Xe cứu thương bị kẹt cứng trên đường, 2 bệnh nhân tử vong
Các xe cấp cứu đã bị ùn tắc hơn 30 phút, khiến tình trạng bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn, cuối cùng họ đã không qua khỏi.
Theo báo Người Đưa Tin ngày 31/12/2024 có đăng tải thông tin: "Xe cứu thương bị kẹt cứng trên đường, 2 bệnh nhân tử vong". Nội dung như sau:
Hai bệnh nhân nguy kịch đã tử vong sau khi xe cấp cứu của họ bị kẹt xe trên đoạn Kakkanchery của đường cao tốc đang được xây dựng ở quận Kozhikode, bang Kerala, Ấn Độ. Những người tử vong được xác định là Sulaikha, 54 tuổi và Shajil Kumar, 49 tuổi.
Sulaikha, cư dân làng Edarikode, đang được chuyển từ Viện Khoa học Y tế Malabar (MIMS) ở Kottakkal đến Bệnh viện IQRA ở Kozhikode để được chăm sóc khẩn cấp. Trong khi đó, Shajil Kumar, đến từ làng Vallikkunnu, đang được đưa đến Trường Cao đẳng Y tế Kozhikode từ Bệnh viện Chelari DMS sau khi anh bị ngừng tim. Cả hai bệnh nhân đều qua đời sau khi xe cấp cứu của họ bị chậm hơn 30 phút do tắc đường.
Vụ ùn tắc giao thông xảy ra vào thứ Bảy, ngày 28/12/2024, trên con đường 4 làn xe ở Kakkachery, nơi xe cấp cứu không thể di chuyển do tắc nghẽn.
Bất chấp nỗ lực của các tài xế và người qua đường để dọn đường, xe cứu thương hầu như không thể nhúc nhích.
Tài xế xe cứu thương Nuhmanul Altaf, người chở Sulaikha, cho biết rằng hành trình 45 phút thông thường từ Kottakkal đến Kozhikode đã bị chậm lại nửa giờ, khiến tình trạng của bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn.
Bệnh nhân Sulaikha bị ngừng tim khi kẹt xe và được y tá trên xe cứu thương tiến hành hô hấp nhân tạo. Sau đó, Sulaikha được đưa đến một bệnh viện gần đó, nơi bệnh nhân lại bị ngừng tim một lần nữa. Theo tài xế xe cứu thương, bác sĩ nói rằng nếu Sulaikha được đưa đến sớm hơn 10 phút thì có thể bệnh nhân đã được cứu sống.
Tương tự, xe cứu thương chở Shajil Kumar cũng bị chậm trễ do tình trạng kẹt xe. Tình trạng của bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn khi xe cứu thương bị kẹt gần 1 km. Shajil cũng được đưa đến một bệnh viện tư gần đó, nhưng đã quá muộn.
Người dân địa phương và tài xế xe cứu thương đã bày tỏ lo ngại về việc quản lý giao thông kém trong khu vực, điều mà họ cho rằng đã góp phần gây ra sự chậm trễ.
Trước đó, báo VNExpress ngày 17/5/2022 có bài viết: "Những người mở đường cho xe cấp cứu". Nội dung cụ thể:
Điện thoại reo, Nguyễn Viết Nghĩa bấm máy nghe rồi quay sang nói lớn: "Đến Bệnh viện Nhi đồng 1". Bốn chiếc xe máy khởi động, vọt ra đường lúc 20h30 ngày 9/5.
Khoảng ba phút sau, một chiếc xe cấp cứu mang biển số Tây Ninh hú còi chạy ngang cây xăng mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa (quận Tân Phú). Một chiếc xe máy vọt lên trước dẫn đầu, hai chiếc hộ tống hai bên và một chiếc đi sau chặn hậu. Những người ngồi sau bốn chiếc xe máy tay cầm bộ đàm và gậy phát sát. Chuyến dẫn đường cho xe cấp cứu chính thức bắt đầu.
Phỏng đoán thời điểm này đoạn đường Cộng Hòa có nguy cơ đông xe, Nghĩa đánh lái vào con hẻm nhỏ của đường Tân Hải, ra dấu cho xe cấp cứu theo sau.
"Xe máy làm ơn tấp vào lề giùm em, cảm ơn ạ!", "Ô tô ơi rẽ phải nhường đường xe cấp cứu giùm em, em cảm ơn ạ!’’... vừa vặn ga, Nghĩa vừa luôn miệng hô lớn. Nhìn thấy giao thông phía trước không được thuận tiện, Nghĩa hít một hơi rồi lách vào dòng xe đang kẹt cứng trên đường Trường Chinh. Ba chiếc xe máy còn lại cũng lập tức bám theo hướng di chuyển của người dẫn đầu.
Ra được đường Lý Thường Kiệt bằng lối đi tắt, đội ra tín hiệu cho các xe máy đang lưu thông nhường đường. Tiếng còi hụ của xe cứu thương cùng thanh âm của đèn còi trên bốn chiếc xe máy náo động đoạn đường. Nhiều người nghe thấy vội vàng nép vào bên. Nhận thấy xe chở bệnh nhân có nguy cơ mắc kẹt, một xe thành viên của nhóm báo hiệu sẽ thay chỗ xe tiền phương, đi tắt qua ngã tư để mở lối cho xe cấp cứu.
Chiến thuật thành công, chiếc xe cấp cứu chỉ mất khoảng 7 phút cho quãng đường gần 10 km từ Tân Phú đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Bệnh nhi được cấp cứu tại bệnh viện an toàn. Nghĩa quay xe dẫn đồng đội trở về chỗ tập kết, chỉ kịp vẫy tay chào tài xế xe cứu thương. Trong xe, bác tài xế trung tuổi cúi đầu chào lại.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều những chuyến xe hỗ trợ cấp cứu của nhóm Hỗ trợ cấp cứu TP HCM, mỗi đêm. "Có nhiều đêm chúng em đang trên đường về lại thì gặp xe cấp cứu, lại đi tiếp. Việc hỗ trợ 4-5 xe cấp cứu mà chưa kịp dừng lại vài giây để nghỉ ngơi là chuyện như cơm bữa’’, Nguyễn Viết Nghĩa, 19 tuổi, trưởng nhóm, nói.
Nhóm Hỗ trợ cấp cứu TP HCM ra đời năm 2020 với 12 thành viên. Mục tiêu hoạt động là hỗ trợ mở đường cho xe cấp cứu đến bệnh viện nhanh nhất và hỗ trợ sơ cứu người bị tai nạn trên đường, tất cả đều miễn phí. Hiện tại số thành viên của đội đã lên đến 40, được chia thành 2 nhóm: Hỗ trợ cấp cứu và hỗ trợ tai nạn.
Đội phó Nguyễn Thành Phong, 23 tuổi, cho biết, nhóm hoạt động từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối hàng ngày, trừ những ngày mưa. Mỗi thành viên phải trải qua 6 tháng tập làm quen ở đội hỗ trợ tai nạn, trải qua khóa học sơ cứu của Hội chữ thập đỏ, sau đó thi kiểm tra đảm bảo an toàn rồi mới được vào đội.
"Trước đây, nhiều lần đi trên đường, tôi luôn thấy bức bối trước tình trạng xe cấp cứu dù đã hụ còi xin đường nhưng người dân vẫn cứ mặc kệ, không nhường đường. Mong muốn không để bất kỳ bệnh nhân nào phải mất cơ hội sống khi không kịp đến bệnh viện, tôi và các bạn quyết định thành lập đội’’, Phong giải thích.
Những thành viên của đội đều là người trẻ, chủ yếu làm nghề phụ xe, shipper, bảo vệ... Tiền mua sắm trang thiết bị, xăng xe, nước uống đều được chi trả bằng chính tiền lương của thành viên trong đội góp lại.
Những tài xế xe cấp cứu từng được đội hỗ trợ chỉ cần lưu số điện thoại, khi chuyển bệnh đến chốt Trường Chinh sẽ gọi yêu cầu hỗ trợ. Ngoài ra, mọi người thường đứng đợi sẵn tại chốt, khi thấy xe cấp cứu chạy ngang qua, bật còi hú và ca bin sau có bệnh nhân sẽ chạy theo và hỏi tài xế cần đến bệnh viện nào. Sau đó, đội sẽ hỗ trợ mở đường cho xe lưu thông.
Thành viên Trần Hoàng Quốc Hòa, 27 tuổi, kể trước khi về đội anh đã theo dõi hoạt động của mọi người suốt hai năm. Khi đã tin tưởng, Hoà mới đăng ký tham gia cách đây nửa năm. "Ban đầu mình phải giấu người nhà, chỉ nói cho bạn gái biết. Nhưng sau mọi người cũng biết và ủng hộ việc làm có ích cho xã hội", Hòa nói.
Chàng trai 27 tuổi nhớ nhất lần kẹt xe trầm trọng tại cầu vượt Hoàng Hoa Thám. Anh và đồng đội đành mở đường ở làn ngược chiều vì bệnh nhi trên xe cấp cứu đang nguy kịch do xuất huyết não. Thấy đội đi tới, các anh cảnh sát giao thông cũng hỗ trợ, mở đường cho xe cấp cứu đi. "Lúc đó thật sự thấy ấm lòng lắm’’, Hòa chia sẻ.
Cơ duyên đến với đội của Đỗ Văn Thiên Vũ có phần đặc biệt hơn. Cách đây gần hai năm, bà của Vũ, khi ấy đã hơn 70 tuổi, bị té cầu thang. Không gọi được xe cấp cứu, gia đình đưa bà đến bệnh viện bằng taxi. Đoạn đường từ quận 12 đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào giờ cao điểm khá khó khăn vì đường đang sửa chữa. Đang mắc kẹt giữa làn xe, bất ngờ đội xuất hiện và hỗ trợ xe taxi. Tới bệnh viện, Vũ đang định xuống cảm ơn nhưng các anh đã quay xe về. Thời gian sau, Vũ tìm được số điện thoại của nhóm và xin tham gia. "Đã từng ngồi trên chiếc xe cấp cứu và lo sợ cho tính mạng của người nhà mình, tôi hiểu bệnh nhân và thân nhân của họ mong được đến bệnh viện như thế nào’’, Vũ nói.
Nhưng không phải lần nào nhóm cũng đưa được bệnh nhân đến viện. "Có lần cả đội đang lao đi bỗng tiếng còi hú của xe cấp cứu im bặt. Tài xế bật loa báo: Về đi các em ơi, bệnh nhân đi rồi", nhóm trưởng Nguyễn Viết Nghĩa kể. Lần đó, anh ám ảnh mãi sau khi từ từ buông lỏng tay ga vì biết có một sự sống vừa kết thúc sau lưng mình.
Hơn hai năm hỗ trợ cho bệnh nhân, các thành viên cho biết có không ít lần bị người đi đường chặn lại, đòi đánh vì dám kêu họ nhường đường hay những lần va chạm khi các phương tiện vẫn cứ lao đi, dù đã được ra tín hiệu.
Từng được nhóm của Phong dẫn đường, anh Hữu Nam, lái xe cấp cứu bệnh viện Xuyên Á cho biết, trước đây anh thường vận chuyển bệnh nhân một mình, nhưng thường xuyên bị kẹt lại tại ngã tư do xe phía trước không nhường đường hoặc kẹt xe vào giờ cao điểm. "Từ ngày được đội hỗ trợ, mình cần chuyển bệnh, chỉ cần gọi trước là các bạn sẽ dẫn đường. Bệnh nhân được đến bệnh viện nhanh nhất có thể’’, anh Nam nói.
Anh Nguyễn Lê Trung Nghĩa, một tài xế xe cấp cứu đã rất thân thiết với đội kể, có lần xe của anh bị kẹt ngay ngã tư, bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng ngay trên xe. "Lần đầu gặp nhóm là hôm chở một ca từ Tây Ninh xuống cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy, bị chấn thương sọ não do tai nạn. Đang trên đường, các bạn chạy theo và hỏi đi đâu. Mình trả lời, lập tức được mở đường. Từ đó, mỗi lần chở bệnh nhân đi tuyến này mình đều gọi hỗ trợ’’, Trung Nghĩa cho hay.
Hai năm hoạt động nhưng các thành viên đều có chung niềm hy vọng "sớm thất nghiệp", người dân có ý thức nhường chỗ cho xe cấp cứu lưu thông.
"Tôi cũng mong muốn đội cùng nhau làm thật tốt, thật bài bản để các cấp lãnh đạo nhìn thấy và tạo điều kiện hơn cho chúng tôi thực hiện công việc của mình", Nghĩa nói.