Đèn đỏ bật sáng nhưng CSGT cho đi, tài xế có bị phạt nguội?
Sau khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, mức phạt với hành vi vượt đèn đỏ tăng cao, nhiều người bày tỏ băn khoăn với các tình huống có thể nảy sinh trong khi tham giao thông.
Theo báo Vietnamnet đưa tin, khi người tham gia giao thông "vượt đèn đỏ" theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông sẽ không bị phạt.
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024 có liệu lực, trong đó mức phạt với hành vi không chấp hành tín hiệu đèn (vượt đèn đỏ) tăng cao. Nhiều người bày tỏ băn khoăn, trong trường hợp đèn đỏ bật sáng mà CSGT ra tín hiệu phương tiện di chuyển thì có bị phạt nguội?
Liên quan đến băn khoăn này, tại khoản 10 Điều 2 của Luật Trật tự, an toàn giao thông nêu, người điều khiển giao thông đường bộ bao gồm: CSGT và người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông đường bộ.
Còn tại Điều 11 của Luật này về chấp hành báo hiệu đường bộ thì người tham gia giao thông phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông; biển báo hiệu đường bộ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường...
Như vậy, với trường hợp đi đến ngã tư mà đèn đỏ bật sáng, người điều khiển giao thông là CSGT cho phương tiện di chuyển thì người tham gia giao thông phải tuân thủ theo CSGT.
Đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, trong trường hợp phạt nguội, CSGT sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản.
Đối với phạt trực tiếp, lực lượng phụ trách đèn sẽ phối hợp với CSGT tại chốt, thông báo vi phạm vượt đèn đỏ để dừng, xử lý, có gửi clip từ trung tâm cho CSGT tại chốt thông báo cho người vi phạm biết. Vậy nên khi người tham gia giao thông "vượt đèn đỏ" theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông sẽ không bị phạt.
Đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết thêm, với trường hợp lái xe không chấp hành tín hiệu đèn để nhường đường cho xe ưu tiên, xe cấp cứu… cũng sẽ không bị xử phạt do Luật xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết.
Luật này cũng nêu rõ, tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Trước đó, báo Dân trí ngày 29/12/2024 có đăng tải bài viết: "Từ ngày 1/1/2025, vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng", thông tin về mức phạt mới.
Theo Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, lỗi không chấp hành tín hiệu đèn với ô tô sẽ bị phạt từ 18 đến 20 triệu đồng. Đồng thời, nhiều lỗi vi phạm giao thông khác cũng tăng hàng chục lần.
Tối 28/12, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo vị lãnh đạo, tại Nghị định này, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao.
"Có 3 nhóm hành vi tăng mức tiền xử phạt, đó là xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như dùng biển số giả, che biển số. Nhóm thứ 2 là cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Nhóm thứ 3 là nhóm hành vi gây ra tai nạn giao thông", lãnh đạo Cục CSGT nói.
Cụ thể: Đối với ô tô, một số hành vi bị tăng mức xử phạt như: Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt 400.000-600.000 đồng (mức phạt hiện hành), còn mức phạt mới từ 1/1/2025 tăng lên 20-22 triệu đồng.
Với hành vi không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, người vi phạm bị phạt 4-6 triệu đồng theo mức phạt hiện hành, và tăng lên 18-20 triệu đồng, theo mức phạt mới.
Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mức phạt hiện hành 4-6 triệu đồng, còn mức phạt mới 18-20 triệu đồng.
Hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ bị phạt 4-6 triệu đồng (mức phạt hiện hành), còn mức phạt mới tăng lên 35-37 triệu đồng.
Hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều", mức phạt hiện hành là 4-6 triệu đồng, còn mức phạt mới là 18-20 triệu đồng...
Đối với xe máy, một số hành vi bị tăng mức xử phạt như: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt 800.000-1 triệu đồng (mức phạt hiện hành), mức phạt mới sẽ là 4-6 triệu đồng.
Hành vi điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng (mức phạt hiện hành), mức phạt mới sẽ là 4-6 triệu đồng. Hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, mức phạt hiện hành là 1-2 triệu đồng, mức phạt mới sẽ là 4-6 triệu đồng.
Hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng bị phạt từ 6-8 triệu đồng (mức phạt hiện hành), sẽ tăng lên 8-10 triệu đồng (mức phạt mới); Hành vi gây tai nạn giao thông không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất bị phạt 6-8 triệu đồng (mức phạt hiện hành), còn mức phạt mới là 8-10 triệu đồng...
Theo lãnh đạo Cục CSGT, nghị định mới được xây dựng trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế.
Tuy nhiên, về tổng thể tình hình giao thông còn nhiều vấn đề đặt ra như hạ tầng giao thông phát triển chưa tương ứng với nhu cầu, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; lượng phương tiện tăng cao mỗi năm với gần 500.000 ô tô cùng khoảng 2 triệu xe máy…
Đáng chú ý, ý thức một số người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng vi phạm còn diễn ra phổ biến.
"Để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông", lãnh đạo Cục CSGT thông tin.