Bổ sung thêm 79 bệnh được chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT theo năm
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, thay vì giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT một năm/lần có giá trị hết năm dương lịch, từ 1/1/2025, giấy này sẽ có giá trị một năm kể từ ngày ký. Bên cạnh đó, danh mục bệnh được cấp giấy chuyển tuyến năm cũng được nâng lên 141 bệnh, trước đó chỉ là 62 bệnh.
Theo báo Sức khỏe & Đời sống đưa tinm, danh mục bệnh chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT 1 năm/lần tăng lên 141 bệnh.
Theo Thông tư 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT do Bộ Y tế vừa ban hành có nhiều chính sách đổi mới quan trọng liên quan đến quyền, lợi ích của người tham gia BHYR, cải cách thủ tục khám bệnh, chữa bệnh,...
Trong đó, một trong những quy định mới về giấy chuyển tuyến năm dương lịch (tức bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến 1 năm/lần) tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.
Cụ thể, theo bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), trước đây danh mục bệnh chuyển tuyến 1 năm/lần bao gồm 62 bệnh, nhưng hiện nay danh mục này bao gồm 141 bệnh, tăng 79 bệnh so với danh mục trước đó.
"Đặc biệt là giấy chuyển tuyến của các bệnh theo năm dương lịch trước đây được thay đổi thành có giá trị một năm kể từ ngày ký, giảm phiền hà và tình trạng đầu năm người bệnh ồ ạt đi xin giấy chuyển tuyến"- bà Trang nói.
Ví dụ, nếu trước đây giấy chuyển tuyến này có giá trị hết năm dương lịch, tức nếu người bệnh xin giấy chuyển tuyến từ ngày tháng nào trong năm thì cũng chỉ được đến ngày 31/12 là giấy chuyển tuyến đó sẽ hết hiệu lực, người dân phải xin cấp lại.
Còn theo quy định mới thì giấy chuyển tuyến sẽ có giá trị trong vòng 1 năm, tức 12 tháng. Như vậy nếu người bệnh xin giấy chuyển viện năm từ ngày 1/12 năm nay thì đến ngày 1/12 năm sau mới hết hiệu lực.
Theo bà Trang đây là quy định đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở cấp cơ bản, cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai.
Quy định này góp phần giảm thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, giảm chi phí di chuyển, vận chuyển người bệnh, làm giảm chi tiền túi của hộ gia đình liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời góp phần sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
Đồng thời quy định cũng vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh được quản lý, theo dõi bệnh và sử dụng thuốc, thiết bị y tế mới, có chất lượng và hệ thống y tế cơ sở có điều kiện hơn để phát triển chuyên môn kỹ thuật.
Theo đó, danh mục 141 bệnh được cấp giấy chuyến tuyến năm bap gồm: nhiễm nấm chromoblastomycosa (nấm màu) và áp xe do phaeomyces; các thiếu máu tan máu di truyền khác; suy tủy xương và các bệnh thiếu máu khác; đông máu nội mạch rải rác (hội chứng tiêu fibrin); ban xuất huyết và các tình trạng xuất huyết khác; hội chứng thực bào tế bào máu liên quan đến nhiễm trùng; suy thận mãn tính,…
Bộ Y tế giao cơ sở y tế tư vấn, hướng dẫn cho người tham gia BHYT về các bệnh được cấp giấy chuyển viện 1 năm/lần, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người bệnh.
Hồ sơ chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thế nào?
Theo Thông tư 01, trường hợp chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo yêu cầu chuyên môn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nơi chuyển người bệnh phải có Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định bằng bản giấy hoặc bản điện tử. Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giá trị sử dụng trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày ký.
Người tham gia BHYT mắc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 01 được sử dụng Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày ký. Trường hợp hết thời hạn của Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà người bệnh vẫn đang trong lần khám bệnh, chữa bệnh và cần tiếp tục điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị đó.
Trường hợp người bệnh được chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có bệnh khác kèm theo, bệnh được phát hiện hoặc phát sinh ngoài bệnh đã ghi trên Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh đó theo tình trạng bệnh của người bệnh và năng lực chuyên môn, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở.
Trường người bệnh được chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà phải thực hiện nhiều đợt điều trị theo yêu cầu chuyên môn, người bệnh được tiếp tục sử dụng Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho đến khi kết thúc điều trị và sau đợt điều trị đầu tiên, mỗi đợt điều trị tiếp theo phải có Phiếu hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh được chuyển đến.
Ví dụ: Người bệnh được chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phẫu thuật mổ mắt nhưng cần thực hiện 02 đợt phẫu thuật cho từng mắt thì người bệnh được sử dụng Phiếu chuyển chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho đến khi kết thúc 02 đợt phẫu thuật.
Trường hợp người bệnh được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc người bệnh tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì chỉ cần Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi.
Trước đó, báo Doanh nhân & Công lý có bài: "Bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được chuyển tuyến lên thẳng cấp chuyên sâu từ 1/1/2025", đưa tin về một số thay đổi trong việc khám chữa bệnh.
Theo đó, so với Luật Bảo hiểm y tế 2008, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được Quốc hội thông qua có 8 điểm mới, trong đó có quy định người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi đi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc; trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Theo quy định về bệnh hiểm nghèo do Bộ Y tế ban hành, hiện có 42 bệnh trong danh sách này. Trong đó, có một số bệnh như: ung thư, lupus ban đỏ, ghép tạng, bỏng nặng, chấn thương sọ não nặng, bệnh xơ cứng rải rác, phẫu thuật thay van tim, bệnh xơ cứng rải rác, suy gan, đột quỵ, hôn mê, bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ, suy thận, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn.
Tuy nhiên, theo Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), danh sách bệnh hiểm nghèo đã ban hành nhiều năm, cần được điều chỉnh, cập nhật phù hợp với mô hình bệnh tật và các tiến bộ trong điều trị. Bộ Y tế đang dự thảo thông tư ban hành danh sách bệnh hiểm nghèo, là các bệnh không phải xin giấy chuyển tuyến điều trị, phù hợp với quy định tại luật Bảo hiểm y tế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.
Khi người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang thực hiện tích hợp giấy chuyển tuyến trên điện tử để giảm thủ tục hành chính cho người bệnh.
Để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế, quy định mới cũng khẳng định rằng người bệnh sẽ được hưởng 100% quyền lợi bảo hiểm khi điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trên, nếu bệnh của họ vượt quá khả năng điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới.