Lưu ý: Vi phạm giao thông bỏ lại xe có thể bị cưỡng chế trừ lương, trừ tiền tài khoản

Từ 1/12025, mức phạt người điều khiển xe máy vi phạm giao thông tăng mạnh. Để tránh nộp phạt, không ít người đã bỏ lại xe. Vậy những cá nhân này sẽ bị xử lý ra sao?

Theo báo An ninh Thủ đô ngày 2/1/2025 có đưa tin: "Lưu ý: Vi phạm giao thông bỏ lại xe có thể bị cưỡng chế trừ lương, trừ tiền tài khoản". Nội dung như sau:

Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025.

Theo Nghị định này, người điều khiển xe đi ngược chiều, đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan); không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; điều khiển xe máy không gắn biển số; gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 8-10 triệu đồng sẽ áp dụng đối với người điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định; sử dụng còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư…

Nghị định cũng nêu rõ mức phạt tiền từ 10-14 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc…

Bên cạnh đó, cá nhân điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt từ 2-10 triệu đồng.

Do mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông khá cao nên thực tế có không ít cá nhân vi phạm khi bị lực lượng chức năng xử phạt đã cố tình không nộp phạt, “bỏ của chạy lấy người”.

Về chế tài xử lý đối với hành vi này, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Do đó, nếu người vi phạm trốn tránh không nộp phạt mà bỏ xe lại thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt tính từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Trường hợp hết thời hạn trên mà cá nhân vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng các hình thức:

Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; Thu tiền, tài sản khác của người bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do người khác đang giữ trong trường hợp người vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; Buộc khắc phục hậu quả theo quy định.

Như vậy, nếu cá nhân vi phạm giao thông cố tình không nộp phạt, bỏ lại xe vẫn phải đóng phạt theo quyết định xử phạt hành chính, nếu không chấp nhận quyết định xử phạt thì có thể bị cưỡng chế.

Về việc xử lý phương tiện của người vi phạm hết thời hạn tạm giữ mà không đến nhận, theo Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần 2 nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…

Bên cạnh đó, theo báo Dân Việt ngày 1/1/2025 có bài viết: "Nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng mức phạt hàng chục lần: Có ngăn chặn được thói quen xấu của tài xế?". Nội dung cụ thể:

Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.

Theo nghị định này, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao, tập trung vào nhóm hành vi liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông trên đường, trong đó có cao tốc và một số nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

Phạt nặng để tăng tính răn đe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông

TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản (chuyên gia giao thông) cho hay, hành vi vượt đèn đỏ là hành vi vi phạm giao thông cực kỳ nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp đe dọa về an toàn giao thông, gây xung đột và tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Nghị định 168/2024/NĐ-CP khi đi vào thực tế được kỳ vọng sẽ tạo sức răn đe góp phần nâng cao nhận thức người dân. 

Tuy nhiên, theo ông Bình, sẽ có những trường hợp chống đối người thi hành công vụ khi bị phát hiện vi phạm giao thông và trong quá trình xử lý vi phạm.

Với những người dân có mức thu nhập thấp khi bị xử phạt, họ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế. Mặt khác, việc tăng mức độ xử phạt không tỷ lệ thuận với việc tăng lương thu nhập của người dân cũng có thể sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người dân, tài xế.

"Vì vậy, tôi mong các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông có chiến dịch truyền thông rộng rãi để giúp người dân nắm được sự thay đổi về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông và thay đổi nâng cao ý thức chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông", ông Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, hiện nay tốc độ phát triển của cơ sở kết cấu hạ tầng, mạng lưới giao thông và các loại phương tiện tham gia giao thông tăng rất nhanh. Tuy nhiên, ý thức của người dân lại không theo kịp tốc độ đó. Thực tế, thời gian gần đây có rất nhiều vụ việc người dân tham gia giao thông không chấp hành nghiêm theo quy định và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

"Chính vì thế, tôi hoàn toàn đồng tình với sự thay đổi về mặt nội dung tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Bởi lẽ, phải có chế tài xử lý nghiêm thì ý thức tham gia giao thông của người dân mới được nâng cao. Với mức xử phạt như trong nghị định tôi thấy hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, việc xử phạt nặng lỗi vi phạm giao thông cũng sẽ góp phần đảm bảo được trật tự an toàn giao thông", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, cơ quan chức năng cũng phải cân nhắc, đưa ra giải pháp đối với một số trường hợp chủ phương tiện khi vi phạm giao thông bị xử lý, phương tiện bị thu giữ theo quy định pháp luật nhưng họ có tư tưởng chậm chấp hành, giải quyết các thủ tục vi phạm hoặc sẵn sàng chây ì bỏ lại phương tiện. 

Trong trường hợp này cơ quan quản lý Nhà nước sẽ lãng phí một số tiền không hề nhỏ để dùng cho việc tập kết và thu giữ các phương tiện vị phạm. Thậm chí, có thể xảy ra các vấn đề tiêu cực như tháo dỡ phụ tùng xe, hao mòn giá trị các phương tiện này.

"Tôi cho rằng cần phải có những quy định, chế tài rõ ràng trong thời gian cụ thể và bao lâu. Và trường hợp  chủ phương tiện vi phạm giao thông không chấp hành sẽ bị thu hồi và thanh lý theo quy định của Nhà nước", ông Thanh đề nghị.

Hành vi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông bị phạt nặng, sẽ ngăn chặn thói quen xấu? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông trên đường phố Hà Nội. Ảnh: M.T.

Xem xét xử lý hình sự kể cả trường hợp tài xế không gây ra hậu quả nghiêm trọng

Trong khi đó, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cũng cho rằng, trước tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, chế tài hành chính trước đây chưa đủ sức răn đe thì việc Chính phủ ban hành nghị định mới, quy định tăng mức chế tài đối với một số nhóm hành vi là hoàn toàn cần thiết và hợp lý.

Mặc dù cơ quan chức năng đã quyết liệt trong việc xử lý nhưng những hành vi vi phạm về giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, đi vào đường ngược chiều, đi sai phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đi xe mô tô vào đường cao tốc, đi lùi trên đường cao tốc vẫn thường xuyên diễn ra. Thậm chí, một số tài xế vẫn có thói quen xấu bất chấp quy định, cố tình vi phạm giao thông...

"Thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới, những hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông, vi phạm nồng độ cồn còn có thể bị áp dụng chế tài hình sự kể cả khi không gây ra hậu quả nghiêm trọng", luật sư Cường nhấn mạnh.

Hành vi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông bị phạt nặng, sẽ ngăn chặn thói quen xấu? - Ảnh 2.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Ông Cường cho biết thêm, luật hình sự Việt Nam cũng có những quy định về xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm giao thông mà chưa gây ra hậu quả như quy định tại khoản 4, Điều 260 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, kể từ thời điểm quy định này có hiệu lực đến nay gần như chưa có vụ án nào xử lý hình sự với người vi phạm về giao thông đường bộ có khả năng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời. Đó cũng là lý do khiến cho những người vi phạm giao thông đường bộ chưa gây ra hậu quả tiếp tục tái phạm nhiều lần.

"Bởi vậy việc sửa đổi Nghị định 68 của Chính phủ để tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời nghiên cứu hướng dẫn quy định của luật hình sự để có thể hình sự hóa những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là cần thiết", luật sư Cường đề xuất.

Cùng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, Nghị định 168/2024/NĐ-CP được ra đời trong hoàn cảnh ý thức tham gia giao thông của người dân đã thay đổi. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số người chưa nhận thức đầy đủ, thường xuyên vi phạm giao thông, kể cả hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều.

"Có thể nói, Nghị định 168/2024/NĐ-CP là một bước tiến quan trọng để đảm bảo an toàn trật tự giao thông. Dù mức xử phạt có nghiêm khắc nhưng ý thức của người dân không thay đổi thì vấn đề về an toàn giao thông cũng sẽ không được cải thiện. Chính vì vậy tôi cho rằng cái quan trọng nhất là mỗi người dân phải có ý thức khi tham gia giao thông để có thể đảm bảo an toàn cho chính mình và những người khác, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh cho đất nước", luật sư Bình nói.

Hành vi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông bị phạt nặng, sẽ ngăn chặn thói quen xấu? - Ảnh 3.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật. Ảnh: NVCC.

Anh Nguyễn Văn Thành (SN 1992, Hà Nội) ủng hộ nghị định mới này và cho rằng cần phải xử lý nghiêm đối với các hành vi cố tình vi phạm trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng. 

"Công việc lái xe của tôi đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Bởi vậy, khi tham gia giao thông chúng tôi luôn ý thức được việc phải chấp hành các quy định, Luật giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và những người xung quanh. Còn về mức phạt, tôi cho rằng sẽ có một số khó khăn nhất định cho lái xe, nhất là đối với những người có thu nhập thấp, kinh tế bấp bênh", anh Thành chia sẻ.