Nam ca sĩ nổi tiếng qua đời, nhiều nghệ sĩ Việt gửi lời chia buồn

NSƯT - Ca sĩ Tuấn Phong qua đời vào sáng 10/11 sau thời gian dài điều trị bệnh.

Ngày 11/11/2024 Saostar đưa tin "Nam ca sĩ nổi tiếng qua đời, nhiều nghệ sĩ Việt gửi lời chia buồn". Nội dung chính như sau: 

Thông tin đăng tải trên báo VTC News, đại diện gia đình NSƯT - Ca sĩ Tuấn Phong cho biết, ông đã qua đời vào lúc 9h42 ngày 10/11, hưởng thọ 73 tuổi. 

Lễ nhập quan được tổ chức lúc 17h ngày 10/11, lễ viếng diễn ra từ 18h cùng ngày. Sự ra đi của NSƯT Tuấn Phong khiến nhiều nghệ sĩ Việt lẫn khán giả đau xót.

NSƯT Việt Anh viết: "Trời ơi... Thương tiếc một ca sĩ mà thời trai trẻ tôi mê mẫn! Thành kính chia buồn cùng gia đình anh!".

Nghệ sĩ Phượng Loan bình luận: "Xin thành kính phân ưu!".

NSƯT - Ca sĩ Tuấn Phong nổi tiếng với ca khúc Chào em cô gái Lam Hồng. 

NSƯT - Ca sĩ Tuấn Phong sinh năm 1952 tại Hà Nội. Năm 1968, ông tham gia Hội thi tiếng hát giới trẻ Thủ đô và giành huy chương bạc với ca khúc Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Ông sở hữu giọng hát nam cao, gây ấn tượng qua các nhạc phẩm trữ tình: Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tương tư chiều,...

Nhắc đến ông, khán giả nhớ tới ca khúc Thuyền và biển (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Xuân Quỳnh). Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều ca khúc như: Mùa thu và em (thơ: Vũ Quốc Anh), Nửa vời (thơ: Nghiêm Huyền Vũ),...

Đặc biệt nhất, NSƯT Tuấn Phong được khán giả yêu mến khi thể hiện các ca khúc: Chào em cô gái Lam Hồng, Tôi người lái xe, Dáng đứng Việt Nam,... 

Từ năm 1978 đến 1984, nam nghệ sĩ theo học thanh nhạc tại Nhạc viện TP HCM. Ông từng làm việc tại Đoàn ca múa nhạc Bông Sen trước khi chuyển sang công tác tại Nhạc viện TP HCM. Năm 1981, ông giành giải nhì tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với bài hát Dấu chân phía trước.

NSƯT Tuấn Phong thời trẻ.

NSƯT Tuấn Phong từng ví việc ca hát đối với ông là một công việc vất vả, như lao động khổ sai. Mỗi khi biểu diễn, ông luôn hết lòng cống hiến, hát bằng tất cả cảm xúc, như con tằm nhả tơ.

Ông phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 1996. Ngoài ra, ông từng là Phó trưởng Khoa - Giảng viên thanh nhạc, Nhạc Viện TP HCM.

Ngoài sự nghiệp âm nhạc, NSƯT Tuấn Phong còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác như làm thơ, viết lời bình, làm MC và viết văn. Ông cũng là một trong những giọng đọc thơ được yêu thích và quen thuộc trên kênh HTV.

Bên cạnh ca hát, NSƯT Tuấn Phong từng làm thơ, viết lời bình, làm MC và viết văn.

Tang lễ của NSƯT Tuấn Phong được tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất (số 1 Lý Thường Kiệt, Phường 7, quận Tân Bình, TP HCM). Lễ truy điệu sẽ diễn ra vào lúc 6 giờ sáng ngày 13/11, sau đó, linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP HCM.

Cùng ngày VNexpress đưa tin "Ca sĩ Tuấn Phong qua đời'. Nội dung chính như sau: 

Vợ ca sĩ cho biết ông bị tai biến mạch máu não đợt Covid-19. Di chứng ảnh hưởng đến não, khiến khả năng ngôn ngữ của ông giảm sút. Sau đó, ông bị ngã, gãy ba xương sườn, chỉ nằm một chỗ. Ông qua đời hôm 10/11 sau thời gian dài trị bệnh.

Lễ viếng nghệ sĩ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình), lễ truy điệu lúc sáng 13/11, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Ca sĩ Tuấn Phong (1952-2024). Ảnh: Đài truyền hình TP HCM

Thông tin khiến đông đảo đồng nghiệp, học trò ông thương tiếc. Nghệ sĩ Tạ Minh Tâm - nguyên Phó giám đốc Nhạc viện TP HCM - nói nhiều năm qua, sức khỏe ca sĩ sụt giảm vì mắc nhiều bệnh nền. Theo Tạ Minh Tâm, Tuấn Phong là một trong những giọng ca trữ tình - cách mạng nổi bật của thập niên 1980-1990.

"Chất giọng nam cao, kỹ thuật trau chuốt giúp ông thành công ở mảng tình ca, nhất là các sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ông sống chan hòa với đồng nghiệp, được hậu bối, học trò yêu mến vì luôn nâng đỡ các em", Tạ Minh Tâm nói.

    Ca sĩ Tuấn Phong hát "Người ấy bây giờ đang ở đâu"

Ca sĩ sinh tại Hà Nội, là con cả trong một gia đình có năm anh chị em. Từ nhỏ, ông thừa hưởng tình yêu nghệ thuật, văn học từ cha - vốn làm việc tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. 16 tuổi, ông đoạt giải trong Hội thi ca hát giới trẻ Thủ đô với bài Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng của nhạc sĩ Hoàng Vân. Tốt nghiệp khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Hà Nội song do mê nhạc, ông bỏ lại sự nghiệp khoa học để học tiếp tại Nhạc viện Hà Nội.

Năm 1972, ông gia nhập Đoàn ca múa miền Nam, sau đó học thanh nhạc tại Nhạc viện TP HCM. Ông từng đoạt giải nhì Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1981 với bài hát Dấu chân phía trước (Phạm Minh Tuấn), giải nhì cuộc thi Dòng nhạc Thính phòng năm 1988.

    Ca sĩ Tuấn Phong hát "Thơ tình cuối mùa thu" năm 1992 (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Xuân Quỳnh)

Ca sĩ Tuấn Phong hát "Thơ tình cuối mùa thu" năm 1992 (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Xuân Quỳnh). Video: YouTube Trâm Anh

Thập niên 1990, ông ghi dấu với loạt ca khúc trữ tình, như Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tương tư chiều. Một trong những bài hát được nhiều người nhớ đến khi nhắc về ông là Thuyền và biển (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Xuân Quỳnh). Sinh thời, nhạc sĩ đánh giá Tuấn Phong thể hiện thành công nhất các sáng tác của ông. "Nếu Phạm Duy có Thái Thanh, Trịnh Công Sơn có Khánh Ly, tôi có Tuấn Phong", Phan Huỳnh Điểu từng nói.

Ông được nhiều khán giả yêu mến qua những ca khúc mang âm hưởng hào hùng, như: Ba Đình nắng (Bùi Công Kỳ), Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương), Tôi người lái xe (An Chung), Dáng đứng Việt Nam (Nguyễn Chí Vũ). Tuấn Phong còn là tác giả của một số ca khúc: Mùa thu và em (thơ: Vũ Quốc Anh), Nửa vời (thơ: Nghiêm Huyền Vũ), Chùm nhỏ thơ yêu (thơ: Chế Lan Viên), Hà Nội - kỷ niệm suốt đời tôi.

Nghệ sĩ từng là Phó trưởng Khoa - Giảng viên thanh nhạc, Nhạc Viện TP HCM, được phong Nghệ sĩ Ưu tú năm 1996. Ông còn làm thơ, viết lời bình, là giọng đọc thơ quen thuộc trên Đài Truyền hình TP HCM.