Giá vàng miếng SJC neo đỉnh 107,5 triệu đồng, tăng tới bao giờ?
Giá vàng miếng SJC duy trì mốc đỉnh kỷ lục, đang bỏ xa giá vàng nhẫn và giá thế giới.
Ngày 15/4/2025, báo Người lao động đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Giá vàng miếng SJC neo đỉnh 107,5 triệu đồng, tăng tới bao giờ?". Nội dung như sau:
Sáng 15-4, giá vàng miếng SJC tiếp tục được các doanh nghiệp SJC, PNJ duy trì ở mức cao, mua vào quanh 105 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 107,5 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng mỗi lượng so với sáng 14-4. Đây là mức cao nhất của giá vàng miếng từ trước tới nay.
Biên độ giá mua vào - bán ra được duy trì ở mức cao từ 2,5 triệu đồng/lượng. Một số doanh nghiệp khác như Phú Quý nới biên độ giá mua – bán vàng miếng SJC lên tới 3,5 triệu đồng, khi chiều mua vào vàng miếng SJC chỉ 104 triệu đồng/lượng, bán ra 107,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 99,99 các loại được các doanh nghiệp niêm yết ở mức thấp hơn, mua vào 102 triệu đồng/lượng, bán ra 105 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 400.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. Đây cũng là mức cao nhất của giá vàng nhẫn từ trước tới nay.

Dù vậy, giá vàng trong nước có biến động đáng chú ý, khi giá vàng miếng SJC tăng nhanh hơn và đang nới rộng chênh lệch với giá vàng nhẫn. Hiện giá vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng khoảng 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước duy trì ở mốc cao theo đà biến động của giá thế giới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng đang được giao dịch ở mức 3.222 USD/ounce, giảm khoảng 20 USD/ounce so với phiên trước.
Trong phiên giao dịch đêm hôm qua, rạng sáng nay 15-4 trên thị trường quốc tế, giá vàng biến động rất mạnh, có thời điểm rớt khỏi mốc 3.200 USD/ounce, về dưới 3.195 USD/ounce. Tuy nhiên ngay sau đó, giá vàng bật tăng trở lại rồi giao dịch vượt 3.220 USD/ounce khi nhà đầu tư vẫn chọn vàng làm nơi trú ẩn.
Nhà đầu tư quốc tế bán tháo chứng khoán, dịch chuyển vốn vào vàng và việc đồng USD tiếp tục duy trì ở mức thấp quanh 99,6 điểm – mốc thấp nhất trong hơn 2 năm qua… đang hỗ trợ giá vàng duy trì ở mốc cao.
Dù vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo giá vàng đã tăng nóng thời gian qua, trong trường hợp chính sách thuế quan của Mỹ và các nước, nhất là Mỹ và Trung Quốc có tín hiệu tích cực sẽ khiến giá vàng có thể đảo chiều giảm mạnh.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 101,1 triệu đồng/lượng.
Tiếp đó, Tạp chí SaoStar cũng đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Giá vàng có thể chạm mốc 4.000 USD/ounce vào năm 2026?". Cụ thể như sau:
Mới đây, Tập đoàn tài chính Goldman Sachs chính thức nâng dự báo giá vàng cuối năm 2025 lên mức 3.700 USD/ounce, đồng thời cho rằng nếu các điều kiện kinh tế tiếp tục bất ổn, giá vàng có thể đạt 4.000 USD/ounce vào giữa năm 2026.
Nguyên nhân được chỉ ra là nhu cầu mua vàng tăng mạnh từ các ngân hàng trung ương, cùng dòng vốn dồn dập chảy vào các quỹ ETF vàng giữa bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế và căng thẳng địa chính trị leo thang.
Vì sao giá vàng tăng mạnh?
Goldman Sachs ước tính các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể mua trung bình 80 tấn vàng mỗi tháng trong năm nay – tăng đáng kể so với dự báo trước đó là 70 tấn. Song song đó, các quỹ ETF cũng ghi nhận lực mua vào đáng kể khi nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Đặc biệt, nếu Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới – điều mà Goldman Sachs đánh giá có khả năng xảy ra tới 45% – giá vàng thậm chí có thể đạt tới 3.880 USD/ounce ngay trong năm nay.
Không chỉ Goldman Sachs, nhiều tổ chức lớn cũng đưa ra dự báo lạc quan. UBS kỳ vọng vàng sẽ đạt 3.500 USD/ounce vào tháng 12/2025, trong khi Bank of America nâng mục tiêu tương tự nhờ nhu cầu mạnh từ ngân hàng trung ương, các quỹ đầu tư và thị trường Trung Quốc.

Giá vàng trong nước chạm đỉnh kỷ lục
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC sáng 14/4 đã vượt mốc 107 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từng được ghi nhận. Đây là hệ quả trực tiếp từ đà tăng của giá vàng thế giới, cộng với tâm lý tìm kiếm kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh nhiều thị trường tài chính khác biến động mạnh.
Dù triển vọng vàng đang được đánh giá tích cực trong dài hạn, các chuyên gia cảnh báo giá vàng có thể biến động mạnh trong ngắn hạn do thanh khoản thị trường yếu và nguồn cung khai thác tăng chậm. Một lượng lớn vàng hiện vẫn được nắm giữ bởi các ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư, khiến khả năng điều chỉnh giá là điều khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư cá nhân được khuyến nghị nên thận trọng, tránh mua vào khi giá đã ở vùng quá cao, đồng thời theo dõi sát các biến động từ kinh tế Mỹ và chính sách tiền tệ toàn cầu để đưa ra quyết định phù hợp.