Thứ đựng trong bọc nilon buộc chặt, để cạnh thùng rác khiến ai cũng sững người về 1 kiểu vô ơn mới

Hàng chục cân thịt được gói ghém cẩn thận bị vứt bên cạnh thùng rác. Cô gái sau đó đã lên tiếng thừa nhận nhưng nói lý do thì gây tranh cãi dữ dội.

Ngày 7/5/2025, báo Phụ nữ thủ đô đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Thứ đựng trong bọc nilon buộc chặt, để cạnh thùng rác khiến ai cũng sững người về 1 kiểu vô ơn mới". Nội dung như sau:

Phát hiện hàng chục kg thịt bị bỏ lại bên thùng rác

Mới đây trên mạng xã hội Douyin của Trung Quốc, netizen truyền tay nhau chia sẻ nhiều clip ghi lại cảnh các cô công nhân vệ sinh môi trường và những người đi đường ở Quý Châu, Trung Quốc tìm được rất nhiều bọc nilon màu đỏ được buộc chặt, để bên cạnh thùng rác. Mở ra, thứ bên trong là hàng chục kg đồ ăn như thịt xông khói, xúc xích, sườn lợn,... đi kèm là những mảnh giấy viết tay từ bố mẹ dặn dò con cái cách dùng.

Clip này sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã thổi bùng lên làn sóng tranh cãi dữ dội. “Cha mẹ ở nhà tiết kiệm, chắt chiu từng miếng thịt, ngọn rau cho con mà con thẳng tay vứt đi như vậy thì có quá đáng không? Đây không chỉ là sự lãng phí đồ ăn đơn thuần đâu, đây còn là vấn đề về đạo đức. Tình thương của cha mẹ bị vứt đi ư?”, một netizen bình luận. Nhiều người cùng chung quan điểm và cho hay họ vô cùng bức xúc và bất bình.

Theo Sohu, người đăng clip nêu trên sau đó đã trả lời với truyền thông rằng có khoảng 40 đến 50kg thịt đã bị vứt đi, đồ ăn vẫn còn mới và dùng được thế nhưng bây giờ tất cả đều đang nằm gọn bên cạnh thùng rác.

Sau khi phát hiện số thịt “khổng lồ”, một số nhân viên dọn vệ sinh ở khu vực đã tạm thời cất giữ đến cuối ngày. Sau khi đăng thông tin lên mạng nhưng không có ai đến nhận, không rõ về nguồn gốc thực phẩm nên cuối cùng họ đành phải dọn và vứt bỏ đi như rác thải.

Rất nhiều thịt, xúc xích. 

Cô gái vứt đồ ăn bố mẹ cho lên tiếng!

Điều này càng khiến netizen phẫn nộ hơn. Nhiều người bắt đầu tò mò, truy tìm danh tính người vứt bỏ đồ ăn. Đông đảo cư dân mạng cho rằng hành vi này không chỉ đơn thuần là lãng phí thực phẩm mà còn là hành động khó có thể tha thứ. 

Rất nhanh sau đó, trước “sức ép từ dư luận” một chủ tài khoản Douyin có tên Hải Châu chính thức lên tiếng, thừa nhận chính là người đã vứt bỏ đồ ăn. Song, cô cho hay bản thân có nỗi khổ riêng và mọi người đang hiểu lầm, làm ảnh hưởng tới cô.

Theo đó, cô khẳng định bản thân không hề bất hiếu như lời đồn mà do đường dài, kẹt xe, thịt dễ hỏng nên đã để lại bên đường cho công nhân vệ sinh tới dọn thì thấy và lấy để dùng. Nguyên văn chia sẻ của Hải Châu trên Douyin: "Tôi đã vứt nó đi vì kẹt xe, thịt có thể bị hỏng nếu để trong vài ngày, vì vậy tôi đã thu thập xúc xích và thịt xông khói và để lại những thứ dễ hỏng để cho công nhân vệ sinh. Nó không phải là lãng phí".

Tạm dịch phần chia sẻ của cô gái vứt đồ ăn. Nguồn: Douyin.

Cô cho hay gia đình ở Quý Châu nhưng kết hôn với một người đàn ông ở Hắc Long Giang. Đây là năm đầu tiên cô về nhà mẹ đẻ ăn Tết sau khi lấy chồng. Bố mẹ của cô đã chuẩn bị rất nhiều thực phẩm. Song, quãng đường từ Quý Châu đến Hắc Long Giang rất xa, hơn 3000km, phải mất khoảng 4-6 ngày. Lo lắng đồ ăn hỏng nên cô đã để lại bên đường.

“Thật đáng tiếc khi nhiều người lại đang hiểu chuyện này theo chiều hướng tiêu cực như vậy. Tôi rất biết ơn lòng tốt của cha mẹ mình. Xin hãy yên tâm rằng tôi gửi tiền về cho bố mẹ hàng tháng”, Hải Châu chia sẻ thêm.

Song, lý do vứt bỏ đồ ăn của cô gái lại càng khiến cho netizen thêm phần tranh cãi. Nhiều người cho hay khả năng đồ ăn bị hỏng khi lái xe đường dài là có thể, song lấy lý do này để vứt bỏ đồ ăn là điều không nên. 

“Không ăn không lấy, lấy không muốn ăn nên cho người cần, vứt vậy lãng phí đồ ăn quá, cha mẹ già ở quê không dám ăn uống để cho con cháu mà làm vậy được”, “Cha mẹ đang cho bạn thứ mà họ nghĩ là tốt nhất, gói ghém cẩn thận và chu đáo như thế mà bạn nỡ vứt chúng vào thùng rác”,... những bình luận của netizen. 

Nhiều người cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân, như chỉ lấy vừa đủ hoặc cố gắng bảo quản, sử dụng đồ ăn do người thân gửi, bởi đó không chỉ đơn thuần là thực phẩm nữa mà còn là tình cảm của người gửi.

Hơn nữa, nhiều netizen cũng chia sẻ rằng việc cô gái nói là “bỏ lại bên đường cho công nhân vệ sinh” thì lại càng mâu thuẫn. Bởi, cô không hề nói hay thông báo thì làm sao có ai biết? Tại sao muốn cho người khác đồ ăn mà lại bỏ bên thùng rác?

Trước đó, báo Vietnamnet đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Vứt quà quê của mẹ vào thùng rác, chàng rể hối hận nghe câu nói của vợ". Nội dung cụ thể như sau:

Mỗi lần lên chơi, mẹ vợ thường xách theo trứng gà, rau xanh, hoa quả tự trồng hoặc những món quà tự làm. Trước đây, tôi luôn coi thường những món quà đó. Tôi cho rằng chúng không tương xứng với cuộc sống tiện nghi của mình.

Vả lại, lần nào bà đến, vợ tôi cũng tất tả tiếp đón nên nhà cửa bừa bộn. Tôi cũng không thích cách nói chuyện, cách ăn uống của mẹ vợ. Việc mẹ thường xuyên hỏi tôi cái này dùng thế nào, cái kia dùng ra sao khiến tôi thấy khó chịu. 

Thế nên nhân lúc vợ đi vắng tôi thường bỏ mấy món quà quê vào thùng rác rồi vứt vội. Khi về, vợ hỏi, tôi nói mình đã ăn hết. Nhưng chuyện xấu không giấu được lâu, cuối cùng vợ cũng phát hiện chuyện tôi vứt quà của mẹ vào thùng rác.

Bởi món thanh long tự trồng mẹ mang từ quê lên là món tôi không hề thích. Chuyện "ăn hết" là không thể. 

chongkhoc.jpg
Người chồng nhận ra bài học từ những lời nói của vợ. Ảnh minh họa: FP

Nhưng lạ là vợ tôi không giận, không cáu. Cô ấy chỉ lặng lẽ đi vào phòng và suốt buổi tối ấy, chúng tôi không nói chuyện với nhau.

Nửa đêm, tôi giật mình tỉnh giấc thì thấy vợ đang ngồi thút thít khóc trong phòng. Tôi cảm thấy mình có một phần trách nhiệm trong việc này, nên hỏi han và an ủi vợ. 

Lúc này vợ mới nói, cô ấy cảm thấy tủi thân, thương mẹ và rất buồn vì cách ứng xử của chồng. Hành động của tôi khiến vợ cảm thấy thất vọng vì trước giờ cô ấy tin tôi là người hiểu chuyện. 

Vợ tôi nghẹn ngào: "Anh làm vậy là không tôn trọng mẹ em, không tôn trọng em. Mẹ sinh ra em vất vả, khổ sở nhưng chưa hề oán than. Bao năm nay, mẹ nuôi em khôn lớn cũng từ quả trứng, mớ rau, con tôm, con cá bắt ở sông.

Bố mẹ anh không làm nông, nhưng em tin ông bà cũng vất vả tần tảo sớm hôm, để giúp anh thành tài. Khi có tiền, có của anh lại không biết trân trọng người nghèo khó, không trân trọng bố mẹ mình thì anh khác gì kẻ vô ơn? 

Mẹ có lẩm cẩm, có ăn nói khó nghe, có làm anh khó chịu thì vẫn là mẹ. Rồi sau này chúng ta cũng già, đi lại khó khăn, cũng phải trông cậy vào các con, các cháu. Nếu con anh hắt hủi, coi thường anh như cách anh đã làm, anh sẽ nghĩ sao?".

Từng lời vợ nói như dao cứa vào tim tôi. Tôi chợt thấy áy náy và nhận ra mình đúng là có chút ích kỉ, xấu tính. Vợ vẫn luôn tôn trọng, quan tâm bố mẹ tôi, vậy mà tôi lại... 

Nhớ lại những lần trước mẹ đến thăm, tôi luôn lạnh nhạt và không mấy quan tâm nhưng bà không hề phật lòng, vẫn luôn tươi cười vui vẻ với con cháu. Mẹ bắt gà mang lên, tay chân trầy xước, bị gà mổ sưng mắt nhưng không hề than vãn. 

Tôi dần thay đổi thái độ với mẹ vợ, dần đón nhận tất cả những thứ bà mang lên và gạt bỏ những suy nghĩ khó chịu, bực bội dù mẹ có bày bừa hay làm hỏng đồ đạc trong nhà mình.

Mỗi lần có hơi khó chịu, tôi lại nhớ tới lời vợ và nghĩ nếu đó là bố mẹ mình thì mình có ứng xử như vậy không. Và rồi tôi hiểu ra rằng, những món quà mẹ vợ mang đến chứa đựng tình cảm, sự hi sinh và lòng yêu thương của bà dành cho gia đình.

Tôi cũng nhận ra mình đã quá vô tâm và không hiểu được tấm lòng của mẹ. Bà đến thăm không phải vì muốn nhận được sự đón tiếp xa hoa, mà chỉ đơn giản muốn mang đến chút tình thương và sự quan tâm cho các con, các cháu.

Đó là tình yêu và lòng hi sinh vô điều kiện.