Khách hàng rút tiền tại cây ATM cần chú ý: Phát hiện những dấu hiệu này phải lập tức ngừng giao dịch, khóa thẻ

Nếu kiểm tra thấy cây ATM có những dấu hiệu bất thường này, khách hàng cần nhanh chóng dừng giao dịch, khóa thẻ để đảm bảo an toàn, tránh bị kẻ gian chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/1/2025, Tạp chí Nhịp sống thị trường đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Khách hàng rút tiền tại cây ATM cần chú ý: Phát hiện những dấu hiệu này phải lập tức ngừng giao dịch, khóa thẻ". Nội dung cụ thể như sau:

Khi Tết đã cận kề, nhu cầu giao dịch tại các cây ATM tăng cao, đồng thời cũng là thời điểm các đối tượng xấu tìm cách lợi dụng cơ hội này để thực hiện những chiêu trò tinh vi như lắp đặt các thiết bị skimming để đánh cắp thông tin thẻ và chiếm đoạt tài sản của khách hàng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng trong dịp Tết.

Nhiều người đã gặp tình trạng kẻ gian rút trộm số tiền lớn mà không hay biết, do vô tình để lộ lọt thông tin bảo mật thẻ.

Ảnh minh họa.

Trước tình hình ATM skimming đang có chiều hướng gia tăng, KienlongBank khuyến cáo khách hàng thực hiện các biện pháp để giao dịch an toàn tại ATM như sau:

(1) Kiểm tra máy ATM trước khi giao dịch: Nếu phát hiện các thiết bị lạ được dán/ốp/kết nối bất thường với ATM (tại các vị trí như: đầu đọc thẻ, bàn phím,...) hoặc ATM ở tình trạng không nguyên vẹn. Trong đó, các thiết bị lạ bao gồm nhưng không giới hạn như: Camera siêu nhỏ, bàn phím giả/đầu đọc thẻ giả được dán/ốp chồng lên thì ngừng thực hiện giao dịch.

(2) Luôn luôn che bàn phím khi nhập mã PIN

(3) Quan sát xung quanh để đảm bảo việc rút tiền được thực hiện riêng tư

(4) Ưu tiên giao dịch tại máy ATM ở những địa điểm an toàn, có đủ ánh sáng và có camera an ninh hoặc đặt tại chi nhánh ngân hàng, tòa nhà có đông người qua lại

(5) Lấy lại thẻ/tiền sau khi thực hiện giao dịch 

(6) Thường xuyên kiểm tra thông báo giao dịch và mở các cài đặt trên điện thoại để luôn nhận được thông báo biến động số dư trên app hoặc email hoặc tin nhắn SMS để kịp thời phát hiện nếu có giao dịch bất thường.

(7) Trường hợp nghi ngờ thẻ bị đánh cắp thông tin tại ATM, khách hàng cần ngừng giao dịch và khóa thẻ ngay lập tức trên ứng dụng ngân hàng hoặc liên hệ ngay với tổng đài để được hỗ trợ khóa thẻ khẩn cấp; Thực hiện bật/tắt giao dịch trên ATM/POS trên ứng dụng ngân hàng; Đổi mã PIN của thẻ qua ứng dụng hoặc tại ATM để đảm bảo an toàn; Phát hành thẻ mới nếu có nghi ngờ thẻ bị lộ thông tin.

Ngoài ra, để tiện lợi và hạn chế rủi ro, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ rút tiền bằng QR code - không cần dùng thẻ vật lý, điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ rủi ro lộ thông tin thẻ. Khách hàng cũng nên cài đặt hạn mức giao dịch của thẻ ở hạn mức thấp, khi cần giao dịch hạn mức cao hơn thì cài đặt lại và chuyển trở về hạn mức thấp sau khi giao dịch hoàn tất…

Trước đó, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Từ năm 2025, có 2 thay đổi lớn về thẻ ATM, người dùng cần hiểu rõ!". Nội dung cụ thể như sau:

Thay đổi hạn mức rút tiền trên ATM

Mới đây, nhiều ngân hàng vừa thông báo điều chỉnh hạn mức giao dịch rút tiền mặt tại ATM kể từ ngày năm 2025.

Hạn mức rút tiền mặt tại một vài ngân hàng được tăng từ 5 triệu đồng lên 20 triệu đồng đối với mỗi giao dịch. Như vậy, hạn mức rút tiền tại ngân hàng này cho mỗi giao dịch đã được nâng lên gấp 4 lần.

Từ 1/2025, nhiều ngân hàng có sự thay đổi về hạn mức rút tiền trên thẻ ATM. (Ảnh minh hoạ).

Ngoài ra, hạn mức rút tiền mặt mỗi ngày tại các ngân hàng khác cũng được nâng lên gấp 5 lần, từ 20 triệu đồng lên 100 triệu đồng.

Trước đó, một ngân hàng khác cũng đã thông báo tăng hạn mức rút tiền tại ATM lên gấp đôi, từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng cho mỗi giao dịch. Chính sách này áp dụng cho các thẻ ghi nợ nội địa và thẻ ghi nợ quốc tế cá nhân do Vietcombank phát hành.

Căn cứ Điều 13 Thông tư 18/2024/TT-NHNN, quy định về hạn mức thẻ của thẻ ngân hàng như sau:

- Tổ chức phát hành thẻ thỏa thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, hạn mức chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác trong việc sử dụng thẻ đối với chủ thẻ phù hợp với quy định tại Thông tư 18/2024/TT-NHNN, quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và quy định pháp luật có liên quan.

-  Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày (căn cứ khoản 3 Điều 13 Thông tư 18/2024/TT-NHNN, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2025)

- Đối với thẻ tín dụng, tổng hạn mức rút tiền mặt tính theo mã tổ chức phát hành thẻ của thẻ tín dụng tối đa là 100 triệu đồng Việt Nam trong 01 tháng.

- Đối với thẻ trả trước, tổ chức phát hành thẻ quy định cụ thể hạn mức số dư, hạn mức nạp thêm tiền vào thẻ và hạn mức giao dịch; đảm bảo số dư tại mọi thời điểm trên một thẻ trả trước vô danh không được quá 5 triệu đồng Việt Nam;

Tổng hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch rút tiền mặt, giao dịch chuyển khoản, giao dịch thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ) trên một thẻ trả trước định danh không được quá 100 triệu đồng Việt Nam trong 1 tháng.

Không xác thực sinh trắc học sẽ ngừng giao dịch

Theo quy định, từ 1/1/2025, khách hàng có giấy tờ tuỳ thân hết hiệu lực sẽ bị dừng giao dịch chuyển tiền, rút tiền tại tất cả các kênh.

Khách hàng cá nhân và chủ thẻ doanh nghiệp chưa đăng ký sinh trắc học cũng sẽ bị dừng tất cả giao dịch trực tuyến, rút tiền tại ATM/CDM.

Theo các ngân hàng, từ 1/1/2025, nếu tài khoản ngân hàng chưa xác thực sinh trắc học, khách hàng sẽ không thể giao dịch chuyển khoản với bất kỳ giá trị nào; không thể liên kết, giao dịch thanh toán trực tuyến từ ví điện tử/tài khoản ngân hàng; Không thể nộp, rút tiền giữa ví điện tử và tài khoản ngân hàng; không thể thực hiện thanh toán chạm Apple Pay, Samsung Pay, Google Pay, Garmin Pay,…

Đối với thẻ tín dụng, từ 1/1/2025, khách hàng sẽ không thể thực hiện giao dịch thẻ khi giấy tờ tuỳ thân, giấy xác nhận cư trú hết hạn.

Trước đó, từ 1/10, khách hàng cũng không thể mở thẻ tín dụng trực tuyến, không thể gia hạn thẻ tín dụng, không thể kích hoạt thẻ tín dụng khi giấy tờ tuỳ thân/giấy xác nhận cư trú hết hạn.