Người mẹ bất lực nhìn bè và con trai bị cuốn ra biển

Trong cơn cuồng nộ của bão Yagi trưa 7/9, chiếc bè - nơi ở duy nhất của hai mẹ con bà Nguyễn Thị Ngoan bị gió thổi trôi ra biển.

Ngày 7/9/2024, báo VnExpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Người mẹ bất lực nhìn bè và con trai bị cuốn ra biển". Nội dung cụ thể như sau:

"Hòa ơi, quay lại đi. Mất sạch rồi. Trắng tay rồi", bà Ngoan khóc nấc, ngồi sụp xuống bờ kè ở ven bờ biển huyện đảo Vân Đồn gào khóc trong vô vọng khi thấy chiếc bè của gia đình băng băng ra biển. Trên bè còn con trai bà là anh Đinh Văn Hòa, 39 tuổi, đang cố thủ để giữ của.

Bà Ngoan, 63 tuổi, là một trong số hàng trăm ngư dân bám biển mưu sinh ở bãi khu nam cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Trước khi bão Yagi đổ bộ, bà cùng nhiều hộ dân khác, theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương, ngừng ra khơi, neo đậu tàu bè vào nơi an toàn.

    Người dân kể lại khoảnh khắc lật thuyền ở cảng Cái Rồng

Chiều một ngày trước, trời nắng gắt, hai mẹ con bà Ngoan dưới sự giúp sức của ngư dân láng giềng đã neo đậu thành công chiếc bè cách bờ biển chừng 100 m. Được cảnh báo "cơn bão sẽ rất mạnh" nên bà dùng nhiều dây thừng, mỏ neo để gia cố xung quanh bè. Xong xuôi mọi việc, bà rời lên ngủ một mình ở chiếc thuyền nhỏ của gia đình đậu sát bờ. Mình Hòa ở lại để trông bè.

10h sáng nay, bà Ngoan nhìn trời, thấy các trận gió đông bắt đầu nổi lên ngày một lớn, kèm các cơn mưa xối xả. Đứng sát trong mái hiên nhà dân trên bờ, song gió hắt nước liên tục khiến mặt bà rát đỏ mặt.

Sóng cuồn cuộn thành từng đợt cách nhau chưa đầy một phút, cao chừng 5 m ập vào bờ. Bốc máy gọi con trai song mất liên lạc, bà Ngoan "như ngồi trên đống lửa". Bà đứng gần như bất động trên bờ, không một phút rời mắt khỏi chiếc bè ngoài xa.

Đúng hai tiếng sau, gió nổi lên dữ dội. Một số người còn dùng điện thoại quay cảnh sóng cuộn ào ào đổ về. Tấm tôn, biển quảng cáo bay tứ tung ngay trước mắt bà. Hàng cây ven biển thay nhau bật gốc, xé rách cành, gãy gập.

"Bè trôi mất rồi. Thằng Hòa vẫn trên đó", bà Ngoan hét lớn khi thấy bè bị gió cuốn trôi. Lúc này đã đứng cách xa vài trăm mét nhưng bà vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng con trai mặc áo phao, đang hì hục bê đồ bên trong bè. Vài phút sau, bè bị đẩy đi ngày một xa khỏi tầm mắt bà Ngoan.

Chân tay run lập cập, bà Ngoan phải nhờ người đứng cạnh bấm giúp điện thoại gọi con trai thêm lần nữa, nhưng sóng điện thoại không có. Gần 40 năm làm nghề chèo thuyền và khai thác thủy sản thuê trên biển, chưa lần nào bà chứng kiến trận sóng dữ dội như vậy. Tiếng khóc, tiếng người gọi nhau, tiếng gió bão rít từng cơn, cùng tiếng mưa xối xả khiến bà ám ảnh.

Hai mẹ con bà không có nhà cửa trên đất liền, duy nhất có chiếc bè dài 6 m, rộng 6 m làm nơi sinh sống. Vẫn nghĩ sẽ sớm "trời yên biển đẹp" nên mọi đồ đạc, tiền bạc, tư trang, giấy tờ cá nhân, bà đều để lại hết ở trên bè. "Đêm nay và nhiều đêm sau nữa, tôi chẳng biết sẽ ở đâu. Mong mỏi duy nhất lúc này của tôi chỉ là bão sớm qua để còn ra biển tìm con", bà Ngoan nói.

Bà Nguyễn Thị Ngoan thất thần sau khi lạc mất cả con trai lẫn bè. Ảnh: Phạm Dự

Cùng lúc bè nhà bà Ngoan trôi xa, ông Nguyễn Ngọc Vinh, 57 tuổi, đã biết số phận của con tàu đậu ngay kế bên của gia đình mình rất mong manh. Đúng như dự đoán, chỉ vài phút sau, tàu của ông Vinh bị gió thổi bật neo, cuốn trôi ra xa cùng sóng biển.

Con tàu, cần câu cơm duy nhất của gia đình ông Vinh có nhiều đồ như tivi, tủ lạnh, quần áo, bếp. Tổng giá trị cả tàu và tài sản chừng 150 triệu đồng. Nhưng ông tự trấn an còn người là còn của, hy vọng tàu kẹt ở đâu đó chứ không bị nhấn chìm. Khi đó, ông sẽ có cơ hội vớt vát lại tài sản để tiếp tục mưu sinh.

Ngồi lặng lẽ cùng hàng chục người dân khác, ông Nguyễn Văn Tám, 57 tuổi, cũng đang nhìn trân trân vào chiếc bè của gia đình bị tàu khác va đập, nát bốn phía. Dù tạm mất chỗ ăn ở, ông Tám thấy may mắn hơn những người khác khi bè chưa bị cuốn trôi.

Sống bám cảng Cái Rồng hơn 30 năm, ông Tám đánh giá đây là một trong hai trận bão lớn, sau trận bão năm 2013. Song canh bão đổ bộ sáng nay dài hơn, "khủng khiếp hơn". Gió đông "rất mạnh" kéo dài liên tục trong gần 7 tiếng làm tan hoang tàu bè. Thiệt hại về tài sản cũng lớn hơn khi nhiều bè, thuyền bị cuốn trôi, nhiều bãi ngao giá trị vài tỷ đồng bị mất trắng.

Nhiều ngư dân đội mưa đứng chờ thông tin về tàu thuyền của gia đình. Ảnh: Giang Huy

Cảng Cái Rồng gồm hai khu vực tách biệt dành cho tàu cá và tàu du lịch. Ngày thường, nơi đây nhộn nhịp người qua lại, tàu thuyền. Toàn thị trấn Cái Rồng có 74 bè cá trên biển, trong đó bè xa nhất cách bờ vài km. Nhiều ngày trước khi bão đổ bộ, chính quyền địa phương liên tục vận động bà con chằng chống lồng bè và chòi canh. Ngư dân cũng được yêu cầu lên hết bờ để đảm bảo an toàn tính mạng.

Từ rạng sáng 7/9, toàn tỉnh Quảng Ninh chìm trong gió bão, các cơn gió giật rất mạnh kèm theo mưa xối xả. Nhiều cột thu phát sóng điện thoại không thể hoạt động khiến sóng di động, 4G bị ngưng trệ, người dân không thể liên lạc. Nhiều đường dây truyền tải điện 500kV và 220kV ở Quảng Ninh gặp sự cố và một số đường dây truyền tải điện được chủ động cắt điện để đảm bảo an toàn.

Khắp các ngả đường ở thị trấn Cái Rồng, xã Hạ Long và nhiều khu vực khác của huyện đảo Vân Đồn tan hoang. Phần lớn các cây ven đường bị gió quật bật tung gốc, đổ chắn ngang đường hoặc gãy toạc cành. Nhiều biển quảng cáo, cột đèn, biển báo giao thông gãy gập, mái tôn bị gió thổi bay văng xa hàng trăm mét.

Cùng ngày, Tạp chí Thanh niên Việt đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Người mẹ đau đáu nhìn về biển sau cơn bão ở Quảng Ninh: 'Giờ tôi không biết con trai và chiếc thuyền đang ở đâu'". Nội dung cụ thể như sau:

Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nề về người và của từ cơn bão số 3 Yagi.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngoan (64 tuổi), một cư dân sống trên thuyền ở cảng Cái Rồng, cho biết: “Gia đình tôi làm nghề chở khách ra vịnh, ra tàu thuyền. Mỗi chuyến chở được 4 đến 5 người, kiếm được vài chục nghìn”.

Những con thuyền neo đậu bên bờ vịnh

Thế nhưng, kể từ khi nghe tin có bão số 3 và được lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động và yêu cầu cho thuyền vào bờ, bà Ngoan cùng cậu con trai là Đinh Văn Hoàng (SN 1985) đã cho thuyền neo đậu vào bờ trước khi có bão.

“Gia đình tôi chỉ có 2 mẹ con, nhà không có nên phải sống trên tàu thuyền. Qua chúng tôi vẫn ngủ ở bến, sáng nay tôi lên bờ, còn con trai tôi thì bảo ở lại giữ thuyền, để thuyền khỏi bị trôi mất. Thế nhưng, 12h00 trưa nay, gió, bão to quá khiến mỏ leo bị nhổ lên, dây bị đứt khiến chiếc thuyền trôi dạt đi.

Giờ tôi cũng không biết con trai và chiếc thuyền đang ở đâu. Toàn bộ tài sản đều ở trên đó. Chút nữa tôi sẽ lấy thuyền nhỏ ra tìm con”, bà Ngoan vừa nói, vừa nhìn về hướng biển mà rưng rưng nước mắt.

Bà Ngoan đau đáu dõi về biển

Có mặt tại cảng Cái Rồng, ông Nguyễn Văn Tiếp (62 tuổi) với ánh mắt đượm buồn nhìn luôn hướng ra biển với vẻ mặt trầm tư, lo lắng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Tiếp cho biết, gia đình ông hiện đang nuôi thủy sản lồng bè trên biển. Với diện tích lớn, tổng tài sản khoảng 5 tỷ đồng.

“Đây là trận bão lớn nhất từ trước đến nay. Khoảng 10 năm trước, cũng có một trận bão tương tự nhưng gió chỉ giật cấp 6-7, do người dân chuẩn bị ứng phó với bão kém nên tài sản trên biển mất hết”, ông Tiếp cho hay.

Ông Tiếp thở dài nói: “Mất trắng rồi. Tất cả tài sản của gia đình đều “đổ” hết vào để nuôi thủy sản, giờ bão lớn quá, khiến mọi thứ bị trôi dạt. Nhiều gia đình mặc dù đã neo đậu thuyền gần bờ, nhưng gió to làm đứt dây, các con thuyền cứ thế trôi dạt ra biển, đắm chìm xuống nước.

Biết bão sẽ đến, chúng tôi cũng đã dùng nhiều biện pháp phòng chống bão nhưng vẫn mất trắng, biết làm sao bây giờ. Bão to quá nên đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể tiếp cận được các tàu bè nuôi cá. Và cũng chưa xác định được con số thiệt hại chính xác”.

Nhiều người không khỏi lo lắng và xót xa khi vẫn còn nhiều người ngoài biển chưa trở lại

Theo một số người dân có mặt tại cảng Cái Rồng chia sẻ, khoảng 11h00, gió to bão lớn, một người đàn ông thấy bè cá của mình bị đứt, trôi dạt trên biển nên thấy tiếc. Rồi người này trèo thuyền ra cố vớt lại nhưng sau đó không thấy người này đâu.

“Chúng tôi ngóng ở đây từ trưa đến giờ, vẫn chưa thấy ông ấy quay trở lại. Không biết ông ấy thế nào, liệu còn sống hay không. Nhiều tàu thuyền đã bị đắm, các bè cá dường như mất hết” , một người dân nói.

Theo đó, các cư dân chỉ biết nhìn về hướng biển. Một số người tự an ủi nhau bằng câu nói “của đi thay người”. Nhiều người cố tìm cách ra biển tìm lại tàu, thuyền bị trôi, nhưng do gió lớn nên họ đành ngậm ngùi quay trở lại, đợt ngớt gió rồi ra khơi tìm lại những gì đã mất.

Theo thông tin từ báo Tiền Phong, tại Quảng Ninh, trên địa bàn ghi nhận 3 người chết, 4 người bị thương, 6 người và 1 tàu mất tích,1 cần cẩu bị đổ, 14 tàu bị đắm.

Theo đó, vào chiều nay, tại khu neo đậu, tránh trú bão trên vịnh Hạ Long, tàu lai dắt Hồng Gai của Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh đứt dây neo và bị cuốn ra biển.

Tại thời điểm xảy ra, trên tàu có 7 thuyền viên, trong đó 1 người bị rơi xuống biển và tử vong, hiện đã vớt được thi thể lên bờ, 6 người còn lại đang mất liên lạc.

Tại TP. Hạ Long, có 1 người chết do bị mái tôn sập tại phường Hà Trung, và 4 người bị thương do bị cây đổ, sập mái tôn, kính bay vào người, điện giật. Ngoài ra, có 1 tàu du lịch bị đắm khi neo đậu tại âu tàu, không thiệt hại về người.

Tại TP. Cẩm Phả có 1 người bị chết trong khi chằng chéo mái nhà (phường Cẩm Thạch).

Tại Cô Tô có 13 tàu bị đắm khi đang neo đậu tại âu cảng (gồm 12 tàu vỏ xi măng, 1 tàu vỏ gỗ), thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ đồng.