Chỉ có 5/179 nạn nhân vụ tai nạn máy bay Hàn Quốc được tìm thấy nguyên vẹn, cha mẹ không nhận ra thi thể con mình
Không khí ở nhà xác vụ tai nạn máy bay Jeju Air nặng trĩu suốt những ngày qua.
Báo Người đưa tin ngày 31/12 đưa thông tin với tiêu đề: "Chỉ có 5/179 nạn nhân vụ tai nạn máy bay Hàn Quốc được tìm thấy nguyên vẹn, cha mẹ không nhận ra thi thể con mình" cùng nội dung như sau:
“Tôi muốn chuyện này kết thúc thật nhanh và rời khỏi sân bay”
Ông A, ngoài 60 tuổi, đã ở sân bay quốc tế Muan ở Jeonnam ngày thứ hai, đôi khi cảm thấy lo lắng mỗi khi có người gọi đến số của mình.
Các thi thể được đánh số tuần tự, bắt đầu từ số 1, theo thứ tự tìm thấy.
Ông A đã mất con gái và con rể ở độ tuổi 30 trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc này.
Sáng sớm ngày 30/12, ông đến nhà chứa máy bay, nơi đang tạm giữ các thi thể được tìm thấy. Các nạn nhân khi được đưa đến đây chỉ có thể được gọi là 'người số XXX'.
Nhà chứa máy bay cách Cổng 1 sân bay khoảng 40 phút đi ô tô. Sân bay hiện đã cung cấp xe đưa đón để hỗ trợ các gia đình tang quyến.
Ông A cho biết, thiệt hại nặng nề đến mức ông không nhận ra con gái mình trong lần đầu nhìn thấy thi thể.
Ông kể: “Gia đình lần lượt vào nhà chứa máy bay và kiểm tra thi thể trong khoảng 5 phút. Tôi nghĩ mình không nhận ra con gái nhưng vợ tôi nói chiếc vòng cổ để lại là của con gái tôi. Những người đi cùng tôi cũng nói rằng đó là con gái và con rể. Biết là đúng rồi, tôi ký vào bản báo cáo xác nhân”, ông nói trong nước mắt.
Sau khi nhận được cuộc gọi thông báo con gái có tên trong danh sách hành khách của 7C2216, ông vội vã đến sân bay quốc tế Muan và đã hai ngày không thể trở về nhà.
Người đàn ông nói: “Tôi không còn sức lực, vợ tôi còn tệ hơn. Tôi cảm thấy ngột ngạt, bối rối vì không biết khi nào nó mới kết thúc. Tôi muốn chuyện này kết thúc thật nhanh và rời khỏi sân bay”.
Ông Kang, ở độ tuổi 60, đang ở Sân bay Quốc tế Muan cùng với người mẹ già ốm yếu của mình.
Ông đã mất em gái và anh rể, cả hai đều ở độ tuổi 50, trong thảm họa này. Cặp vợ chồng trung niên đi du lịch Bangkok cùng nhau nhưng không trở về nữa.
Ông Kang vừa khóc vừa nói: "Hôm qua, tôi đã xác minh xong danh tính của vợ chồng em gái tôi. Tôi thấy buồn quá. Họ có một cô con gái đang học đại học. Tôi không biết làm thế nào có thể vượt qua được nỗi buồn này đây".
Các gia đình chưa được bàn giao thi thể người thân
Đã 3 ngày kể từ thảm họa máy bay Jeju Air khiến 179 người thiệt mạng nhưng tang quyến chưa nhận được thi thể vẫn đang phải chờ đợi.
Đây là một vụ tai nạn máy bay với danh sách hành khách được xác định dễ dàng ngay từ đầu. Thé nhưng việc đưa các nạn nhân ra ngoài mất nhiều thời gian, mặc dù không gian bị giới hạn ở đường băng sân bay là do vụ tai nạn này quá bi thảm.
Theo cơ quan chức năng xử lý vụ việc như Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải, Cơ quan cứu hỏa quốc gia, Cơ quan cảnh sát Jeonnam vào ngày 31/12, quá trình xác định số phận của toàn bộ 181 người trên máy bay Jeju Air đã hoàn tất trong khoảng 11 giờ sau khi xảy ra thảm họa.
Trong số các hành khách, chỉ có hai thành viên phi hành đoàn sống sót, còn tất cả 175 hành khách và 4 phi hành đoàn, bao gồm phi công và các tiếp viên khác, được xác nhận đã chết tại hiện trường.
Sau đó, việc nhận dạng người quá cố bắt đầu bằng quá trình vận chuyển thi thể trên cáng đến nhà xác tạm thời trong sân bay.
Cơ quan chức năng cho biết chỉ có 5 nạn nhân được tìm thấy còn nguyên vẹn trong quá trình này. Đối với 174 nạn nhân còn lại, việc xác định danh tính phải dựa vào dấu vân tay và DNA được lấy từ các bộ phận cơ thể.
"Thủ tục xác định danh tính" được các cơ quan chức năng đề cập bao gồm việc thu thập tất cả các bộ phận cơ thể của mỗi nạn nhân để phục hồi thi thể càng hoàn chỉnh càng tốt. Trong một số trường hợp, việc đối chiếu DNA có thể phải thực hiện nhiều lần, lên đến hàng chục lần cho một nạn nhân.
Mặc dù đã huy động tối đa thiết bị và nhân lực nhưng việc xác nhận DNA phải mất vài ngày.
Để gia đình người đã khuất có thể nhận thi thể và tổ chức tang lễ phải có giấy chứng nhận khám nghiệm tử thi của cơ quan điều tra và giấy chứng tử. Giấy chứng tử được cấp khi một loạt các thủ tục phục hồi được hoàn thành.
Các nhà chức trách ban đầu thông báo rằng quá trình này có thể mất khoảng 10 ngày nhưng đã đưa ra tuyên bố thời hạn sẽ được rút ngắn xuống vào khoảng thứ Hai (6/1/2025) tới.
Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Park Sang-woo hứa trong cuộc họp giao ban sáng nay (31/12) với các gia đình tang quyến rằng: “Nếu các gia đình mong muốn, chúng tôi sẽ chuẩn bị giao thi thể của 28 người vào ngày hôm nay”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Park Sang-woo cũng lưu ý thêm: "Gia đình cũng có thể lựa chọn chờ đợi để thi thể được phục hồi hoàn chỉnh hơn". Điều này đồng nghĩa với việc giấy chứng tử có thể được cấp dựa trên các bộ phận chính của cơ thể, ngay cả khi chưa tìm thấy toàn bộ thi thể.
Về việc xử lý các bộ phận cơ thể được tìm thấy sau khi thân nhân đã nhận thi thể, Bộ trưởng Park Sang-woo cho biết: "Chúng tôi đang xem xét việc tổ chức tang lễ tập thể cho các bộ phận còn lại".
Tiếp đến, báo Dân trí ngày 31/12 cũng có bài đăng với thông tin: "Chi tiết bất thường trong thảm kịch máy bay Hàn Quốc khiến 179 người chết". Nội dung được báo đưa như sau:
Mặc dù các chuyên gia vẫn còn tranh cãi về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn khiến 179 người thiệt mạng ở Hàn Quốc, nhưng một số chuyên gia cho rằng một con chim đâm vào động cơ không thể là yếu tố duy nhất dẫn đến thảm kịch này.
Theo báo cáo, tháp kiểm soát không lưu tại sân bay Muan đã phát cảnh báo va chạm với chim ngay trước khi xảy ra sự cố. Một quan chức của Bộ Giao thông Hàn Quốc tiết lộ, phi công đã thông báo với bộ phận kiểm soát không lưu rằng máy bay đã va chạm với chim trước khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Giả thuyết ban đầu cho rằng cú đâm vào chim đã khiến động cơ cung cấp năng lượng cho càng đáp bị hỏng, từ đó dẫn đến việc máy bay hạ cánh bằng bụng và bốc cháy.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Sonya Brown, giảng viên cấp cao về thiết kế hàng không vũ trụ tại Đại học New South Wales, tỏ ra hoài nghi về giả thuyết trên.
"Một vụ va chạm với chim không thể dẫn đến chết người… Nó không nên dẫn đến những gì chúng ta cuối cùng đã thấy, đặc biệt là vì trong bất kỳ tình huống nào mà một động cơ không hoạt động (như trong video cho thấy), vẫn còn rất nhiều năng lượng", bà Brown cho biết, đồng thời nói thêm rằng va chạm với chim rất phổ biến đến mức chúng đã được tính đến trong thiết kế của máy bay hiện đại.
Khoảnh khắc máy bay Hàn Quốc cháy như cầu lửa
Theo chuyên gia, trên một chiếc Boeing 737 và bất kỳ máy bay thương mại nào cũng có các hệ thống dự phòng, đặc biệt là đối với càng đáp, được vận hành bằng thủy lực.
"Ngay cả khi hệ thống đó bị hỏng, nó vẫn còn cơ chế dự phòng mở ra bằng trọng lực mà không cần hệ thống thủy lực, vì vậy càng đáp vẫn có thể mở ra được", chuyên gia nói thêm.
Ngoài ra còn có các hệ thống dự phòng kép dành cho các hệ thống điều khiển bay khác như cánh tà và thanh chắn, có nghĩa là những công cụ này, vốn được sử dụng trước khi hạ cánh để tăng lực cản và làm chậm tốc độ của máy bay, đáng lẽ phải được kích hoạt.
"Chúng hoạt động dựa trên hai hệ thống thủy lực độc lập và rất khó có khả năng một cú va chạm với chim có thể phá hỏng hai hệ thống thủy lực độc lập đó", bà Brown cho biết.
"Có vẻ như sự cố này còn nhiều điều hơn thế nữa", bà nói.
Giáo sư Doug Drury tại Đại học Central Queensland đồng ý rằng chỉ riêng việc va chạm với chim không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến vụ tai nạn.
"Một cú đâm của chim vào một động cơ không thể khiến toàn bộ hệ thống bị hỏng hoàn toàn, bạn có thể lái một chiếc 737 chỉ bằng một động cơ", Drury, một phi công kỳ cựu đã từng lái máy bay thương mại, quân sự và tư nhân trong suốt sự nghiệp của mình, cho biết.
Ông Drury cũng đặt nghi vấn về tốc độ mà máy bay tiếp cận đường băng.
"Nếu bạn định hạ cánh bằng bụng, bạn sẽ giảm tốc độ xuống chỉ còn tốc độ dừng. Nhưng máy bay này đang lướt trên đường băng rất nhanh", ông nói.
"Tại sao chúng lại bay nhanh như vậy. Có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời vào thời điểm này", chuyên gia hoài nghi.
Khối bê tông gây tranh cãi
Máy bay Boeing 737-800 chở 181 người của hãng hàng không Jeju Air đã bất ngờ hạ cánh bằng bụng, trước khi trượt trên đường băng và đâm vào tường bê tông ở rìa sân bay Muan hôm 29/12.
Sau thảm kịch, ngày càng nhiều câu hỏi được đặt ra về sự xuất hiện của một khối bê tông tại sân bay nơi máy bay gặp nạn, và liệu việc không có vật thể này có thể ngăn chặn được số thương vong cao trong vụ tai nạn hay không.
Cấu trúc bê tông gây tranh cãi là nơi đặt một hệ thống dẫn đường hỗ trợ máy bay hạ cánh, được gọi là bộ định vị, và nằm cách cuối đường băng khoảng 250m.
Cấu trúc cao 2m được phủ bằng đất và bao gồm cả bộ định vị cao 4m. Khối bê tông này được xây dựng khi bộ định vị được thay thế vào năm ngoái.
Các nhà chức trách sân bay cho biết khối bê tông được nâng lên để giữ bộ định vị ngang bằng với đường băng nhằm đảm bảo nó hoạt động bình thường vì mặt đất ở cuối đường băng bị nghiêng.
Một số chuyên gia và nhà quan sát đã đặt ra câu hỏi về khối bê tông, rằng liệu có thể cứu được nhiều người hơn nếu cấu trúc này không xuất hiện ở đó khi máy bay trượt khoảng 1.600m trên đường băng vào thời điểm va chạm với khối bê tông hay không.
"Tôi đã thấy nhiều ăng-ten ở nhiều sân bay nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy loại này. Ngay cả khi muốn ăng-ten cao hơn, thì cũng không cần phải xây một bức tường bê tông", một phi công cho biết, ám chỉ đến hệ thống định vị.
Bộ Giao thông Hàn Quốc đã xác nhận trong các cuộc họp báo rằng, hệ thống định vị được lắp đặt cách đường băng khoảng 251m và một số sân bay khác trong nước cũng lắp đặt thiết bị này bằng các kết cấu bê tông.
Cơ quan này cũng chỉ ra rằng, các sân bay khác ở nước ngoài đã sử dụng bê tông trong các kết cấu như vậy.