Xót xa hình ảnh cuối cùng của bé trai 3 tuổi - nạn nhân nhỏ nhất trên máy bay Jeju Air: Vừa có chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên cùng bố mẹ
Những hình ảnh trong chuyến đi Thái Lan vui vẻ trước đó của gia đình đã được bố của cậu bé chia sẻ trên trang cá nhân.
Báo Đời sống Pháp luật ngày 02/01 đưa thông tin với tiêu đề: "Xót xa hình ảnh cuối cùng của bé trai 3 tuổi - nạn nhân nhỏ nhất trên máy bay Jeju Air: Vừa có chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên cùng bố mẹ" cùng nội dung như sau:
Bé Ko Yoonwoo, 3 tuổi, đang ở trên chuyến bay của hãng hàng không Jeju Air cùng cha mẹ là Kang Ko, 43 tuổi và Jin Lee Seon, 37 tuổi, thì máy bay trượt vào rào chắn và bốc cháy tại sân bay Muan, Hàn Quốc vào Chủ Nhật (29/12/2024).
Chỉ có hai tiếp viên hàng không sống sót trong số 181 người có mặt trên chiếc Boeing 737-800 khi trở về từ Thái Lan.
Kang Ko đã ghi lại chuyến đi của gia đình trên Instagram, nơi anh chia sẻ một bức ảnh của Yoonwoo sau khi cậu bé chào đời và một video cậu bé hát và nhảy trong một chương trình Giáng sinh.
Trong những bức ảnh khác, Yoonwoo được nhìn thấy đang ngồi trên một con hổ và một con voi hoặc đang mỉm cười, tạo dáng và âu yếm với mẹ và cha mình tại Cung điện ở Bangkok.
Trong chú thích ảnh, Kang cho biết: “Con trai tôi lần đầu tiên đi chuyến bay đêm ra nước ngoài. Con dấu đầu tiên trên hộ chiếu đầu tiên của bé!”.
Trong những bức hình khác, anh vui vẻ kể lại những trải nghiệm của gia đình tại Thái Lan: "Đi sở thú, đi dạo với hổ, và trèo lên hổ, cưỡi voi, nhìn thấy cá sấu, nhìn thấy chim hồng hạc. Tôi rất phấn khích khi được nhìn thấy tất cả các loài động vật mà tôi muốn nhìn thấy ở cự ly gần", "Được đi mua sắm và ăn đồ ăn ngon", "Ở Skywalk, đài quan sát cao nhất Bangkok", "Tôi mệt mỏi vì lịch trình dày đặc. Nhưng tôi vui vì con trai đã chơi với tôi".
Hàng trăm người khác cũng mất đi người thân trong gia đình mình trong thảm họa hàng không chết chóc nhất 3 thập kỷ ở Hàn Quốc. Maeng Gi-su, 78 tuổi, đã mất cháu trai và hai người con trai của anh. Ông nói: 'Tôi không thể tin rằng cả gia đình vừa biến mất. Trái tim tôi đau đớn quá.'
Hiện 2 hộp đen của máy bay Jeju Air xấu số đang được phân tích điều tra. Một số thi thể nạn nhân đã được trao trả cho gia quyến để lo hậu sự.
Trước đó, báo Dân trí ngày 31/12 cũng có bài đăng với thông tin: "Chi tiết bất thường trong thảm kịch máy bay Hàn Quốc khiến 179 người chết". Nội dung được báo đưa như sau:
Mặc dù các chuyên gia vẫn còn tranh cãi về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn khiến 179 người thiệt mạng ở Hàn Quốc, nhưng một số chuyên gia cho rằng một con chim đâm vào động cơ không thể là yếu tố duy nhất dẫn đến thảm kịch này.
Theo báo cáo, tháp kiểm soát không lưu tại sân bay Muan đã phát cảnh báo va chạm với chim ngay trước khi xảy ra sự cố. Một quan chức của Bộ Giao thông Hàn Quốc tiết lộ, phi công đã thông báo với bộ phận kiểm soát không lưu rằng máy bay đã va chạm với chim trước khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Giả thuyết ban đầu cho rằng cú đâm vào chim đã khiến động cơ cung cấp năng lượng cho càng đáp bị hỏng, từ đó dẫn đến việc máy bay hạ cánh bằng bụng và bốc cháy.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Sonya Brown, giảng viên cấp cao về thiết kế hàng không vũ trụ tại Đại học New South Wales, tỏ ra hoài nghi về giả thuyết trên.
"Một vụ va chạm với chim không thể dẫn đến chết người… Nó không nên dẫn đến những gì chúng ta cuối cùng đã thấy, đặc biệt là vì trong bất kỳ tình huống nào mà một động cơ không hoạt động (như trong video cho thấy), vẫn còn rất nhiều năng lượng", bà Brown cho biết, đồng thời nói thêm rằng va chạm với chim rất phổ biến đến mức chúng đã được tính đến trong thiết kế của máy bay hiện đại.
Theo chuyên gia, trên một chiếc Boeing 737 và bất kỳ máy bay thương mại nào cũng có các hệ thống dự phòng, đặc biệt là đối với càng đáp, được vận hành bằng thủy lực.
"Ngay cả khi hệ thống đó bị hỏng, nó vẫn còn cơ chế dự phòng mở ra bằng trọng lực mà không cần hệ thống thủy lực, vì vậy càng đáp vẫn có thể mở ra được", chuyên gia nói thêm.
Ngoài ra còn có các hệ thống dự phòng kép dành cho các hệ thống điều khiển bay khác như cánh tà và thanh chắn, có nghĩa là những công cụ này, vốn được sử dụng trước khi hạ cánh để tăng lực cản và làm chậm tốc độ của máy bay, đáng lẽ phải được kích hoạt.
"Chúng hoạt động dựa trên hai hệ thống thủy lực độc lập và rất khó có khả năng một cú va chạm với chim có thể phá hỏng hai hệ thống thủy lực độc lập đó", bà Brown cho biết.
"Có vẻ như sự cố này còn nhiều điều hơn thế nữa", bà nói.
Giáo sư Doug Drury tại Đại học Central Queensland đồng ý rằng chỉ riêng việc va chạm với chim không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến vụ tai nạn.
"Một cú đâm của chim vào một động cơ không thể khiến toàn bộ hệ thống bị hỏng hoàn toàn, bạn có thể lái một chiếc 737 chỉ bằng một động cơ", Drury, một phi công kỳ cựu đã từng lái máy bay thương mại, quân sự và tư nhân trong suốt sự nghiệp của mình, cho biết.
Ông Drury cũng đặt nghi vấn về tốc độ mà máy bay tiếp cận đường băng.
"Nếu bạn định hạ cánh bằng bụng, bạn sẽ giảm tốc độ xuống chỉ còn tốc độ dừng. Nhưng máy bay này đang lướt trên đường băng rất nhanh", ông nói.
"Tại sao chúng lại bay nhanh như vậy. Có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời vào thời điểm này", chuyên gia hoài nghi.
Khối bê tông gây tranh cãi
Máy bay Boeing 737-800 chở 181 người của hãng hàng không Jeju Air đã bất ngờ hạ cánh bằng bụng, trước khi trượt trên đường băng và đâm vào tường bê tông ở rìa sân bay Muan hôm 29/12.
Sau thảm kịch, ngày càng nhiều câu hỏi được đặt ra về sự xuất hiện của một khối bê tông tại sân bay nơi máy bay gặp nạn, và liệu việc không có vật thể này có thể ngăn chặn được số thương vong cao trong vụ tai nạn hay không.
Cấu trúc bê tông gây tranh cãi là nơi đặt một hệ thống dẫn đường hỗ trợ máy bay hạ cánh, được gọi là bộ định vị, và nằm cách cuối đường băng khoảng 250m.
Cấu trúc cao 2m được phủ bằng đất và bao gồm cả bộ định vị cao 4m. Khối bê tông này được xây dựng khi bộ định vị được thay thế vào năm ngoái.
Các nhà chức trách sân bay cho biết khối bê tông được nâng lên để giữ bộ định vị ngang bằng với đường băng nhằm đảm bảo nó hoạt động bình thường vì mặt đất ở cuối đường băng bị nghiêng.
Một số chuyên gia và nhà quan sát đã đặt ra câu hỏi về khối bê tông, rằng liệu có thể cứu được nhiều người hơn nếu cấu trúc này không xuất hiện ở đó khi máy bay trượt khoảng 1.600m trên đường băng vào thời điểm va chạm với khối bê tông hay không.
"Tôi đã thấy nhiều ăng-ten ở nhiều sân bay nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy loại này. Ngay cả khi muốn ăng-ten cao hơn, thì cũng không cần phải xây một bức tường bê tông", một phi công cho biết, ám chỉ đến hệ thống định vị.
Bộ Giao thông Hàn Quốc đã xác nhận trong các cuộc họp báo rằng, hệ thống định vị được lắp đặt cách đường băng khoảng 251m và một số sân bay khác trong nước cũng lắp đặt thiết bị này bằng các kết cấu bê tông.
Cơ quan này cũng chỉ ra rằng, các sân bay khác ở nước ngoài đã sử dụng bê tông trong các kết cấu như vậy.