36 giờ kinh hoàng sau khi máy bay rơi thẳng đầm lầy cá sấu: Cảnh tượng giải cứu các hành khách tựa phim kinh dị

Năm người đã sống sót một cách kỳ diệu sau 36 giờ mắc kẹt trên nóc một chiếc máy bay bị chìm giữa đầm lầy đầy cá sấu ở vùng rừng rậm Amazonas, Bolivia.

Ngày 05/05/2025, Phụ nữ số đưa tin "36 giờ kinh hoàng sau khi máy bay rơi thẳng đầm lầy cá sấu: Cảnh tượng giải cứu các hành khách tựa phim kinh dị". Nội dung chính như sau: 

Chiếc máy bay này mất tích 36 giờ trước khi được một nhóm ngư dân địa phương phát hiện vào ngày 2/4. Wilson Avila, Giám đốc Trung tâm Điều hành Khẩn cấp của Sở Beni, cho biết nhóm người được giải cứu gồm ba phụ nữ, một trẻ em và phi công 29 tuổi.

Đoạn video ghi lại hình ảnh kinh hoàng trong quá trình cứu hộ cho thấy cả năm người chen chúc trên nóc chiếc máy bay đang dần chìm, trong khi lực lượng cứu hộ liều mình đưa họ ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo chính quyền địa phương, khu vực đầm lầy nơi máy bay rơi bị bao quanh bởi cá sấu Caiman – loài bò sát hung dữ sống ở Nam Mỹ – khiến những người sống sót gần như không có khả năng tự cứu mình.

Đoạn video ghi lại cảnh tượng giải cứu

Hoạt động tìm kiếm và cứu hộ được triển khai vào ngày 1/5, ngay sau khi chiếc máy bay biến mất khỏi radar khi đang bay từ thị trấn Baures (miền Bắc Bolivia) đến thành phố Trinidad.

Phi công Andres Velarde cho biết sự cố động cơ bất ngờ khiến anh buộc phải cho máy bay hạ cánh xuống một khu đầm lầy gần sông Itanomas. “Máy bay đột ngột mất độ cao, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm điểm đáp an toàn nhất có thể,” ông kể lại.

Sau khi máy bay tiếp đất, cả năm người buộc phải trèo lên nóc để tránh bị ngập nước và tránh xa những con cá sấu mà theo Velarde chỉ cách họ khoảng ba mét. “Chúng tôi bị vây quanh bởi cá sấu, không thể di chuyển. Có lúc còn thấy cả một con trăn anaconda - một loài trăn khổng lồ sống ở Nam Mỹ, nổi tiếng là một trong những loài động vật lớn và mạnh nhất thế giới - trong nước,” anh rùng mình kể lại.

 

Velarde tin rằng nhóm của anh thoát được sự tấn công của cá sấu có thể là nhờ mùi xăng rò rỉ từ khoang máy bay. Trong thời gian chờ đợi được cứu, cả nhóm chỉ sống sót nhờ số bột sắn khô mà một hành khách may mắn mang theo. “Chúng tôi không thể uống nước hay di chuyển – cá sấu ở khắp nơi,” Velarde nói.

Sau khi chiếc máy bay được nhóm ngư dân tình cờ phát hiện, trực thăng đã được điều động khẩn cấp để đưa những người sống sót đến bệnh viện địa phương. Ruben Torres – Giám đốc Sở Y tế vùng Beni – chia sẻ: “Đã có rất nhiều đồn đoán, rất nhiều giả thuyết về vụ việc. Nhưng tôi thật sự vui mừng khi cuối cùng các lực lượng đã hợp tác thành công để tìm thấy và cứu sống họ.”

Ngày 31/3/2025, Vnexpress đưa tin "Người đi bơi bị cá sấu ăn thịt trên bãi biển". Nội dung chính như sau: 

    Người đi bơi bị cá sấu ăn thịt trên bãi biển

Cá sấu ngoạm thi thể người đàn ông 51 tuổi trên bãi biển ở Indonesia hôm 27/3. Video: Viral Press

Theo người dân địa phương, họ nhìn thấy bóng cá sấu nổi lên và lao về phía nạn nhân. Mọi người đều cố gắng hét lên cảnh báo nhưng Sadarwinata đang mải bơi. Tiếng quạt tay trên nước quá mạnh khiến nạn nhân không nghe thấy những âm thanh khác.

Ông Sadarwinata, 51 tuổi, trước khi bị cá sấu giết hại. Ảnh: Viral Press

Con cá sấu dùng hàm răng sắc nhọn, ngoạm chặt nạn nhân và lôi ra xa bờ. Đội cứu hộ địa phương nhận được tin báo lúc 7h15. Họ ngay lập tức sử dụng thiết bị bay không người lái có gắn camera nhiệt để theo dõi vị trí của nạn nhân. Đến 8h, hình ảnh từ camera cho thấy Sadarwinata đã thiệt mạng. Thi thể của ông bị con cá sấu ngậm trong miệng, bơi lượn lờ gần bờ.

Ông Deny Abrahams, đại diện cảnh sát thành phố, cho biết: "Theo lời khai của nhân chứng, nạn nhân bơi quá gần con cá sấu. Mọi người đã hét lên để cảnh báo, nhưng nạn nhân ở dưới nước nên không nghe thấy".

Đội cứu hộ trục vớt thi thể nạn nhân. Ảnh: Viral Press

Đội cứu hộ nhanh chóng triển khai công tác tìm kiếm. Một thành viên của lực lượng cảnh sát cơ động tỉnh Sulawesi Tengah buộc phải bắn con cá sấu để nó thả nạn nhân. Thi thể Sadarwinata sau đó được đưa lên bờ và chuyển đến Bệnh viện Bhyangkara để khám nghiệm tử thi.

Quốc đảo Indonesia là nơi sinh sống của 14 loài cá sấu, trong đó có những loài cá sấu cửa sông khổng lồ và hung dữ. Các nhà bảo tồn động vật hoang dã cho rằng cá sấu đã di chuyển sâu hơn vào đất liền, đến gần các làng mạc do tình trạng đánh bắt quá mức làm giảm nguồn thức ăn của chúng.

Hoạt động khai thác khoáng sản tràn lan cũng khiến dân làng xâm phạm vào môi trường sống tự nhiên của cá sấu, đẩy loài vật này đến gần nhà dân hơn. Đồng thời, người dân ở Indonesia vẫn tắm và đánh bắt cá trên sông. Sự kết hợp của những yếu tố trên đã dẫn đến số vụ cá sấu tấn công ngày càng tăng.