Đứa trẻ tật nguyền bị mẹ bỏ rơi, 30 năm sau quay về tìm nhưng mẹ hành động phũ phàng

Trong khi họ hàng, làng xóm mừng mừng tủi tủi nhận ra anh Liêm thì mẹ ruột của anh lại có hành động khiến con trai hụt hẫng.

Báo Tổ Quốc ngày 7/3/2022 có bài viết với tiêu đề: "Đứa trẻ tật nguyền bị mẹ bỏ rơi, 30 năm sau quay về tìm nhưng mẹ hành động phũ phàng". Nội dung như sau:

Đứa trẻ tật nguyền bị mẹ bỏ rơi không lời từ biệt

Mang đôi chân bị teo một bên đi tìm lại nguồn cội, anh Liêm (khoảng 35 tuổi) nghẹn đắng khi nhắc lại những năm tháng tuổi thơ của mình. Không nhớ rõ quê quán ở đâu, anh Liêm chỉ biết, mình từng sống ở một tỉnh miền Tây. Ở đó, anh có những người họ hàng rất yêu thương mình.

Thế rồi năm lên 4 - 5 tuổi, mẹ ruột của anh Liêm có về quê đưa anh lên Sài Gòn. Dù bản thân anh không muốn, họ hàng cũng chẳng muốn để cháu đi, nhưng mẹ đã quyết nên anh đành phải theo. Anh Liêm nhớ, khi theo mẹ, anh được bà thuê cho một căn phòng trọ để ở, còn bà đi suốt ngày. Cũng có thời điểm, bà đưa anh ra Vũng Tàu, hai mẹ con cứ rong ruổi nay đây mai đó.

Anh Liêm bị mẹ bỏ rơi từ khi 4 - 5 tuổi.

Về sau, mẹ gửi anh Liêm cho một người mà sau này anh gọi là má Sáu nuôi nấng, hứa gửi tiền cho má. Nhưng chỉ được 1 năm, mẹ anh không gửi thêm tiền, má Sáu không làm sao nuôi được đành gửi anh vào cô nhi viện ở Biên Hòa, Đồng Nai. Cô nhi viện làm giấy khai sinh cho anh Liêm sinh năm 1987, tên cha, tên mẹ đều để trống.

Trong trí nhớ của mình, anh Liêm chỉ còn chút ký ức nhạt nhòa rằng mẹ của anh tên Hoa, người hơi mập. Có một người ba nuôi thường đi cùng anh và mẹ. Họ hàng ở quê anh nhớ anh Chuột, chị Bích, nhà ở gần nhà thờ.

Những năm qua, anh Liêm mang đôi chân tật nguyền đi về nhiều tỉnh miền Tây tìm người thân. Đến mỗi tỉnh, anh ở vài tháng, hàng ngày đạp xe đi bán vé số, vừa hỏi han xem có chút manh mối nào về thân nhân của mình không. Nhưng tất cả đều không có kết quả.

Anh Liêm hiện đã có vợ và 2 con, hiện đang ở quê ngoại Thanh Hóa. Anh đang làm thời vụ cho một công ty may ở Sài Gòn.

Bị tật ở chân nên anh Liêm đi tập tễnh.

Khi sinh ra, anh Liêm mang thân thể bình thường. Nhưng đến khi hơn 1 tuổi thì không rõ lý do gì mà chân thành tật.

"Mình chỉ muốn tìm họ hàng ở dưới quê chứ không tìm mẹ. Vì nếu mẹ muốn tìm mình thì bà đã đi tìm rồi. Mình cũng nghĩ mẹ có lý do, hoặc có bất trắc nào đó, nhưng không hiểu sao nhiều năm may mẹ không tìm. Nếu muốn thì mẹ tìm mình rất dễ, bởi sau khi vào cô nhi viện một thời gian, mình có quay trở lại nhà má Sáu và để lại thông tin ở đó", anh Liêm bộc bạch.

Họ hàng dang tay, mẹ ruột từ chối gặp

Sau khi những thông tin về câu chuyện của anh Liêm được chia sẻ trên một kênh YouTube kết nối tìm người thân, họ hàng ở quê đã nhanh chóng nhận ra anh chính là đứa em tội nghiệp đã bị thất lạc bao năm qua. Anh Tuấn - một người anh con bác của anh Liêm đã lặn lội từ Vĩnh Long lên Sài Gòn để đoàn tụ với em.

Hóa ra, quê quán của anh Liêm ở ấp Bình Thành, xã Trung Hiếu, huyện Vĩnh Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình ở gần nhà thờ Mai Phốt. Anh Tuấn là họ hàng bên ngoại, gọi mẹ của anh Liêm bằng dì. Còn bên nội của anh Liêm là ai thì mọi người không nắm rõ.

Anh Liêm hội ngộ cùng người anh họ tên Tuấn.

Bật khóc nức nở khi tìm thấy người thân.

Anh Tuấn kể, Liêm sinh ra thân thể bình thường, đến khi hơn 1 tuổi chân mới bị teo. Trước đây khi dì Hoa đem Liêm đi, mọi người cũng gặng hỏi dì đã đem con đi đâu để tìm. Nhưng đáp lại, mẹ Liêm không trả lời, hỏi thế nào cũng không nói.

Có lúc thì bà nói: "Tôi đem Liêm đi cho một gia đình giàu có rồi, giờ này nó sung sướng lắm, không đói khổ đâu". Có lúc bà lại bảo: "Tôi đem bán thằng Liêm rồi". Sự bất nhất của bà Hoa khiến gia đình không biết đường nào mà tìm.

Anh Tuấn kể thêm, bà Hoa hiện cũng sống ở một huyện khác của tỉnh Vĩnh Long, cách gia đình anh không xa. Bà làm nghề buôn bán, kinh tế khá, đã có gia đình mới. Cách đây khoảng 2 năm, bà Hoa có về dự đám cưới của con gái anh Tuấn. Từ đó đến nay, mọi người chưa có dịp gặp lại.

Sau khi nhận họ hàng, anh Liêm theo anh Tuấn về quê. Anh Chuột, chị Bích đều nhận ra anh, họ hàng, làng xóm, bạn bè nhiều người đến gặp, chúc mừng anh đã tìm được nguồn cội sau bao năm thất lạc.

Anh Liêm vui lắm, nước mắt không ngừng rơi vì hạnh phúc. Nhưng người mà ngoài miệng anh nói không muốn tìm, trong lòng muốn gặp nhất lại đem đến cho anh sự hụt hẫng vô bờ. Đó là mẹ.

Anh Tuấn tạo điều kiện để anh Liêm đưa vợ con về quê sống cùng họ hàng.

"Hôm đó bác Tư gọi điện thì mẹ nói: "Hôm nay em đi bán hơi xa, để mai em qua thăm nó". Sáng sớm hôm sau mẹ gọi lại cho cô Năm nói là: "Bữa nay bị sốt không qua thăm Liêm được". Sau đó mọi người gọi thì mẹ không bắt máy. 

Mình rất buồn, vì sau khi bỏ mình thì mẹ về quê sống từ đó đến giờ. Cũng có lúc mình nghĩ hay là mẹ chết rồi nên không đi tìm mình? Nhưng nay biết mẹ còn sống mà không hề tìm thì mình rất thất vọng. 

Mình muốn nhắn nhủ với mẹ rằng, con về gặp mẹ không phải để xin mẹ vật chất hay muốn về sống chung với gia đình của mẹ. Mà con chỉ muốn mẹ hỏi một câu xem con có khỏe không, cuộc sống như thế nào thôi. 

Mẹ bỏ con, con phải cố gắng phấn đấu mới được như bây giờ, trong lòng con lúc nào cũng yêu thương mẹ. Con mong một ngày nào đó, mẹ sẽ gọi cho con. Nếu mẹ liên lạc, con sẽ không bao giờ trách mẹ. Đó là điều tuyệt vời mà con đã mong chờ 30 năm rồi", anh Liêm gặt nước mắt nói.

Dẫu bị mẹ từ chối phũ phàng, anh Liêm vẫn được an ủi vì tình cảm đặc biệt họ hàng dành cho mình. Tìm được người thân, anh Liêm rất vui vì từ nay sẽ có người động viên, chia sẻ, có thể tâm sự mỗi khi gặp nỗi buồn trong cuộc sống. Được anh Tuấn tạo điều kiện cho mảnh đất, anh Liêm dự định trong thời gian tới sẽ đưa vợ con về quê sống, tìm một công việc ổn định thay vì bôn ba đây đó, vợ chồng kẻ Bắc người Nam.

Nguồn: Guufood

Trước đó, ngày 3/1/2022 trang thông tin Soha có bài viết với tiêu đề: "Bị bỏ rơi ở vỉa hè, người phụ nữ khao khát tìm gia đình: Chắc mẹ bĩ cực quá mới bỏ mình". Với nội dung như sau:

Bé gái biết bò bị bỏ rơi trên vỉa hè Sài Gòn

Vào một buổi sáng khoảng đầu tháng 9/1977, người dân sống ở trước khách sạn Phú Đô 2, bến Hàm Tử, giờ là Đại lộ Đông Tây, phường 10, quận 5, TP.HCM phát hiện một bé gái khoảng 9-10 tháng tuổi đang bò qua bò lại trên vỉa hè. Em bé mặc áo hoa, tay cầm chiếc bánh tráng ngọt, người đầy vết ghẻ lở.

Thấy vậy, một người phụ nữ tên Năm đã bế bé gái lên công an phường báo tin. Công an phát đi thông báo tìm người thân của bé gái nhưng suốt 2 tuần mà không có ai tới nhận. Cuối cùng, cô Năm gọi điện về cho em gái ở quê, vốn hiếm muộn để nói chuyện. Người em gái của cô Năm đã lên làm thủ tục nhận bé gái về nuôi.

Bị bỏ rơi ở vỉa hè, người phụ nữ khao khát tìm gia đình: Chắc mẹ bĩ cực quá mới bỏ mình - Ảnh 1.

Chị Bùi Thị Lùng (hay gọi là chị Thanh), từng bị bỏ rơi ở vỉa hè vào năm 1977.

Bé gái đó được bố mẹ nuôi đặt tên là Bùi Thị Lùng. Lùng có ý nghĩa là lùng sục, tìm kiếm, bố mẹ nuôi cũng luôn mong chị sớm tìm được gốc gác của mình. Sau này, chị Lùng đổi tên thành Thanh. Chắp nối những thông tin được nghe kể lại, chị Thanh đoán mình sinh khoảng năm 1976.

Sau này, mọi người kể thêm cho chị Thanh biết, tờ mờ sáng hôm chị bị bỏ rơi, họ nhìn thấy một người con gái khoảng 15-16 tuổi đã bế chị đi lại loanh quanh ở khu vực đó. Không rõ, người con gái ấy là mẹ hay chị của chị Thanh. 

Chị Thanh được bố mẹ nuôi đưa về An Giang. Bố mẹ chị khá giả nên đã cho chị một cuộc sống đầy đủ. Không những thế, ông bà còn rất yêu thương khiến chị chưa bao giờ nghĩ mình là con nuôi. Chỉ đến khi đi học, bị bạn bè trêu ghẹo, chị Thanh mới biết thân thế thật sự của mình.

Bị bỏ rơi ở vỉa hè, người phụ nữ khao khát tìm gia đình: Chắc mẹ bĩ cực quá mới bỏ mình - Ảnh 2.

Chị Thanh đăng báo tìm người thân nhưng bặt vô âm tín.

Khao khát tìm nguồn cội, đoàn tụ với gia đình 

Năm 1994, chị Thanh rời quê lên TP.HCM và sống ngay gần khu vực từng bị người thân bỏ lại. Từ đó đến nay không có ai đến tìm chị. Dù là một người con bị bỏ rơi, song trong thâm tâm chị Thanh không hề oán trách hay hờn giận cha mẹ của mình. Trái lại, chị luôn khao khát tìm được người thân, mong hiểu được phần nào câu chuyện. Năm 2010, chị đăng tin trên báo để tìm người thân nhưng vẫn bặt vô âm tín.

"Nếu một người muốn từ chối đứa con của mình thì họ đã từ chối từ lúc con còn trong bụng hay mới sinh ra chứ không phải nuôi đến khi biết bò, biết đứng rồi lại đem đi bỏ. Có thể, hoàn cảnh lúc đó quá bĩ cực nên người thân mới buộc lòng phải làm như vậy.

Gia đình cũng lựa khu giàu có để bỏ tôi, mong có gia đình khá giả nhận nuôi. Tôi nghĩ người thân của mình không xấu.

Bị bỏ rơi ở vỉa hè, người phụ nữ khao khát tìm gia đình: Chắc mẹ bĩ cực quá mới bỏ mình - Ảnh 3.

Chị Thanh hiện đã kết hôn, sinh được 4 người con. Chị muốn chia sẻ ảnh gia đình để biết đâu người thân của chị có thể nhìn thấy sự tương đồng giữa họ và những đứa con của chị.

Tôi đoán gia đình của mình không ở đâu xa mà chỉ đâu đó trong quận 5. Tôi cũng linh cảm mình có dòng máu người Hoa. Bởi tôi thích ăn đồ Hoa, nấu đồ Hoa giỏi, thích nói tiếng Hoa, con gái lớn của tôi đặt tên giống người Hoa là A Muối,... Tôi không chắc bố mẹ mình còn sống hay không, nhưng anh chị, họ hàng chắc chắn là còn, tôi cần tìm lại họ. Dù gì tôi cũng biết ơn bố mẹ đã cho mình hình hài này", chị Thanh rơm rớm nước mắt. 

Dù thông tin không nhiều, hy vọng mong manh song người phụ nữ gần 50 tuổi vẫn mong sẽ tìm được nguồn gốc của mình, để một lần biết cảm giác tình thân, máu mủ. "Con chim có tổ, con người có tông mà..." - người phụ nữ nhìn xa xăm nói. 

 Nguồn: Guufood