Người phụ nữ ung thư 'đóng băng' cơ thể để hồi sinh, điều gì xảy ra sau 2 năm
Một người phụ nữ Trung Quốc mắc ung thư giai đoạn cuối đã chọn cách đóng băng cơ thể ngay khi qua đời với hy vọng được hồi sinh, đoàn tụ với chồng một lần nữa trong tương lai.
Báo Sức khỏe Đời sống ngày 08/01 đưa thông tin với tiêu đề: "Người phụ nữ ung thư 'đóng băng' cơ thể để hồi sinh, điều gì xảy ra sau 2 năm" cùng nội dung như sau:
Từ xưa tới nay, việc trăn trở làm sao để sống lâu, sống bất tử đã xuất hiện từ thời các vua chúa. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, câu chuyện sống bất tử, hay cải tử hoàn sinh vẫn là những bài toán khó cho y học và khoa học nghiên cứu.
Y học phát triển, biết đâu con người có thể hồi sinh trở lại trong tương lai?
Những năm gần đây trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu rộ lên một phương thức đóng băng cơ thể, cách thức này tuy chưa hề được chứng minh, nhưng nhiều người giàu có bệnh tật hiểm nghèo tìm đến, nuôi hy vọng được sống lại một lần nữa trong tương lai.
Vào năm 2017, một người Trung Quốc quyết định áp dụng phương pháp đông lạnh cơ thể nvới hy vọng được sống lại, đoàn tụ với chồng con. Cô là Zhan Wenlian, 49 tuổi, được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối, chẳng còn quá nhiều thời gian trên cõi đời.
Vẫn còn nhiều điều muốn làm bên cạnh chồng và những người mình thương yêu, cô Zhan đã ấp ủ mong muốn được thử nghiệm phương pháp đông lạnh, được sống lại một lần nữa. Chồng và các con của Zhan cũng hoàn toàn đồng tình với quyết định này.
Khi cô Zhan ngừng thở, các nhân viên sẽ nắm bắt khoảnh khắc này và nhanh chóng làm các khâu tiêm thuốc chống đông máu, đặt cơ thể trong container có chứa ni tơ lỏng ở nhiệt độ -200°C…, đảm bảo oxy tiếp tục chảy, ngăn chặn bất kỳ tổn thương não nào xảy ra.
Trong suốt thời gian hoàn thành đông cứng cơ thể, họ sẽ được xử lý qua 16 quy trình khác nhau để làm cho các tế bào không bị kết tinh. Sau đó, toàn bộ dịch và máu được rút ra khỏi cơ thể và thay bằng chất chống đông. Cuối cùng, cơ thể được treo ngược trong một bồn chứa ni tơ lỏng.
Tuy nhiên, không ai biết trước thời gian mà y học có thể chữa khỏi ung thư, nên không có gì đảm bảo được, cô Zhan có thể chờ tới ngày mình được hồi sinh và khỏe mạnh hay không?
Sau 2 năm cô Zhan "ngủ say", chồng cô đã suy nghĩ và quyết định ký vào thỏa thuận đóng băng cơ thể với hy vọng có thể hồi sinh cùng với vợ trong tương lai. Mặc dù câu chuyện rất cảm động nhưng hiện tại chưa ai biết công nghệ này có thật sự hồi sinh được những người đông lạnh hay không.
Được biết, trường hợp đầu tiên quyết định thử phương pháp đông lạnh cơ thể trên thế giới là một người giàu có ở Mỹ bị ung thư tên là James Bedford, anh quyết định đông lạnh cơ thể vào năm 1967. Khi đó người ta ước tính 50 năm sau, khi ung thư không còn là bệnh hiểm nghèo sẽ hồi sinh James sống lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, James vẫn đang trong giấc ngủ dài.
Trước đó, báo VnExpress ngày 02/12 cũng có bài đăng với thông tin: "Tranh cãi về hy vọng hồi sinh người từ kỹ thuật đóng băng". Nội dung được báo đưa như sau:
Nếu đã xem những bộ phim như Captain America, hẳn bạn đã quen với kỹ thuật đông lạnh người. Được coi là biện pháp cuối cùng dành cho những ai sợ chết hay đơn giản là muốn thách thức tự nhiên, đông lạnh đưa con người vào giấc ngủ ở nhiệt độ thấp đến mức các chức năng sinh hoạt gần như dừng lại. Tới khi khoa học tìm ra cách đẩy lùi tuổi già và chữa mọi loại bệnh, người được đông lạnh sẽ tỉnh dậy, sống thêm một lần nữa. Câu hỏi đặt ra là liệu hy vọng hồi sinh từ giấc ngủ đông lạnh có thành hiện thực hay không?
Tờ Medical Daily nhận định cho tới giờ chưa nhà khoa học nào dám chắc chắn về điều này. Kỹ thuật đông lạnh vốn chỉ có trong những câu chuyện khoa học viễn tưởng vẫn thu hút sự quan tâm sau khi bé gái JS 14 tuổi (Anh) giành quyền được đóng băng. Viết thư gửi Tòa án Tối cao London, bệnh nhi chia sẻ về mong muốn tỉnh dậy khỏe mạnh dù phải chờ hàng trăm năm.
Tờ Telegraph gọi kỹ thuật đông lạnh là "cái ván bập bênh giữa khoa học viễn tưởng và khoa học thực tế", "bước nhảy vọt của niềm tin, phụ thuộc hoàn toàn vào những tiến bộ không chắc chắn xảy ra của y học". Những người ủng hộ kỹ thuật đông lạnh đứng giữa hai lựa chọn: chắc chắn chết hoặc có thể sống sót.
Theo tờ The Conversation, các động vật như bò sát, côn trùng có khả năng đông lạnh và hồi sinh. Một con ếch dù bị mắc kẹt vào tảng băng vẫn sống bình thường khi xuân đến. Chúng ta thì khác. Mỗi lần đóng băng và tan ra, mô người lại bị tổn hại.
"Cần ức chế sự hình thành băng bởi nó tiêu diệt các tế bào, mô bằng cách thay thế và làm vỡ chúng", The Conversation viết. Để hạn chế điều này, người ta nghĩ đến những chất ngăn hình thành băng ở mức độ tế bào cùng những chất ngăn tổn thương do quá trình băng tan. Tuy nhiên, chúng dẫn tới hàng loạt vấn đề khác. Đông lạnh thay đổi biểu hiện của ADN và sẽ rất khó để tái khởi động các cơ quan nội tạng cùng một lúc.
Tiếp theo, làm thế nào để bảo quản chức năng não và trí nhớ vẫn là bài toán khó. Hơn nữa, đóng băng không dành cho tất cả mọi người. Bệnh nhân mất trí dù được đông lạnh cũng không thể lấy lại phần ký ức đã mất. Cuối cùng, các công ty cung cấp dịch vụ không tránh hỏi câu hỏi về mặt đạo đức.
Dù đông lạnh vẫn còn có vẻ không tưởng, một số bằng chứng cho thấy kỹ thuật này nhiều khả năng sẽ hoàn thiện trong tương lai. Ví dụ, nội tạng người đã được bảo quản ở nhiệt độ thấp để dùng cho cấy ghép. Đã xuất hiện những trường hợp như bé trai Gardell Martin bị đuối nước hồi sinh sau vài tiếng không phản ứng nhờ dòng nước lạnh nơi em rơi xuống làm giảm thân nhiệt, bảo vệ não cùng các cơ quan.
Suy cho cùng, nếu muốn một câu trả lời dứt khoát, chúng ta chỉ còn cách đợi. Cũng giống như những người đang nằm trong quan tài đông lạnh, ngủ say để chờ cái ngày mà họ hằng hy vọng.