Từ 2025, không chấp hành tín hiệu giao thông vừa bị phạt tiền vừa bị trừ điểm Giấy phép lái xe

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế vi phạm giao thông sẽ bị trừ từ 2 đến 10 điểm Giấy phép lái xe (GPLX). Trong đó, hành vi không chấp hành tín hiệu giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của người điều hành giao thông, điều khiển xe đi ngược chiều sẽ bị trừ 4 điểm GPLX.

Theo báo Tiền Phong ngày 31/12/2024 có đăng tải bài viết với tiêu đề: "Từ 2025, không chấp hành tín hiệu giao thông vừa bị phạt tiền vừa bị trừ điểm Giấy phép lái xe". Nội dung như sau:

Hình ảnh CSGT trích xuất camera ghi lại việc tài xế vi phạm.

Có thể bị trừ đến 10 điểm GPLX

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (viết tắt Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

"Xác định vai trò nòng cốt trong quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ và xây dựng 5 Nghị định, 15 Thông tư phục vụ cho Luật Trật tự, an toàn giao thông" - Đại tá Nguyễn Quang Nhật.

Thông tin về việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định 168, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết, nghị định đã xử lý nghiêm khắc những hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, thể hiện ý thức coi thường pháp luật khi tham gia giao thông qua việc nâng mức phạt tiền lên rất cao và thậm chí tịch thu phương tiện đối với hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy xe lạng lách, đánh võng…

CSGT kiểm tra giấy tờ tài xế xe khách.

Nói về việc trừ điểm GPLX tại Nghị định 168, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, cơ quan soạn thảo căn cứ vào tính chất mức độ vi phạm để áp dụng các hình thức phạt bổ sung như trừ điểm giấy phép lái xe, tước bằng, tịch thu tang vật...

"Theo quy định, các hành vi vi phạm sẽ bị trừ từ 2 đến tối đa là 10 điểm. Ngoài ra, một số hành vi vi phạm gây nguy hiểm, tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông bị tước GPLX " - Đại tá Nhật thông tin.

Đại tá Nhật lấy ví dụ, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức 1 ngoài xử phạt hành chính sẽ bị trừ 4 điểm, vi phạm ở mức 2 bị trừ 10 điểm và ở mức 3 sẽ bị tước GPLX 22 - 24 tháng. Một số hành vi khác như không chấp hành tín hiệu giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của người điều hành giao thông, điều khiển xe đi ngược chiều sẽ bị trừ 4 điểm GPLX.

Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết thêm, Cục CSGT đã chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công, kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia... kiểm soát xử lý thông tin về tạm giữ GPLX từ 15/8. Do đó, khuyến khích người dân tích hợp giấy tờ liên quan đến người lái và phương tiện lên hệ thống VNeID để tiện việc theo dõi.

CSGT dùng máy đo tốc độ xử lý xe chạy "rùa bò trên đường".

Ưu tiên sử dụng thiết bị công nghệ, camera chứng minh vi phạm

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, đơn vị đã hoàn thiện việc chuẩn bị lực lượng, cơ sở hạ tầng, phần mềm, Trung tâm Chỉ huy giao thông... và đáp ứng yêu cầu khi Luật Trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

"Cục CSGT đã tổ chức các lớp tập huấn cho công an các địa phương để thực thi nghiêm Luật Trật tự, an toàn giao thông ngay từ ngày đầu có hiệu lực, góp phần thiết lập lại kỷ cương, tạo thói quen cho người tham gia giao thông" - Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin.

"Chuyển trạng thái công tác của CSGT, nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ thủ công sang công nghệ" - Đại tá Nguyễn Quang Nhật.

Vẫn theo Đại tá Nhật, lực lượng CSGT các địa phương đã tiến hành nắm bắt các tuyến, điểm, ngã tư... phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, nhất là các ngã tư có nhiều vi phạm để xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện kĩ thuật, vận động người dân chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông.

"Về quan điểm của Bộ Công an, Luật Trật tự, an toàn giao thông sẽ xử lý nghiêm người vi phạm với phương châm "không vùng cấm, không ngoại lệ" và cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng phải chấp hành nghiêm quy định" - Đại tá Nhật nói.

Theo Đại tá Nhật, lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ sẽ ưu tiên sử dụng thiết bị công nghệ, hệ thống giám sát, camera... để cung cấp hình ảnh chứng minh vi phạm của người tham gia giao thông, bên cạnh với việc phát hiện trực tiếp.

Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực thi hành. Tại Điều 58 của luật này quy định, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm khi vi phạm luật. Ngay sau khi có quyết định trừ điểm giấy phép lái xe sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu và thông báo cho chủ nhân biết.

Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ gần nhất. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì tài xế không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó.

Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do Cảnh sát giao thông tổ chức; kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

 

Bên cạnh đó, theo Thanh Niên cùng ngày cũng đăng tải thông tin: "Từ 1/1/2025, nhiều lỗi giao thông mức phạt tăng hàng chục lần". Nội dung cụ thể:

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 168/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nghị định có hiệu lực từ 1.1.2025, thay thế Nghị định 100/2019, quy định mức phạt tiền cao hơn rất nhiều đối với một số hành vi vi phạm.

PHẠT NẶNG ĐỂ RĂN ĐE

Bộ Công an cho biết, sau 5 năm thi hành Nghị định 100/2019, công tác xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TT-ATGT) đường bộ được thực hiện quyết liệt. Tuy vậy, tình hình TT-ATGT vẫn diễn biến phức tạp, một bộ phận người tham gia giao thông có ý thức chấp hành còn hạn chế, mang tính chất "đối phó", thậm chí không hợp tác, trốn tránh hoặc chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Trong khi đó, một số hành vi có tính chất nguy hiểm nhưng mức phạt còn nhẹ, chưa mang tính răn đe. Thực tế này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định 100/2019 cho phù hợp.

Nhiều lỗi giao thông mức phạt tăng hàng chục lần- Ảnh 1.

Từ 1.1.2025, nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị tăng mức phạt tiền. ẢNH: HOÀNG TUÂN

Thông tin cụ thể về điểm mới của Nghị định 168/2024, đại diện Cục CSGT (C08) Bộ Công an cho hay, nghị định mới tăng mức xử phạt "đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe" đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm với tính chất cố ý, nguy hiểm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông (TNGT).

Điển hình, các lỗi về quy tắc giao thông: không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông; chạy quá tốc độ, quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, khu vực cấm, lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc; chạy lạng lách, đánh võng; rải vật sắc nhọn... Những hành vi này thể hiện sự coi thường pháp luật, là nguyên nhân của rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng thời gian qua.

Tương tự, một số lỗi về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước: xe không gắn biển số, gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, che dán biển số; cơi nới kích thước thành thùng xe...

Theo đại diện C08, hiện có rất nhiều cá nhân cố tình đi xe không gắn biển số, che dán biển số để thực hiện các hoạt động phạm pháp, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, trốn tránh "phạt nguội" hoặc sự quản lý của cơ quan chức năng.

Thống kê từ C08 cho thấy, có tới vài chục hành vi vi phạm về TT-ATGT đường bộ bị tăng mức phạt tiền. Trong nhóm tăng nhiều nhất có hành vi "mở cửa xe ô tô, để cửa xe ô tô mở không bảo đảm an toàn gây TNGT", nâng từ 400.000 - 600.000 đồng lên 20 - 22 triệu đồng (trung bình cao gấp 42 lần); "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" (ô tô) nâng từ 4 - 6 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng (gấp gần 4 lần); "lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe" nâng từ 10 - 12 triệu đồng lên 40 - 50 triệu đồng (trung bình gấp hơn 4 lần)…

GIẢI PHÁP CÓ HIỆU QUẢ TỨC THÌ

Cuối năm 2019, chị Nguyễn Loan (34 tuổi) đang mang thai, điều khiển xe máy di chuyển trên phố Trung Hòa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) thì bất ngờ chiếc ô tô dừng ven đường mở cửa bên trái khiến chị ngã nhào. Chị Loan lo sợ cho sức khỏe thai nhi, nên vội nhờ người dân đưa vào phòng khám gần đó, rất may mọi sự vẫn ổn. Không may mắn như chị Loan, tháng 3 vừa qua, một tài xế ô tô ở Lào Cai mở cửa bên lái khiến hai mẹ con đi xe máy ngã ra đường. Người mẹ không may bị chiếc ô tô khác chèn qua dẫn đến tử vong.

Nhiều lỗi giao thông mức phạt tăng hàng chục lần- Ảnh 2.

Hành vi mở cửa xe bất cẩn gây tai nạn giao thông như thế này sẽ bị phạt nặng gấp 42 lần so với trước, kể từ 1.1.2025. Ảnh: cắt từ clip

Hậu quả tiềm ẩn từ hành vi mở cửa xe ô tô thiếu quan sát là rất lớn, thế nhưng chế tài hiện hành chỉ phạt từ 400.000 - 600.000 đồng. Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho rằng "phạt như vậy không bõ bèn gì", không đủ để người tham gia giao thông cảm thấy sợ. Bày tỏ ủng hộ khi nghị định mới nâng mức phạt lên 20 - 22 triệu đồng, ông Thanh nói sự thay đổi này trước hết thể hiện đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, tiếp đó là cảnh tỉnh để người điều khiển phương tiện giao thông cẩn trọng hơn.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nhắc đến thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại" tại lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2024, tổ chức ở Ninh Bình cách đây hơn 1 tháng. "Sự mất mát của người ra đi chính là bài học để người ở lại nhìn vào đó mà thay đổi, tránh lặp lại", bà Nga nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, 90% số vụ TNGT đường bộ xuất phát từ ý thức con người. Dẫn chứng hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hoặc đi lùi trên cao tốc, bà Nga nhận định "không thể nói là vô tình hay thiếu hiểu biết".

Không chỉ ý thức kém, chế tài xử lý còn quá nhẹ cũng là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm TT-ATGT đường bộ phức tạp. Một bộ phận tài xế nảy sinh tâm lý "chấp nhận vi phạm", nhất là người có điều kiện kinh tế.

Để giải quyết, bà Nga cho rằng trong lúc chờ đợi sự chuyển biến nhận thức thì giải pháp trực diện, có hiệu quả tức thì, là tăng mức phạt tiền. Những hành vi vi phạm thể hiện sự cố ý, có tính chất nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao… phải có mức phạt tương xứng. Có thể thấy từ công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian qua, sau khi cấm tuyệt đối và nâng mức phạt tiền thì tình trạng vi phạm đã giảm rõ rệt.

"Chế tài nghiêm khắc cộng xử phạt nghiêm minh sẽ bằng số người vi phạm ít đi", nữ đại biểu nói.

Nhiều lỗi giao thông mức phạt tăng hàng chục lần- Ảnh 3.

Xe ben và xe máy chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ tại Ngã ba Phát Triển (giao lộ Hoàng Văn Bổn với QL 1), TP.Biên Hòa, Đồng Nai ngày 31.10. Ảnh: cắt từ clip

"KHÔNG VI PHẠM THÌ KHÔNG LO PHẢI NỘP TIỀN"

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến băn khoăn khi mức tiền phạt theo nghị định mới là khá cao so với thu nhập của người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng ý thức tham gia giao thông và điều kiện kinh tế là hai vấn đề khác nhau. "Không thể nại lý do thu nhập thấp thì mức phạt phải thấp, như vậy vô hình trung sẽ khuyến khích vi phạm", bà nói. Theo bà Nga, mức phạt cao sẽ giúp người dân nâng cao ý thức. Để không bị phạt, không còn cách nào khác là tài xế phải chấp hành thật tốt quy định pháp luật, "không vi phạm thì không phải nộp tiền".

Đồng tình, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng tăng mức phạt tiền với các lỗi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm mục tiêu cao nhất là an toàn tính mạng của người tham gia giao thông. "Điều quan trọng là ý thức người lái xe cải thiện, vi phạm, tai nạn theo đó mà giảm", ông Tạo nói và kiến nghị Bộ Công an tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ để quá trình xử lý đảm bảo khách quan, minh bạch.

Nhiều lỗi giao thông mức phạt tăng hàng chục lần- Ảnh 4.

Trừ điểm thay vì tước giấy phép lái xe

Ngoài nâng mức phạt tiền với một số hành vi vi phạm, Nghị định 168/2024 quy định chi tiết về việc trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Luật TT-ATGT đường bộ quy định mỗi GPLX có 12 điểm. Số điểm sẽ bị trừ mỗi khi người có GPLX vi phạm giao thông, tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi. Bộ Công an đề xuất 189 hành vi sẽ bị trừ điểm GPLX, mức trừ từ 2 - 12 điểm. Trong số này, 28 hành vi bị trừ 12 điểm (chỉ cần vi phạm một lần là bị trừ sạch điểm), đây đều là lỗi có tính cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây TNGT. Như vậy, mức phạt tiền tuy có tăng nhưng với một số lỗi, người vi phạm được hưởng lợi hơn khi không còn bị tước GPLX ngay lập tức.

 

Tôi ủng hộ việc tăng mức phạt tiền với các hành vi vi phạm giao thông theo Nghị định 168/2024. Việc tăng mức phạt sẽ tạo ra rào cản mạnh mẽ trong tâm lý, mang tính răn đe khiến người tham gia giao thông phải e dè với những hành vi vi phạm giao thông. Việc áp dụng hệ thống điểm thay cho việc tước giấy phép lái xe ngay lập tức sẽ cho phép người vi phạm có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Điều này tạo điều kiện cho người vi phạm nhận thức được lỗi lầm và có cơ hội cải thiện hành vi của bản thân.

Chị Nguyễn Thị Trúc Nhi (20 tuổi, ở TP.HCM)

Tôi ủng hộ tăng mức phạt đối với ô tô, đặc biệt là lỗi vượt đèn đỏ. Tuy nhiên, việc tăng mức phạt tiền lên quá cao đối với xe máy đôi khi chưa hợp lý và nên điều chỉnh dần trong quá trình thực thi. Ví dụ lỗi chạy ngược chiều hoặc vượt đèn đỏ với xe máy, phạt đến 5 triệu đồng thì khả năng nhiều người sẽ bỏ xe, vì hiện tại có rất nhiều phương tiện lưu thông trên đường có giá trị thấp hơn 5 triệu đồng.

Nhìn chung, có thể sẽ có nhiều người không đồng tình nhưng dần dần người dân cũng sẽ ủng hộ luật mới.

Anh Nguyễn Hữu Vinh (tài xế ô tô dịch vụ, quê Tiền Giang) Trần Duy Khánh (ghi)