Đặt cọc gần 200 triệu đồng mua BMW nhưng 8 năm sau mới nhớ ra, người phụ nữ đến mua xe thì cửa hàng phản hồi: 'Chị phải bồi thường cho chúng tôi'

Người phụ nữ Trung Quốc bất ngờ nhớ ra mình đã đặt cọc mua xe từ nhiều năm trước nhưng không mua.

Ngày 23/12/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Đặt cọc gần 200 triệu đồng mua BMW nhưng 8 năm sau mới nhớ ra, người phụ nữ đến mua xe thì cửa hàng phản hồi: 'Chị phải bồi thường cho chúng tôi'". Nội dung cụ thể như sau:

Mới đây, đài truyền hình địa phương ở Trung Quốc đưa tin về tranh cãi liên quan đến tiền đặt cọc xe hơi của người phụ nữ họ Bành. Người này cho biết, bà đã cọc 50.000 NDT (hơn 170 triệu đồng) để mua một chiếc BMW tại cửa hàng ở Trịnh Châu vào năm 2014.

Thế nhưng khi đó cửa hàng không có sẵn mẫu xe bà muốn nên nhân viên hẹn bà Bành quay lại sau. Một tuần sau, bà Bành cần huy động vốn để kinh doanh nên không còn tiền mua xe. Khi người phụ nữ này báo lại cho cửa hàng, nhân viên cho biết bà có thể quay lại lấy xe và trả khoản tiền còn lại bất kỳ lúc nào.

Cuộc sống trải qua nhiều biến cố khiến 8 năm sau, bà Bành mới đột nhiên nhớ ra khoản tiền cọc mua BMW. Lúc này, người phụ nữ đã có đủ tiền mua xe nhưng nhân viên cho biết bà không thể sử dụng số tiền đã đặt cọc trước đó vì đã bị trừ hết do bồi thường vi phạm hợp đồng.

Người phụ nữ họ Bành đặt cọc xe xong “quên” không mua.

Theo hợp đồng ban đầu, sau thời gian nhận xe quy định, cứ mỗi ngày bên mua chậm trễ trong việc thanh toán khoản tiền mua xe thì cửa hàng có quyền đòi bồi thường 0,05% giá trị chiếc xe. Như vậy, tiền cọc của bà Bành đã bị trừ hết do “quên” không mua xe trong thời hạn thanh toán.

Bà Bành đã đăng tải thông tin vụ việc lên mạng xã hội để hỏi ý kiến cư dân mạng về cách xử lý, gây xôn xao dư luận địa phương. Từ góc độ pháp lý tại Trung Quốc, hành động của cửa hàng bán xe là có cơ sở và nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của bên bán, bên mua đã ký nên phải tuân thủ.

Nhiều người cho rằng cửa hàng yêu cầu bồi thường theo hợp đồng là không sai nhưng đã thờ ơ trong việc chăm sóc khách hàng, nhắc nhở khách về thời hạn thanh toán và giao xe. Đặc biệt là lời giải thích “có thể lấy xe bất kỳ lúc nào” từ nhân viên cùng việc không chú ý đến điều khoản trong hợp đồng có thể đã khiến bà Bành hiểu lầm. Trong khi đó một số cư dân mạng cảm thấy khó tin về việc bà Bành quên khoản tiền đặt cọc gần 200 triệu đến 8 năm.

Nhận thấy phản ứng trái chiều trên truyền thông, phía cửa hàng bán xe đã liên hệ với bà Bành và đồng ý gia hạn quyền sử dụng tiền đặt cọc 50.000 NDT thêm 2 tuần. Người phụ nữ này có thể trả số tiền mua xe còn lại để nhận xe, nhưng không được chuyển nhượng cho người khác.

Phía cửa hàng đưa ra phương án giải quyết để bà Bành có thể dùng số tiền đã đặt cọc 8 năm trước.

Cách giải quyết này của cửa hàng xe đã nhận được sự ủng hộ và phản ứng tích cực từ những người theo dõi vụ việc. Cửa hàng này cho biết sẽ cải thiện trong việc quản lý và chăm sóc khách hàng, tránh xảy ra tranh chấp tương tự trong tương lai. Còn về phía bà Bành, người phụ nữ này lên tiếng nhắc nhở mọi người nên chú ý đọc kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi đặt bút ký, đồng thời có sự trao đổi với bên bán khi gặp vấn đề để 2 bên thống nhất phương án giải quyết hiệu quả.

Ảnh minh hoạ.

Việc mua bán tài sản rồi “quên” cũng gây ra không ít rắc rối cho chính chủ. Vào năm 2020 người phụ nữ họ Trương ở Thâm Quyến (Trung Quốc) phát hiện căn nhà cô đã mua 28 năm rồi bỏ “quên” không ở lại có người sống. Người này bị lừa chuyển khoản toàn bộ số tiền mua nhà của cô Trương mà không nhận được giấy tờ, vì đã hết tiền nên vẫn sống tại đây 10 năm mà không bị ai đòi.

Tuy nhiên khi được yêu cầu chuyển đi, người đàn ông lại đòi chủ căn nhà 200.000 NDT (gần 700 triệu đồng) chi phí cải tạo nhà. Gia đình chủ nhà phải nhờ đến luật sư hỗ trợ, sẵn sàng truy cứu trách nhiệm pháp lý và bồi thường tiền thuê nhà thì người sống trái phép mới chịu chuyển đi.

Báo Đời sống & Pháp luật ngày 25/12/2024 đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Người phụ nữ chi 18 tỷ đồng mua Rolls-Royce, về nhà phát hiện là xe cũ độ lại liền khởi kiện, tòa án phán quyết: Showroom phải đền hơn 45 tỷ đồng". Nội dung cụ thể như sau:

Năm 2014, một người phụ nữ họ Giả ở Bắc Kinh muốn lên đời xe nên đã đến showroom của công ty ô tô Cẩm Lân Thịnh Thái - Bắc Kinh, chọn một chiếc Rolls-Royce có giá 5,2 triệu NDT (khoảng 18 tỷ đồng). Khi chiếc xe chỉ mới đi được hơn 1.700 km, cô Giả phát hiện màn hình điều khiển trong xe đột ngột chuyển sang màu đen và không thể khởi động lại được, đành gửi đến cửa hàng 4S của Rolls-Royce để sửa chữa.

Tuy nhiên, 1 ngày sau, kỹ thuật viên cửa hàng 4S gọi điện báo cho cô Giả rằng họ phát hiện chiếc xe có dấu hiệu đã được độ lại, không phải là xe mới hoàn toàn. Theo đánh giá từ hồ sơ kiểm tra máy móc do cửa hàng 4S cung cấp, hầu hết dữ liệu của phương tiện đều cho thấy nó đã đi được 5.115 km, thay vì 1.767 km như hiển thị ban đầu. Điều đó cho thấy đồng hồ đo lường có khả năng đã được điều chỉnh và cô Giả không phải là chủ nhân đầu tiên của chiếc xe sang.

Sự thật này khiến cô Giả vô cùng tức giận. Cô cho rằng mình rõ ràng đã bị showroom lừa khi phải bỏ đến 5,2 triệu NDT (khoảng 18 tỷ đồng) để mang về một chiếc xe cũ, dù cô có khả năng mua xe mới. Cô Giả cũng khẳng định, tại thời điểm mua xe, showroom của công ty ô tô Cẩm Lân Thịnh Thái đã tuyên bố đây là một chiếc Rolls-Royce mới hoàn toàn. Cô Giả sau đó đã gửi đơn kiện lên tòa án Triều Dương - Bắc Kinh, yêu cầu showroom phải bồi thường cho mình gấp 3 số tiền mua xe.

Ban đầu, do vấn đề về bằng chứng nên tòa sơ thẩm đã bác bỏ đơn kiện của cô Giả. Phải đến khi vụ án được kháng cáo lên tòa án nhân dân cấp 3 Bắc Kinh, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành liên hệ trực tiếp với nhà nhập khẩu ô tô là Công ty ô tô BMW (Trung Quốc) theo đúng quy định của pháp luật. Theo phản hồi của công ty, chiếc xe được nhập khẩu từ Anh về Trung Quốc từ tháng 3/2013. Đây là xe trưng bày được sử dụng riêng cho công ty, sau khi bán lại sẽ có giả rẻ hơn rất nhiều. 

(Ảnh minh họa)

Tiếp đó, một công ty khác là Đức Đặc Bắc Kinh đã thu mua lại chiếc Rolls-Royce nói trên. Số km đã đi được tại thời điểm bán lại đã là 4.938 km. Công ty Đức Đặc Bắc Kinh sau đó tiếp tục chuyển nhượng chiếc xe cho Cẩm Lân Thịnh Thái - nơi bán xe cho cô Giả. Hồ sơ bàn giao xe của hai công ty ghi rõ, quãng đường đi được của chiếc Rolls-Royce lúc đó là 5.095 km.

Theo thẩm phán của Tòa án nhân dân trung cấp số 3 Bắc Kinh, khách hàng mới sử dụng chiếc xe này một thời gian ngắn và di chuyển hơn 1.000 km. Nếu số liệu trên hệ thống có sự thay đổi bất thường từ hơn 5.000 km đến chỉ còn hơn 1.000 km thì chỉ có một khả năng duy nhất, đó là công ty Cẩm Lân Thịnh Thái đã gian lận và sửa đổi số km trước khi bán ra. Mặc dù vậy, công ty này vẫn nhất mực bảo không hề biết đồng hồ đã bị thay đổi.

Sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, tòa án kết luận showroom bán chiếc Rolls-Royce cũ cho cô Giả và làm giả số km trên đồng hồ hành vi lừa đảo. Theo các quy định liên quan của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Trung Quốc, tòa án đã ra phán quyết công ty Đức Đặc Bắc Kinh phải bồi thường cho đã bồi thường gần gấp 3 lần số tiền mua ô tô cho cô Giả. Cụ thể, showroom của công ty này bị phạt phải bồi thường 13 triệu NDT (khoảng 45,2 tỷ đồng).

Sự việc cũng là bài học nhắc nhở người tiêu dùng, khi mua xe nên lưu giữ các giấy tờ và bằng chứng xác đáng để bảo vệ quyền lợi của bản thân nếu có vấn đề gì xảy ra. Trong trường hợp này, rất may cô Giả đã cung cấp đủ bằng chứng cho tòa án để chứng minh sai phạm của showroom ô tô.

Theo Báo cáo khiếu nại ô tô năm 2017 do Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc công bố, việc nhiều đại lý đã che giấu tình trạng thực sự của xe khi bán ra là những vấn đề phổ biến nhất được người tiêu dùng báo cáo. Nhiều chiếc xe có tình trạng như trầy xước, sơn sửa, hư hỏng bên trong, thậm chí còn là xe từng gặp tai nạn đôi khi sẽ không được tiết lộ.

Tòa án tuyên bố, nếu một đại lý ô tô cố tình che giấu thông tin sửa chữa hoặc bán xe cũ thay cho xe mới, hành vi đó sẽ được khép vào tội lừa đảo và áp dụng hình phạt bồi thường gấp 3 lần theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.