Phòng CSGT Hà Nội nêu lý do đường phố ùn tắc 'cả ngày'
Đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, thời điểm cận Tết Nguyên đán, đường phố Hà Nội ùn tắc cả ngày, lúc nào cũng trong tình trạng "giờ cao điểm".
Theo báo Vietnamnet, dù là cuối tuần nhưng nhiều tuyến phố cũng vẫn rất đông, tình trạng ùn tắc ở một số điểm vẫn kéo dài.
Sáng 12/1, đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, những ngày cuối tuần cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao khiến giao thông trên địa bàn thành phố luôn đông đúc. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều tuyến đường ùn tắc ngay cả vào ngày cuối tuần.
"Để giảm tình trạng ùn tắc, tạo điều kiện cho người dân đi lại sắm Tết thuận lợi, Phòng CSGT đã bố trí 100% cán bộ, chiến sĩ phân luồng trên các tuyến đường", đại diện Phòng CSGT thông tin.
Theo ghi nhận trong sáng cùng ngày, trên tuyến vành đai 2 (đoạn qua quận Cầu Giấy), dù là ngày Chủ nhật, nhưng lượng phương tiện tham gia giao thông đã rất đông, Đội CSGT đường bộ số 3 phải bố trí lực lượng để điều tiết giao thông từ sáng sớm.
Còn tại Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), CSGT liên tục chỉ huy, hướng dẫn phương tiện di chuyển, giảm áp lực tại các điểm giao cắt. Tại nút giao Láng - Yên Lãng và Láng - Láng Hạ, CSGT cũng được tăng cường, phân luồng, điều tiết, bảo đảm việc di chuyển của người dân diễn ra thuận lợi và an toàn.
Đại úy Nguyễn Văn Long - Đội CSGT đường bộ số 3 chia sẻ, những ngày cuối năm, nhất là vào cuối tuần, người dân tranh thủ đi sắm Tết nên lượng phương tiện gia tăng đột biến.
"CSGT không chỉ phải điều tiết giao thông vào các giờ cao điểm sáng và chiều và giữa trưa cũng phải làm việc. Đặc biệt, kế hoạch phân luồng phải liên tục thay đổi", Đại úy Nguyễn Văn Long nói.
Trung tá Đặng Hồng Giang - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3 cho biết, khu vực vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6 km... Vào những ngày thường đã có mật độ phương tiện cao, thậm chí có những lúc quá tải về sự lưu thoát của các phương tiện. Tuy nhiên, những ngày cận Tết, lưu lượng phương tiện tăng gấp nhiều lần, thậm chí tăng 3 - 5 lần.
Theo Đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, từ ngày 15/12, đơn vị đã triển khai kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Lực lượng CSGT sẽ được huy động tối đa, tập trung phân luồng, điều tiết giao thông phòng ngừa ùn tắc. Ngoài ra, CSGT cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ùn tắc, tai nạn giao thông, bảo đảm cho người dân đi lại thuận lợi, vui xuân đón Tết an toàn.
Xung quanh vấn đề ùn tắc, báo Dân trí ngày 10/1 đăng tải bài viết: "Thời gian chờ đèn đỏ quá lâu cũng là nguyên nhân gây ùn tắc". Nội dung cụ thể như sau:
Từ khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ chính thức đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng giao thông tốt hơn hẳn, cũng có quan điểm ghi nhận tình trạng ùn tắc xảy ra nhiều hơn.
Tại các nút giao thông lớn thường xảy ra ùn tắc, người dân phải đợi tới cả vài nhịp đèn xanh mới có thể đi qua một ngã tư.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tuân thủ đèn giao thông, biển báo và vạch kẻ đường rất quan trọng nhưng song hành với nó là hạ tầng giao thông phải được nâng cấp sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó nhiều người nhấn mạnh về thực tế tín hiệu đèn giao thông tại nhiều nút giao phân bổ chưa hợp lý, thiếu khoa học dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài.
Độc giả Le Ha cho biết, nhiều ngã tư tín hiệu giao thông chưa thực sự khoa học, cần điều chỉnh theo mật độ giao thông của từng luồng. "Nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt ngày nào cũng ùn tắc kéo dài, lý do đèn xanh có hơn 40 giây cho rẽ trái, trong khi đèn đỏ đi thẳng 20 giây sau mới chuyển sang xanh, xảy ra tình trạng 20 giây đầu các phương tiện không di chuyển được vì làn đi thẳng đứng yên, các phương tiện rẽ trái luôn bị ùn ứ kéo dài. Ngành giao thông vận tải nên nghiên cứu kỹ từng ngã tư để tránh tình trạng ùn ứ kéo dài".
Độc giả Anh Tiến Hồ cùng ý kiến về bất cập của đèn tín hiệu tại nút giao này: "Đèn tín hiệu nút giao Xã Đàn với Đại Cồ Việt, hướng Xã Đàn qua gần đường ray để đèn đỏ 180 giây, xanh 15 giây, chịu thực sự".
"Chỉ số đèn đỏ gần gấp 2,5 lần đèn xanh thì không kẹt xe mới là lạ. Nếu tính trong 33 giây số B/Q lượng xe dừng chờ 60 xe như vậy nếu đèn đỏ 80 giây tức gần gấp 2.5 lần số giây đèn xanh thì số lượng người chờ trong 88 giây là 150 xe chưa tính đến xe bốn bánh. Đồng thời số 150 xe này chưa chắc trong 33 giây đã đi qua hết và như thế nếu mật độ xe đông các xe cứ dồn lên ngừng chờ đến có thể cao gấp nhiều lần. Do đó, cần cân nhắc chỉ số đèn xanh và đỏ như thế nào cho hài hòa với mật độ xe chứ không thể số giây đèn đỏ mà gấp 2.5 lần số giây đèn xanh", ý kiến của độc giả QV.
Độc giả Trung Tấn Phan góp ý: "Theo suy nghĩ mình thì các điểm trong thành phố hay xảy ra ách tắc kéo dài thì nên tăng thời gian đèn lên với thời gian thoát ra ngã tư cần khoảng 20 giây nên đèn đỏ nhiều hơn đèn xanh tầm 20 giây là ổn".
Điều khiển giao thông tại các nút giao bằng đèn tín hiệu xanh, đỏ đang trở nên lạc hậu, gây ùn tắc giao thông, cần có các giải pháp tổ chức giao thông khác không dùng tín hiệu đèn (phân làn, phân luồng...) đảm bảo giao thông thông thoát nhanh giảm ùn tắc là giải pháp mà nhiều độc giả đề xuất.
Độc giả Đào Ngọc Quý: "Theo tôi thì bịt ngã tư lại, sau đó bổ sung các điểm quay đầu vì khi đó sẽ chỉ xuất hiện tình trạng di chuyển chậm chứ không bị tắc cứng, hoặc không di chuyển được do các điểm phải dừng từ các nút đèn xanh đỏ. Rất đơn giản, trên cung đường các phương tiện di chuyển với các tốc độ khác nhau nên đường sẽ có nhiều khoảng trống và thông thoáng, nhưng khi gặp nút đèn đỏ thì phương tiện nào cũng có tốc độ bằng nhau hết (phải dừng lại), và từ đó sẽ dồn vào một nút, khi đèn xanh thì sẽ mất thời gian để chuyển từ trạng thái đứng im sang di chuyển và đạt được tốc độ mong muốn.
Ví dụ thực tế nhìn thấy dễ nhất là cung đường từ Nút giao Ngã Tư Sở đi Nguyễn Trãi - Hà Đông. Lưu lượng xe trên cùng đường này rất lớn, tuy nhiên hạn chế được các nút đèn đỏ nên từ Royal City tới Hồ Gươm Plaza gần như không xẩy ra hiện tượng tắc cứng. Các phương tiện vẫn di chuyển được... Còn một điểm lợi nữa là tiết kiệm được tiền cho các hệ thống đèn giao thông ở ngã tư (cụm đèn xanh đỏ, cột đèn, tiền điện, nhân viên bảo trì bảo dưỡng, nhân viên lập trình tín hiệu giao thông…).
Độc giả Phạm Văn Hoan: "Tôi nghĩ, Hà Nội nên bỏ các ngã tư, chỉ nên để thành các ngã ba. Xe không đi qua giao cắt ngã tư mà rẽ phải khoảng 200-300 m thì rẽ trái sang đường để chuyển hướng. Không nên có lối sang đường thẳng cổng cơ quan, trường học, bệnh viện. Thay vào đó, từ cổng cơ quan ra, các xe rẽ phải khoảng 200-300 m sau đó sang đường rẽ trái để chuyển hướng. Như vậy sẽ tránh được việc phải chờ đèn đỏ hoặc tắc nghẽn tại cổng các cơ quan, trường học, bệnh viện".