Một cụm từ tìm kiếm trên Google có thể khiến người dùng bị mất tiền oan

Nếu nhập cụm từ tìm kiếm này trên Google, người dùng có thể bị mất hết tiền.

Ngày 13/11/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Một cụm từ tìm kiếm trên Google có thể khiến người dùng bị mất tiền oan". Nội dung cụ thể như sau:

Theo Mirror, một cụm từ tìm kiếm trên Google tưởng chừng vô hại nhưng có thể gây thiệt hại cho người dùng.

Cảnh báo từ các chuyên gia an ninh mạng tại Sophos cho biết, cụm từ "Mèo Bengal có hợp pháp ở Úc không" đã bị tin tặc lợi dụng để phát tán phần mềm độc hại, gây nguy hiểm đến người dùng.

Theo đó, tin tặc đã tạo ra các trang web giả mạo, nếu người dùng nhấp vào, phần mềm độc hại sẽ tự động được tải về máy tính của người dùng. Ngoài thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thông tin đăng nhập, phần mềm độc hại thậm chí còn cho phép tin tặc truy cập từ xa vào thiết bị nạn nhân.

Không những thế, các thiết bị bị nhiễm mã độc có thể trở thành công cụ để phát tán mã độc đến những người dùng khác.

Cụm từ "Mèo Bengal có hợp pháp ở Úc không" trên Google đã bị tin tặc lợi dụng để phát tán phần mềm độc hại, gây nguy hiểm đến người dùng. (Ảnh minh hoạ)

Theo các chuyên gia an ninh mạng tại Sophos, tin tặc sử dụng kỹ thuật SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) để các kết quả tìm kiếm được hiển thị ở hàng đầu. Chúng thường nhắm vào các cụm từ tìm kiếm ít cạnh tranh, như cụm từ về mèo Bengal, vì dễ hiển thị ở top đầu và ít bị chú ý. Điều này khiến người dùng dễ dàng bị lừa khi nhấp vào các kết quả đó.

Thực tế, kỹ thuật "đầu độc SEO" dạng này đã xuất hiện từ năm 2020, nhưng gần đây có sự gia tăng đáng kể, đặc biệt là trong các chiến dịch tấn công quy mô lớn, theo Sophos.

“Tin tặc không chỉ nhắm vào các tìm kiếm ít cạnh tranh mà còn muốn thực hiện với cả các tìm kiếm về phần mềm phổ biến như Blender 3D, Photoshop, các công cụ giao dịch tài chính cũng như các phần mềm cho phép truy cập máy tính từ xa”, báo cáo cho biết.

Người dùng được khuyến cáo kiểm tra kỹ địa chỉ trang web trước khi nhấp vào kết quả tìm kiếm, đặc biệt là với những trang yêu cầu tải xuống phần mềm hoặc cung cấp thông tin nhạy cảm.

Luôn cảnh giác với các lỗi chính tả hoặc tên miền lạ, đây thường là dấu hiệu của trang web giả mạo. Đồng thời, cập nhật trình duyệt và hệ điều hành lên phiên bản mới nhất để hạn chế các lỗ hổng mà tin tặc có thể khai thác.

Trước đó, báo Thể thao & Văn hóa đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Chuyên gia: Đừng gõ 3 cụm từ này lên thanh tìm kiếm của Google, chuyện xấu có thể xảy ra". Nội dung cụ thể như sau:

Bạn đã bao giờ tìm kiếm phiếu giảm giá hoặc mã khuyến mãi trên Google chưa? Lúc này, có ít nhất hai khả năng sẽ xảy ra: Bạn lãng phí 15 phút để nhập những mã không hoạt động, hoặc tệ hơn cả, bạn sẽ truy cập vào một trang web nhiễm phần mềm độc hại.

Xem truyền hình trả phí rất tốn kém, vì vậy, bạn có thể sẽ muốn tìm kiếm các chương trình truyền hình hoặc phim miễn phí. Tuy nhiên, đừng làm điều đó, có rất nhiều trang web tiềm ẩn nguy hiểm.

Bạn có thể thắc mắc: "Bằng cách nào mà một tìm kiếm đơn giản trên Google có thể trở nên nguy hiểm được?". Vậy thì hãy đọc tiếp những gì dưới đây.

Tờ USA Today dẫn ý kiến của các chuyên gia cho hay, cứ gõ lên thanh tìm kiếm của Google bất cứ điều gì và bạn sẽ nhận được các trang kết quả tìm kiếm. Ở vị trí cao nhất thường là các trang kết quả "được tài trợ" (Sponsored Results). Đây là những quảng cáo trả tiền mà các doanh nghiệp sử dụng để hướng lượng truy cập người dùng đến các trang web của họ.

Google không kiểm tra hết tất cả những doanh nghiệp đã mua quảng cáo. Những kẻ lừa đảo trên mạng có thể mua quảng cáo giống như các doanh nghiệp đáng tin cậy, sau đó che giấu phần mềm độc hại trên trang web của họ.

Giới lừa đảo đang ngày càng trở nên điêu luyện trong việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để các trang web độc hại của chúng hiển thị ở phía trên những trang kết quả tìm kiếm đưa tới người dùng.

Vậy bạn nên tránh gõ những cụm từ nào lên thanh tìm kiếm của Google? Điều đáng buồn là có rất nhiều cụm bạn nên tránh và khó có thể liệt kê được hết chỉ trong một bài viết.

Dưới đây là 3 cụm từ tìm kiếm phổ biến cho thấy chúng có thể gây ra những thiệt hại thực sự đối với người dùng.

1. Số điện thoại hỗ trợ kỹ thuật

Số điện thoại giả là một chiêu trò cổ điển. Nếu những kẻ lừa đảo có thể tìm ra cách để tên ngân hàng mà bạn đang sử dụng dịch vụ hiển thị khi chúng thực hiện cuộc gọi tới bạn thì chắc chắn chúng có thể tìm ra cách để số điện thoại của chúng đạt lượng tìm kiếm cao trên Google.

Những số điện thoại hỗ trợ thường được tìm kiếm nhất là:

- Amazon

- Microsoft

- Apple

- Google

- Meta (Facebook và Instagram)

2. Cách kiếm tiền online

Có một số người tìm kiếm cơ hội kiếm tiền online bằng cách gõ cụm "Cách kiếm tiền online" lên Google.

Theo các chuyên gia, chắc chắn có cách để bạn kiếm tiền online, tuy nhiên, nếu một lời đề nghị nào đó nghe có vẻ quá tốt để trở thành sự thật thì có lẽ đó là trò lừa đảo.

Đúng là có một số công ty mang tới cho nhân viên những đặc quyền tuyệt vời hoặc trả lương cao, tuy nhiên, thực tế là, những công việc tốt rất khó tìm.

Nếu bạn thấy mình nhận được mức lương hoặc đặc quyền khác biệt hơn hẳn so với những gì mà bạn nhận được ở một vị trí tương tự tại công ty khác thì hãy nảy sinh nghi ngờ.

Ngoài ra, hãy cảnh giác với các công việc hợp đồng hoặc công việc bán thời gian đi kèm với những đặc quyền bất thường. Đó có thể chỉ là một công việc hỗ trợ văn phòng bán thời gian mà bạn làm từ xa nhưng lại có chế độ thưởng hậu hĩnh tới mức đáng ngạc nhiên, và cho bạn một lịch trình linh hoạt hơn nhiều so với thông thường.

3. Ví tiền điện tử

Bạn đang có một ít tiền điện tử hoặc đang tìm cách kiếm một ít tiền điện tử trong lúc giá đang ở mức thấp? Tuy nhiên, gõ "ví tiền điện tử" trên Google không phải là cách để tìm kiếm ví lưu trữ tiền kỹ thuật số của bạn. Trên thực tế, đó là con đường dẫn tới thảm họa.

Khi bạn mua tiền điện tử trên một sàn giao dịch như Coinbase, bạn sẽ nhận được ví tiền điện tử, đây là chiếc ví mà sàn giao dịch đó kiểm soát, còn gọi là ví lưu ký.

Để chuyển tiền điện tử hoặc thanh toán bằng tiền điện tử, bạn cần chuyển sang ví tự quản. Lúc này, bạn hoàn toàn có quyền kiểm soát ví và mọi thứ bên trong nó. Song, điều đó cũng đi kèm với một nguy cơ là bạn dễ bị lừa mất tiền.

Nhớ là mỗi ví đều có một cụm từ gốc bao gồm 12-24 ký tự "có vẻ ngẫu nhiên". Đừng bao giờ tiết lộ cụm từ này ra bởi đó là chìa khóa để mở ví của bạn từ bất cứ thiết bị nào.