Bóc thử mì Hảo Hảo mua ở miền Nam và miền Bắc: Sự khác nhau bất ngờ mà ít ai để ý, liệu có đúng như 'tin đồn'?
Không ngờ rằng cùng là mì Hảo Hảo nhưng mua ở 2 nơi lại có sự khác biệt đến vậy?
Theo báo Đời sống pháp luật ngày 2/12 có bài Bóc thử mì Hảo Hảo mua ở miền Nam và miền Bắc: Sự khác nhau bất ngờ mà ít ai để ý, liệu có đúng như "tin đồn"? Nội dung như sau:
Gần đây, cư dân mạng đang truyền tai nhau một "tin đồn" về mì Hảo Hảo - sản phẩm mì ăn liền rất phổ biến ở Việt Nam và được nhiều người yêu thích. Điều đáng nói, "tin đồn" này quả thật khơi gợi sự tò mò bởi có rất nhiều người ăn mì Hảo Hảo thường xuyên nhưng lại chưa từng nghe qua.
Cùng một sản phẩm nhưng mì Hảo Hảo miền Nam và miền Bắc khác nhau?
Cụ thể, theo một số bài đăng trên mạng xã hội, một số cư dân mạng nói rằng mì Hảo Hảo có sự khác biệt giữa sản phẩm ở 2 khu vực miền Nam và miền Bắc. Sản phẩm được so sánh ở đây là mì Hảo Hảo tôm chua cay, cũng là hương vị Hảo Hảo mà rất nhiều người yêu thích. Và sự khác biệt này được liệt kê ra ở 3 yếu tố gồm: Màu sắc của gói gia vị bên trong, nơi sản xuất và hương vị của mì.
Đáng chú ý, ở những bài đăng nói về điều này, có không ít bình luận cũng nhiệt tình hưởng ứng và khẳng định chắc nịch rằng đúng là có sự khác nhau như vậy. Nhưng sự thật thế nào?
(Ảnh minh hoạ)
Thật sự có những điểm khác nhau giữa mì Hảo Hảo khi mua ở khu vực miền Nam và miền Bắc
Thử liên hệ ngay 2 bạn trẻ sống tại TP.HCM và Hà Nội cùng nhau mở 1 gói mì Hảo Hảo cùng chủng loại, quả thật có những sự khác nhau nhất định.
Đầu tiên, về màu sắc của gói gia vị, quả thật có sự khác biệt đúng như những gì mà dân mạng đang truyền tai nhau. Gói gia vị của gói mì được mua tại TP.HCM có vỏ in màu xanh, còn tại Hà Nội lại là màu nâu. Điều này cũng được rất nhiều cư dân mạng kiểm chứng và xác nhận.
Mì Hảo Hảo mua tại Hà Nội (trái) và tại TP.HCM (phải)
Về nơi sản xuất, các "tin đồn" nói rằng mì bán ở khu vực phía Nam được sản xuất tại các nhà máy ở những tỉnh thành như Bình Dương, TP.HCM... còn mì bán ở khu vực phía Bắc chủ yếu sản xuất tại nhà máy nằm ở những tỉnh như Hưng Yên, Bắc Ninh.
Trên thực tế, cả 2 sản phẩm được mở ngẫu nhiên ở TP.HCM và Hà Nội lại có cùng địa điểm sản xuất (dù gói gia vị vẫn có màu khác nhau). Thế nên yếu tố này có thể được loại trừ.
Mì Hảo Hảo mua tại Hà Nội (trái) và tại TP.HCM (phải)
Về hương vị, nhiều ý kiến nói rằng mì Hảo Hảo ở khu vực phía Nam (cụ thể là gói gia vị màu xanh) sẽ thiên ngọt hơn và ngược lại, mì được cho là bán ở khu vực phía Bắc (với gói gia vị màu nâu) thì thiên mặn hơn. Điều này cũng khá hợp lý với khẩu vị của 2 nơi này bởi người dân sinh sống ở khu vực phía Nam cũng thường chế biến các món ăn có độ ngọt nhiều hơn.
Hiện tại, đây mới chỉ là những dự đoán của người dùng, còn liệu có sự khác biệt như vậy hay không thì có lẽ phải chờ nhà sản xuất lên tiếng. Dù sao đây cũng là một "fact" khá thú vị đối với những ai yêu thích mì Hảo Hảo. Và nếu điều này là sự thật, thì dân tình cũng dành lời khen ngợi cho thương hiệu mì ăn liền này bởi đã rất tinh tế khi sản xuất mì phù hợp với khẩu vị của người dân các khu vực như vậy.
Ngày 2/12/2024, Tạp chí Tri thức đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Bí ẩn phía sau 100 đơn hàng gửi đến nhà dù không ai đặt". Nội dung cụ thể như sau:
Những đơn hàng rỗng được đặt trước cửa nhà Chong suốt hơn 2 tháng. |
Nhìn thấy một đơn hàng trước cửa nhà sau ngày dài làm việc thường là niềm vui đối với nhiều người mua sắm online, nhưng nó không đúng với ông Terrence Chong (Singapore).
Suốt 2 tháng rưỡi, người đàn ông 46 tuổi này và vợ ngày nào cũng phải chịu cảnh phải nhận những gói hàng rỗng ruột, thậm chí dán nhãn sai mà cả hai người đều chưa từng đặt.
Trăm đơn hàng bí ẩn
Lúc đầu, ông Chong, người đang làm việc tại một cơ sở giáo dục tư thục, nghĩ rằng các bưu kiện bị được gửi đến nhầm địa chỉ.
Cặp vợ chồng mới chuyển đến căn hộ vài tuần trước, vì vậy Chong đã kiểm tra lại với những người chủ trước, nhưng họ nói chưa bao giờ nhận được bất kỳ lô hàng kỳ lạ nào như vậy. Cũng không có gói hàng nào được gửi đến khi căn hộ đang được cải tạo.
Các gói hàng - chủ yếu từ nền tảng thương mại điện tử như Shopee và Lazada - liên tục được gửi đến và với tần suất nhiều hơn sau khoảng một tháng đầu tiên.
"Có ngày có 3-4 đơn, nhưng có ngày lên tới 7-8 món. Đôi khi vào buổi sáng, tôi đã nhận một vài bưu kiện, rồi đến buổi chiều lại có thêm một vài bưu kiện nữa", Chong thở dài ngao ngán.
Ông cho biết hai vợ chồng đã nhận được tổng cộng hơn 100 gói hàng như thế.
Mặc dù được dán nhãn bên ngoài ghi là quạt trần, túi xách hay máy chiếu cùng nhiều sản phẩm khác, hầu hết gói hàng đều quá nhỏ và dẹp để đựng những mặt hàng đó.
Đơn hàng này ghi chứa một máy chiếu nặng 2,3 kg nhưng kích thước chỉ bằng một phong bì nhỏ. |
CNA đã liên hệ với Shopee sau khi nói chuyện với ông Chong. Nền tảng này nói rằng đã liên lạc với ông vào giữa tháng 11 và xác định được người bán cũng như người mua đã đặt hàng đến địa chỉ của ông. Tất cả tài khoản đó đã bị cấm.
Sau cuộc nói chuyện đó, các bưu kiện không còn được gửi đến nữa. Ông Chong nghi ngờ mình là nạn nhân của chiêu gian lận đơn hàng.
Theo Phó Giáo sư Huong Ha, Trưởng khoa kinh doanh tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS), đây là một hình thức lừa đảo trong đó các mặt hàng có giá trị thấp hoặc bao bì rỗng được gửi đến một địa chỉ và các bài đánh giá giả mạo về sản phẩm được viết bằng tên thật của người nhận.
"Người bán muốn sản phẩm của mình phổ biến hơn hoặc có xếp hạng cao hơn bằng cách viết các bài đánh giá giả mạo với tên và địa chỉ của khách hàng thật", bà nói.
Việc tăng số lượng sản phẩm bán ra cũng có thể giúp người bán dễ được nhận diện hơn trên các nền tảng thương mại điện tử, vốn thường dựa vào các thuật toán tập trung vào các sản phẩm có đánh giá tích cực.
Cảnh báo về tác động của việc giao hàng rỗng, PGS.TS Ha cho biết điều này thể làm giảm lòng tin vào các nền tảng và gây suy yếu tính toàn vẹn của hệ sinh thái trực tuyến, dẫn đến trải nghiệm kém cho cả người mua và người bán thực sự.
Bà đồng ý với kết luận của Chong rằng ông có khả năng là nạn nhân của một vụ lừa đảo.
Phó Giáo sư Ha cho biết số lượng lớn bưu kiện mà ông Chong nhận được cho thấy đây không phải là lỗi hậu cần. Nó cũng không thể là một biến thể lừa đảo khác khi người bán yêu cầu bồi thường khi một bưu kiện rỗng được trả lại cho họ: Ông Chong không bị yêu cầu trả lại tiền cho bất kỳ ai và dù sao thì ông cũng không mở hầu hết bưu kiện.
Chiêu thao túng đơn hàng của nhà bán
Ông Chong đã mở một số đơn hàng được gửi đến theo lời khuyên của cảnh sát vào tháng 10. "Một số không có gì, một số chứa khăn giấy - theo nghĩa đen là chỉ một miếng khăn giấy", ông nói.
Trước khi trình báo cảnh sát, vợ chồng ông đã liên hệ với Shopee đầu tiên vì hầu hết bưu kiện đều có logo của công ty này.
Nền tảng mua sắm trực tuyến đã yêu cầu họ kiểm tra xem tài khoản của họ có được sử dụng để đặt bất kỳ đơn hàng nào không và yêu cầu họ thay đổi mật khẩu.
"Nhưng sau đó chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được bưu kiện", ông Chong nói.
Ông đã cho CNA xem ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện tiếp theo với Shopee, trong đó nền tảng này cho biết họ không tìm thấy hành vi bất thường nào gây hại cho tài khoản của vợ ông và họ đã tiến hành "các hành động nghiêm khắc cần thiết" liên quan đến trường hợp của ông.
Trả lời câu hỏi của CNA, Shopee cho biết: "Chúng tôi không khoan nhượng với bất kỳ hành vi nào nhằm thao túng hệ thống nền tảng hoặc người mua sắm của chúng tôi".
Chong có thể là nạn nhân của một chiêu lừa đảo số lượng đơn hàng và đánh giá trên nền tảng. |
Ông Chong cũng cố gắng tự điều tra bằng cách tìm kiếm trên Shopee theo mô tả chính xác được in trên nhãn đơn hàng để xem liệu có thể xác định được người đã gửi chúng đến nhà không.
Một số shop mà ông nghi ngờ đã gửi hàng cho mình vẫn đang hoạt động trên nền tảng này, nhưng ông không thể chắc chắn 100% vì Shopee từ chối tiết lộ những tài khoản nào đã bị cấm.
"Tôi không muốn đòi bồi thường, tất cả những gì tôi muốn là không phải nhận những bưu kiện này nữa", ông Chong nói.
"Mặc dù nó dường như không có hại, nhưng mỗi ngày khi nhìn thấy ngưỡng cửa chất đầy những thứ này, biết việc có người sử dụng địa chỉ nhà mình để làm điều gì đó, dù bất hợp pháp hay không, thì về mặt tâm lý, bạn sẽ cảm thấy không vui", ông nói thêm.
Chủ tịch Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo Singapore (ASAS) Bryan Tan cho biết khi thích hợp, cơ quan này sẽ hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử để giải quyết các vấn đề về đánh giá giả mạo. Ông khuyên những khách hàng nhận được các gói hàng không mong muốn hãy liên hệ với nền tảng đó.
Trong khi đó, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) cho biết họ chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến việc gửi hàng rỗng.
CCCS cho biết: "Để bảo vệ chính mình, người tiêu dùng được khuyến cáo nên thận trọng khi dựa vào các đánh giá online để đưa ra quyết định mua hàng".
Báo cáo khuyến khích người tiêu dùng xem xét kỹ hơn các đánh giá; cảnh giác với những đánh giá quá tích cực hoặc tiêu cực cũng như những đánh giá được đăng dưới tên giống nhau hoặc sử dụng ngôn ngữ tương tự; và nếu có thể, hãy check trên nhiều trang web hoặc nền tảng khác nhau.