Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 14 triệu đồng/lượng

NHNN cho biết chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới tăng cao từ đầu tháng 4/2025 chủ yếu là do 3 nguyên nhân chính.

Ngày 8/5/2025, báo An ninh tiền tệ đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 14 triệu đồng/lượng". Nội dung như sau:

Tại báo cáo phục vụ chất vấn gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 23/4/2025, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới quy đổi ở mức xấp xỉ 14,48 triệu đồng/lượng (tương đương ~13,62%).

Theo NHNN, giá vàng miếng SJC trong nước tăng với tốc độ nhanh hơn giá vàng thế giới và chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới tăng cao từ đầu tháng 4/2025 chủ yếu là do 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của FED; diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng; các cú sốc giá cả hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng;

Thứ hai, nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định nên từ đầu năm 2025 đến nay NHNN không phải can thiệp thị trường;

Thứ ba, không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi.

"Mặc dù giá vàng trong nước tăng cao, tuy nhiên những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác quản lý và có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền", Báo cáo của NHNN cho biết..

Trước đó, trong những tháng đầu năm 2025, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỉ lục kéo giá vàng trong nước tăng theo. Theo NHNN, nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng là do:

Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh; xung đột quân sự giữa Israel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông;

Thứ hai, nhiều ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng;

Thứ ba,Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng;…

Nói về những khó khăn trong thời gian tới, NHNN nhận định thị trường vàng vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối. Bên cạnh các giải pháp từ phía NHNN, để ổn định thị trường vàng một cách bền vững cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Về định hướng điều hành, NHNN cho biết sẽ tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để kịp thời cung cấp các thông tin về chủ trương, giải pháp, chính sách quản lý thị trường vàng, ổn định tâm lý thị trường.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính…) để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường. Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập, vi phạm để xử lý nghiêm theo thẩm quyền và báo cáo các cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp.

Tiếp đó, báo Tiền Phong đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Vàng thế giới rớt giá thảm, bitcoin và chứng khoán vọt tăng". Cụ thể như sau:

Giá vàng tiếp tục lao dốc

Giá vàng giảm sâu trong phiên giao dịch cuối ngày 8/5 (sáng 9/5 giờ Việt Nam) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh, làm dấy lên hy vọng thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác, khiến vai trò trú ẩn của vàng suy giảm rõ rệt.

Giá vàng giao ngay giảm 1,7% xuống còn 3.307,84 USD/ounce. Giá vàng tương lai của Mỹ giảm 2,5% còn 3.306 USD.

Theo thỏa thuận được ông Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer công bố, thuế quan 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Anh vào Mỹ được duy trì. Anh đồng ý giảm thuế từ 5,1% xuống 1,8% và mở rộng khả năng tiếp cận hàng hóa Mỹ.

Bob Haberkorn - chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures - nhận định: "Nếu Mỹ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, giá vàng chịu nhiều sức cản, giảm xuống mức ít nhất là 3.200 USD".

Thị trường đang theo dõi sát cuộc gặp dự kiến diễn ra vào thứ Bảy tại Thụy Sĩ giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và các quan chức kinh tế hàng đầu của Trung Quốc.

Giá vàng tiếp tục lao dốc sau thỏa thuận giữa Mỹ - Anh.

Vàng thỏi - hàng rào chống lại sự bất ổn địa chính trị - liên tục lập đỉnh từ khi ông Trump lần đầu áp thuế trở lại. Kim loại quý đang chịu sức ép trước kỳ vọng lạc quan về hòa hoãn thương mại.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phê duyệt cho các ngân hàng thương mại mua ngoại tệ nhằm thanh toán cho vàng nhập khẩu theo hạn ngạch mới được nâng gần đây. Động thái được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu trong trung hạn.

Tuy nhiên, Zain Vawda - nhà phân tích tại MarketPulse thuộc OANDA - nhận định: "Về mặt lý thuyết, động thái này thúc đẩy giá vàng vì nhu cầu tăng từ Trung Quốc trở thành xu hướng. Tuy nhiên, thị trường đang bị chi phối bởi các diễn biến xung quanh thuế quan".

Dự trữ vàng tại các kho ở London, Anh tăng trong tháng 4, khi nhiều kim loại quý được vận chuyển ngược từ New York về châu Âu. Trong giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 3, các bên tham gia thị trường tăng lượng vàng giao đến Mỹ nhằm bảo vệ các vị thế COMEX trước nguy cơ nước này áp thuế lên hàng nhập khẩu.

Giá bạc giao giảm xuống còn 32,48 USD/ounce. Bạch kim tăng 0,8% lên 981,60 USD và palladium tăng 0,3% lên 974,81 USD. Đà giảm của vàng trái ngược với sự hồi phục nhẹ ở một số kim loại quý và hàng hóa công nghiệp khác, cho thấy dòng tiền đang luân chuyển khi nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro.

Giá dầu thô đảo chiều tăng mạnh sau nhiều phiên giảm liên tiếp. Dầu WTI tăng 3,17% - tương đương 1,84 USD - lên 59,91 USD/thùng. Dầu Brent tăng 2,81% - tương đương 1,72 USD - lên 62,84 USD/thùng. Động lực chính đến từ tâm lý lạc quan rằng một thỏa thuận Mỹ - Trung sắp tới có thể tháo gỡ điểm nghẽn trong tiêu thụ dầu toàn cầu.

Cổ phiếu khởi sắc sau chuỗi ngày đỏ lửa

Thị trường chứng khoán toàn cầu hồi phục mạnh khi giới đầu tư đón nhận thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh như một tín hiệu tích cực cho triển vọng đàm phán thương mại toàn cầu.

Tại Mỹ, các chỉ số chính tăng mạnh, dẫn đầu là nhóm hàng không và công nghệ. Cổ phiếu hàng không bật tăng sau thông tin Mỹ miễn thuế cho các bộ phận máy bay do Rolls-Royce sản xuất. Chỉ số ngành hàng không chở khách thuộc S&P 500 tăng 5,4%, với mức tăng 7,2% của Delta Air Lines dẫn đầu.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick xác nhận Vương quốc Anh mua 10 tỷ USD máy bay của Boeing. Thông tin giúp cổ phiếu hãng này tăng 3,3%, trở thành mã có hiệu suất tốt nhất trong chỉ số Dow Jones.

Tổng thống Trump tuyên bố ông tin rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc vào cuối tuần tại Geneva "có ý nghĩa hơn so với suy nghĩ ban đầu", đồng thời nhấn mạnh ông không ngạc nhiên nếu đạt được thỏa thuận.

Scott Welch - Giám đốc đầu tư tại Certuity - bình luận: "Hôm nay, thông báo với Anh đã có phản ứng tích cực. Ông Trump là người thích phô trương, vì vậy khi ông ấy nói rằng các cuộc đàm phán vào cuối tuần này ở Geneva sẽ có ý nghĩa quan trọng, chúng ta phải tin vào lời ông ấy nói, nhưng không dám biết trước được".

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 254,48 điểm - tương đương 0,62% - lên 41.368,45 điểm. S&P 500 tăng 32,66 điểm - tương đương 0,58% - lên 5.663,94 điểm.

Thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc.

Nasdaq Composite tăng 189,98 điểm - tương đương 1,07% - lên 17.928,14 điểm. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 tăng 1,9%, đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 2/4 - thời điểm mức thuế quan ban đầu được công bố.

Chỉ số biến động CBOE VIX - thường được xem là thước đo nỗi sợ của Phố Wall - ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ đầu tháng 4, cho thấy tâm lý thị trường định trở lại. Chỉ số MSCI toàn cầu tăng 0,10% lên 844,86 điểm. Trước đó, chỉ số STOXX 600 của châu Âu đóng cửa mức tăng 0,4%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 11,3 điểm cơ bản lên 4,388%, kỳ hạn 30 năm tăng 8,1 điểm lên 4,853%, còn kỳ hạn 2 năm tăng 9,8 điểm lên 3,891%.

John Velis - chiến lược gia vĩ mô khu vực châu Mỹ tại BNY - nhận định: "Nếu các mối đe dọa về thuế quan lắng xuống và thỏa thuận với Anh khởi đầu cho loạt các thỏa thuận sắp tới, tôi nghĩ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không phải cắt giảm lãi suất nhiều".

USD cũng tăng giá rõ rệt. Chỉ số USD Index tăng 0,77% lên 100,66 điểm. Đồng bảng Anh giảm 0,42% xuống 1,3239 USD sau khi Ngân hàng Anh cắt giảm lãi suất. Euro giảm 0,67% xuống 1,1223 USD.

USD tăng 1,46% so với yên Nhật lên 145,92 và tăng 1,01% so với franc Thụy Sĩ lên 0,832. Đồng crown Thụy Điển giảm 0,77% về 9,744 sau khi ngân hàng trung ương Thụy Điển và Na Uy ám chỉ khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Thị trường tiền điện tử bật tăng mạnh mẽ. Bitcoin vượt mốc 100.000 USD lần đầu tiên kể từ đầu tháng 2, giao dịch ở mức 101.329,97 USD - tăng 4,7% trong ngày. Ether - đồng tiền của chuỗi khối Ethereum - tăng hơn 14% lên 2.050,46 USD.

Antoni Trenchev - đồng sáng lập nền tảng giao dịch tài sản kỹ thuật số Nexo - cho rằng: "Việc giành lại mức 100.000 USD là "chiến công" đáng gờm của bitcoin và là lời nhắc nhở rằng việc mua vào mức giá 74.000 USD ở tháng trước mang lại lợi nhuận cực lớn".

Ông nhấn mạnh tốc độ phục hồi nhanh chóng khả năng cao đẩy Bitcoin lên mức 109.000 USD. Lực mua từ những người nắm giữ dài hạn - ít nhất 155 ngày - nhiều hơn lực bán từ những người nắm giữ ngắn hạn.

Theo Joel Kruger - chiến lược gia thị trường tại công ty công nghệ tài chính LMAX Group - dòng tiền đầu tư tổ chức đổ vào các quỹ giao dịch trao đổi bitcoin. Căng thẳng địa chính trị dịu đi và các biện pháp kích thích tiền tệ của Trung Quốc góp phần thúc đẩy đà tăng trở lại của bitcoin sau giai đoạn suy giảm kéo dài từ tháng 2 đến nay.