Cúng rằm tháng Chạp 2024 giờ nào tốt nhất?
Cúng rằm tháng Chạp 2024 vào giờ nào tốt nhất là điều mà nhiều gia đình quan tâm khi lựa chọn thời điểm thực hiện nghi lễ quan trọng này của năm Âm lịch.
Theo bài viết trên báo VTC, ngày rằm tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Ba ngày 14/1 Dương lịch. có rất nhiều khung giờ đẹp để cúng rằm tháng Chạp mà gia chủ có thể cân nhắc lựa chọn.
Là ngày rằm cuối cùng của năm, nghi lễ cúng rằm tháng Chạp rất được người Việt coi trọng. Rằm tháng Chạp khởi đầu cho mùa lễ hội, mùa Tết Nguyên đán, là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và các vị thần linh, chuẩn bị tiễn đưa năm cũ và đón năm mới.
Cúng rằm tháng Chạp 2024 giờ nào là tốt nhất?
Theo quan niệm phong thủy và dân gian, việc cúng lễ vào những khung giờ tốt sẽ mang lại nhiều may mắn, thuận lợi cho gia chủ. Ngày rằm tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Ba ngày 14/1 Dương lịch. Một số khung giờ đẹp để cúng rằm tháng Chạp mà gia chủ có thể cân nhắc lựa chọn gồm: Dần (3h-5h), Mão (5h-7h), Tỵ (9h-11h), Thân (15h-17h), Tuất (19h-21h), Hợi (21h-23h).
Một số gia đình bận rộn không thể làm lễ cúng rằm tháng Chạp đúng ngày có thể soạn lễ cúng vào ngày 14/12 Âm lịch, tức 13/1 Dương lịch.
Lễ cúng rằm tháng Chạp tốt nhất nên thực hiện vào buổi sáng hoặc chiều tối, không nên cúng quá muộn khi trời đã tối.
Việc chuẩn bị đồ lễ sao cho đầy đủ và tươm tất cũng rất quan trọng. Lễ vật cần có bao gồm: Hương, hoa tươi, đèn nến, trái cây, mâm cỗ mặn hoặc mâm cỗ chay tùy theo điều kiện từng gia đình.
Trước khi cúng, cần dọn dẹp và vệ sinh sạch sẽ bàn thờ gia tiên, lau chùi các đồ thờ cúng. Khi thực hiện nghi lễ, phải giữ tâm thế thanh tịnh, thành kính, ăn mặc kín đáo, trang nghiêm.
Văn khấn cúng rằm tháng Chạp
Dưới đây là bài cúng rằm tháng Chạp theo sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam".
“Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vi tôn thần
Con kính lạy ngài Đông Thần quân
Con kính lạy ngài Bản gia Thổ địa Long mạch.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần
Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ, Tài thần.
Con kính lạy các tôn thần cai quản trong khu vực này.
Tín chủ (chúng) con là... ngụ tại:..
Hôm nay là ngày... tháng... năm... (rằm tháng Chạp năm Giáp Thìn), tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả, đốt nén hương thơm dâng lên trước án.
Chúng con thành tâm kính mời: ngài Kim niên đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa. Long mạch yôn thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức chính thần, các vị tôn thần cai quản trong khu vực này.
Cúi xin các ngài nghe thấu lời mời, thương xót thương tín chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc, công việc hanh thông, người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!”.
Thông tin về việc cúng Rằm, báo Lao độngngày 9/1 có bài: "Mâm cúng Rằm tháng Chạp đầy đủ và chi tiết", nội dung như sau:
Mỗi vùng miền, địa phương hay gia đình có văn hóa cúng Rằm tháng Chạp khác nhau, có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn, tùy điều kiện từng nhà.
Rằm tháng Chạp (ngày 15 âm lịch) năm Giáp Thìn rơi vào thứ Ba ngày 14.1.2025 dương lịch.
Vào ngày này, các gia đình Việt thường sửa soạn các mâm lễ vật với lòng thành kính để dâng lên ông bà tổ tiên, người thân, biết ơn điều lành năm cũ, đón nhận bình an, phúc lộc năm mới.
Nhưng các gia đình cũng có thể sắp xếp theo công việc thực tế, dâng cúng vào ngày 14.12 âm lịch, tức ngày 13.1.2025 dương lịch.
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mâm cúng chay ngày Rằm tháng Chạp thường có 5 thành phần: hương, hoa tươi, đèn nến, quả tươi và các món chay. Nhưng tùy thuộc vào văn hóa của mỗi vùng miền, địa phương, gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng sao cho phù hợp.
Với mâm cỗ chay ngày Rằm, nên lựa chọn các loại quả như táo, cam, dưa hấu, chuối, phật thủ. Các món chay quen thuộc, dễ thực hiện gồm giò chả chay, xôi dừa, miến xào chay, rau xào, chè…
Ngoài mâm cỗ chay, gia đình có thể làm thêm mâm cỗ mặn, tùy vào điều kiện kinh tế và nếp văn hóa. Trong đó, cỗ mặn cơ bản có gà luộc, xôi, giò chả, nem rán, cơm trắng, canh, rượu.
Người miền Bắc thích xôi đỗ, bánh chưng, canh bóng thả, canh măng mọc…; người miền Nam thường chuẩn bị xôi gấc, canh miến, thịt kho trứng…; người miền Trung sẽ kết hợp thịt gà, xôi (xôi đỗ hoặc xôi gấc), nem rán, canh (canh miến, canh xương hoặc canh măng), cá kho và hải sản…
Ngoài những món kể trên, gia chủ có thể chuẩn bị thêm những món ăn khác như rau xào, thịt bò, lợn quay, nộm… để mâm cỗ phong phú hơn.
Khi chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp, cần lưu ý chọn hoa quả, trầu cau tươi, hình thức đẹp. Không cần làm quá cầu kỳ nhưng phải gọn gàng, sạch sẽ, thể hiện sự thành kính của gia chủ.
Trong ngày Rằm tháng Chạp, các thành viên trong gia đình nên làm việc thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn… để cầu phúc, mang đến điều tốt đẹp cho năm mới.