Tài xế thà bỏ xe chứ không nộp phạt, Cục CSGT nêu biện pháp xử lý

Đại diện Cục CSGT cho biết, nhiều người vi phạm giao thông không đến nhận lại xe do mức phạt tiền cao hơn giá trị chiếc xe dẫn đến nhiều bãi giữ xe quá tải

Báo VTC News đưa tin "Tài xế thà bỏ xe chứ không nộp phạt, Cục CSGT nêu biện pháp xử lý" với nội dung:

Tại buổi giao lưu trực tuyến "Những điều cần biết về tăng mạnh mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168" do báo Tuổi trẻ Online tổ chức, Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua xuất hiện tình trạng nhiều người vi phạm không đến giải quyết vi phạm hành chính do nhiều lỗi có mức phạt tiền cao hơn giá trị chiếc xe. 

"Để giải quyết việc này, khi đủ thời gian đảm bảo theo quy định của pháp luật, chúng tôi lập hội đồng sung công và bán thanh lý phương tiện theo quy định, nộp tiền vào ngân sách", đại diện Cục CSGT cho hay.

CSGT niêm phong xe vi phạm.

CSGT niêm phong xe vi phạm.

Theo vị này, việc tạm giữ phương tiện để xác minh và ra quyết định xử phạt, ngăn chặn vi phạm khẩn cấp, bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Khi người điều khiển bị tạm giữ giấy phép lái xe thì sẽ không được cấp/đổi. Trên hệ thống quản lý của CSGT đã xác nhận giấy phép lái xe bị tạm giữ, người vi phạm không đến xử lý thì sẽ không có giấy phép lái xe, sẽ không có quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nguy cơ thường trực là bị xử lý rất nặng.

Đại diện Cục CSGT cho biết thêm, sau 1 tuần triển khai Nghị định 168, lực lượng CSGT toàn quốc xử lý hơn 92.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó trung bình khoảng 2.300-2.500 trường hợp/ngày vi phạm về nồng độ cồn. Đối với vi phạm không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu là 350-380 trường hợp/ngày.

Mặc dù quy định pháp luật rất khắt khe, chặt chẽ nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn cao, gần 19.000 trường hợp. Ngoài ra, vi phạm tốc độ 19.600 trường hợp, chở quá tải hơn 1.100 trường hợp.

"Có thể thấy, dù quy định xử phạt rất nghiêm khắc nhưng lượng vi phạm bị phát hiện vẫn còn cao, chứng tỏ chúng ta cần tiếp tục kiên trì, duy trì đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xử lý các trường hợp vi phạm", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.

 

Báo Dân Trí đưa tin "Việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông là rất cần thiết" với nội dung:

Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc Nghị định 168 có mức xử phạt vi phạm giao thông tăng rất cao, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết việc tăng mức xử phạt lên cao là rất cần thiết, nhằm lập lại kỷ cương trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đại tá Nhật cho biết, Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ 1/1.

Theo Đại tá Nhật, đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) theo quy định của Nghị định 168 sẽ tăng lên gấp từ 3-6 lần so với quy định trước đây.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Ảnh: Trần Thanh).

Trong đó, mức phạt đối với ô tô sẽ tăng từ 4 đến 6 triệu đồng lên từ 18 đến 20 triệu đồng; mức phạt đối với xe mô tô tăng từ 800.000-1 triệu đồng lên từ 4 đến 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe.

Theo Đại tá Nhật, hành vi vượt đèn đỏ là cực kỳ nguy hiểm, có thể xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.

"Cuối năm 2024 đã xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh 164 phương tiện vượt đèn đỏ trong khoảng thời gian hai phút tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (Hà Nội). Nhóm vi phạm chủ yếu là người sử dụng phương tiện hai bánh như: xe máy, xe máy điện, xe đạp, xe đạp điện... Do vậy, việc nâng mức xử phạt lên là cần thiết", Đại tá Nhật nói.

Theo Đại tá Nhật, thời gian qua khi xử lý người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn với mức phạt tiền cao hơn giá trị chiếc xe, đã xuất hiện tình trạng nhiều người vi phạm không đến giải quyết.

Để giải quyết việc này, theo Đại tá Nhật, khi đủ thời gian đảm bảo theo quy định của pháp luật, lực lượng chức năng sẽ lập hội đồng sung công và bán thanh lý phương tiện theo quy định, nộp tiền vào ngân sách.

CSGT dán niêm phong, tạm giữ một xe máy vi phạm (Ảnh: Trần Thanh).

Đại tá Nhật cho biết khi người điều khiển bị tạm giữ giấy phép lái xe nếu không đến nộp phạt sẽ không được cấp hoặc đổi giấy phép lái xe.

"Trường hợp trên hệ thống quản lý của CSGT đã xác nhận giấy phép lái xe bị tạm giữ mà không đến xử lý nhưng tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử lý rất nặng", Đại tá Nhật nói.