Đi thuê nhà, cô gái phát hiện 19 thỏi vàng giấu trong tủ quần áo, nửa năm sau bị tòa triệu tập

Phát hiện số vàng lớn trong phòng trọ, cô gái ở Trung Quốc có quyết định không ngờ.

Ngày 4/5/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Đi thuê nhà, cô gái phát hiện 19 thỏi vàng giấu trong tủ quần áo, nửa năm sau bị tòa triệu tập". Nội dung như sau:

Bất ngờ phát hiện số vàng lớn

Vào tháng 12/2022, Tiểu Vương thuê một căn nhà cũ trong khu dân cư tại thành phố Côn Minh (Trung Quốc). Trong lúc dọn dẹp, cô vô tình phát hiện một chiếc túi nilon giấu kín trên tầng lửng của tủ quần áo. Khi mở ra, cô sửng sốt khi thấy bên trong là 19 thỏi vàng, mỗi thỏi nặng khoảng 50 gram, tổng trị giá hơn 500.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng).

Ảnh minh hoạ

Thay vì báo cho chủ nhà hoặc trình báo công an, Tiểu Vương lặng lẽ giấu toàn bộ số vàng mang về cất giữ. Trong những tháng tiếp theo, cô lần lượt bán 10 thỏi vàng lấy tiền mua hàng hiệu và tiêu dùng cho sinh hoạt cá nhân. Chủ nhà thuê hoàn toàn không biết về hành vi này.

Đến tháng 5/2023, bà Lý - chủ căn nhà đã quay trở về Côn Minh để xử lý việc gia đình. Bà chợt nhớ ra số vàng từng giấu trên tầng lửng nhiều năm trước và lập tức kiểm tra lại. Khi mở ra, bà phát hiện toàn bộ số vàng đã biến mất không dấu vết.

Ngay sau đó, bà Lý trình báo vụ việc với cơ quan công an địa phương. Quá trình điều tra cho thấy, trong thời gian thuê nhà, Tiểu Vương nhiều lần lui tới các cửa hàng thu mua vàng tại địa phương. Qua xác minh, toàn bộ số vàng mà Tiểu Vương bán chính là tài sản hợp pháp của bà Lý.

Phán quyết từ Toà án

Khi bị triệu tập lên làm việc với cơ quan công an, ban đầu Tiểu Vương một mực chối tội. Cô khẳng định chưa từng nhìn thấy số vàng nào và không liên quan đến sự việc. Tuy nhiên, trước những bằng chứng rõ ràng, cô buộc phải thừa nhận toàn bộ hành vi.

Tại phiên tòa, Tiểu Vương biện hộ rằng bản thân chỉ “mượn tạm”, khi nào có tiền sẽ trả lại cho chủ nhà. Cô cho rằng mình không có ý định chiếm đoạt và chỉ giữ lại để sau này hoàn trả. Tuy nhiên, lập luận này không được Hội đồng xét xử chấp nhận. 

Ảnh minh hoạ

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi chiếm giữ và tiêu dùng tài sản của người khác mà không được phép đều cấu thành tội trộm cắp. Việc bị cáo cho rằng “có ý định trả lại” về sau không làm thay đổi bản chất phạm tội. Tòa xác định, Tiểu Vương đã cố tình chiếm đoạt tài sản và thực hiện hành vi tiêu thụ số vàng này.

Kết thúc phiên tòa, Tiểu Vương bị tuyên phạt 1 năm tù giam và nếu nộp phạt bổ sung 5.000 NDT (gần 18 triệu đồng) sẽ được cho hưởng án treo trong thời hạn 1 năm 6 tháng. Tòa án cho biết, bị cáo được giảm nhẹ nhờ thành khẩn khai báo, trả lại tài sản còn lại và thể hiện thái độ ăn năn. Tuy nhiên, đây vẫn là bài học đắt giá về việc không được tham lam và tùy tiện chiếm giữ tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình.

Vụ việc đã gây tranh luận sôi nổi trong dư luận. Nhiều người chỉ trích bị cáo vì lòng tham, số khác lại cho rằng nếu rơi vào hoàn cảnh đó, không dễ gì cưỡng lại cám dỗ. Dù thế nào, ranh giới của pháp luật luôn rõ ràng và bất kỳ ai cũng phải tuân thủ.

Cùng ngày, báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Phát hiện 119 kg vàng thỏi và 14 tỷ đồng tiền mặt dưới gầm giường của một chủ doanh nghiệp". Cụ thể như sau:

Tháng 5/2015, cảnh sát thành phố Vĩnh Khang, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) nhận được tin báo về một loại thuốc nội tiết tố nữ có giá 400 NDT (1,3 triệu đồng) nhưng không hiệu quả và gây tác dụng phụ. Loại thuốc này được bán online qua các đại lý trên WeChat, được quảng cáo là sản phẩm công nghệ cao  kết hợp công nghệ sinh học và thảo dược Trung Quốc, có giấy tờ kiểm định và được cấp phép. Tuy nhiên qua kiểm tra, cơ quan chức năng Trung Quốc xác định đây là thuốc giả, có thể gây dị ứng do một số thành phần, chưa được cấp phép sản xuất và lưu hành.

Cảnh sát bắt giữ một số đại lý WeChat và truy vết nguồn cung đến từ một công ty ở Bắc Kinh, do người đàn ông tên Lý điều hành. Công ty chủ yếu bán thuốc qua hơn 10.000 đại lý trên WeChat, không giao dịch trực tiếp với người tiêu dùng, và chỉ tuyển dụng nhân viên quảng cáo, marketing. 

Tháng 8/2015, cảnh sát Vĩnh Khang phối hợp với cảnh sát Bắc Kinh chia thành ba nhóm đột kích đồng thời vào cơ sở sản xuất thuốc, văn phòng công ty, và nhà riêng của giám đốc Lý. Cảnh sát bắt giữ 6 nghi phạm, thu giữ 20 thiết bị dùng để điều chế thuốc giả cùng một lượng lớn thành phẩm thuốc chưa chuyển đến các đại lý.

Ảnh minh hoạ

Tại nhà riêng của Lý, lực lượng chức năng Trung Quốc phát hiện 41 bó tiền mặt trị giá 4,1 triệu NDT (14 tỷ đồng) và 71 thỏi vàng nặng 119kg giấu dưới gầm giường. Ngoài ra, các tài khoản ngân hàng có hơn 40 triệu NDT (143 tỷ đồng) cũng bị đóng băng. Cảnh sát kết luận số tiền và vàng này đều là lợi nhuận bất hợp pháp từ việc bán thuốc giả.

Đối tượng Lý khai nhận thuốc hắn sản xuất chỉ tốn chi phí vài NDT mỗi hộp, không có các công dụng như quảng cáo. Các đại lý sẽ nhập sản phẩm từ công ty Lý, sau đó bán ra thị trường với giá 400 NDT, gấp hàng trăm lần chi phí sản xuất ban đầu. Đáng chú ý, một chủ đại lý WeChat tiết lộ cô không dám sử dụng sản phẩm này do nghi ngờ chất lượng nhưng vẫn phân phối do “đắt khách” nhờ cách marketing của công ty Lý.

Theo điều tra, Lý và đồng phạm đã sản xuất hơn 1,39 triệu hộp thuốc giả, với tổng giá trị giao dịch gần 100 triệu NDT (357 tỷ đồng). Các đối tượng này đã chịu án phạt theo quy định pháp luật Trung Quốc về hành vi làm giả thuốc, lừa dối khách hàng trong kinh doanh.

Ảnh minh hoạ

Cục cảnh sát thành phố Kim Hoa nhấn mạnh các đối tượng như Lý gây ra mối đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ do quảng cáo sai sự thật và sản xuất sản phẩm kém chất lượng. Cảnh sát Trung Quốc khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe được quảng cáo quá mức, đặc biệt trên các kênh không chính thống, không có sự hỗ trợ từ nhân viên y tế, bác sĩ có chuyên môn.

Năm 2022, Cục Cảnh sát Hoài Nam (tỉnh An Huy, Trung Quốc) cũng triệt phá đường dây sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng cho người cao tuổi. Các sản phẩm này chỉ là kẹo, bánh, trà thông thường, sản xuất với giá 10 NDT/gói (35.000 đồng) nhưng được bán với giá cao gấp nhiều lần.

Các đối tượng bán thuốc tự xưng là bác sĩ, tổ chức các buổi phát sóng trực tiếp hàng ngày, thuê người đóng vai khách hàng ca ngợi hiệu quả của sản phẩm để đánh lừa người xem. Trong hơn 1 năm kinh doanh, công ty làm thực phẩm chức năng thu về 100 triệu NDT, cho thấy lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động bất hợp pháp này.