CẬP NHẬT: 4 địa phương cho học sinh nghỉ học để tránh siêu bão Yagi, riêng Hà Nội phát văn bản hỏa tốc

Siêu bão Yagi là cơn bão được dự báo mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, có thể gây ra những thiệt hại nặng nề trong và sau cơn bão.

Ngày 6/9/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "CẬP NHẬT: 4 địa phương cho học sinh nghỉ học để tránh siêu bão Yagi, riêng Hà Nội phát văn bản hỏa tốc". Nội dung cụ thể như sau:

Những thông tin về siêu bão Yagi - cơn bão sẽ trực tiếp đổ bộ vào đất liền Việt Nam, đang nhận được sự quan tâm của dân tình. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhiều địa phương tại miền Bắc trực tiếp chịu ảnh hưởng của "siêu bão cuồng phong" này đã ra thông báo cho giáo viên và học sinh nghỉ học.

Tính đến thời điểm này đã có 4 địa phương bao gồm Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Bình cho học sinh nghỉ học để tránh bão. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng phát đi văn bản hỏa tốc, yêu cầu trường học trên địa bàn theo dõi sát sao các bản tin dự báo về siêu bão Yagi, chủ động có biện pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, nhân viên nhà trường.

Bắc Giang

Tối 5/9, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang thông tin, tỉnh quyết định cho học sinh nghỉ học thứ 7 (tức ngày 7/9). Riêng chiều thứ 6 (tức ngày 6/9), tùy tình hình thực tế của siêu bão Yagi, các huyện, thị chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn và bố trí học bù vào thời gian thích hợp.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo các đơn vị ứng trực 24/24 giờ; thường xuyên liên hệ với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.

Thủ trưởng các đơn vị xây dựng phương án bảo đảm an toàn công trình trường học và di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, tài liệu, sách vở đến nơi không có nguy cơ ngập úng để tránh hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão, nhất là tại các cơ sở giáo dục có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Ảnh minh họa

Quảng Ninh

Sau Bắc Giang, UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây cũng có văn bản hỏa tốc chỉ đạo ứng phó với siêu bão Yagi. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình mưa, bão chủ động chỉ đạo học sinh các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học nếu cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ đến giáo viên, phụ huynh và học sinh, nhất là vùng ven biển, sông, suối, đập, đê điều... để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Hải Phòng

Tương tự, chủ tịch UBND TP Hải Phòng giao Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các trường học có kế hoạch làm nơi để di dân đến tạm lánh, cho học sinh nghỉ học từ 12h ngày 6/9. Với các trường học còn lại, cho học sinh nghỉ học từ ngày 7/9 đến khi bão tan.

Thái Bình

Để đảm bảo an toàn trong thời gian bão đổ bộ, học sinh Thái Bình sẽ được nghỉ học thứ Sáu ngày 6/9 và thứ Bảy ngày 7/9. Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức ứng trực 24/24 giờ, giữ liên hệ thường xuyên với các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường học có sự cố xảy ra.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc Công văn số 1000/SGDĐT-KHTC của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc phòng, chống cơn bão số 3 năm 2024.

Trong đó có việc kiểm tra lại toàn bộ nhà ở, phòng học, kho..., có các hình thức phù hợp để chằng chống cây cối, nhà cửa..., chú ý tới các công trình đang xuống cấp, đang xây dựng. Chuấn bị đầy đủ vật tư, phương tiện phòng chống lụt bão và một số nhu yếu phẩm cần thiết để đề phòng các diễn biến phức tạp của bão. Di chuyển các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa... đến nơi an toàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các nhà trường khẩn trương khắc phục các thiệt hại, dọn dẹp, vệ sinh trường lớp ngay sau cơn bão, bảo đảm an toàn, sạch sẽ, phòng tránh dịch bệnh trong trường học.

Công văn của Thái Bình

Hà Nội ra công văn khẩn nhằm ứng phó với bão Yagi

Sáng nay (6/9), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ký văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã, các trường học, yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, sẵn sàng các kế hoạch triển khai phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" sao cho phù hợp với điều kiện nhà trường.

Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động phòng, tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.

Sở cũng yêu cầu các trường học phải rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà trường nếu phát hiện những cây lâu năm có nguy cơ gãy, đổ, phải báo cáo để xử lý kịp thời, trường hợp chưa thực hiện ngay được, phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ ngay với cơ quan chuyên môn để được xử lý trong thời gian sớm nhất.

Có phương án và kịp thời di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn, đảm bảo không hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Ngay sau mưa bão, các đơn vị sớm khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh trường lớp đảm bảo an toàn, sạch sẽ, phòng chống dịch bệnh để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 4h ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão Yagi vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 620km về phía Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h.

Đến 4h ngày 7/9, bão Yagi cách Quảng Ninh khoảng 160km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

16h ngày 7/9, tâm siêu bão Yagi trên đất liền khu vực phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu dần.

Sáng hôm sau, tâm bão Yagi trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 6, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Trước đó, báo Tuổi Trẻ đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang cho học sinh nghỉ học tránh siêu bão Yagi". Nội dung cụ thể như sau:

Lãnh đạo TP Hải Phòng họp với các ngành chức năng, đơn vị và các địa phương về phòng chống bão số 3 - Ảnh: Cổng TTĐT TP Hải Phòng

Hải Phòng: Một số trường cho học sinh nghỉ học từ 12h ngày 6-9

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 3 chiều 5-9, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học có kế hoạch làm nơi để di dân đến tạm lánh, sẽ cho học sinh nghỉ học từ 12h ngày 6-9.

Đối với các trường học còn lại, cho học sinh nghỉ học từ ngày 7-9 đến khi bão tan.

Bên cạnh đó, chủ tịch TP Hải Phòng yêu cầu thực hiện cấm biển từ 11h ngày 6-9 cho đến khi có thông báo mới.

Giao UBND các quận, huyện thực hiện di dân khỏi các khu chung cư, nhà xuống cấp, các vùng trũng, thấp, các phương tiện giao thông thủy đã về nơi neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, trên biển, trên vịnh từ 12h ngày 6-9, hoàn thành trước 20h cùng ngày.

Quảng Ninh chủ động cho học sinh nghỉ học

Chiều 5-9, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản hỏa tốc chỉ đạo ứng phó với bão số 3.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh căn cứ tình mưa, bão chủ động chỉ đạo học sinh các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học nếu cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ đến giáo viên, phụ huynh và học sinh, nhất là vùng ven biển, sông, suối, đập, đê điều... để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Bắc Giang: Học sinh nghỉ học ngày 7-9

Tối cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tạ Việt Hùng - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang - xác nhận sở vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (siêu bão Yagi).

Theo đó, sở yêu cầu toàn ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học thứ bảy (ngày 7-9).

Riêng chiều thứ sáu (ngày 6-9), tùy diễn biến cơn bão số 3 và thời tiết từng khu vực, thủ trưởng các đơn vị chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn, bên cạnh đó là bố trí học bù vào thời gian thích hợp.

Nguyên nhân là Bắc Giang là địa phương cạnh Quảng Ninh - tỉnh miền biển được dự báo bị ảnh hưởng lớn.

Bắc Giang cũng thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc thường có nơi bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét…

Các đơn vị có trách nhiệm bố trí cán bộ, giáo viên trực, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cơ sở vật chất, tài sản, trang thiết bị, xử lý các tình huống…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang yêu cầu trưởng phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị thuộc sở nghiêm túc thực hiện.

Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 519.000 học sinh học tập tại các trường, trung tâm, cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục.

Thái Bình cho học sinh nghỉ học 2 ngày để tránh bão

Ngày 6-9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình có công văn cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học để tránh bão số 3.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình yêu cầu các Phòng Giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các trường THPT, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, cho học sinh các cấp nghỉ học ngày 6 và 7-9.

Sở yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến của bão số 3, ứng trực 24/24 giờ, thường xuyên liên hệ với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.

Đồng thời giao thủ trưởng các đơn vị chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn công trình trường học và di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, tài liệu, sách vở đến nơi không có nguy cơ ngập úng để tránh hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão, nhất là tại các cơ sở giáo dục có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, sạt lở đất.