Cụ bà sống một mình trong căn nhà cổ 80 năm tuổi ở Hà Nội, khiến cư dân trên cao nhìn xuống "chỉ biết ước" vì điều này!

Giữa chốn phồn hoa đô thị, một ngôi nhà cổ được xây dựng hơn 80 năm vẫn được gìn giữ, bảo vệ bởi một người phụ nữ gần 100 tuổi.

Báo Đời sống & Pháp luật ngày 22/10 đưa thông tin với tiêu đề: "Cụ bà sống một mình trong căn nhà cổ 80 năm tuổi ở Hà Nội, khiến cư dân trên cao nhìn xuống "chỉ biết ước" vì điều này!" cùng nội dung như sau:

Cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng chừng 10km, đi dọc theo đê Bát Khối (quận Long Biên) đến phường Thạch Bàn (quận Long Biên), không khó để bắt gặp những ngôi nhà, tòa nhà cao tầng mọc san sát nhau.

Xen lẫn trong những ngôi nhà cao tầng có một ngôi nhà cấp 4 được xây dựng hơn 80 năm trước vẫn được gìn giữ, bảo vệ bởi một người phụ nữ gần 100 tuổi. Người gìn giữ, bảo vệ ngôi nhà là cụ Khúc Thị Mận.

Cuộc sống bình dị của cụ bà gần 100 tuổi trong ngôi nhà cổ

Một buổi sáng mùa thu tháng 10, chúng tôi đến phường Thạch Bàn hỏi về cụ Khúc Thị Mận sống trong căn nhà cổ, ai nấy cũng đều biết. Căn nhà cụ hiện đang sinh sống nằm sâu trong con ngõ nhỏ, được che lấp bởi những ngôi nhà cao tầng kiên cố.

Đến nơi, tôi khá bất ngờ bởi vẻ bề ngoài rất mộc mạc, bình dị của ngôi nhà. Bên cạnh đó là hình ảnh cụ Mận đang loay hoay ở ngoài sân cho gà ăn.

Nghe thấy tiếng chúng tôi gọi ngoài cổng, cụ Mận chậm rãi bước ra mời chúng tôi vào nhà uống nước. Vào bên trong, tôi choáng ngợp bởi nét cổ kính của ngôi nhà. Các cột, kèo hay những hoa văn trên kèo của ngôi nhà vẫn còn gần như nguyên trạng.

Ngồi xuống chiếc bàn trà cũ, cụ đưa tay lấy chiếc phích rồi rót nước và nói: "Chẳng mấy khi có khách đến chơi nên trong nhà không chuẩn bị sẵn chè, các cháu uống tạm nước trắng".

Khi chúng tôi hỏi về căn nhà cụ đang sinh sống, cụ Mận bảo ở độ tuổi này, trí nhớ cũng không còn được minh mẫn như trước nên chẳng nhớ nổi căn nhà được xây từ năm nào, chỉ biết từ rất lâu rồi.

Sau đó, cụ nhờ gọi ông Hoàng Văn Toán (73 tuổi, cháu ruột của cụ Mận) nhà ở cạnh bên sang trả lời hộ. Ông Toán là con trai chị gái ruột của cụ Mận, từ nhỏ đến lớn, ông đã chứng kiến cuộc sống thăng trầm của người dì.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Toán cho biết, cụ Mận năm nay đã bước sang tuổi 98. Từ lúc sinh ra và lớn lên, cụ vẫn sống ở trên mảnh đất này. Cũng như bao người con gái khác, ở độ tuổi trăng tròn, cụ gặp được người đàn ông của đời mình và lên duyên vợ chồng.

"Chồng cụ ở ngay nhà bên, trước cụ Mận có một đời vợ và cậu con trai. Sau đó, người vợ qua đời nên đi thêm bước nữa, hai vợ chồng cụ Mận từ ngày đấy vẫn sống trên mảnh đất này và sinh được một cô con gái", ông Toán cho hay.

Nói về ngôi nhà, ông Toán bảo ngôi nhà được xây dựng năm 1938, đến năm 1948 mới hoàn thiện nốt phần vườn và cổng nhà.

 

Trải qua thời gian, nhiều chỗ của ngôi nhà đã bị xuống cấp. Những bước tường quét vôi của căn nhà đã trộn lẫn màu rêu, có những mảng tường bị bong tróc. Bởi vậy, nhiều lần con cháu ngỏ ý sửa lại nhà nhưng cụ từ chối vì muốn giữ lại ngôi nhà cùng với những dấu tích xưa.

"Các hạng mục của ngôi nhà dường như đều vẫn được giữ nguyên, chúng tôi chỉ tu sửa lại những phần cần thiết. Trước đây, phía trước cửa nhà là thềm gỗ, do bị mối ăn nhiều nên chúng tôi quyết định phá đi, xây thềm gạch để cụ bước đi lại cho an toàn.

Về cửa nhà trước đây là những tấm gỗ nguyên khối, kể từ khi cụ có tuổi, sinh hoạt bất tiện nên chúng tôi phải tháo bỏ, thay bằng cửa kéo cho dễ đóng mở.

Về phần mái nhà cũng có dấu hiệu xuống cấp, chúng tôi phủ thêm mái tôn bên trên phần ngói", ông Toán cho hay.

Nói xong, ông Toán cho chúng tôi xem tấm ảnh cụ Mận bên cạnh buồng chuối và bảo: "Ở tuổi của cụ, ít ai có được sức khỏe như vậy. Năm ngoái, cụ vẫn tự tay đi chặt buồng chuối ngoài vườn mang về.

Mặc dù đã gần 100 tuổi nhưng cụ vẫn ham làm lắm, trong nhà và ngoài sân, ngoài vườn lúc nào cũng được cụ dọn dẹp sạch bóng".

Ông Toán cho hay, con gái của cụ Mận đã lấy chồng, hiện đang làm việc và sinh sống ở trung tâm Thủ đô. Thấy mẹ sống một mình, nhiều lần cô con gái ngỏ ý đón cụ ra để chăm sóc nhưng bị mẹ từ chối.

"Sống ở đây từ nhỏ đến lớn nên cụ chẳng muốn đi đâu. Có lần, cụ khăn gói quả mướp lên chỗ con gái được vài bữa lại đòi về. Cụ giờ đã có tuổi, chúng tôi bổn phận là con cháu nên tất cả đều phải có trách nhiệm chăm sóc cụ.

 

Cụ sống một mình, thi thoảng vẫn sang nhà con cháu chơi. Những hôm trái gió trở trời, cụ bị ốm đau, con gái hay con cháu trong nhà sẽ sang chăm nom và ngủ với cụ.

Như vợ chồng tôi nhà kế bên, vẫn thường xuyên sang thăm cụ. Còn con trai của chồng cụ, vẫn nấu cơm đều đặn ngày 3 bữa mang sang. Hôm nào em ấy bận thì chúng tôi sẽ phụ trách việc ấy", ông Toán chia sẻ.

Chia sẻ về lý do muốn sinh sống ở trong ngôi nhà cũ, cụ Mận bảo ở độ tuổi này, cụ chỉ thích lối sống thôn quê, bình yên và giản dị, không muốn ở nhà phố.

"Sau này căn nhà bàn giao cho con cháu, lúc đấy muốn xây dựng thế nào là quyền của chúng nó. Còn bây giờ, tôi sống như thế này là đầy đủ rồi", cụ Mận mỉm cười nói.

Theo đó, mỗi buổi sáng thức dậy, công việc đầu tiên của cụ là quét nhà, quét sân và cho đàn gà ăn. Khi nào cảm thấy chán, cụ lại ra vườn nhặt cỏ hoặc sang nhà con cháu chơi. Đến tối, sau bữa cơm, cụ lại bật tivi lên xem cho đến khi chìm vào giấc ngủ.

"Từ trên cao nhìn xuống căn nhà nhỏ của cụ, tôi lại cảm thấy bình yên đến lạ kỳ"

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuộc sống giản dị, bình yên trong căn nhà nhỏ của cụ Mận là niềm mơ ước của nhiều cư dân tại một chung cư CT2B Thạch Bàn.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoa - một cư dân sinh sống tại chung cư CT2B Thạch Bàn cho biết, phía ban công căn hộ của gia đình chị hướng về phía ngôi nhà nhỏ của cụ Mận. Mỗi buổi sáng, chị sẽ dành khoảng 20-30 phút ra ban công ngắm nhìn ngôi nhà.

"Từ trên cao nhìn xuống căn nhà nhỏ của cụ, tôi lại cảm thấy bình yên đến lạ kỳ. Hình ảnh cây cau, đàn gà, căn nhà 3 gian lợp mái ngói gợi cho tôi nhớ về tuổi thơ của mình, cái thời còn cắp sách đến trường, chiều chiều lại ra đồng cùng bà cắt cỏ.

Bởi vậy, mỗi buổi sáng thức dậy, tôi lại ra ngoài ban công ngắm nhìn ngôi nhà thật lâu và chờ cho đến khi thấy bóng dáng của cụ", chị Hoa chia sẻ.

Chị Hoa tâm sự thêm, mặc dù đã có nhà, có xe, cuộc sống chẳng thiếu thốn gì nhưng mỗi lần nhìn xuống căn nhà nhỏ của cụ Mận, chị lại khao khát có được một cuộc sống yên bình như vậy.

Cũng giống như chị Hoa, anh Thành (cư dân sinh sống tại chung cư CT2B Thạch Bàn) cũng thường ra ban công ngắm nhìn ngôi nhà của cụ Mận.

"Tôi hiện đã có gia đình và một công việc ổn định với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Nói về nhà cửa, xe ô tô chúng tôi đều đã có đủ. Nhưng mỗi lần tôi nhìn xuống căn nhà của cụ khiến tôi lại nhớ về làng quê của mình.

Ngày mà lối vào làng vẫn là đường đất, cứ đến mùa gặt lúa, bà con lại đem rơm rạ ra phơi phủ kín đường hay hình ảnh con trâu, con bò trên cánh đồng. Mặc dù cuộc sống thôn quê giản dị nhưng lại đem đến cho mình cảm giác bình yên.

Nhiều lần tôi đã bàn với vợ, khi nào các con lớn lên đi làm, chúng tôi sẽ về quê xây nhà, trồng rau, nuôi gà", anh Thành tâm sự.

Trước đó, báo Dân trí ngày 19/10 cũng có bài đăng với thông tin: "Chuyện về cụ bà 98 tuổi sống một mình trong căn nhà cổ ở Hà Nội". Nội dung được báo đưa như sau:

Căn nhà cổ gần 80 năm tuổi giữa lòng phố thị

Cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, một ngôi nhà gần 80 năm tuổi nằm sâu trong ngõ nhỏ thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Đó là nơi sinh sống của cụ Khúc Thị Mận (98 tuổi).

Tách biệt với phố thị phồn hoa, đèn điện sáng trưng, căn nhà của cụ Mận mộc mạc, đơn sơ, vẫn giữ được nếp nhà Việt cũ.

Đang lọ mọ lau dọn trong bếp, nghe có tiếng người gọi ngoài cửa, cụ Mận ngó ra xem. Thấy có mấy bạn trẻ tới thăm, cụ bà dừng tay, vui vẻ ra chào mời các cháu vào nhà uống nước.

Chiếc bàn trà được đặt bên gian trái của căn nhà, tấm kính bóng loáng, bộ chén trắng tinh như mới vì được lau chùi, cọ rửa cẩn thận.

Chuyện về cụ bà 98 tuổi sống một mình trong căn nhà cổ ở Hà Nội - 1

Căn nhà của cụ Mận nằm lọt giữa những dãy chung cư cao tầng (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Cẩn thận rót nước từ chiếc phích cũ dùng đã lâu, cụ nói: "Nhà chỉ có nước lọc, các cháu uống tạm, bà không uống nước trà".

Sống một mình nên khi có người đến thăm, cụ Mận rất phấn khởi. Kéo chiếc quạt cây để lâu trong góc phòng, cụ bật lên cho mát rồi cứ liên tục thúc giục mọi người uống nước cho đỡ khát.

Khi được hỏi về căn nhà đang ở, cụ Mận cho biết do tuổi cao nên chẳng nhớ nổi nhà được xây từ năm nào. Cụ bèn nhờ gọi ông Hoàng Văn Toán, 73 tuổi, con của chị gái sống cạnh nhà, sang trả lời hộ.

Ông Toán sống cạnh nhà cụ Mận từ ngày còn bé đến giờ, chứng kiến mọi đổi thay của ngôi nhà và người dì tuổi đã gần 100 của mình. Ông cho biết, cụ Mận năm nay bước sang tuổi 98. Từ ngày sinh ra, cụ đã sống tại mảnh đất này, sau này lấy chồng vẫn tiếp tục ở đây đến tận bây giờ.

"Chồng cụ ở ngay nhà bên, trước khi lấy cụ Mận, ông có một đời vợ và một con trai. Vợ mất nên đi bước nữa, rồi chuyển về ở chung cùng cụ Mận tại căn nhà này", ông Toán chia sẻ. 

Theo ông Toán, căn nhà cụ Mận được xây vào năm 1938, nhưng đến năm 1948 mới hoàn thành toàn bộ từ nhà đến cổng, sân vườn. Sau 76 năm, đây không chỉ là nơi ở mà còn là nơi lưu giữ kỷ niệm của bà Mận cùng chồng.

"Cụ ông mới mất năm trước, chưa tới giỗ đầu", ông Toán cho biết.

Chuyện về cụ bà 98 tuổi sống một mình trong căn nhà cổ ở Hà Nội - 2
Chuyện về cụ bà 98 tuổi sống một mình trong căn nhà cổ ở Hà Nội - 3
Chuyện về cụ bà 98 tuổi sống một mình trong căn nhà cổ ở Hà Nội - 4

Trải qua hơn nửa thế kỷ với bao nhiêu biến cố, căn nhà vẫn được giữ nguyên, chỉ sửa chữa những phần cần thiết như mái nhà dột, nâng nền để vững chắc hơn trong mùa mưa bão.

Căn nhà có 3 gian, hai chái, bức tường chính xây bằng gạch, quét vôi trắng. Phần cột, kèo, chia gian trong nhà đều bằng gỗ. "Mấy năm trước, một số cột bị mục phải thay, nhưng phần khung chính của căn nhà vẫn giữ nguyên như ngày xưa," ông Toán nói.

Cũng theo ông Toán, những cánh cửa chớp, cửa ra vào trước đây được làm bằng gỗ nguyên khối, nhưng cụ Mận tuổi cao, sinh hoạt bất tiện, một số phải tháo bỏ thay bằng cửa kéo để dễ đóng mở.

Tuy tuổi cao, cụ Mận vẫn tự chăm sóc ngôi nhà của mình. "Năm ngoái, bà còn tự tay chặt chuối ngoài vườn. Bà không thể ngồi yên, lúc nào cũng phải làm gì đó như quét sân, nhổ cỏ", ông Toán kể lại.

Chuyện về cụ bà 98 tuổi sống một mình trong căn nhà cổ ở Hà Nội - 5
Chuyện về cụ bà 98 tuổi sống một mình trong căn nhà cổ ở Hà Nội - 6
Chuyện về cụ bà 98 tuổi sống một mình trong căn nhà cổ ở Hà Nội - 7

Cụ Mận sống một mình trong căn nhà cổ, hằng ngày tự dọn dẹp, nuôi gà, trồng cây (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Ở tuổi gần 100, cụ Mận nhiều lần được con gái ngỏ ý đón lên phố chăm sóc, nhưng cụ từ chối.

"Cứ khăn gói quả mướp lên thành phố được vài hôm là cụ lại đòi về", ông Toán nói. Cụ Mận không quen với cuộc sống thành thị, suốt ngày ngồi trong nhà. Không thuyết phục được cụ, con cháu đành thay phiên nhau về chăm sóc.

"Ngày cụ khỏe mạnh, cụ thích sống một mình cho thoải mái, không bị gò bó. Những hôm mưa gió, ốm đau, con gái và các cháu trong nhà sẽ có người sang ngủ cùng cụ để chăm nom", ông Toán chia sẻ.

Bí quyết sống khỏe của cụ bà 98 tuổi

Ở tuổi 98, cụ Mận ít ốm vặt hay phải đi viện. Bí quyết của cụ là ăn uống điều độ, vận động mỗi ngày, suy nghĩ tích cực. Con cháu trong nhà cũng thường xuyên đưa bà đi khám sức khỏe định kỳ.

Với gia đình cụ Mận, trong nhà có một người già lớn tuổi, khỏe mạnh là một may mắn. Họ luôn mong cụ bà có thể sống vui vẻ, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu.

Chuyện về cụ bà 98 tuổi sống một mình trong căn nhà cổ ở Hà Nội - 8

Cụ bà rất vui vẻ khi có người đến thăm (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Gần 100 năm gắn bó ở mảnh đất cha ông để lại, cụ Mận chỉ mong mình được sống ở đây đến ngày cuối đời. Nhiều lần con cháu ngỏ ý muốn xây lại nhà cho cụ ở thoải mái nhưng cụ từ chối.

Con gái lấy chồng trong thành phố, cụ sống một mình ở đây, vui vẻ chăm gà vịt, trồng cây. Tết đến, con cháu về quây quần thế là vui. Cụ cũng không muốn ở nhà phố, chỉ thích lối sống thôn quê.

Ngày nào cụ cũng dậy từ 5h, ăn sáng rồi quét dọn nhà cửa, sân vườn. Mỗi khi trời mưa, nước ngập sân, cụ lại cần mẫn nhặt lá rụng, nhổ cỏ mọc. "Tôi thích sạch sẽ, làm vậy mới thấy thoải mái," cụ bà 98 tuổi nói.

Sống cạnh nhà cụ Mận, ông Toán ngày nào cũng sang thăm đôi ba lần. Con trai của chồng cụ Mận ở ngay kế bên, hai nhà hằng ngày vẫn đưa cơm sang cho cụ. Có hôm lại đổi món bún, cháo, phở để cụ ăn không chán.

"Các con cháu đều biết trách nhiệm của mình là phải chăm sóc bà, để bà sống thật lâu, thật khỏe mạnh," ông Toán chia sẻ.

Cụ Mận cho biết cụ muốn khi mình già yếu, ra đi, mảnh đất và căn nhà được giao lại cho con cháu. "Lúc đấy muốn xây dựng thế nào là quyền của chúng, còn tôi sống như thế này là đầy đủ rồi," cụ bà cười nói.