video, có vẻ máy bay đã cố hạ cánh bằng bụng. Cuộc điều tra sơ bộ cho thấy, vụ tai nạn xảy ra do bánh đáp bị trục trặc. 

Giám đốc Bệnh viện Trường đại học Phụ nữ Ewha Seoul ngày 30/12 cho biết, tiếp viên nam sống sót hiện tỉnh táo và có thể nói chuyện với nhân viên y tế. "Anh ta không có dấu hiệu mất trí nhớ". Người này được điều trị gãy xương tại đơn vị chăm sóc đặc biệt. 

Nhân viên bệnh viện và các quan chức Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng Hàn Quốc cho hay, người phụ nữ sống sót là tiếp viên 25 tuổi, tên là Kwoon, cũng đã phục hồi. Bộ này cho biết, cả hai người sống sót đều không bị các vết thương nguy hiểm tới tính mạng và đều không nhớ rõ chuyện gì đã xảy ra sau khi họ nghe thấy tiếng nổ trong lúc máy bay hạ cánh. 

Hai tiếp viên sống sót đều ngồi ở đuôi máy bay, theo thống kê, vị trí như vậy được cho là nơi an toàn nhất trên một chuyến bay thương mại. Theo một cuộc nghiên cứu được tạp chí Time đăng tải năm 2015, ghế ở phía sau máy bay là nơi an toàn nhất trong trường hợp xảy ra tai nạn. Theo đó, người ngồi ở ghế sau máy bay có tỷ lệ tử vong là 32%, ghế giữa là 39% và ghế phía trước là 38%. 

Theo Korea Times, sau khi được cứu, tiếp viên nam - được nhận diện là Lee, 32 tuổi, liên tục hỏi: "Chuyện gì đã xảy ra?" và "Tại sao tôi lại ở đây".