Temu bất ngờ thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam

Website của sàn thương mại điện tử Temu chuyển toàn bộ nội dung sang tiếng Anh và thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam

Ngày 4/12/2024 Thanh Niên đưa tin "Temu bất ngờ thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam" với nội dung như sau:

Ngày 4.12, một số người dùng tại Việt Nam phát hiện website bán hàng của sàn thương mại điện tử Temu đã âm thầm chuyển toàn bộ ngôn ngữ giao diện sang tiếng Anh (trước đây sử dụng tiếng Việt), đồng thời thông báo tạm dừng hoạt động cũng được thể hiện bằng tiếng Anh.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tình trạng trên xuất hiện ở cả phiên bản web lẫn ứng dụng Temu trên thiết bị di động. Dòng thông báo mà sàn này đưa ra với nội dung: "Temu đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam cùng Bộ Công thương để đăng ký xin cấp phép hoạt động dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam".

Tuy nhiên nếu bỏ qua thông báo này, người dùng vẫn có thể đăng nhập tài khoản Việt Nam, tiến hành tìm kiếm sản phẩm, chọn mua và đặt đơn hàng tới địa chỉ Việt. Đơn hàng vẫn chỉ có lựa chọn thanh toán bằng thẻ tín dụng như trước đây. Hiện chưa thấy Temu có động thái ngăn người dùng tại Việt Nam đặt đơn hàng dù trước đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan các địa phương không thông quan với hàng hóa mua qua website, sàn thương mại điện tử chưa đăng ký.

Thông báo tạm dừng hoạt động của Temu tại Việt Nam và chuyển toàn bộ giao diện sang tiếng Anh

Ảnh: Anh Quân

Hiện tại, Temu vẫn chưa được cấp phép hoạt động thương mại điện tử, do đó chưa có cơ sở để giải quyết thủ tục hải quan đối với các đơn hàng xuất phát từ đơn vị này. Điều này dẫn tới khả năng người dùng vẫn có thể đặt hàng, nhưng sẽ không thể nhận hàng do chưa thông quan.

Nhiều vấn đề với Temu

Hồi tháng 10, Temu từng gây "bão" trên cộng đồng trực tuyến Việt Nam khi tiến vào sân chơi này với mô hình giao hàng trực tuyến từ nhà máy tới tận tay người tiêu dùng mà không thông qua các đơn vị trung gian phân phối. Nhờ đó, sản phẩm trên sàn này luôn được hiển thị với mức giá ưu đãi cực lớn và giá rẻ nhằm hấp dẫn người dùng. Nhưng nhiều người sau đó đã phát hiện ra những vấn đề bất thường trên sàn và xóa ứng dụng không lâu sau đó.

Cụ thể, sàn yêu cầu người dùng phải đặt đơn hàng giá trị tối thiểu gần 900.000 đồng mới được tiến hành thanh toán, không cung cấp hình thức thanh toán nào ngoài thẻ tín dụng, các mặt hàng khi đến tay người dùng được đóng gói rất sơ sài, tỷ lệ hư hỏng cao... Bên cạnh đó, những mức giá giảm "siêu khủng" mà Temu đưa ra thực tế là giá ảo, khi các sản phẩm tương tự được bán trên những sàn thương mại đang hoạt động có phép tại Việt Nam rẻ hơn nhiều lần dù chưa áp các mã giảm giá hay chương trình ưu đãi.

Nhưng trên thế giới, Temu lại trở thành một "hiện tượng", thu hút được sự quan tâm của người dùng tại các quốc gia châu Âu cũng như ở Mỹ nhờ mức giá rẻ không ngờ nếu so với các mặt hàng đang bán ở những thị trường này. Lợi thế đó không thể hiện được tại Việt Nam do đã có nhiều sàn trong nước cũng như các dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới Việt - Trung đang cung cấp sản phẩm với giá thành và điều kiện bảo hành cũng như chính sách thanh toán nhiều ưu ái hơn so với Temu.

Đầu tháng 11.2024, Ủy ban châu Âu (EC) nghi ngờ Temu vi phạm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) mới - một đạo luật được thiết lập để loại bỏ nội dung bất hợp pháp và thông tin sai lệch trực tuyến. Nếu bị phát hiện vi phạm, Temu có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu hằng năm. Bên cạnh đó, EC cũng sẽ xem xét tính minh bạch và các hoạt động truy cập dữ liệu của Temu, cũng như việc triển khai các tính năng gây nghiện nhằm giữ chân người dùng. Các nhà chức trách lo ngại sản phẩm bất hợp pháp và có khả năng gây nguy hiểm có thể được bán trên nền tảng này, trong khi Temu chưa làm đủ để kiểm soát các đơn vị gian lận.

Ngày 24/12/2024 báo Lao động đưa tin "Lý do Temu bất ngờ tạm dừng bán hàng tại Việt Nam" vơi nội dung như sau:

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Động thái của Temu diễn ra trong bối cảnh cơ quan chức năng yêu cầu đại diện sàn Temu hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết sau tháng 11, Temu không hoàn thành đăng ký tại Việt Nam thì sẽ bị chặn ứng dụng, tên miền.

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, sau khi làm việc với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, sàn Temu dừng hoạt động đến khi hoàn tất thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương.

Trên app Temu, sàn này thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sau khi làm việc với Bộ Công Thương và được Bộ yêu cầu. Hiện, chưa rõ thời điểm Temu hoạt động trở lại.

Website của Temu đã không còn hiển thị phiên bản tiếng Việt như trước. Ảnh: Chụp màn hình

Temu hiện đã chuyển hoàn toàn ngôn ngữ giao diện từ tiếng Việt sang tiếng Anh trên cả ứng dụng lẫn website. Hiện, người dùng tại Việt Nam chỉ có 3 lựa chọn ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh để yêu cầu các nền tảng Thương mại điện tử xuyên biên giới rà soát và thực hiện các trách nhiệm của nền tảng số trung gian đối người tiêu dùng tại Việt Nam.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, người tiêu dùng không nên hoang mang quá nếu đã đặt hàng ở Temu trước đó, bởi nếu quá thời hạn mà chưa giao hàng, sàn Temu phải có nghĩa vụ chuyển trả lại tiền cho người tiêu dùng.