Từ 1/7: Ngoài lương hưu, nhiều người sẽ được nhận khoản tiền tăng gấp 4 lần mức cũ, ai đủ điều kiện?

Từ ngày 1/7, theo Luật BHXH 2024, sẽ có 2 mức tính trợ cấp một lần cho người lao động khi nghỉ hưu, tăng đối đa 4 lần so với mức hưởng theo Luật BHXH 2014.

Báo Phụ nữ số ngày 13/04 đưa thông tin với tiêu đề: "Từ 1/7: Ngoài lương hưu, nhiều người sẽ được nhận khoản tiền tăng gấp 4 lần mức cũ, ai đủ điều kiện?" cùng nội dung như sau:

Luật BHXH năm 2024 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 với nhiều nội dung quan trọng như thay đổi điều kiện hưởng lương, thêm quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện...

Theo Luật BHXH 2014 hiện hành, người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Như vậy, điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo quy định hiện hành là có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%.

Về mức hưởng trợ cấp này được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Như vậy, theo quy định hiện hành, mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu = 0,5 X bình quân tiền lương tháng đóng BHXH X Số năm đóng BHXH vượt quá tỷ lệ 75%.

Tuy nhiên, theo Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quy định này có sự điều chỉnh. Cụ thể như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật BHXH 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025), lao động nam có thời gian đóng BHXH cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng BHXH cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Như vậy, từ ngày 1/7/2025, điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là có thời gian đóng BHXH cao hơn:

- 35 năm đối với lao động nam.

- 30 năm đối với lao động nữ.

Mức hưởng trợ cấp một lần cũng có sự thay đổi và được quy định tại Khoản 2 Điều 68, chia thành 2 trường hợp.

Trường hợp 1: Người lao động hưởng chế độ hưu trí tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu.

Mức hưởng trợ cấp một lần bằng 0,5 lần bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn quy định cho tới tuổi nghỉ hưu.

Trường hợp 2: Người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH.

Mức trợ cấp bằng 2 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định.

Cách tính trợ cấp 1 lần

Để hiểu rõ hơn và thấy được sự khác nhau về mức hưởng trợ cấp 1 lần của Luật BHXH 2014 và Luật BHXH năm 2024, người lao động có thể tham khảo ví dụ dưới đây.

Ví dụ: Ông D. làm việc trong điều kiện lao động bình thường, tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu có 38 năm đóng BHXH nhưng ông D. không nghỉ việc hưởng lương hưu mà tiếp tục làm việc và đóng BHXH thêm 3 năm mới nghỉ việc hưởng lương hưu. Khi nghỉ việc hưởng lương hưu ông D. có tổng thời gian đóng BHXH là 41 năm. Trong đó:

- 3 năm đóng BHXH cao hơn 35 năm trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu.

- 3 năm đóng BHXH cao hơn 35 năm kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu.

Như vậy, ông D. có 06 năm đóng thêm BHXH, ngoài lương hưu ông D. còn được hưởng trợ cấp một lần được tính như sau:

Mức hưởng trợ cấp tính theo Luật BHXH 2014:

Mức hưởng trợ cấp 1 lần = Số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% x 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

= 6 x 0,5 = 3

Như vậy, ông D. được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo Luật BHXH 2014 là: 3 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Mức hưởng trợ cấp tính theo Luật BHXH 2024:

- 3 năm đóng BHXH cao hơn 35 năm trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu: 3 năm x 0,5 = 1,5.

- 3 năm đóng BHXH cao hơn 35 năm kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu: 3 năm x 2 = 6.

Như vậy, ông D. được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo Luật BHXH 2024 là: 1,5 + 6 = 7,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Như vậy, so với mức hưởng 3 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo Luật BHXH 2014, mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu mà ông D. nhận được theo Luật BHXH 2024 sẽ tăng hơn nhiều lần.

Với mức trợ cấp tăng như vậy, người lao động sẽ có thêm một khoản hỗ trợ tài chính đáng kể khi nghỉ hưu.

(Trên đây chỉ là ví dụ minh họa cách tính mức hưởng trợ cấp 1 lần theo Luật BHXH 2014 và Luật BHXH 2024, để biết rõ hơn mức trợ cấp được hưởng hàng tháng, người lao động có thể liên hệ cơ quan BHXH địa phương).

Cùng ngày, báo Lao Động cũng có bài đăng với thông tin: "Ngoài lương hưu, NLĐ có thể nhận trợ cấp tăng gấp 4 lần từ 1.7". Nội dung được báo đưa như sau:

Công ty Luật TNHH YouMe cho biết: Từ ngày 1.7.2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chính thức có hiệu lực với nhiều thay đổi. Đặc biệt là mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu sẽ tăng đáng kể, có thể gấp 4 lần so với mức hiện hành quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, lao động nam có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trên 35 năm và lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm, tương ứng với tỉ lệ lương hưu trên 75% thì ngoài lương hưu hằng tháng, sẽ được nhận thêm trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.

Mức trợ cấp một lần được chia thành hai trường hợp cụ thể, quy định tại Khoản 2 Điều 68 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024:

Trường hợp 1: Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu và hoàn tất thủ tục nhận chế độ hưu trí sẽ được nhận trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp này tính bằng 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm đóng vượt mức quy định tại Khoản 1 Điều 68 cho đến tuổi nghỉ hưu theo pháp luật. Cách tính này giữ nguyên so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Trường hợp 2: Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu sẽ nhận trợ cấp một lần với mức cao hơn.

Mỗi năm đóng thêm sẽ được hưởng 2 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. So với quy định hiện hành của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức trợ cấp này cao hơn gấp 4 lần.

Bên cạnh đó, từ ngày 1.7.2025, sẽ có 2 đối tượng được tăng lương hưu:

Tại Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, quy định về việc điều chỉnh lương hưu như sau:

Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu quy định tại Mục này.

Như vậy, từ ngày 1.7.2025, người lao động sẽ được điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ nếu đáp ứng 2 đối tượng: Có mức lương hưu thấp; Nghỉ hưu trước năm 1995.