Kết quả khám nghiệm tử thi nhà văn Quỳnh Dao
Kết quả khám nghiệm tử thi sơ bộ cho thấy không có dấu vết của vụ án mạng. Thi thể của Quỳnh Dao đã được bàn giao cho gia đình để lo tang sự.
Báo ZNews ngày 05/12 đưa thông tin với tiêu đề: "Kết quả khám nghiệm tử thi nhà văn Quỳnh Dao" cùng nội dung như sau:
Theo 163, sau khi nhà văn Quỳnh Dao qua đời ngày 4/12, thi thể của bà được đưa đến Hội trường Hoài Ái Đài Bắc để khám nghiệm. Công tố viên Viện kiểm sát quận Sỹ Lâm cho biết không có dấu vết của vụ án mạng. Gia đình Quỳnh Dao không có ý kiến gì về kết quả này và thi thể của bà đã được bàn giao cho gia đình để lo tang sự.
Nguồn tin cho biết con trai và con dâu Quỳnh Dao đang túc trực bên linh cữu của mẹ, trong khi 3 con riêng từng có tranh chấp với cố nhà văn không xuất hiện. "Con trai của Quỳnh Dao vào nhà tang lễ từ cửa sau, đeo khẩu trang và mặc áo khoác đen", 163 viết.
Theo China Press, nguyên nhân Quỳnh Dao tử vong được xác định là do ngạt thở vì ngộ độc khí carbon monoxide.
Thông tin "mẹ đẻ" Hoàn Châu cách cách qua đời ở tuổi 86 gây xôn xao showbiz Hoa ngữ. Theo Sina, Quỳnh Dao trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng thuộc quận Đạm Thủy, Đài Loan (Trung Quốc). Trước khi mất, bà để lại di thư cho con trai. Mở đầu, bà viết: "Đừng khóc, đừng buồn, đừng đau lòng vì tôi. Tôi đã nhẹ nhàng bay đi".
Trong bài đăng gần nhất trên trang cá nhân, Quỳnh Dao viết: "Tôi không muốn cam chịu số phận, cũng không muốn ngày càng héo mòn. Tôi muốn đưa ra quyết định cho lần cuối cùng này".
Nhiều nghệ sĩ, khán giả không khỏi bàng hoàng. Triệu Vy, sau 3 năm ở ẩn trên Weibo, đã đăng những câu mở đầu trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, để tưởng nhớ Quỳnh Dao. Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng, Lý Mộng, Huỳnh Dịch... sốc khi hay tin. Các sao gửi lời chia buồn và mong gia đình cố nhà văn vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Quỳnh Dao sinh năm 1938, là nhà văn, biên kịch nổi tiếng Trung Quốc. Năm 1962, Quỳnh Dao khi mới 24 tuổi, đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay Thung lũng tình nhân trên tạp chí Crown. Sau đó, bà có rất nhiều tiểu thuyết được chuyển thể thành phim điện ảnh hoặc truyền hình như Hoàn châu cách cách, Dòng sông ly biệt, Một thoáng mộng mơ, Thủy vân gian, Triều thanh, Hoa mai lạc, Hải âu phi xứ... Trong đó, Hoàn Châu cách cách xếp vào hàng tác phẩm truyền hình kinh điển của màn ảnh Trung Quốc.
Trước đó, báo Lao Động ngày 04/12 cũng có bài đăng với thông tin: "Sự nghiệp của nhà văn Quỳnh Dao trước khi qua đời nghi do tự tử". Nội dung được báo đưa như sau:
Ngày 4.12, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin nhà văn Quỳnh Dao qua đời ở tuổi 86. Bước đầu, nguyên nhân cái chết của nữ nhà văn là nghi do bà tự tử. Bà để lại thư tuyệt mệnh cho con trai.
Quỳnh Dao sinh năm 1938, là nhà văn, nhà biên kịch, nhà sản xuất nổi tiếng. Bà chuyên về tiểu thuyết diễm tình dành cho độc giả nữ.
Các tác phẩm của bà được dịch và xuất bản rộng rãi ở Việt Nam từ cuối thập niên 1960. Các tác phẩm Bên dòng nước, Mùa thu lá bay, Mỏi mắt ngóng trông, Hoàn Châu cách cách, Dòng sông ly biệt, Xóm vắng... để lại nhiều dấu ấn.
Nhiều tác phẩm của bà được chuyển thể thành phim. Tiêu biểu phải kể đến phim "Hoàn Châu cách cách" từng gây sốt toàn châu Á, làm nên tên tuổi của Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng...
Hoàn Châu cách cách (phần 1 và 2)
Với sự góp mặt của Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Phạm Băng Băng, Tô Hữu Bằng và Châu Kiệt, "Hoàn Châu cách cách" được coi là là bộ phim chuyển thể thành công nhất từ tác phẩm của Quỳnh Dao.
Phần 1 khi phát sóng đã trở thành hiện tượng toàn châu Á, ghi nhận rating trung bình 47%, tập cao nhất cham mốc 62%.
Sang đến phần 2, "Hoàn Châu cách cách" còn có thành tích tốt hơn. Phim lập kỷ lục về mặt tỉ suất người xem, rating lên đến 54% và cao nhất là 65,95%.
Nội dung "Hoàn Châu cách cách" được làm theo phong cách hài hước, cài cắm nhiều tình tiết lãng mạn, đã gây bão màn ảnh khi ra mắt.
Mai hoa lạc
"Mai hoa lạc" nằm trong bộ ba tiểu thuyết "Mai hoa tam lộng" của Quỳnh Dao (hai tác phẩm còn lại là Người chồng ma và Thủy vân gian). Cả ba tác phẩm này đều được chuyển thể thành phim, nhưng "Mai hoa lạc" thành công hơn cả.
Bộ phim đưa cặp diễn viên chính Mã Cảnh Đào và Trần Đức Dung vụt sáng. Câu chuyện kể về Bạch Ngâm Sương (Trần Đức Dung) và Hạo Trinh (Mã Cảnh Đào). Ngâm Sương vốn là con gái thứ 4 của Giản thân vương.
Tuy nhiên vì khát khao có con trai để tranh sủng, mẹ của Ngâm Sương đã đánh tráo cô với một bé trai - Hạo Trinh - lúc cô mới lọt lòng. Trớ trêu thay, khi lớn lên, Ngâm Sương và Hạo Trinh lại gặp gỡ và đem lòng cảm mến nhau.
Tân dòng sông ly biệt
"Tân dòng sông ly biệt" đánh dấu sự tái hợp của nữ sĩ Quỳnh Dao cùng 3 ngôi sao nổi lên từ Hoàn Châu Cách Cách là Triệu Vy, Lâm Tâm Như và Tô Hữu Bằng.
"Tân dòng sông ly biệt" lấy bối cảnh những năm 1930, kể về gia đình họ Lục. Dàn diễn viên trẻ nổi tiếng, tạo hình đẹp, nội dung lãng mạn... giúp phim ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Ngọn cỏ ven sông
"Ngọn cỏ ven sông" là câu chuyện về hai cô gái mồ côi Thanh Thanh (Nhạc Linh) và Tiểu Thảo (Kim Minh). Thanh Thanh bị chị dâu ép lấy một ông già, trong khi Tiểu Thảo bị mẹ kế thường xuyên hành hạ. Hai cô gái không cam lòng chấp nhận sự an bài của số phận nên đã bỏ trốn, bắt đầu một hành trình nhiều gian nan.
Khi ra mắt, "Ngọn cỏ ven sông" lấy nước mắt của khán giả bởi câu chuyện éo le, bất hạnh của nhân vật chính.
Một thoáng mộng mơ
"Một thoáng mộng mơ" của Quỳnh Dao được chuyển thể thành phim 2 lần, vào năm 1995 và 2006. Phiên bản năm 1995 có sự tham gia của dàn diễn viên đẹp và tài năng như Trần Đức Dung, Tiêu Tường, Lưu Đức Khải.
Nội dung phim lãng mạn, nên thơ từng gắn với tuổi trẻ của thế hệ 7X, 8X.