Nữ DV lấy chồng họ Xà hiếm nhất nhì Việt Nam, mấy tháng mới "chốt” tên cho con thì lại gặp sự cố

Với những họ độc lạ như thế này, việc nghĩ ra một cái tên hay cho con thực sự là một thử thách khó nhằn.

Ngày 31/08/2024, báo Người Đưa Tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Nữ DV lấy chồng họ Xà hiếm nhất nhì Việt Nam, mấy tháng mới "chốt” tên cho con thì lại gặp sự cố". Nội dung cụ thể như sau:

Thông thường các họ phổ biến ở Việt Nam như họ Nguyễn, Trần, Phan, Võ… bố mẹ không phải chật vật vắt óc nghĩ ra những cái tên vừa hay vừa ý nghĩa để đặt cho con. Bởi chỉ cần tìm kiếm các gợi ý trên internet thì sẽ có hàng tá những tên gọi hay để bố mẹ lựa chọn. Tuy nhiên, với những họ hiếm thì chắc chắn bố mẹ sẽ phải có sự đầu tư về công sức hơn. 

Đơn cử như một nữ diễn viên Vbiz lấy chồng họ Xà độc lạ nhất nhì Việt Nam, trong quá trình đặt tên cho con trai đã phải trải qua quá trình khá nhọc nhằn. Lê Hoàng Minh Phương (Phương TiTi) là một hot girl 9X nổi bật của trường Học viện Hàng không. Cô nàng khá quen mặt trong Vbiz khi từng tham gia đóng quảng cáo, đóng MC, đóng phim Sitcom, làm MC, làm người mẫu thời trang…

Phương TiTi hiện tại đã là mẹ 2 con, vào cuối tháng 5 vừa rồi, cô chính thức hạ sinh cậu quý tử thứ 2. Trên trang cá nhân, bài chia sẻ mới nhất của Phương TiTi gây chú ý khi có màn đặt tên cho con trai khá “cồng kềnh”. Theo đó, ông xã Phương TiTi có họ cực kỳ hiếm, tên đầy đủ là Xà Quế Nguyên. 

“Mẹ đau đầu đặt tên cho con mất mấy tháng, ba đi làm giấy khai sinh nhầm sang tên thằng anh. Vâng, giờ 2 anh em nó đều là Xà Duy Minh” - mẹ bỉm 2 con tâm sự về tình huống “dở khóc dở cười” của gia đình. Vì ông xã làm nhầm tên trên giấy khai sinh cho con trai, nên Phương TiTi đã lên mạng “cầu cứu”, nhờ cộng đồng mạng chia sẻ kinh nghiệm đổi tên. Theo đó được biết, tên đặt cho cậu quý tử thứ 2 mà gia đình lựa chọn cho con là Xà Duy Anh. Vậy, anh trai là Duy Minh còn cậu em là Duy Anh. 

Theo từ điển tên, "Duy" là duy nhất, độc nhất, không có gì khác sánh bằng hoặc duy trong "tư duy, suy nghĩ, suy luận". Đệm "Duy" mang ý nghĩa mong muốn con cái là người độc nhất, đặc biệt, có tư duy nhạy bén, suy nghĩ thấu đáo, sáng suốt. Đệm "Duy" cũng có thể được hiểu là mong muốn con cái có một cuộc sống đầy đủ, viên mãn, hạnh phúc. 

Dựa vào từ điển Hán - Việt, chữ "Minh" có nhiều nghĩa, nhưng phổ biến nhất là "sáng sủa, quang minh, tỏ rạng", "thông minh, sáng suốt, hiểu biết", "minh bạch, rõ ràng, công bằng". Tên Minh thường được đặt cho bé trai với mong muốn con sẽ có trí tuệ thông minh, sáng suốt, hiểu biết rộng, có cuộc sống rạng rỡ, tốt đẹp. Ngoài ra, tên Minh cũng mang ý nghĩa con là người ngay thẳng, công bằng, luôn sống đúng với đạo lý làm người.

Còn chữ Anh theo nghĩa Hán Việt là “người tài giỏi” với ý nghĩa bao hàm sự nổi trội, thông minh, giỏi giang trên nhiều phương diện, vì vậy tên "Anh" thể hiện mong muốn tốt đẹp của cha mẹ để con mình giỏi giang, xuất chúng khi được đặt tên này.

Như vậy, Duy Minh và Duy Anh đều là những cái tên vô cùng ý nghĩa, khi ghép với họ Xà cũng rất phù hợp và nghe khá hay, tạo nên cho 2 cậu quý tử của Phương TiTi một đích danh hiếm người trùng. Điều này chứng minh, cặp bố mẹ trẻ đã dành rất nhiều thời gian, công sức để chắt lọc cho các con những cái tên đặc biệt nhất.

Trên thực tế, không có luật nào bắt buộc các ông bố bà mẹ phải làm theo 8 điều này, nhưng đây đều là những lưu ý cần thiết để đảm bảo con có một cái tên đẹp, ý nghĩa và không gặp rắc rối sau này.

Lưu ý vị trí của tên con khi xếp theo thứ tự bảng chữ cái

Nhiều bậc cha mẹ rút ra "kinh nghiệm xương máu từ bản thân là không nên đặt tên con xếp ở đầu sổ hoặc cuối sổ vì rất dễ bị gọi lên bảng trả bài. Rõ ràng, những cái tên bắt đầu bằng chữ ở giữa bảng chữ cái như H, K, M, L,... sẽ không bị gọi quá sớm hoặc quá muộn trong các cuộc thi. Tuy nhiên, đặt tên con bắt đầu bằng những chữ ở đầu bảng chữ cái cũng không thể nói là bất lợi, vì đây cũng là cơ hội để trẻ rèn luyện tính bình tĩnh và khả năng đương đầu với thử thách trong mọi hoàn cảnh.

Tuyệt đối không dùng tên người yêu cũ đặt cho con

Con cái là kết quả của tình yêu giữa hai vợ chồng, và chuyện tình yêu trong quá khứ cần được để yên ở quá khứ. Nếu dùng tên người cũ để đặt tên cho con, rất có thể nó sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến dẫn đến đổ vỡ của hai vợ chồng.

Đặt tên cho con nên tuân theo luật bằng trắc

Một cái tên của trẻ nên có sự kết hợp hài hòa giữa cả thanh bằng (gồm thanh ngang và thanh huyền) và thanh trắc (gồm các thanh sắc, hỏi, ngã, nặng), tuân theo quy luật cân bằng âm dương. Đặc biệt, tránh những cái tên chỉ toàn thanh trắc vì nó dễ gợi cảm giác trúc trắc, nặng nề, không suôn sẻ.

Tên con có thể gồm cả họ cha lẫn họ mẹ

Đa phần người Việt đặt tên con theo họ cha. Tuy nhiên, theo xu hướng hiện đại ngày nay, rất nhiều gia đình đã bắt đầu đặt tên con gồm cả họ cha lẫn họ mẹ, chẳng hạn như Lê Vũ Bảo Hân, Phạm Nguyễn Đăng Khoa,... Đặt tên con mang cả hình bóng của cha lẫn mẹ trong đó cũng là cách đặt rất ý nghĩa mà các bậc phụ huynh có thể cân nhắc.

Tên nên có ý nghĩa hay

Cần chọn tên cho con có ý nghĩa tích cực và lịch sự, vì cái tên sẽ đi theo con suốt cả cuộc đời. Đã qua rồi cái thời bố mẹ thích đặt tên con thật xấu cho... dễ nuôi và để ông Trời không bắt đi mất.

Tên phải hợp với giới tính của con

Con gái mang tên giống con trai hay con trai mang tên con gái đều dễ gây nhầm lẫn trong giao tiếp, xưng hô hay làm giấy tờ và có thể dẫn đến nhiều rắc rối khác.

Có thể đặt tên con và các anh chị em trong nhà cùng tên hoặc cùng chữ lót

Bố mẹ có thể đặt cho các con tên hoặc chữ lót giống nhau. Chẳng hạn như một nhà có 3 con có thể đặt là Bảo Lan, Bảo Phúc, Bảo Ngọc hay Minh Hà, Thanh Hà, Việt Hà. Điều này tạo nên mối liên kết đặc biệt thân thương và gần gũi giữa các thành viên trong gia đình. Cách đặt này không bắt buộc nhưng cũng là một gợi ý hay để bố mẹ tham khảo.

Không nên đặt tên trùng tên tiền nhân

Văn hóa Việt thường không ủng hộ cách đặt tên người ở vai vế nhỏ hơn, trùng với tên của người có vai vế lớn hơn. Để tránh rơi vào tình huống khó xử này, bố mẹ nên "khảo sát" tên của cả gia đình hai bên ít nhất 3-4 đời để tránh cho tên bé yêu bị trùng lặp với một người nào đó lớn tuổi hơn.

Trước đó, ngày 17/04/2024 báo Tuổi Trẻ đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Sai tên trên giấy tờ: Đừng để 'sai một li, đi nhiều dặm'". Nội dung cụ thể như sau:

Người dân làm thủ tục giấy tờ tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau bài viết Nhầm tên 'Điểm' thành 'Điễm': Chạy hỏi khắp nơi, chưa ai dứt điểm, nhiều bạn đọc chia sẻ cũng từng rơi vào cảnh rắc rối tương tự.

Nhiều người bị sai tên do dấu "hỏi, ngã"

"Tôi cũng từng bị cán bộ ghi sai tên Mỹ thành Mỷ. Cũng khổ sở một khoảng thời gian mới làm lại được", bạn đọc Lê Thị Mỹ Chi cho biết.

Tài khoản hdng****@gmail.com kể: "Bà nội tôi cũng bị y chang: Mảnh thành Mãnh trên sổ hồng, phải tới lui chỉnh sửa. May là bà còn sống, chứ không cũng mệt mỏi luôn".

Tham khảo thêmTP.HCM đề xuất thí điểm cấp bản điện tử khai sinh, chứng nhận kết hôn

Tương tự, bạn đọc Trưởng chia sẻ bản thân gặp rắc rối vì tên khác dấu trên giấy tờ: "Đã từng bị giấy khai sinh tên Trưởng, đi làm chứng minh nhân dân thành Trưỡng. Kết quả là "ăn hành" một thời gian dài".

Theo độc giả Long: "Việc nhầm dấu là lỗi thường xảy ra do người kê khai viết tay mà thành. Cũng do cán bộ hộ tịch thấy không đúng như ông nghĩ nên tự thay hộ người ta lại thành sai. Đặc biệt do cách phát âm vùng miền tạo nên nữa".

Cùng quan điểm, bạn đọc TĐC viết: "Cái này là do ngôn ngữ vùng miền tạo ra, nhiều nơi không nói được từ có dấu hỏi (?) mà chỉ có thể nói được thành dấu ngã (~). Cán bộ tư pháp cơ sở thời trước không chú ý đến tiểu tiết này nên đã gây ra không ít sự nhầm lẫn rắc rối cho người dân và khó khăn cho các cơ quan liên quan".

"Giấy khai sinh của tôi bị viết sai chính tả (thiếu dấu), xin cải chính đổi tên thì bị từ chối với lý do là giấy khai sinh cấp trước đây không có quyển - số nên không có giá trị sử dụng", độc giả Vinh cho biết thêm.

Trường hợp của bạn đọc Rhien còn rắc rối hơn: "Tên trên giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân đúng, nhưng cán bộ nhập lên hệ thống sai, sau này đi làm giấy tờ mới phát hiện. Thế nhưng người trực tiếp xử lý giấy tờ cho biết do cán bộ cũ làm và hướng dẫn đi sửa lại cái tên từ cấp thành phố, tỉnh rồi quay lại xã".

Nhìn nhận về sự việc, một bạn đọc cho rằng: "Cũng khó cho cán bộ hộ tịch, mà cũng khổ cho dân. Không rõ cơ quan nào có hướng dẫn cụ thể gỡ vướng chuyện này không?".

Không thể đổ thừa lỗi đánh máy

Bày tỏ sự quyết liệt để giải quyết chuyện dở khóc dở cười này, tài khoản COC có ý kiến: "Phải quy rõ trách nhiệm hành chính nếu để sai sót do lỗi đánh máy. Không thể cứ đánh máy sai lại đổ thừa lỗi đánh máy là xong chuyện. Ai sai thì người đó chịu trách nhiệm".

Về chuyện nhầm tên Điểm thành Điễm ở trên, bạn đọc Võ Mạnh bình luận: "Cách giải quyết quá cứng nhắc, máy móc. Hơn nữa, việc khai tử là do người nhà, thường là con cái khai nên còn lưu thông tin người khai. Chỉ cần đối chiếu thông tin đó cũng có thể chứng minh việc ghi nhầm.

Người ta đã cung cấp bản sao khai tử của mẹ từ năm 1983 cùng với hai giấy khai sinh của ông và chị gái có tên mẹ thống nhất là Điểm rồi còn gì. Với thế hệ trở về trước muốn tìm khai sinh gốc đã khó, nói gì đến các cụ đã quá cố".

"Sao không cho người ta làm bản cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật, cùng với các giấy tờ liên quan là được nhỉ", bạn đọc Khanh gợi ý.

Theo độc giả An: "Khi gặp các vấn đề về sai tên, sai giới tính…, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cần hướng dẫn người dân nộp bản photo để tìm hướng giải quyết, rồi phối hợp với các ban ngành xây dựng quy trình xử lý cụ thể".

Đồng tình, bạn đọc Thu Hằng bày tỏ: "Trong trường hợp này, công chức phụ trách nên có văn bản gửi cơ quan công an để xác minh, kèm giấy khai sinh của anh chị em ruột của người dân để đối chiếu. Sự thiếu linh động của công chức cũng là một phần nguyên nhân làm người dân thêm mệt mỏi mỗi khi đi làm giấy tờ. Nhất là các giấy tờ có liên quan đến hộ tịch".

Nhầm tên 'Điểm' thành 'Điễm': Chạy hỏi khắp nơi, chưa ai dứt điểm

Do có mâu thuẫn trong sổ hộ tịch khai tử với các giấy tờ khác khi một người có 2 tên khác dấu là 'Điểm' và 'Điễm', kéo theo nhiều rắc rối về thủ tục.